1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội mua bán người
Sau hơn 15 năm áp dụng quy định về Tội mua bán người tại Điều 119 của Bộ luật Hình sự năm 1999, các quy định này đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các tồn tại, hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 không mô tả hành vi khách quan của tội mua bán người. Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC/NQ của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao[1] thì “mua bán trẻ em được hiểu là mua, hoặc bán trẻ em vì mục đích tư lợi”. Từ đó có thể hiểu rằng, mua bán người cũng là việc mua hoặc bán người vì mục đích tư lợi. Như vậy, cần phải chứng minh được yếu tố tư lợi của người phạm tội, đồng thời, ý chí của người bị mua bán không ảnh hưởng đến việc định tội. Điều này đã gây khó khăn trong việc phân định rạch ròi một số tội danh trong Bộ luật Hình sự, dẫn đến chồng chéo giữa các tội danh với nhau, như phân biệt giữa hành vi mua bán người với hành vi môi giới mại dâm (tội môi giới mại dâm) (sự chồng chéo này thể hiện rất rõ trong trường hợp tuyển mộ phụ nữ rồi giới thiệu người đó vào những tụ điểm mại dâm trong nội địa); giữa hành vi mua bán người với hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài (tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép). Bên cạnh đó, việc không quy định ý chí của người bị mua bán tại cấu thành cơ bản của tội phạm mua bán người cũng gây khó khăn trong việc phân định giữa trường hợp mua bán người (tội mua bán người) với những trường hợp vi phạm pháp luật khác như môi giới hôn nhân, môi giới lao động bất hợp pháp.
Thứ hai, điều luật không đề cập tới việc nạn nhân có bị đặt trước nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng, bóc lột hay không lại không có ý nghĩa trong việc định tội. Thực tế điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có những trường hợp môi giới lao động, môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài, về hình thức thì hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành của Điều 119 về tội mua bán người, nhưng đối tượng được trao đổi không hề bị thiệt hại gì và cơ quan tiến hành tố tụng ở mỗi địa phương rất lúng túng trong việc vận dụng pháp luật để xử lý các trường hợp này[2]. Ví dụ như có nhiều trường hợp phụ nữ đã có tuổi mà chưa có chồng hoặc bị chồng bỏ mong muốn được lấy chồng nên đã nhờ người khác đưa sang Trung Quốc hoặc Hàn Quốc để được lấy chồng; hoặc có những người không có việc làm mong muốn tìm được một việc làm phù hợp đã nhờ người khác đưa sang Malaysia hoặc Thái Lan để làm giúp việc.
Mục đích ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 - sau đây gọi chung là Bộ luật Hình sự năm 2015) là tạo công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống nhóm tội phạm này, khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, đồng thời góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế khi Việt Nam đã là thành viên của Công ước quốc tế về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, Điều 150 về tội mua bán người của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung khá cơ bản và toàn diện về cấu thành cơ bản của hai tội phạm này.
Nếu như Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định tội mua bán người với cấu thành cơ bản là “người nào mua bán người” thì Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mô tả cụ thể cấu thành cơ bản của tội phạm này, theo đó, cấu thành cơ bản của tội mua bán người bao gồm đầy đủ 03 dấu hiệu bắt buộc sau:
(i) Về hành vi: Mô tả cụ thể hành vi mua bán người, bao gồm bất cứ hành vi nào trong quy trình mua bán người, từ tuyển mộ, vận chuyển đến chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận người.
(ii) Thủ đoạn: Những hành vi trên phải được thực hiện bằng những thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng các thủ đoạn khác (có thể là lạm dụng quyền lực, lợi dụng tình trạng quẫn bách hay bất kỳ thủ đoạn nào khác).
