1. Những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông
Trong thời gian qua, ở nước ta, tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn như Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất đáng báo động. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an thực hiện tốt chức năng tham mưu; triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc đăng ký mới 408.542 xe ô tô, 2.447.977 xe mô tô. Nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/12/2023 là 6.312.439 ô tô, 74.343.176 mô tô. Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho 7.009 xe ô tô. Bên cạnh đó, xảy ra 21.880 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 11.498 người, bị thương 15.255 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1.292 vụ (chiếm tỷ lệ 5,58%), giảm 1.891 người chết (chiếm tỷ lệ 14,12%), tăng 657 người bị thương (chiếm tỷ lệ 4,5%). Trong đó, có 34 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đường bộ, làm chết 118 người, bị thương 77 người. Tình hình ùn tắc giao thông đường bộ xảy ra với 130 vụ, tăng 52 vụ (chiếm tỷ lệ 40%) so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, phát hiện 142 vụ với 2.140 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, tạm giữ 1.682 phương tiện. Đã xử lý hình sự 35 vụ với 210 đối tượng (tổ chức đua xe trái phép: 01 vụ, 02 đối tượng; gây rối trật tự công cộng: 34 vụ với 208 đối tượng). So với cùng kỳ năm 2022, tăng 27 vụ (chiếm tỷ lệ 23,48%). Tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của cán bộ, chiến sỹ khi thi hành công vụ, cụ thể: Xảy ra 79 vụ, làm 01 đồng chí hy sinh, 44 đồng chí bị thương; bắt giữ 79 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 53 vụ (chiếm tỷ lệ 203,85%). Công an các địa phương đã xử lý hình sự 36 vụ, xử lý hành chính 02 vụ, hiện đang tiếp tục điều tra 41 vụ. Cũng trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã lập biên bản xử lý 770.374 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm tỷ lệ 23,04%), 2.935 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm tỷ lệ 0,09%), 66.153 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm tỷ lệ 1,98%), 4.629 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm tỷ lệ 0,14%), 74.997 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm tỷ lệ 2,24%), 663.022 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm tỷ lệ 19,83%)...
Trước tình hình đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đã được lực lượng Cảnh sát kinh tế tổ chức thường xuyên, tập trung vào một số nội dung như sau:
- Nội dung tuyên truyền, vận động quần chúng tập trung vào các quy định của pháp luật liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến với mọi người như quán triệt, thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về việc tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và các văn bản khác có liên quan về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…
- Quán triệt nghiêm túc, toàn diện quan điểm của Đảng, Nhà nước và Ngành Công an về công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ nói riêng trong tình hình mới, từ đó tiến hành đổi mới nội dung, hình thức biện pháp, bố trí lực lượng phương tiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tổ chức thành phong trào rộng khắp thu hút nhiều thành viên trong toàn xã hội cùng tham gia.
- Phối hợp với các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, ban, ngành liên quan thực hiện có kết quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch đề ra; kết hợp hài hòa nhiều hình thức tuyên truyền, vận động theo phương châm đa dạng hóa, sinh động hóa, gần gũi, dễ hiểu, tạo sự lôi cuốn đối với đối tượng vận động. Một trong những cách làm hay, sáng tạo là việc phối hợp tổ chức các ngày hội tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên, sinh viên, các em thiếu nhi với rất nhiều hoạt động tuyên truyền như: Thi tìm lỗi vi phạm có trong tiểu phẩm về an toàn giao thông, thi vẽ tranh tuyên truyền về an toàn giao thông, thi ráp biển báo, chạy xe trên sa bàn thực tế...; chú trọng, đẩy mạnh hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, đã tạo ra sân chơi bổ ích, đồng thời góp phần truyền tải các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông.
Có thể nói, lực lượng Cảnh sát giao thông đã luôn chủ động trong tiến hành các nội dung của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, là chủ thể phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào công tác. Với vai trò là chủ thể nòng cốt, sự đóng góp tích cực của lực lượng Cảnh sát giao thông là điều kiện quan trọng, cơ bản để tiến hành các biện pháp trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nói chung và trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nói riêng, góp phần ổn định, thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội, phục vụ đắc lực cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Một số khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như:
- Quy định pháp luật có liên quan, phục vụ công tác tuyên truyền và vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông còn vướng mắc nhất định. Một số chế định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn một số quy định thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật), đây là hai lĩnh vực lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật nên không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, dẫn đến những hạn chế nhất định khi áp dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông tiếp tục có diễn biến phức tạp. Thế nhưng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại không quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, thậm chí là gây chồng chéo giữa cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật.
