1. Đặt vấn đề
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước chỉ được quy định ngắn gọn trong Điều 82 Luật này. Cụ thể, Điều 82 quy định ba phương thức để phát hiện tham nhũng gồm: Hoạt động tự kiểm tra của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra; hoạt động phản ánh, tố cáo, báo cáo của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Trong khi đó, việc phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước lại được Luật Phòng, chống tham nhũng quy định trong một chương riêng (Chương III). Điều này phần nào cho thấy vai trò quan trọng của việc phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước.
Theo Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội. Như vậy, đặc điểm chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước chính là việc kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất được Nhà nước cấp phát, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; việc tổ chức, hoạt động đều do Nhà nước quản lý. Chính vì thế, nguy cơ tham nhũng từ những cơ quan, tổ chức, đơn vị này là rất lớn. Nhận diện được nguy cơ này, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định những phương thức để phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước. Theo đó, Chương III Luật này đã đưa ra ba phương thức cơ bản để phát hiện tham nhũng như sau: (i) Công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước; (ii) Hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán; (iii) Phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng.
2. Một số bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước
2.1. Phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, kiểm tra và tự kiểm tra là hai công tác khác nhau. Theo đó, chủ thể tiến hành công tác tự kiểm tra là tất cả những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước. Đối tượng của công tác tự kiểm tra là việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Mục đích của tự kiểm tra là nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
Còn công tác kiểm tra bao gồm: (i) Công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước và (ii) Kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Đối với công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, chủ thể tiến hành là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước. Đối tượng của công tác này là việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước. Tương tự như công tác tự kiểm tra, mục đích công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước là nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Còn đối với kiểm tra hoạt động chống tham nhũng, mục đích của công tác này là nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng. Như vậy, theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, công tác này không có mục đích phát hiện tham nhũng như công tác tự kiểm tra và công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định rõ hai hình thức kiểm tra là: (i) Kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng; (ii) Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.
Tuy nhiên, có một số vấn đề được đặt ra như sau:
Thứ nhất, việc Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định đối tượng của công tác kiểm tra (cơ quan quản lý nhà nước) là “việc chấp hành pháp luật”. Tuy nhiên, cụm từ “chấp hành pháp luật” có nội hàm rất rộng, bao gồm việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật hôn nhân gia đình, pháp luật an toàn giao thông đường bộ,… Vậy một vấn đề đặt ra là, trên thực tế, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có phải tiến hành kiểm tra việc chấp hành tất cả các quy định pháp luật trong mọi lĩnh vực của đối tượng được kiểm tra không? Trong khi đó, với quy định về hình thức kiểm tra có thể thấy, việc kiểm tra chủ yếu tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng.
Thứ hai, theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, chủ thể tiến hành công tác kiểm tra là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, trong khoa học pháp lý, việc xác định cơ quan quản lý nhà nước bao gồm những cơ quan nào vẫn còn là một vấn đề đang được tranh luận. Một số quan điểm cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước không chỉ bao gồm Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp, mà còn bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, bởi vì, tất cả những cơ quan này đều có chức năng quản lý. Nhưng một số quan điểm khác lại cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ bao gồm Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp, lý do là, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân chỉ là bộ phận cấu thành, là một phần bên trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Ủy ban nhân dân. Nghiên cứu các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng thấy rằng, Luật chưa quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước bao gồm những cơ quan nào. Như vậy, chỉ có người đứng đầu Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp mới phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất để phát hiện tham nhũng hay công tác này cũng là trách nhiệm của cả người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân?
Thứ ba, đối với công tác kiểm tra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định hai hình thức kiểm tra. Trong đó, kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng. Tuy nhiên, chương trình, kế hoạch kiểm tra này được xây dựng như thế nào, áp dụng trong thời gian bao lâu, do ai xây dựng… vẫn còn là vấn đề mà Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 “bỏ ngỏ”. Bên cạnh đó, đối với công tác tự kiểm tra, Luật này không quy định về các hình thức tự kiểm tra mà lại trao cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước quyền “chủ động tổ chức kiểm tra”. Cách quy định này có thể dẫn đến tình trạng họ “thờ ơ” hoặc tùy tiện trong việc tiến hành công tác tự kiểm tra. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém hiệu quả của phương thức tự kiểm tra trong việc phát hiện tham nhũng.
