1. Đặt vấn đề
Theo Luật Tố cáo năm 2018, loại hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo (tạm gọi là đối tượng tố cáo) bao gồm hai nhóm: (i) Hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (ii) Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Về bản chất, mỗi loại đối tượng tố cáo có những khác biệt nhất định về nội dung tố cáo, chủ thể bị tố cáo, mục đích của việc tố cáo. Từ đó dẫn đến việc xác định và phân loại một cách rõ ràng đối tượng tố cáo theo hai loại trên không những có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận mà còn là thực tiễn áp dụng pháp luật tố cáo liên quan đến vấn đề về xác định thẩm quyền giải quyết, trình tự, thủ tục giải quyết tương ứng cũng như thời hạn và xử lý kết luận nội dung tố cáo. Vốn dĩ, việc giải quyết tố cáo là xem xét, kiểm tra, truy tìm chứng cứ chứng minh và áp dụng quy định pháp luật để xác định hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, từ đó xác định loại đối tượng tố cáo do chủ thể bị tố cáo thực hiện có thực sự vi phạm pháp luật hay không. Trong khi đó, để thực hiện được điều này cần có những biện pháp chuyên môn nghiệp vụ khác nhau phụ thuộc rất nhiều vào loại đối tượng tố cáo tương ứng. Về mặt pháp lý và thực tiễn, việc phân định một cách rõ ràng khi nào là hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, khi nào là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đôi lúc còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, kéo theo hệ quả là việc xác định các nội dung như thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn… cũng gặp nhiều trở ngại, đôi lúc là chưa phù hợp. Điều này đặc biệt dễ thấy đối với những tố cáo trong đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Bởi lẽ, hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập mang tính chuyên môn, kỹ thuật của ngành, lĩnh vực - đặc điểm của hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Đồng thời được thực hiện bởi những chủ thể được Nhà nước trao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định để thực hiện nhiệm vụ, công vụ - đặc điểm của hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Trong phạm vi giới hạn, bài viết nêu khái quát những điểm tương đồng và khác biệt giữa đối tượng tố cáo gồm hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước ở các lĩnh vực. Đồng thời chọn mẫu đối tượng tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục của đơn vị sự nghiệp công lập để từ đó đề xuất cách thức phân định các đối tượng tố cáo, hướng đến việc áp dụng pháp luật tố cáo trên thực tiễn đáp ứng nguyên tắc của Luật Tố cáo năm 2018 là việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật (Điều 4).
2. Những tương đồng, khác biệt trong tố cáo, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; khảo sát một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục của đơn vị sự nghiệp công lập
Thứ nhất, xét về bản chất, bất kể là tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ hay tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thì đối tượng của tố cáo đều là hành vi vi phạm pháp luật nói chung, mang đầy đủ các yếu tố cấu thành của hành vi vi phạm pháp luật bao gồm 04 mặt khách quan, chủ quan, khách thể và chủ thể[1].
Thứ hai, quy định của Luật Tố cáo năm 2018 đối với hai loại đối tượng tố cáo này đều có những nét tương đồng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố cáo. Chẳng hạn, người tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ hay tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đều có quyền được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được thông báo về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo như về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo… và có các nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo… (Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018). Tương tự, người bị tố cáo có các quyền được giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật… và thực hiện nghĩa vụ có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền… (Điều 10 Luật Tố cáo năm 2018). Hay người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có các quyền như tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo… và có nghĩa vụ không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo… (Điều 11 Luật Tố cáo năm 2018).
2.2. Điểm khác biệt
Thứ nhất, về mặt thuật ngữ, Luật Tố cáo năm 2018 có sự giải thích khác nhau đối với hai loại đối tượng tố cáo này, cụ thể: (i) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây: “a) Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; b) Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; c) Cơ quan, tổ chức” (khoản 2 Điều 2); (ii) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (khoản 3 Điều 2).