(iii) Mục đích: Quy định rõ mục đích của các hành vi trên gồm: Giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Bên cạnh đó, để bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch và thống nhất trong quá trình vận dụng pháp luật, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) nhằm cụ thể hóa hoặc mô tả rõ ràng những dấu hiệu định khung hình phạt mang tính định lượng hoặc định tính chưa rõ ràng hoặc những tình tiết còn chung chung của Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng TNHS của 02 tội danh này, như tình tiết “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% đến 60%” tại khoản 2 và từ 61% trở lên tại khoản 3; tình tiết “làm nạn nhân chết hoặc tự sát” tại khoản 3; đồng thời, sửa đổi tình tiết định khung tăng nặng TNHS “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” của hai tội danh này thành “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”.
2. Một số bất cập, hạn chế
Mặc dù quy định về tội mua bán người tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cơ bản khắc phục được những bất cập, hạn chế của Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng như tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, đặc biệt là khó khăn trong việc phân biệt tội mua bán người với một số tội phạm khác của Bộ luật Hình sự hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội danh này vẫn phát sinh một số bất cập, hạn chế sau:
Thứ nhất, về chủ thể của tội mua bán người
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc truy cứu TNHS về tội mua bán người chỉ được thực hiện với các cá nhân phạm tội. Trong khi đó, TNHS của pháp nhân thương mại lần đầu tiên được quy định là chủ thể của tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ là chủ thể của 33 tội danh cụ thể, tập trung vào ba nhóm tội phạm, đó là nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (22 tội danh), nhóm các tội phạm về môi trường (09 tội danh) và nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (02 tội danh). Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về tội mua bán người. Điều này sẽ dẫn tới một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật, thể hiện ở một số vấn đề sau:
(i) Đặc điểm nổi bật của tội mua bán người là những tội phạm có tính chất xuyên quốc gia. Trong khi đó, với bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt, Việt Nam đã là thành viên của Công ước TOC. Mặc dù khi tham gia các Công ước, đặc biệt là Công ước TOC, Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc về quy định TNHS của pháp nhân. Nhưng theo quy định tại Điều 10 của Công ước này, các quốc gia thành viên phải ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với những nguyên tắc pháp lý của nước mình, để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc thực hiện những hành vi phạm tội như thực hiện tội phạm nghiêm trọng liên quan đến việc tham gia nhóm tội phạm có tổ chức. Đồng thời, tùy theo những nguyên tắc pháp lý của mình, việc xử lý pháp nhân vi phạm có thể là TNHS, dân sự hay trách nhiệm hành chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hành vi thực hiện một tội phạm nghiêm trọng liên quan đến việc tham gia nhóm tội phạm có tổ chức nói chung và hành vi mua bán người nói riêng luôn được coi là tội phạm hình sự mà không coi là hành vi vi phạm hành chính. Do đó, việc không quy định TNHS của pháp nhân khi phạm tội mua bán người đã bỏ sót việc xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân khi thực hiện các tội phạm này.
(ii) Qua nghiên cứu kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia trên thế giới về TNHS đối với pháp nhân[3] thì đa số các nước theo hệ thống thông luật như Hoa Kỳ, Canada, Australia, New Zealand… hoặc một số nước thuộc hệ thống luật thành văn như Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Phần Lan…, khi quy định TNHS của pháp nhân thì đều quy định pháp nhân phải chịu TNHS đối với mọi tội phạm. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines… và ngay cả Trung Quốc - quốc gia láng giềng với Việt Nam và cũng là một trong những điểm đến chủ yếu của tội phạm mua bán người và tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi[4] - cũng quy định TNHS của pháp nhân và không loại trừ TNHS của pháp nhân đối với tội mua bán người. Như vậy, việc không quy định TNHS của pháp nhân thương mại đối với tội mua bán người có khả năng dẫn tới khó khăn trong hợp tác quốc tế do xung đột pháp luật giữa các quốc gia.