- Công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Công an cấp trên trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông còn chưa đạt hiệu quả cao, chưa tranh thủ được sự lãnh đạo và sự phối hợp hỗ trợ của các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội. Chưa kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tạo ra môi trường sống lành mạnh tại các địa bàn dân cư.
- Việc sử dụng các hình thức tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa được tiến hành có trọng tâm và hiệu quả, một số hình thức tiến hành còn chưa thường xuyên và liên tục, còn dàn trải trong sử dụng các hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông với các lực lượng có liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ, chưa hoàn thiện cơ chế phối hợp tiến hành công tác này, nhất là trong công tác phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động quần chúng ở các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các cơ sở tôn giáo.
- Còn một số hạn chế về số lượng cán bộ và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ chiến sỹ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Công tác tổng kết thi đua khen thưởng và biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông
Để phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông, cần chú ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác tuyên truyền và vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Theo đó, tiến hành rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế... các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng như: Bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt “trường hợp không chấp hành văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực giao thông đường bộ” để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và hình thức xử phạt phải ngang bằng hoặc gấp đôi so với lỗi đã vi phạm; bổ sung tại khoản 2 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định cho Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ…
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản, tài liệu phục vụ tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn dựa trên quá trình điều tra, đánh giá tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi quản lý của mình.
Đặc biệt, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024 gồm 09 chương, 89 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, đã góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước; là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Công an cấp trên trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền và Công an cấp trên những chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gắn với từng địa bàn và trong từng thời điểm cụ thể.
Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sỹ tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cán bộ, chiến sỹ làm công tác tham mưu chuyên trách để thông tin, phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, giúp cán bộ, chiến sỹ làm công tác tham mưu chuyên trách kịp thời tham mưu, với lãnh đạo cấp trên đề ra các biện pháp khắc phục.
Thứ ba, chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức và biện pháp tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hoặc ngay tại trụ sở cơ quan, nơi tiếp dẫn, các khu vực công cộng các khu dân cư; nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ bằng việc lựa chọn nội dung, hình thức cho phù hợp với từng đối tượng mà công tác vận động hướng đến, thường xuyên cập nhật những thông tin mới, những vụ việc mang tính chất điển hình, gần với người dân để người dân nhanh chóng nắm bắt; làm tốt công tác chuẩn bị tuần tra, kiểm soát để bảo đảm cho hoạt động tuần tra, kiểm soát diễn ra được thuận lợi và đạt hiệu quả cao trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức có liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thông qua một số hoạt động cụ thể như: Thực hiện hiệu quả công tác cung cấp, trao đổi thông tin với các cơ quan báo, đài trong tổ chức các chương trình vận động, tuyên truyền, thông tin về pháp luật và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh trong xây dựng các pano, tài liệu, áp phích, bản ảnh, chương trình vận động ở các địa điểm cụ thể, gắn trên từng tuyến đường giao thông, nơi thường xuyên có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; duy trì việc thực hiện công tác phối hợp với các lực lượng trong và ngoài Ngành Công an trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
Thứ năm, tổ chức các lớp tập huấn về văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát giao thông một cách thường xuyên và có kế hoạch cụ thể. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ để tạo nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn; tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý cán bộ, kiểm tra thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong công tác này để rút ra kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, cần đầu tư nguồn kinh phí nhằm đổi mới tài liệu sách báo, trang thiết bị phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng để tạo sự mới mẻ, sinh động, giúp cho công tác đạt hiệu quả tối ưu.
Thứ sáu, trong các giờ cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng các tổ chức, lực lượng nòng cốt này để điều hòa giao thông chống tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông đường bộ, cấp cứu người bị nạn, bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên những tuyến và địa bàn trọng điểm; phối hợp với các tổ chức quần chúng nòng cốt để tích cực lên án, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật giao thông, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn, kiên quyết đấu tranh với những sơ hở, thiếu sót trong công tác của lực lượng chức năng, đóng góp những ý kiến, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn.
Thứ bảy, chú trọng thực hiện công tác sơ kết quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo từng tháng, từng quý, sau đó tổng hợp kết quả và đưa vào báo cáo tháng, tiếp đến là báo cáo năm của đơn vị. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các hội nghị tổng kết đánh giá quá trình thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các buổi họp hội ý, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác, phát huy nhân rộng các mô hình, giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ./.
Đại úy, ThS. Lê Văn Có
Khoa Luật, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)