Theo giải thích này, có thể nhận thấy điểm khác biệt cơ bản giữa tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như sau:
Về chủ thể bị tố cáo: Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì người bị tố cáo phải là cá nhân, cơ quan, tổ chức được Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trao quyền như các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan khác của Nhà nước và người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong các cơ quan, tổ chức đó. Trong khi đó, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có chủ thể bị tố cáo ở phạm vi rộng hơn, bao gồm bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào (cả các chủ thể thuộc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngoài xã hội…) về việc chấp hành quy định của pháp luật chuyên ngành, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Về tính trái pháp luật của hành vi bị tố cáo: Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì hành vi bị tố cáo phải trái quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, chủ thể được Nhà nước trao quyền và quy định về nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền gắn liền với nhiệm vụ, công vụ đó. Chẳng hạn như trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thu hồi đất và bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết hồ sơ hành chính nhà đất…; việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực; việc quy hoạch xây dựng và tổ chức thi công xây dựng công trình công cộng… Trong khi đó, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thì hành vi bị tố cáo phải mang tính trái pháp luật chuyên ngành như pháp luật về đất đai, về xây dựng, về tài chính, về doanh nghiệp, về chứng khoán, về kinh doanh bất động sản…
Thứ hai, các quy định khác của Luật Tố cáo năm 2018 đối với hai loại đối tượng tố cáo này đều có những nét khác biệt về các nội dung sau:
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Hành vi vi phạm bị tố cáo rất đa dạng, có tính chất và mức độ nguy hiểm rất khác nhau cho nên việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan, tổ chức[2]. Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được xác định trên nhiều nguyên tắc khác nhau. Trước hết là mang tính trực thuộc về quản lý, bổ nhiệm, thông thường sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết. Ngoài ra, căn cứ để xác định thẩm quyền giải quyết còn phụ thuộc vào thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo như tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo xảy ra tại cơ quan, tổ chức nhưng nay đã được hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc giải thể… Bên cạnh đó, nguyên tắc về cấp bậc hành chính cũng được áp dụng như trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết… (Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018).
Khác với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực lại căn cứ vào nội dung của hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. Trường hợp tố cáo nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để thống nhất xác định cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết (Điều 41 Luật Tố cáo năm 2018).
Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo: Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì việc giải quyết tố cáo phải đảm bảo đầy đủ các bước như thụ lý tố cáo, xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo, xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo (từ Điều 28 đến Điều 40 Luật Tố cáo năm 2018). Tuy nhiên, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực lại mở ra “sự lựa chọn có điều kiện” dành cho người giải quyết tố cáo. Cụ thể là trình tự, thủ tục thông thường và trình tự, thủ tục rút gọn. Hai loại hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo có những nội dung giống nhau nhưng cũng có những điểm khác nhau về đối tượng tố cáo, nội dung tố cáo, hành vi vi phạm không trực tiếp mà trong nhiều trường hợp là trách nhiệm quản lý[3]. Theo đó, đối với trình tự, thủ tục thông thường được thực hiện như giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng việc xử lý hành vi vi phạm đó còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, thời hạn giải quyết tố cáo không được vượt quá thời hạn xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Về trình tự, thủ tục rút gọn được áp dụng khi có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay[4].
2.3. Khảo sát một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục của đơn vị sự nghiệp công lập
Từ những điểm tương đồng và khác biệt như trên, dẫn đến giữa hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực luôn có sự giao thoa, đan xen và trên thực tế việc phân định rạch ròi trong mọi trường hợp là thực sự rất khó khăn. Để minh chứng, tác giả chọn mẫu để khảo sát đối với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Không khó để nhận thấy rằng, một số hành vi vi phạm trong các tổ chức này có nhiều điểm tương đồng và rất khó xác định cụ thể đâu là hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và đâu là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Tác giả chọn lọc một số hành vi vi phạm điển hình để làm cơ sở nghiên cứu và khẳng định cho nhận định trên là có cơ sở. Cụ thể, theo Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có một số hành vi vi phạm pháp luật điển hình như sau:
- Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh (Điều 8), đối tượng tuyển sinh (Điều 9), chỉ tiêu tuyển sinh (Điều 10), tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học (Điều 15).
- Vi phạm quy định về cấp và quản lý văn bằng, chứng chỉ (Điều 21).
- Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ (Điều 23).
- Vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo (Điều 24), vi phạm quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên, giảng viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục (Điều 25).
- Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ người học (Điều 27).
- Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học (Điều 21).
