Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các văn bản pháp luật quốc tế về quyền con người. Trên cơ sở đó, đánh giá các kết quả đạt được của Nhà nước ta trong thực hiện và bảo đảm các cam kết quốc tế về quyền con người.
Abstract: The article analyzes the current legal provisions on the application of administrative handling measures on the basis of collation, comparison with international legal documents on human rights. On that basis, it evaluates the results achieved by our State in implementing and ensuring international commitments on human rights.
1. Nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định: Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân là công dân Việt Nam vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được hiểu là hệ thống các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và xuyên suốt quá trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 04 nguyên tắc khi áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là: (i) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; (ii) Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; (iii) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; (iv) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Bên cạnh mục tiêu bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, các nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý hành chính nêu trên đã bảo đảm được mục tiêu của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, các biện pháp xử lý hành chính đều là các biện pháp tác động trực tiếp đến quyền tự do, quyền con người và quyền công dân của đối tượng bị áp dụng. Vì vậy, nguyên tắc cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tránh được sự tùy tiện và lạm quyền của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền khi áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Thứ hai, nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đòi hỏi cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Khi quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính cần căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Điều này, bảo đảm được quyền bình đẳng trước pháp luật và không phân biệt đối xử của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).
Thứ ba, quy định nguyên tắc trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính thuộc về người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã khẳng định trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc thu thập hồ sơ, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm. Việc thực hiện nguyên tắc này cũng chính là bảo đảm sự khách quan, công bằng, đúng pháp luật của việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tránh được những sai sót và sự áp đặt ý chí chủ quan của người có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Qua đó, quyền của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cũng được bảo đảm và không bị xâm phạm.
2. Đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
2.1. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định cụ thể tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với 06 nhóm đối tượng, trong đó, chủ yếu được áp dụng đối với nhóm đối tượng là người chưa thành niên vi phạm hành chính với lỗi cố ý, bao gồm: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép…
2.2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Đây là biện pháp cách ly người chưa thành niên khỏi môi trường gia đình và xã hội. Do đó, đối tượng bị áp dụng biện pháp này cũng hạn chế hơn so với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, bao gồm:
- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Để phù hợp với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính và chính sách nhân đạo của Nhà nước, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 03 trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đó là: Người không có năng lực trách nhiệm hành chính; người đang mang thai, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
2.3. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để lao động, học văn hóa, học nghề, sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc.
Khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc gồm:
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không phải là tội phạm và không có nơi cư trú ổn định;
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 6 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2.4. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc các trường hợp: (i) Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; (ii) Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; (iii) Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; (iv) Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện (Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021).
Có thể thấy rằng, quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành về đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đã bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. Nhìn từ khía cạnh bảo đảm quyền con người, có thể thấy, việc quy định đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là kết quả của quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta về cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính. Có thể kể đến một số kết quả sau:
Thứ nhất, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định cụ thể các nhóm đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, các đối tượng không được áp dụng biện pháp xử lý hành chính làm căn cứ để người có thẩm quyền quyết định áp dụng từng biện pháp xử lý hành chính trong từng trường hợp cụ thể, những quy định này đã tạo ra sự công khai, minh bạch và tránh sự tùy tiện, lạm quyền của cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ.
Thứ hai, pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính (từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1995 đến Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020) đã thu hẹp dần các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với đối tượng là người từ đủ 12 tuổi. Những thay đổi trong chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi là sự tiến bộ của pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong việc bảo đảm quyền của trẻ em vì độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là độ tuổi còn quá nhỏ để có thể nhận thức và chịu trách nhiệm về hành vi mà mình gây ra. Trong đa số trường hợp các em ở độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi vi phạm hành chính là các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ, là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc điều kiện kinh tế, xã hội quá khó khăn… Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng hoặc người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy là chưa thực sự cần thiết.
3. Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như vậy, trong 04 biện pháp xử lý hành chính, chỉ có biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn - biện pháp xử lý hành chính duy nhất mà đối tượng bị áp dụng không bị cách ly khỏi cộng đồng, thẩm quyền quyết định áp dụng được trao cho người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã), 03 biện pháp còn lại (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) là những biện pháp hạn chế trực tiếp quyền tự do của đối tượng bị áp dụng, thẩm quyền được trao cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Nội dung này được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, bởi vì việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa được tham gia bảo vệ quyền lợi của đương sự cũng như bảo đảm tính khách quan, dân chủ trong giải quyết vụ việc[1].
4. Thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc (Nghị định số 140/2021/NĐ-CP); Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Dưới góc độ bảo đảm quyền con người, các quy định của pháp luật về nội dung này có một số điểm tiến bộ sau:
Thứ nhất, các quy định của pháp luật hiện hành đã bảo đảm được sự tham gia của người bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phải có nhận xét của nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người chưa thành niên đang học tập, làm việc (nếu có), ý kiến của cha mẹ, người giám hộ. Cơ quan lập hồ sơ đề nghị phải thông báo cho người bị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ để những người này đọc hồ sơ và ghi chép những nội dung cần thiết. Trên cơ sở xem xét các tài liệu trong hồ sơ, người bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có thể chuẩn bị ý kiến để tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong cuộc họp tư vấn trong trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và trước Tòa án trong trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ hai, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện của cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Theo đó, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về tố cáo[2]. Ngoài ra, cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Những quy định này đã bảo đảm đầy đủ các quyền của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực thi công vụ.
5. Quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi; trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Ở Việt Nam, khái niệm trẻ em được quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016, theo đó, trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Trong 04 biện pháp xử lý hành chính, thì có 02 biện pháp được áp dụng đối với người chưa thành niên là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Trong đó, 05/06 đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người chưa thành niên và tất cả các đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là người chưa thành niên.
Về mặt khoa học, người chưa thành niên là người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi còn hạn chế, khả năng chịu trách nhiệm trước pháp luật của họ không thể so sánh với người trưởng thành và vì vậy, hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên cũng phải có những quy định đặc thù.
Về mặt pháp lý, Điều 70 Luật Trẻ em năm 2016 quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng như: Bảo đảm trẻ em được đối xử công bằng, bình đẳng, tôn trọng, phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em; bảo đảm sự hỗ trợ của cha, mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp khác đối với trẻ em trong suốt quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em…
Chính sách xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm trong pháp luật quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành cũng thể hiện rõ các quan điểm bảo đảm quyền con người, quyền của người chưa thành niên, cụ thể là:
- Mọi hoạt động liên quan đến trẻ em, dù được thực hiện bởi cơ quan phúc lợi xã hội của Nhà nước hay tư nhân, bởi Tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu[3]. Bởi vậy, trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn[4].
- Mục tiêu xử lý đối với người chưa thành niên phải hướng vào giáo dục hơn là trừng phạt. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã khẳng định nguyên tắc: Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trên cơ sở mục tiêu này, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 đã bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hành chính đối với người chưa thành niên từ 02 biện pháp lên 03 biện pháp (bao gồm: Nhắc nhở; quản lý tại gia đình; giáo dục dựa vào cộng đồng). Các biện pháp thay thế xử lý hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và việc áp dụng xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính. Đây được xem là chính sách nhân đạo của Nhà nước trong xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, nhằm mục đích cho các em có cơ hội sửa chữa sai lầm trong một môi trường bình thường.
- Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ. Điều 40 Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng khẳng định, mọi điều riêng tư của trẻ em phải được hoàn toàn tôn trọng trong mọi giai đoạn tố tụng.
Trên cơ sở quan điểm về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính nêu trên, Nghị định số 140/2021/NĐ-CP đã quy định chế độ quản lý, giáo dục đối với học sinh trong các trường giáo dưỡng. Theo đó, Nghị định này đã quy định cụ thể các chế độ về ăn, ở, trang phục, y tế, vui chơi, giải trí, học tập… của học sinh. Đặc biệt, sau khi hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, Nhà nước còn thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng như: Thông tin, truyền thông giáo dục nhằm định hướng, khuyến khích, động viên việc giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ sự định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Những quy định này là hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đã từng bước được hoàn thiện trên cơ sở các nguyên tắc bảo đảm quyền con người, quyền công dân và dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, để các quy định này đi vào cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình áp dụng pháp luật.
Trường Cao đẳng Luật miền Bắc
[1]. Điều 9 Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định: “Các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng trẻ em không bị cách ly cha mẹ trái ý muốn của họ, trừ khi những nhà chức trách có thẩm quyền chịu sự xem xét, quyết định của Tòa án”.
[2]. Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[3]. Điều 3 Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
[4]. Khoản 1 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.