Phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định rõ các chính sách đặc thù cần được áp dụng, quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan và trình tự, thủ tục thực hiện để vừa thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố vừa có cơ chế để tổ chức thực hiện và kiểm soát việc thực thi. Sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, được thể hiện rõ nét ở những nội dung như sau:
Cho phép Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch (Điều 17).
Phân quyền cho Ủy ban nhân dân Thành phố được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn Thành phố, yêu cầu đối với việc phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm và giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.
Phân quyền cho Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập (điểm a khoản 1 Điều 24); quy định một số cơ chế đặc thù đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại khu công nghệ cao, trong đó bao gồm cả các cơ chế áp dụng đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (khoản 2 Điều 24).
Cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của Thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ (Điều 36).
Dự thảo Luật cũng phân quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án theo hình thức đối tác công - tư PPP (bao gồm các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD) không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương mà không bị giới hạn về tổng mức đầu tư; được quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, ban hành phương thức thanh toán áp dụng riêng cho thành phố Hà Nội (Điều 37).
Tiếp tục hoàn thiện quy định trong dự thảo, nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng tình, thống nhất cao với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời đưa ra một số góp ý hoàn thiện dự thảo. Trong đó, việc phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô lĩnh vực đầu tư, quy hoạch được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý, cụ thể:
Về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô (Điều 17)
Về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô tại Điều 17, Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung cụm từ “môi trường sống trong lành” tại khoản 1 và viết lại khoản này như sau: “Quy hoạch chung thủ đô phải đảm bảo xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường sống trong lành, phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân được sống trong môi trường xanh, sạch, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có những sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hoạt động thường ngày của người dân”.
Về quản lý, sử dụng không gian ngầm (Điều 19)
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nhất trí với nội dung quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Những quy định này đã kế thừa một số nội dung của Luật thủ đô năm 2012 và đã có sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vấn đề bất cập, trong đó quy định về việc tổ chức, thực hiện quy hoạch khu sông Hồng, sông Đuống được phân cấp cho Hà Nội chủ động thực hiện. Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng không gian ngầm được quy định tại Điều 19 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), theo đại biểu, hiện nay, không gian ngầm phải được quản lý, sử dụng có hiệu quả và đây chính là nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội. Để Hà Nội có thể thực hiện nhanh nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đối với Luật Đất đai năm 2024 trong giai đoạn hiện nay cần tích hợp với các quy định về giá đất, trường hợp miễn giảm tiền sử dụng không gian ngầm,…
Theo Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 về việc phê duyệt quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội trở thành đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm, mở ra một giai đoạn phát triển của thủ đô theo chiều ngang, chiều cao và cả chiều sâu, tạo một hế thống không gian đô thị đồng bộ, góp phần khai thác đô thị hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai, năng lực cơ sở hạ tầng, giữ gìn cảnh quan văn hóa, tăng diện tích xanh, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông,… hướng tới phát triển đô thị hiện đại, bền vững. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị quy định rõ hơn trong dự thảo Luật này các chính sách ưu tiên phát triển không gian ngầm.