3. Nhận định chung về việc phân định dựa trên kết quả khảo sát và một số kiến nghị
Xét về mặt lý luận, không thể loại trừ trường hợp một hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức trong lĩnh vực chuyên ngành đồng nhất với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó. Bởi lẽ, việc được cơ quan, tổ chức mang quyền lực nhà nước trao nhiệm vụ, quyền hạn cho đơn vị sự nghiệp công lập hoặc viên chức trực thuộc nó và hành vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên có được xem là một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó hay không là hai phạm trù khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ. Có trường hợp hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được quy định là hành vi vi phạm hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức, viên chức trực thuộc nó nhưng có trường hợp lại không, điều này phụ thuộc vào quy định của Chính phủ trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời cũng có trường hợp hành vi vi phạm hành chính không đồng thời là hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ bởi chủ thể thực hiện nó không phải là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức, viên chức trực thuộc nó. Như vậy, mối quan hệ giữa hai phạm trù hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức, viên chức trực thuộc nó và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà đơn vị sự nghiệp công lập này hoạt động có sự giao thoa, đan xen.
Các hành vi vi phạm được nêu trong khảo sát thực khó để phân định trường hợp nào là hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trường hợp nào là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Điều này không những gây khó khăn cho chính bản thân người tố cáo khi thực hiện việc tố cáo mà còn dẫn đến các chủ thể tiếp nhận tố cáo cũng khó để xử lý sao cho phù hợp theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nếu việc xác định sai loại hành vi bị tố cáo dẫn đến không chỉ thẩm quyền giải quyết tố cáo mà còn là trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo cùng các hệ quả kéo theo cũng không phù hợp theo quy định của pháp luật. Như vậy, vấn đề đặt ra là, cần phải tìm cách phân định trong trường hợp nào hành vi bị tố cáo được xem là hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trong trường hợp nào được xem là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Trong khi đó, việc chuyển tải nội dung phân định hai hành vi này vào điều khoản giải thích từ ngữ của Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 chưa thật sự cụ thể và rõ ràng để áp dụng trên thực tiễn. Mặt khác, cũng quy định này lại đồng nghĩa với việc xem hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là hai phạm trù hoàn toàn độc lập, nghĩa là một hành vi chỉ có thể hoặc là vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hoặc là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Điều này là khác biệt với kết quả khảo sát một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục như đã đề cập.
Thiết nghĩ rằng, hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được xem xét xử lý theo thủ tục hành chính, căn cứ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để xử lý hành vi vi phạm. Nói cách khác, loại hành vi này không liên quan đến yếu tố trách nhiệm công vụ mà gắn liền với trách nhiệm pháp lý hành chính dựa trên nền tảng hành vi vi phạm pháp luật hành chính do các chủ thể thực hiện. Do đó, nên chăng cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật nói chung trong các lĩnh vực khác nhau để có thể đi đến kết luận cuối cùng về nội dung này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng đặt ra vấn đề về việc có thể hướng đến quy định hướng dẫn chi tiết về việc phân định cũng như cách thức áp dụng của pháp luật tố cáo trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đồng thời được quy định là hành vi vi phạm hành chính (đối tượng giải quyết tố cáo về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực). Theo tác giả, đối với những loại hành vi nào đã được xác định là hành vi vi phạm pháp luật hành chính được ghi nhận trong các văn bản khác nhau (nghị định xử phạt vi phạm hành chính) thì các hành vi này nếu bị tố cáo sẽ được xếp vào nhóm hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Đối với các hành vi khác nhưng không được liệt kê là loại hành vi vi phạm pháp luật hành chính thì xác định đó là hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (chỉ áp dụng đối với các chủ thể bị tố cáo được liệt kê theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 như cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ…). Qua đó tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để các chủ thể áp dụng pháp luật được thống nhất, hiệu quả khi xác định chính xác loại đối tượng tố cáo./.
ThS. Võ Tấn Đào
Khoa Luật hành chính - nhà nước,
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1] Nguyễn Văn Động, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật (dành cho đào tạo đại học, sau đại học và trên đại học ngành luật), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, Hà Nội, tr. 442 - 443.
[2] Thanh tra Chính phủ, Tìm hiểu pháp luật về tố cáo (Tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn), 2014, Hà Nội, tr. 23.
[3] Trần Huy Liệu, “Góp ý về trình tự, thủ tục tố cáo và giải quyết tố cáo trong Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi)”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11 (339) T6/2017, tr. 32.
[4] Xem thêm quy định tại Điều 43 Luật Tố cáo năm 2018.