1. Công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2024 bảo đảm thực chất, mang tính bền vững và tăng đều trên tất cả các phương diện
Hệ thống thi hành án dân sự trong năm 2024 đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định được vai trò quan trọng của hệ thống thi hành án dân sự trong việc bảo đảm thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về khối lượng công việc cũng như tính chất phức tạp của các vụ việc phải thi hành. Trước thực tế số lượng biên chế làm công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính liên tục bị cắt giảm theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong khi đó, số lượng việc và số tiền phải thi hành ngày càng gia tăng mạnh, với yêu cầu, đòi hỏi cao về tiến độ, chất lượng thực hiện, nhưng toàn hệ thống thi hành án dân sự vẫn chứng minh được sự hiệu quả, tinh thần trách nhiệm cao và khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh xã hội của mình.
Cụ thể, năm 2024, tổng số việc phải thi hành trong toàn hệ thống thi hành án dân sự là 1.021.783 việc, tăng 10,79% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, số việc có điều kiện thi hành là 739.974 việc, đã thi hành xong 620.657 việc, đạt tỷ lệ 83,88% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tổng số tiền phải thi hành là 494.893 tỷ 754 triệu 935 nghìn đồng, tăng 27,38% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, số tiền có điều kiện thi hành là 224.775 tỷ 432 triệu 442 nghìn đồng và đã thi hành xong 116.531 tỷ 786 triệu 859 nghìn đồng. Để đạt được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống thi hành án trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc tăng cao và yêu cầu về chuyên môn đối với cán bộ trong hệ thống thi hành án ngày càng được yêu cầu khắt khe. Đặc biệt, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đạt giá trị 22.177 tỷ 138 triệu 250 nghìn đồng, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và khắc phục thất thoát tài sản Nhà nước. Trong lĩnh vực thi hành án hành chính, các cơ quan thi hành án đã xử lý 896 bản án, quyết định, tăng 73,7% so với năm trước đó. Kết quả này không chỉ thể hiện việc nâng cao năng lực xử lý của hệ thống thi hành án dân sự mà còn phản ánh sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với việc thực hiện các bản án, quyết định hành chính. Công tác cưỡng chế thi hành án tiếp tục được triển khai quyết liệt với 18.851 quyết định được ban hành, tăng 24,08% so với năm 2023. Trong số này, các quyết định không huy động lực lượng chiếm đa số là 15.100 trường hợp, cho thấy sự tập trung vào các biện pháp cưỡng chế ít gây áp lực lên lực lượng chức năng nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả thực hiện. Về quản lý và chỉ đạo, hệ thống thi hành án dân sự đã có những đổi mới trong phương thức điều hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Sự đột phá trong công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy đang được khẩn trương nghiên cứu, triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương đã tạo nền tảng cho các kết quả tích cực đạt được trong năm qua. Các cơ quan thi hành án đã nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong việc giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm như xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua việc công khai các thông tin thi hành án trên Trang/Cổng thông tin điện tử thi hành án dân sự đầy đủ.
Có thể khẳng định, các kết quả đạt được trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2024 bảo đảm thực chất, mang tính bền vững và tăng đều trên tất cả các phương diện đã đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ chung của bộ, ngành Tư pháp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
2. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự năm 2024
Mặc dù công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả tích cực so với các năm trước đây, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Thứ nhất, việc xử lý vật chứng và tài sản trong các vụ án lớn còn chậm trễ. Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng, tài sản thường có số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, nằm tại nhiều địa phương khác nhau và liên quan đến các vấn đề pháp lý phức tạp. Tình trạng thiếu thông tin hoặc cơ sở pháp lý chưa đầy đủ càng khiến quy trình xử lý kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi hành án. Bên cạnh đó, một số quyết định thi hành án chưa bảo đảm tính chính xác, dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo và kiến nghị kéo dài. Điều này không chỉ phản ánh sự bất cập trong quá trình ban hành quyết định mà còn cho thấy sự thiếu sót trong khâu giám sát, kiểm tra. Tình trạng này làm giảm hiệu quả thi hành án, đồng thời tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.