Về phát triển các khu công nghệ cao (Điều 24)
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, đồng thời hoàn thiện các biện pháp đặc thù để khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý, tương xứng với vị trí, vai trò. Đại biểu Lý Thị Lan bày tỏ tán thành với các quy định tại khoản 1 Điều 24 về phân quyền cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập phù hợp với năng lực, nhu cầu phát triển của Thủ đô. Đại biểu cũng đồng tình cao với nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án, hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao, các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các khu công nghệ cao. Đồng tình cao với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của dự thảo Luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 giúp cho khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội, lợi thế để phát triển. Đồng thời, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, Luật Thủ đô cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại khu công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Liên quan đến điểm b khoản 2 Điều 24 quy định về việc cho phép thực hiện hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với đất ở khu công nghệ cao, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị cần bổ sung thẩm quyền ai sẽ quyết định danh mục dự án này để tổ chức đấu thầu. Đồng thời đề nghị rà soát khoản 2 để đảm bảo tính tương thích với Luật Đất đai vì theo tinh thần của Luật Đất đai tiếp cận theo nguyên tắc, ngoài trường hợp đấu thầu thì sẽ thực hiện đấu giá, do đó, cần thể hiện rõ tinh thần này của Luật Đất đai vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Với cơ chế, chính sách như vậy, Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng Hà Nội sẽ có bước phát triển rất đột phá. Đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng góp ý, đối với điểm b khoản 5 Điều 54 về việc quản lý, sử dụng đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đối với diện tích đất đã được đầu tư hạ tầng nhưng chưa cho thuê đất, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện việc thu hồi đất và cho thuê đất trực tiếp với các nhà đầu tư thì đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu quy định như trên sẽ dễ dẫn đến hiểu nhầm và đề nghị cân nhắc chỉnh sửa. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung khoản 5 vào Điều 28 quy định giao cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Về phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) (Điều 31)
Về việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nhất trí với Điều 31 dự thảo Luật lần này, đại biểu đánh giá đây là vấn đề mới và sẽ tạo ra đột phá để phát huy nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị.
Về thẩm quyền đầu tư (Điều 37)
Về thẩm quyền đầu tư được quy định tại Điều 37, đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị cân nhắc nội dung điểm a khoản 2 Điều 37 quy định Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công,…
Chú trọng đầu tư và phát triển Thủ đô như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định bày tỏ đồng tình và đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Hồ sơ dự thảo Luật đã chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thể hiện được tinh thần chỉ đạo của trung ương và kết luận của Bộ Chính trị về tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô. Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, đại biểu cho rằng cần phải chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt. Dự thảo Luật quy định Thủ đô là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị.
Bổ sung quy định thu hút đầu tư
Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển, đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như “trái tim của cả nước”. Do đó, đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý một số nội dung: Đề nghị bổ sung khoản 7 Điều 3 quy định: “Khu vực đặc quyền kinh tế là khu vực xác định trong quy hoạch chung Thủ đô, có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai và đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào những khu vực được quy hoạch, thúc đẩy kinh tế Thủ đô. Bổ sung khoản 5 Điều 10 theo hướng: “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có quyền đề xuất và thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững, nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô”. Về chính sách đặc thù (Điều 34), đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị nghiên cứu bổ sung 01 khoản hoặc sửa đổi, bổ sung tại Điều 34 khái quát theo hướng: “Thủ đô Hà Nội được áp dụng các chính sách đặc thù về tài chính, đất đai và đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư công và tư nhân”.
Cần quy định cụ thể, rõ ràng về chiến lược, quy hoạch
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự đồng tình cao với dự án Luật sửa đổi lần này, đại biểu hi vọng Luật sửa đổi lần này với những chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ tạo động lực để thủ đô Hà Nội bứt phá, trở thành một thủ đô trong tầm cỡ khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể liên quan đến quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch. Đại biểu phân tích, so với thế giới, Hà Nội vẫn còn thiếu vắng những công trình mang tính điểm nhấn để thu hút khách du lịch, để lại dấu ấn về thủ đô trong lòng du khách. Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Hà Nội có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn của khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng đề cập đến một số vấn đề khác như:
Về việc cho phép cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó; viên chức làm việc tại đây được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ cơ bản nhất trí việc bổ sung quy định này, điều đó góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đưa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ nhanh chóng đi vào thị trường, gắn với thực tế đời sống kinh tế - xã hội, qua đây hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô. Chính sách này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm và chu trình sản xuất ngày càng được rút ngắn, sự phát triển và mở rộng ngày càng nhanh quy mô mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để bảo bảo tính khả thi của chính sách, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Về mở rộng lĩnh vực Hội đồng nhân dân thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, áp dụng trên địa bàn thành phố và về áp dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cơ bản thống nhất với hướng quy định này, đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng và tránh trường hợp áp dụng tùy tiện. Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị cần rà soát quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong dự thảo Luật.
Uyên Nhi
Ảnh: internet