2.2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán
2.2.1. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, một trong những phương thức để phát hiện tham nhũng là thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Theo đó, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử bao gồm hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, giám sát của Quốc hội bao gồm giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân. Như vậy, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã bao gồm cả giám sát của các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Vì vậy, tên gọi Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và xử lý đề nghị của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử” là chưa hợp lý. Giám sát của cơ quan dân cử (tức là giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân) đã bao gồm giám sát của đại biểu dân cử (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân). Bên cạnh đó, việc Luật này sử dụng thuật ngữ “cơ quan dân cử”, “đại biểu dân cử” cũng chưa bảo đảm tính minh bạch, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Mặc dù trong khoa học pháp lý, “cơ quan dân cử”, “đại biểu dân cử” là những thuật ngữ được sử dụng để chỉ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhưng về mặt pháp lý, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đều không sử dụng thuật ngữ “cơ quan dân cử”, “đại biểu dân cử”. Các văn bản này đều sử dụng thuật ngữ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thay cho hai thuật ngữ trên.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, thông qua hoạt động giám sát nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì các chủ thể trên sẽ đề nghị Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân xử lý theo quy định của pháp luật. Khi nhận được đề nghị, Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải xác minh, xử lý và thông báo kết quả cho cơ quan, đại biểu đã đề nghị. Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không trao cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân… quyền trực tiếp xử lý khi phát hiện tham nhũng. Họ chỉ có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Các cơ quan này, sau khi nhận được đề nghị, có trách nhiệm xác minh, xử lý và thông báo kết quả cho chủ thể đã đề nghị. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 vẫn chưa quy định rõ những vấn đề sau:
Một là, sau khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội… phải gửi đề nghị đến Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn chậm nhất là bao lâu? Việc đề nghị này không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của các chủ thể này. Nếu họ phát hiện nhưng không đề nghị hoặc đề nghị chậm trễ thì có thể dẫn đến tình trạng “bỏ lọt” các vụ việc tham nhũng.
Hai là, Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân phải xác minh, xử lý và thông báo kết quả cho cơ quan, đại biểu chậm nhất trong thời gian bao lâu kể từ ngày nhận được đề nghị? Hình thức thông báo là gì (bắt buộc là thông báo bằng văn bản hay có thể thông báo bằng những hình thức khác)? Việc Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không quy định rõ những vấn đề này có thể dẫn đến sự khó khăn cho các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong việc yêu cầu các cơ quan trên xác minh, xử lý và thông báo kết quả xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
2.2.2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Đồng thời, Luật này cũng quy định thẩm quyền của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Điều 61[1]. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng có thể xảy ra sự trùng lặp. Vì thế, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp xử lý trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước không thống nhất ý kiến với nhau khi xử lý trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thì sẽ giải quyết như thế nào? Đây là vấn đề mà Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 vẫn còn “bỏ ngỏ”.
Bên cạnh đó, Điều 62 Luật này cũng quy định về trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán. Theo đó, trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý như sau: (i) Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cung cấp; (ii) Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 lại không quy định thời hạn cụ thể mà người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải thực hiện các công việc trên. Đồng thời, đối với trường hợp thứ hai, Luật này cũng không quy định rõ thời hạn cụ thể mà chủ thể có thẩm quyền xử lý phải xử lý vụ việc và thông báo kết quả xử lý.