Thứ hai, quá tải trong việc xử lý các vụ án có điều kiện thi hành. Số lượng đương sự quá nhiều, phân bổ tại nhiều địa phương khác nhau đã làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt, trong khâu thông báo cho đương sự theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại các cơ quan thi hành án dân sự không đủ để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng, dẫn đến việc chậm trễ trong việc xử lý và ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trước hết, số lượng vụ việc và giá trị tài sản phải thi hành ngày càng tăng cao, đặc biệt, các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, gây áp lực nặng nề lên hệ thống thi hành án dân sự. Tiếp đến là các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là các quy định liên quan đến kê biên, xử lý tài sản như các dự án hình thành trong tương lai, quyền khai thác khoáng sản, các tài sản là cổ phần, cổ phiếu bán đấu giá hoặc giảm giá... còn chưa đồng bộ và phù hợp với thực tế. Cuối cùng là sự thiếu chặt chẽ trong một số quy trình pháp lý cũng tạo ra những rào cản không nhỏ cho quá trình thi hành án.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong một số trường hợp chưa đạt được sự hiệu quả cần thiết. Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ trong xử lý các vụ việc phức tạp, nhất là những vụ án cần có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng để bảo đảm tính toàn diện. Thêm vào đó, năng lực, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, chấp hành viên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, dẫn đến sai sót trong xử lý vụ việc và làm giảm hiệu quả chung của hệ thống. Kỷ cương hành chính tại một số đơn vị chưa cao và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ. Những tồn tại, hạn chế này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong năm 2024 mà còn đặt ra những thách thức lớn trong toàn hệ thống thi hành án dân sự trong các năm tiếp theo.
3. Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025
Trong năm 2025, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nước ta. Trước tình hình đó, để tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế đã được nhận diện trong công tác thi hành án năm 2024, Bộ Tư pháp xác định tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác đã ban hành, trong đó tập trung vào các giải pháp quan trọng sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác thi hành án dân sự, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và Quy định số 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 của Bộ Chính trị về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trọng tâm là xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng. Quá trình thực hiện cần bám sát các chính sách đã được Chính phủ thông qua: người được thi hành án dân sự có quyền chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự; khắc phục triệt để những nhược điểm đang cản trở, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác thi hành án dân sự; xác định đúng vai trò, quyền hạn của Chấp hành viên trong trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong tổ chức thi hành án như Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; quy định đầy đủ, đồng bộ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đối với các cơ quan khác có liên quan trong từng giai đoạn thi hành án; đơn giản hóa thủ tục thi hành án và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục thi hành án dân sự. Tích cực, chủ động trong công tác phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành liên quan sơ kết, tổng kết, đánh giá, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập có liên quan trong các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản... và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về quản lý, xử lý vật chứng, tài sản, giám định tư pháp, định giá tài sản...
Ba là, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, thi hành án hành chính, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương đôn đốc, đề ra các giải pháp nhằm thi hành nghiêm, có hiệu quả các bản án, quyết định hành chính. Thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra liên ngành về công tác thi hành án hành chính tại các địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao kết quả, hiệu quả thi hành án hành chính. Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, đồng thời, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trên phạm vi cả nước một cách hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính phát sinh trên thực tế.
Bốn là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, nhất là việc tiếp công dân định kỳ của Thủ trưởng đơn vị theo đúng quy định; tăng cường tổ chức đối thoại với đương sự, chú trọng về chất lượng trong tất cả các buổi tiếp công dân. Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn, không để xảy ra tình hình phức tạp, kẻ xấu lợi dụng kích động; giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định pháp luật, phù hợp tình hình thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay khi mới phát sinh từ cơ sở, tránh phát sinh việc công dân khiếu kiện đông người, phức tạp, gây mất an ninh, trật tự; phân tích rõ vụ việc, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể để giải quyết tận gốc vấn đề.
Năm là, thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thi hành án dân sự nhằm cải cách hành chính, tăng cường quản lý các mặt công tác của ngành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Những giải pháp trên không chỉ nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện tại mà còn hướng tới việc xây dựng một hệ thống thi hành án dân sự hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch hơn trong tương lai. Việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao vị thế của bộ, ngành Tư pháp trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Hoàng Trung
(Số liệu trong bài viết được sử dụng từ Tài liệu “Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025” của Bộ Tư pháp, diễn ra ngày 02/12/2024).