Thứ hai, về các tình tiết định tội là mục đích của người thực hiện hành vi mua bán người “bóc lột tình dục”, “cưỡng bức lao động” và “lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mục đích của người thực hiện hành vi mua bán người là một trong ba yếu tố bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội phạm. Theo đó, người thực hiện hành vi mua bán người vì nhiều mục đích khác nhau, trong đó có các mục đích “để bóc lột tình dục”, “cưỡng bức lao động” hoặc “lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”. Trong số ba mục đích này thì mục đích “lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” tại cấu thành cơ bản của tội phạm tiếp tục được quy định là tình tiết định khung tăng nặng TNHS của người phạm tội và lúc này việc lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân không còn là trong ý định, mục đích của người phạm tội nữa mà đã được thực hiện bằng hành vi khách quan trên thực tế với quy định “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” tại điểm b khoản 3 Điều 150. Tuy nhiên, với hai mục đích còn lại là “bóc lột tình dục” và “cưỡng bức lao động” thì cả hai điều luật này lại không tiếp tục quy định là tình tiết định khung tăng nặng TNHS khi việc bóc lột đã được thực hiện trên thực tế là “đã bóc lột tình dục” hoặc “đã cưỡng bức lao động” tương tự như cách quy định về tình tiết “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”. Điều này dẫn tới một bất cập, đó là trường hợp người thực hiện hành vi mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi, nếu sau đó lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thì người phạm tội chỉ bị truy cứu TNHS về tội mua bán người theo khoản 3 Điều 150 với tình tiết định khung tăng nặng là “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”. Tuy nhiên, cũng tương tự như vậy, trường hợp người thực hiện hành vi mua bán người sau đó hiếp dâm nạn nhân hoặc ép buộc nạn nhân phục vụ nhu cầu tình dục cho cả nhà họ hoặc ép buộc họ phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại thì cùng với việc bị truy cứu TNHS về tội mua bán người, người phạm tội sẽ bị truy cứu TNHS cả về tội hiếp dâm quy định tại Điều 141 hoặc tội cưỡng bức lao động quy định tại Điều 297. Như vậy, với trường hợp này thì chính sách hình sự là chưa đảm bảo sự công bằng, minh bạch, bởi hành vi phạm tội là như nhau, nhưng có người phạm tội mua bán người nếu sau đó đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thì chỉ bị truy cứu TNHS về một tội, nhưng người phạm tội mua bán người nếu sau đó cưỡng bức lao động hoặc bóc lột tình dục nạn nhân thì lại bị truy cứu TNHS về hai tội danh với chính sách tổng hợp hình phạt.
Thứ ba, về tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”
Theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là mục đích của người phạm tội mua bán người và là dấu hiệu bắt buộc tại cấu thành cơ bản của tội danh này. Trường hợp “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” thì sẽ được xem là tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 3 điều luật này. Để hướng dẫn tình tiết này, Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là trường hợp người phạm tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi sau đó đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân. Trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân như tim, buồng gan… làm nạn nhân chết thì bị truy cứu TNHS về tội giết người theo quy định tai điểm h khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015[5].
Có thể thấy, quy định này của Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP chưa thực sự thống nhất và phù hợp với quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, lại chưa đảm bảo phản ánh đúng bản chất của hành vi phạm tội. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội giết người thì việc lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân là tình tiết định khung tăng nặng TNHS đối với người phạm tội. Hành vi giết người được thực hiện trước, sau khi nạn nhân chết thì người phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân. Trong khi đó, người phạm tội mua bán người đã thực hiện đầy đủ các hành vi được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội mua bán người và việc lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân bị mua bán được thực hiện khi nạn nhân đang còn sống. Việc lấy đi bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân là nguyên nhân dẫn tới nạn nhân bị chết thì truy cứu TNHS về tội giết người (điểm h khoản 1 Điều 123), trong khi đó, cùng với hành vi phạm tội như nhau, nhưng lấy đi bộ phận cơ thể không quyết định sự sống của nạn nhân thì lại truy cứu TNHS về tội mua bán người (điểm b khoản 3 Điều 150).
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là một tội danh độc lập tại Điều 154. Theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác thì sẽ bị truy cứu TNHS về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Nếu căn cứ vào tình tiết định khung tăng nặng TNHS “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” của tội mua bán người thì rất khó phân biệt giữa tội mua bán người với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, bởi giữa các tội danh này hành vi khách quan đều có chung đặc điểm, đó là có hành vi chuyển giao người hoặc tiếp nhận người để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác và bộ phận cơ thể người đã được lấy đi. Trong trường hợp này, người thực hiện đầy đủ hành vi được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội mua bán người và đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân cũng chỉ bị truy cứu TNHS theo khoản 3 Điều 150 là chưa thực sự thoả đáng và chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật như đã phân tích tại tiểu mục 2 nêu trên. Trường hợp này, hành vi phạm tội của người phạm tội không chỉ thỏa mãn các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành cơ bản của tội mua bán người tại Điều 150 mà còn thỏa mãn các dấu hiệu tại cấu thành cơ bản của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người tại Điều 154, nhưng lại không thể truy cứu TNHS người đó đồng thời về hai tội danh là tội mua bán người hoặc tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Thứ tư, sự xuất hiện của loại tội phạm mới có liên quan
Quá trình điều tra tội phạm mua bán người, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Không chỉ là những vụ mua bán đơn lẻ trong phạm vi nội địa mà việc mua bán bào thai được tổ chức thành đường dây có tổ chức để đưa những người mẹ đang mang thai ra nước ngoài để kiếm tiền. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý hình sự đối với hành vi mua bán bào thai là hết sức khó khăn, bởi lẽ, Bộ luật Hình sự năm 2015 không có điều luật nào quy định việc mua bán bào thai là tội phạm hình sự, trong khi đó, bào thai trong bụng người mẹ chưa được coi là “người” khi chưa được sinh ra, vì thế việc xử lý về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 là không thực hiện được.
3. Đề xuất hướng hoàn thiện
Từ những bất cập, hạn chế trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người đã phân tích, đánh giá ở phần trên, Điều 150 về tội mua bán người cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng:
Một là, bổ sung chủ thể chịu TNHS khi thực hiện hành vi phạm tội này là pháp nhân thương mại để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế về vấn đề này, đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.
Hai là, bỏ tình tiết định khung tăng nặng TNHS “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” tại điểm b khoản 3 Điều 150. Trường hợp người thực hiện hành vi mua bán người, sau đó lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thì cùng với tội mua bán người, người đó phải bị truy cứu TNHS về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trường hợp người thực hiện hành vi mua bán người, sau đó lấy đi bộ phận cơ thể nạn nhân mà bộ phận đó quyết định sự sống của nạn nhân thì cùng với tội mua bán người, người phạm tội phải bị truy cứu TNHS về tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc sửa đổi này sẽ đảm bảo sự thống nhất ngay trong quy định của các điều luật về các mục đích “bóc lột tình dục”, “cưỡng bức lao động” và “lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”, đồng thời khắc phục được bất cập hiện nay về chính sách hình sự chưa công bằng, nhất quán đối với người phạm tội.
Ba là, nghiên cứu để bổ sung thêm Tội mua bán bào thai vào Bộ luật Hình sự năm 2015 để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xử lý hình sự đối với hành vi mua bán bào thai trong bụng mẹ đang diễn ra trong thực tiễn. Việc bổ sung cụ thể tội danh này cần tiếp tục có những nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và bao quát để có những đề xuất cụ thể về nội dung điều luật.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
[1]. Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự.
[2]. Báo cáo số 35/BC-BTP ngày 12/02/2015 của Bộ Tư pháp về kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999.
[3]. Đề án trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Bộ Tư pháp năm 2015.
[4]. Báo cáo số 358/BC-BCA-C02 tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017.
[5]. Khoản 6 Điều 3 và khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự năm 2015.