2.3. Phát hiện tham nhũng thông qua phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, phản ánh, tố cáo, báo cáo là ba hoạt động khác nhau. Một là, về chủ thể thực hiện phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng: Chủ thể thực hiện phản ánh về hành vi tham nhũng là cá nhân, tổ chức. Nhưng chủ thể tố cáo hành vi tham nhũng chỉ có thể là cá nhân, không bao gồm tổ chức. Còn chủ thể báo cáo về hành vi tham nhũng lại là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Hai là, về chủ thể nhận phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng: Chủ thể nhận tố cáo, phản ánh là cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo pháp luật về tố cáo và pháp luật về tiếp công dân. Còn chủ thể nhận báo cáo về hành vi tham nhũng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của người báo cáo hoặc là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ (trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng). Ba là, về thủ tục: Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân. Việc báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng được quy định tại Điều 66 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác thì chủ thể được giao trách nhiệm phải báo cáo ngay với người có thẩm quyền. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý và thông báo cho người báo cáo biết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; trường hợp cần thiết thì người được báo cáo quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo. Tuy nhiên, việc quy định “khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác thì chủ thể được giao trách nhiệm phải báo cáo ngay với người có thẩm quyền” chưa thật sự rõ ràng. Bởi lẽ, “báo cáo ngay” theo quy định trên là báo cáo trong thời hạn chậm nhất là bao lâu kể từ khi phát hiện hành vi tham nhũng? Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng chưa quy định rõ những tiêu chí để xác định “vụ việc phức tạp”, “trường hợp cần thiết” trong quy định trên. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ tuỳ tiện, lạm quyền của người được báo cáo khi xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Về bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng, theo Điều 67 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, theo Luật Tố cáo năm 2018, việc bảo vệ người tố cáo không chỉ giới hạn trong việc bảo vệ đối với một mình cá nhân người tố cáo, mà còn bao gồm sự bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Điều này nhằm bảo đảm sự an toàn và yên tâm cho người tố cáo khi thực hiện tố cáo. Bởi khi thực hiện tố cáo, không chỉ bản thân người tố cáo, mà những người thân thích của họ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro có thể xảy ra. Trên thực tế, có thể thấy rằng, khi thực hiện phản ánh hay báo cáo về hành vi tham nhũng, người thân thích của chủ thể phản ánh, báo cáo cũng có thể bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm hay bị trù dập, phân biệt đối xử. Do đó, họ cũng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 lại quy định chủ thể được áp dụng các biện pháp bảo vệ trong phản ánh, báo cáo hành vi tham nhũng chỉ là người phản ánh, báo cáo, không bao gồm người thân thích của họ. Điều này chưa thật sự hợp lý.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có những quy định khá đầy đủ về phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn tồn tại một số bất cập cũng như các “khoảng trống” cần được sửa đổi, bổ sung, giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn. Để khắc phục điều này, theo tác giả cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các chủ thể có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm làm rõ hơn các “khoảng trống” của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về công tác kiểm tra, tự kiểm tra. Theo đó, đối tượng của công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước cần được quy định rõ là “việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Chủ thể tiến hành công tác kiểm tra nên được quy định theo hướng mở rộng là người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp. Đồng thời, cần quy định rõ kế hoạch tự kiểm tra là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về tự kiểm tra của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước trong 01 năm do các chủ thể này xây dựng. Kế hoạch kiểm tra là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về kiểm tra của những người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp trong 01 năm do các chủ thể này xây dựng.
Thứ hai, các chủ thể có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm làm rõ hơn các “khoảng trống” của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về thời hạn thực hiện một số hoạt động như: Thời hạn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội… phải gửi đề nghị đến Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân khi phát hiện tham nhũng; thời hạn Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân phải xác minh, xử lý và thông báo kết quả cho cơ quan dân cử, đại biểu dân cử (theo Điều 59 Luật này); thời hạn thanh tra, kiểm toán chuyển hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, thời hạn thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cung cấp; kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm; thời hạn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị (theo Điều 62 Luật này); thời hạn báo cáo với chủ thể có thẩm quyền khi phát hiện hành vi tham nhũng (theo Điều 66 Luật này). Đồng thời, cần quy định rõ các tiêu chí để xác định “vụ việc phức tạp”, “trường hợp cần thiết” trong Điều 66 Luật này.
Thứ ba, nên nghiên cứu, sửa đổi một số quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 như: (i) Tên gọi của Điều 59 Luật này cần được sửa đổi thành “Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và xử lý đề nghị của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân”. (ii) Điều 67 Luật này cần sửa đổi quy định về bảo vệ người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng theo hướng việc bảo vệ người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh