1. Dẫn nhập
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các sản phẩm trí tuệ, do lao động trí óc của con người tạo ra. Tùy theo đối tượng mà chúng có thể chứa đựng hàm lượng tri thức hoặc sự sáng tạo nhất định. Quyền sở hữu trí tuệ theo các tài liệu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về cơ bản được chia thành hai nhóm là quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2010, năm 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ), “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng” (khoản 1 Điều 4). Việc tách quyền đối với giống cây trồng thành nhóm đối tượng riêng cùng với quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp bởi Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có nền tảng từ nền văn minh lúa nước nên đề cao tầm quan trọng của sự sáng tạo trên các giống cây trồng. Pháp luật quy định bảy đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh (khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp có thể chia thành nhóm đối tượng có tính sáng tạo và nhóm đối tượng có tính thương mại. Sáng chế nằm trong nhóm có tính sáng tạo bên cạnh kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Có thể thấy, sáng chế là đối tượng sở hữu trí tuệ chứa đựng hàm lượng tri thức cao nhất trong số các đối tượng được bảo hộ.
“Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên” (khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Sáng chế bản chất là một giải pháp kỹ thuật, là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định[1]. Theo quy định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Như vậy, việc bảo hộ sáng chế không phát sinh một cách tự động. Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng giống với điều kiện bảo hộ được đề cập trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 (Hiệp định TRIPs) là phải có tính mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp (khoản 1 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ); khi chủ thể nộp đơn đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét cấp bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng tất cả các điều kiện nói trên.
Liên quan đến việc nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và quyền đối với sáng chế nói riêng, không thể không nhắc đến một nguyên tắc quan trọng là “nguyên tắc nộp đơn đầu tiên” (nguyên tắc “first to file”) được thừa nhận trong pháp luật sở hữu trí tuệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 90, Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ. Nguyên tắc này được hiểu là trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký, các đối tượng sở hữu công nghiệp trùng hoặc tương đương với nhau hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng sở hữu công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Người nộp đơn đăng ký có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện luật định. Tóm lại, để được bảo hộ độc quyền đối với sáng chế, chúng ta cần thực hiện thủ tục đăng ký và phải bảo đảm đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu có quyền độc quyền sở hữu, sử dụng, khai thác, định đoạt sáng chế, bởi vì chủ sở hữu là người đã đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức, trí tuệ để sáng tạo ra sáng chế; việc pháp luật bảo hộ độc quyền cho họ là hoàn toàn phù hợp với lẽ khách quan. Tuy nhiên, cần lưu ý một nguyên tắc quan trọng trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đó là nguyên tắc cân bằng lợi ích cộng đồng. Vì tính chất đặc trưng của quyền sở hữu trí tuệ mà chủ sở hữu có quyền độc quyền tìm kiếm lợi nhuận từ sáng chế nhưng nếu độc quyền bị lạm dụng thì ngược lại sẽ làm giảm khả năng tiếp cận sáng chế của cộng đồng và xã hội, tác động kìm hãm sự phát triển khoa học công nghệ nói chung. Hiệp định TRIPs có nhiều điều khoản quy định về việc cân bằng giữa mục tiêu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với những mục tiêu tiếp cận an sinh xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ... Luật Sở hữu trí tuệ cũng nội luật hóa nguyên tắc trên thông qua những quy định giới hạn quyền sở hữu công nghiệp tại Mục 2 Chương IX. Quyền sử dụng trước đối với sáng chế là một trong những nội dung về giới hạn quyền sở hữu công nghiệp.
2. Quy định pháp luật về quyền sử dụng trước đối với sáng chế
Quyền sử dụng trước đối với sáng chế được quy định tại Điều 134 Luật Sở hữu trí tuệ. Nội dung về quyền sử dụng trước đối với sáng chế cũng được ghi nhận trong pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới. Luật Sở hữu trí tuệ Pháp quy định: “Bất kỳ người nào, một cách trung thực, vào ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của bằng sáng chế, ở lãnh thổ nơi luật này được áp dụng, sở hữu sáng chế được đề cập trong bằng sáng chế, có quyền, với tư cách cá nhân, khai thác sáng chế bất chấp sự tồn tại của bằng sáng chế”[2]. Ở Vương quốc Anh, quyền sử dụng trước được điều chỉnh bởi mục 64 của Đạo luật Bằng sáng chế năm 1977: “Quyền sử dụng trước là một ngoại lệ đối với hành vi vi phạm áp dụng đối với bất kỳ người nào, trước ngày ưu tiên của sáng chế trong bằng sáng chế được cấp, (a) thực hiện một cách trung thực một hành động có thể cấu thành hành vi vi phạm bằng sáng chế nếu nó có hiệu lực, hoặc (b) thực hiện một cách trung thực sự chuẩn bị hiệu quả và nghiêm túc để thực hiện một hành động như vậy”.
Quyền sử dụng trước đối với sáng chế theo pháp luật Việt Nam được hiểu là trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế đồng nhất với sáng chế trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế. Bên cạnh sáng chế, quy định này còn được áp dụng với kiểu dáng công nghiệp. Như vậy, điều kiện để xác định quyền sử dụng trước được hiểu bao gồm các tiêu chí sau: (i) Về hành vi, sử dụng trước nghĩa là đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng; (ii) Về đối tượng, sáng chế đồng nhất với sáng chế trong đơn đăng ký; cần nhấn mạnh rằng đối tượng xem xét được tạo ra một cách độc lập; (iii) Về thời gian, hành vi sử dụng diễn ra trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế.
Theo lẽ thông thường, việc cấp văn bằng bảo hộ đem lại sự độc quyền tuyệt đối dành cho chủ sở hữu đối với sáng chế và những người khác phải xin phép, trả tiền để được khai thác sáng chế. Tuy nhiên, khi có đủ các điều kiện đã nêu ở trên thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp cho chủ sở hữu sáng chế, người có quyền sử dụng trước vẫn có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế đồng nhất với sáng chế trong văn bằng bảo hộ trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ và theo đó không bị xem xét hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế theo quy định pháp luật. Quy định này là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, trên thực tế, có nhiều cá nhân, tổ chức tạo ra giải pháp kỹ thuật nhưng không muốn đăng ký bảo hộ hoặc không hiểu rõ về thủ tục đăng ký. Khi đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những chủ thể này, pháp luật cho phép họ được quyền sử dụng sáng chế song song với chủ sở hữu đã nộp đơn đăng ký sáng chế đồng nhất với sáng chế của họ.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quyền lợi của chủ bằng độc quyền sáng chế, pháp luật cũng đặt ra một số hạn chế đối với quyền của cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng trước. Người có quyền sử dụng trước sáng chế không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu sáng chế cho phép (khoản 2 Điều 134 Luật Sở hữu trí tuệ). Trong hầu hết các hệ thống pháp lý, quyền sử dụng trước đối với sáng chế được giới hạn cho những người sử dụng trước và chỉ có thể được chuyển giao hoặc được chỉ định cùng với một số hoặc tất cả tổ chức kinh doanh nắm giữ quyền sử dụng trước. Đan Mạch hạn chế việc chuyển giao quyền sử dụng trước bằng cách yêu cầu rằng quyền này “chỉ được chuyển giao cho người khác cùng với việc chuyển giao hoạt động kinh doanh liên quan đến sáng chế là đối tượng của quyền sử dụng trước đã phát sinh hoặc dự định khai thác”. Đức và Trung Quốc cũng có quy định tương tự[3]. Bằng quy định “quyền được điều khoản này công nhận chỉ có thể được chuyển giao cùng với cơ sở thương mại, công ty hoặc bộ phận của công ty mà nó trực thuộc”[4], pháp luật Pháp cũng có quan điểm tương đồng về chuyển giao quyền sử dụng trước đối với sáng chế.
3. Một số vấn đề pháp lý về quyền sử dụng trước đối với sáng chế
Về lý thuyết, quyền sử dụng trước đối với sáng chế là quy định hợp lý thể hiện nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, ranh giới giữa quyền sử dụng trước đối với sáng chế và hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế khá mong manh và đòi hỏi những tiêu chí xác định mang tính cụ thể, chính xác.
Điều kiện để xác định quyền sử dụng trước bao gồm các tiêu chí về hành vi, đối tượng, thời gian:
Thứ nhất, về tiêu chí đối tượng.
Sáng chế được xem xét là sáng chế đồng nhất với sáng chế trong đơn đăng ký. Theo Từ điển Tiếng Việt, “đồng nhất” là phạm trù triết học biểu hiện sự ngang nhau, tính như nhau của đối tượng, của hiện tượng với chính mình hay sự ngang nhau của một vài đối tượng. Mỗi sự vật hay khái niệm phải là một với bản thân nó, nguyên là nó, không phải là sự vật khác hay khái niệm khác[5]. Khái niệm “đồng nhất” không được giải thích cụ thể trong các văn bản hướng dẫn. Theo tác giả thì có thể tham khảo quy định pháp luật về tính chất “trùng nhau” của hai giải pháp kỹ thuật khi đánh giá tính mới để xem xét cấp văn bằng bảo hộ. “Hai giải pháp kỹ thuật được coi là trùng nhau khi có tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau)”[6]. Như vậy, khi xem xét, đánh giá quyền sử dụng trước đối với sáng chế, nếu hai giải pháp kỹ thuật có tất cả các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản trùng nhau hoặc tương đương (thay thế được cho nhau) thì có thể xem như đồng nhất. Nếu hai giải pháp kỹ thuật không đồng nhất với nhau thì chúng ta không đặt ra vấn đề quyền sử dụng trước đối với sáng chế vì không có sự chồng lấn hay đối nghịch về quyền lợi của chủ bằng độc quyền sáng chế với người sử dụng giải pháp kỹ thuật được xem xét.
Mặt khác, sáng chế được xem xét phải “được tạo ra một cách độc lập”. Hiểu theo nghĩa thông thường, “được tạo ra một cách độc lập” nghĩa là không có sự trao đổi giữa người tạo ra sáng chế với người nộp đơn đăng ký, sáng chế được tạo ra một cách hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng lại đồng nhất với đối tượng trong đơn đăng ký của người nộp đơn. Trong pháp luật Pháp, nhà làm luật sử dụng thuật ngữ “trung thực” khi nói về người có quyền sử dụng trước đối với sáng chế tại Điều L613-7 Luật Sở hữu trí tuệ Pháp; trung thực, thiện chí là yếu tố bắt buộc để xem xét ngoại lệ này. Lợi ích của quyền sử dụng trước đối với sáng chế có thể được khai thác bởi những người có kiến thức về sáng chế, của người được cấp bằng sáng chế, với điều kiện người đó có được quyền này một cách thiện chí, nghĩa là không vi phạm nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ hợp đồng. Yêu cầu pháp lý này lặp lại một án lệ cũ có từ thế kỷ XIX, loại trừ lợi ích của người sử dụng trước trong trường hợp gian lận, trên cơ sở nguyên tắc chung “Fraus omnia corrumpit” (tạm dịch: Một người không bao giờ có thể dựa vào hành vi gian lận để biện minh cho việc áp dụng nguyên tắc pháp luật vì lợi nhuận của chính mình)[7]. Án lệ cho thấy lợi ích của quyền sử dụng trước đối với sáng chế sẽ bị loại trừ khi “bên nắm giữ ngoại lệ về quyền sử dụng trước đã có được kiến thức về sáng chế một cách bất hợp pháp, bằng cách gián điệp hoặc lấy trộm từ nhân viên”, hoặc “họ biết về sáng chế một cách hợp pháp nhưng trong các trường hợp không ngụ ý cho họ bất kỳ quyền nào để sử dụng sáng chế”[8]. Pháp luật Vương quốc Anh cũng đòi hỏi tiêu chí “trung thực” (từ gốc: good faith) của chủ thể khi xem xét quyền sử dụng trước, thể hiện qua quy định tại mục 64 của Đạo luật Bằng sáng chế năm 1977[9]. Các nhà lập pháp có thể nghiên cứu bổ sung tiêu chí “thiện chí, trung thực” bên cạnh tiêu chí “được tạo ra một cách độc lập” khi xem xét áp dụng quyền sử dụng trước đối với sáng chế nhằm làm rõ và bảo đảm tốt hơn cho quyền lợi chính đáng của người nộp đơn đăng ký sáng chế.
Thứ hai, về tiêu chí thời gian.
Hành vi diễn ra trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế nghĩa là hành vi sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng phải diễn ra trước ngày chủ sở hữu sáng chế nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ hoặc ngày ưu tiên nếu có. Tuy nhiên, việc chứng minh một cá nhân, tổ chức nào đó đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng vào thời điểm trước ngày chủ sở hữu sáng chế nộp đơn không phải là điều dễ dàng. Bởi vì những người này thực tế chỉ sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng chứ họ không hoặc chưa nộp đơn đăng ký nên thông thường sẽ khó có cơ sở pháp lý để chứng minh cho việc sử dụng trước của mình.
Trên thế giới, người ta cho phép một số cơ chế, cách thức để xác lập và chứng minh ngày ra đời của sự sáng tạo trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đây cũng là những cách thức mà chúng ta có thể tham khảo để chứng minh quyền sử dụng trước đối với sáng chế của một chủ thể nhất định. Đối với quyền sử dụng trước sáng chế, nhà phát minh không nộp đơn có thể thu thập bằng chứng về nội dung của sáng chế một các chính xác bằng các phương pháp chứng minh truyền thống (như phong bì Soleau, báo cáo của thừa phát lại, sổ ghi chép của phòng thí nghiệm) và phương pháp Blockchain, có lợi thế là không bị giới hạn về định dạng hoặc số lượng[10].
Một là, phong bì Soleau, e-Soleau. Phong bì Soleau (từ gốc: enveloppe Soleau), được phát minh vào khoảng năm 1910 bởi Eugène Soleau, là một cách đơn giản để bảo vệ những sáng tạo của con người và ngày nay được áp dụng phổ biến tại Pháp. Một phong bì Soleau có thể bao gồm các phương pháp sản xuất, một quy trình khoa học nhằm phát triển một sản phẩm hoặc thành phần, một khái niệm kinh doanh hoặc dịch vụ, một ý tưởng sáng tạo nghệ thuật[11]. Nó cũng cho phép chúng ta ghi nhận lại ngày ra đời, một cách bí mật các dự án và phát minh đang được thực hiện: Trước khi liên hệ với đối tác nếu ý tưởng hoặc dự án vẫn chưa thành hiện thực và để đàm phán các thỏa thuận bí mật đề cập đến trong phong bì Soleau; hoặc trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế nếu nhà phát minh muốn hoàn thành việc phát triển dự án; hoặc trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển để bảo vệ công việc và giảm thiểu hậu quả của bất kỳ sơ suất nào[12].
Phong bì Soleau ban đầu là một phong bì đôi chứa khoảng năm đến bảy trang A4 và được sử dụng để xác thực ngày ra đời của một sự sáng tạo. Phong bì này có hai ngăn để chứa hai bản mô tả (bằng văn bản hoặc sự tái tạo hai chiều) sự sáng tạo (tác phẩm, ý tưởng, sáng chế,…). Nó được gửi đến INPI[13] để bấm số tiếp nhận phong bì và trả lại bản thứ nhất cho người gửi, INPI giữ bản còn lại của phong bì. Mục đích của phong bì này là để chứng minh ngày sở hữu. Nếu ai đó tranh chấp về ngày sáng tạo hoặc ngày ra đời dự án của người gửi, Tòa án có thẩm quyền sẽ yêu cầu INPI hủy lưu trữ phong bì để lấy nó ra làm bằng chứng và so sánh, đối chiếu nội dung của hai ngăn tài liệu. Kể từ tháng 12/2016, INPI đã hiện đại hóa hoàn toàn phong bì Soleau bằng cách tạo ra dịch vụ e-Soleau. Đây là dịch vụ nộp hồ sơ trực tuyến trong hệ thống lưu trữ an toàn cho một tệp hoặc một tập hợp các tệp nhằm thiết lập bằng chứng về sự tồn tại của tác phẩm vào một ngày nhất định[14].
Cần lưu ý rằng, phong bì Soleau không phải căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ của người tạo ra sáng chế, đây đơn thuần chỉ là phương thức ghi nhận và xác thực ngày của sự sáng tạo với một chi phí tương đối thấp, có thể dùng để chứng minh khi xảy ra tranh chấp và là cách thức hiệu quả để chứng minh quyền sử dụng trước đối với sáng chế.
Hai là, công nghệ Blockchain. Blockchain là một dạng công nghệ sổ cái phân tán, tạo ra một bản ghi an toàn, minh bạch về mọi giao dịch và báo cáo các giao dịch đã được thực hiện cho mọi người trên nền tảng Blockchain[15]. Công nghệ Blockchain được biết tới như nền tảng công nghệ đằng sau đồng tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum. Văn phòng Bằng sáng chế Châu Âu (EPO) đã tổ chức hội nghị lớn đầu tiên về bằng sáng chế Blockchain vào ngày 04/12/2018. Sự kiện kéo dài một ngày ở La Hay đã khám phá ý nghĩa của Blockchain đối với các ứng dụng bằng sáng chế[16]. Có thể thấy, công nghệ Blockchain mang lại hiệu quả thiết thực đối với các lĩnh vực của đời sống nói chung và lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng. Việc ghi nhận dữ liệu đăng ký quyền sở hữu trí tuệ bằng hệ thống này giúp thuận tiện hơn trong quá trình tra cứu, đánh giá các điều kiện khi đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, chúng ta cũng có thể ứng dụng công nghệ Blockchain trong việc ghi nhận sự sáng tạo, ghi nhận quá trình sử dụng các đối tượng có liên quan đến sở hữu trí tuệ. Blockchain có thể cung cấp bằng chứng về ý tưởng, quá trình sử dụng, chẳng hạn như tính nguyên gốc và tính quốc gia. Việc tải lên một thiết kế nguyên gốc hoặc một sản phẩm và các chi tiết của người tạo ra nó đối với một chuỗi khối sẽ tạo ra một hồ sơ được đóng dấu thời gian điện tử (time stamp) và bằng chứng chắc chắn để chứng minh vấn đề này[17].
Hiện nay, công nghệ Blockchain tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ nên cần thêm thời gian để nghiên cứu và hoàn thiện trước khi ban hành những quy định cụ thể. Tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tư pháp vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt, đón đầu trong Cách mạng công nghiệp 4.0, xác định trọng tâm của công nghệ mới như Blockchain, AI[18]. Với những giá trị thiết thực mà Blockchain mang lại, đây hứa hẹn sẽ là một phương thức hữu hiệu trong việc chứng minh quyền sử dụng trước đối với sáng chế.
Ba là, chứng thư công chứng hoặc biên bản của thừa phát lại. Thừa phát lại can thiệp thông qua một dịch vụ dễ dàng tiếp cận, đây được xem như dấu ấn về quyền sở hữu được công nhận tại Pháp và rộng hơn là thế giới. Thừa phát lại sẽ ghi các tác phẩm hoặc sự sáng tạo vào một bản báo cáo để ghi nhận sự tồn tại của tác phẩm vào một ngày nhất định. Yếu tố này sẽ đủ để bảo đảm một bằng chứng chính thức về sự xác lập trước, đặc biệt rất hữu ích trong trường hợp tác phẩm hoặc sự sáng tạo bị khai thác công khai sau đó bởi một bên thứ ba[19].
Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về lập vi bằng bởi thừa phát lại. “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”[20]. Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản; có thể có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo. Việt Nam đã có ghi nhận thực tế về những trường hợp lập vi bằng đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phổ biến là quyền tác giả. Vi bằng có giá trị là nguồn chứng cứ để Toà án xem xét giải quyết tranh chấp, giúp chủ thể quyền chứng minh được đã có hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thực tế ít tồn tại việc lập vi bằng để ghi nhận những ý tưởng, sáng chế,… và pháp luật sở hữu trí tuệ cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Ngoài ra, khi sử dụng phương thức này để chứng minh quyền sử dụng trước đối với sáng chế thì tính bảo mật khi lập vi bằng để ghi nhận việc sử dụng sáng chế cũng là một vấn đề cần lưu tâm.
Tóm lại, quyền sử dụng trước đối với sáng chế là một quy định hạn chế quyền hợp lý đặt ra đối với chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ độc quyền, vì mục tiêu cân bằng lợi ích cộng đồng và bảo đảm lợi ích chính đáng của những cá nhân, tổ chức sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ. Tuy nhiên, tiêu chí xác định điều kiện áp dụng quyền sử dụng trước đối với sáng chế vẫn chưa được pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định cụ thể và chi tiết; đặc biệt là chúng ta đang thiếu cơ chế để chứng minh mốc thời gian của việc sử dụng trước đối với sáng chế. Qua nghiên cứu một số cách thức, thực thi pháp luật ở Pháp và các quốc gia trên thế giới, các nhà lập pháp trong nước nên xem xét bổ sung quy định pháp luật nhằm cụ thể hóa tiêu chí xác định quyền sử dụng trước đối với sáng chế. Đồng thời, tham khảo ứng dụng cơ chế phong bì Soleau, nghiên cứu phát triển công nghệ Blockchain,… để các chủ thể có phương thức chứng minh quyền sử dụng trước trong trường hợp cần thiết một cách khoa học, hữu hiệu; góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể quyền và hơn nữa nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung.
Khoa Luật, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
https://www.legifrance.gouv.fr/codes/article_lc/LEGIARTI000006279474/, truy cập ngày 14/4/2022.
https://www.legifrance.gouv.fr/codes/article_lc/LEGIARTI000006279474/, truy cập ngày 14/04/2022.
https://vtudien.com/viet-viet/dictionary/nghia-cua-tu-%C4%91%E1%BB%93ng%20nh%E1%BA%A5t, truy cập ngày 14/4/2022.
[11] Audrey Amani (2021), “Enveloppe Soleau: tout savoir!”, Juritravail, https://www.juritravail.com/Actualite/enveloppe-soleau-tout-savoir/Id/359114, truy cập ngày 14/4/2022.