Abstract: The article analyzes, compares and contrasts the specific provisions on the statute of limitations for criminal prosecution against minors in the criminal law of Vietnam and the Russian Federation, in order to draw experiences and propose to complete the provisions of the Vietnam Penal Code on the statute of limitations for persons under 18 years of ag.
1. Quy về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của Bộ luật Hình sự Việt Nam
Theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, thì “trẻ em” được hiểu là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn[1]. Phù hợp với quy định này, Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam đưa ra khái niệm: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”[2]. Tuy nhiên, Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam người chưa thành niên bao gồm trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Xuất phát từ đặc thù tâm lý lứa tuổi, người dưới 18 tuổi luôn là đối tượng cần được sự quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Thể hiện điều này, Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự) đã có những quy định để bảo đảm quyền lợi cho người dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội. Cụ thể: Bộ luật Hình sự còn có sự phân hóa trách nhiệm hình sự (TNHS) rõ ràng giữa người trên 18 tuổi và người dưới 18 tuổi phạm tội bằng việc dành riêng Chương XII để quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (từ Điều 90 đến Điều 107) để quy định TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trên cơ sở thể hiện rõ nguyên tắc: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội; quy định những trường hợp có thể miễn TNHS và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục[3]; việc truy cứu TNHS người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm; không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa; án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (Điều 91). Đây là những quy định mang tính chất nhân đạo, đồng thời, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam lấy phòng ngừa tội phạm là trọng tâm hơn vấn đề trừng trị tội phạm nói chung và đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng.
Tuy nhiên, trong Chương XII vấn đề thời hiệu dành riêng đối với người dưới 18 tuổi chưa được quy định nên áp dụng như người trên 18 tuổi. Điều 27 Bộ luật Hình sự quy định, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 27). Theo đó, đối với người dưới 18 tuổi thời hiệu truy cứ trách nhiệm hình sự là 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, với người dưới 18 tuổi, thời hiệu này chỉ được tính đối với những tội danh cụ thể[4]. Khi hết thời hạn này, người phạm tội không bị truy cứu TNHS khi thỏa mãn các điều kiện:
Thứ nhất, trong thời hạn nói trên, người phạm tội không được phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 01 năm tù. Nếu trong thời hạn trên, người phạm tội phạm tội mới mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 01 năm tù thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Thứ hai, trong thời hạn nói trên, người phạm tội không được cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu được tính lại kể từ khi người phạm tội ra tự thú hoặc bị bắt giữ.
Với quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như trên có thể thấy, các điều kiện không phạm tội mới mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó là đến 01 năm tù, không được cố tình trốn tránh và chưa có lệnh truy nã là những điều kiện để chứng tỏ người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc tính nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội là không còn đáng kể để làm cơ sở miễn TNHS do hết thời hiệu nên người phạm tội được áp dụng như nhau là phù hợp nhưng điều kiện về khoảng thời gian đã trôi qua kể từ ngày thực hiện tội phạm để tính thời hiệu được áp dụng như nhau giữa người đủ 18 tuổi và người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy sự chưa nhất quán trong đường lối xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.
Mặt khác, theo tác giả, thời hiệu trong Bộ luật Hình sự là một trong những chế định phản ánh nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam. Nên cũng cần có quy định riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Bởi vì, người phạm tội phải bị truy cứu TNHS và phải chấp hành hình phạt nhưng khi được áp dụng chế định thời hiệu thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS. Do đó, đối với người dưới 18 tuổi cũng cần được quan tâm đặc biệt hơn và đối xử nhân đạo, khoan hồng.
2. Quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự Liên bang Nga
Bộ luật Hình sự Liên bang Nga đã dành riêng Chương 14 để quy định các đặc điểm về TNHS và hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội (Bộ luật Hình sự Liên bang Nga không quy định người dưới 18 tuổi như Việt Nam). Về cơ bản, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga và Bộ luật Hình sự Việt Nam có những điểm tương đồng khi quy định một chương riêng biệt để xử lý người chưa thành niên phạm tội ngoài những quy định chung. Theo Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, người chưa thành niên là người từ 14 đến dưới 18 tuổi, tính đến thời điểm phạm tội[5]. Khi người chưa thành niên phạm tội, họ có thể bị áp dụng hình phạt[6] hoặc biện pháp giáo dục cưỡng chế. Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự Liên Bang Nga quy định tại Điều 78, cụ thể:
“1. Một người được miễn trách nhiệm hình sự khi thời hạn sau đây đã hết kể từ ngày phạm tội
a. Hai năm khi phạm tội ít nghiêm trọng
b. Sáu năm khi phạm tội nghiêm trọng
c. Mười năm khi phạm tội nghiêm trọng
d. Mười lăm năm khi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng
2. Thời hạn được tính từ ngày phạm tội đến thời điểm bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nếu một người phạm tội mới thì thời hạn đối với mỗi tội phạm sẽ được tính độc lập.
3. Việc trốn trong thời hạn này sẽ bị dừng lại nếu người phạm tội trốn tránh điều tra hoặc xét xử tại tòa án. Trong trường hợp này, thời hạn giới hạn sẽ được tiếp tục kể từ thời điểm giam giữ người nói trên hoặc thừa nhận tội lỗi của anh ta”.
Tuy có điểm khác biệt vời thời hiệu truy cứu TNHS đối với từng loại tội nhưng nhìn chung cơ bản vẫn có những điểm tương đồng so với Bộ luật Hình sự Việt Nam. Nhưng quy định về thời hiệu này không phải cho tất cả người phạm tội, mà đối với người người chưa thành niên, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga có quy định riêng. Theo đó, Điều 94 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga quy định về thời hiệu áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội: “Thời hiệu đã được xem xét tại các Điều 78 và Điều 83[7] Bộ luật này, khi miễn TNHS hoặc miễn chấp hành hình phạt cho người chưa thành niên phạm tội sẽ được giảm đi một nửa”. Như vậy, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga quy định cả thời hiệu truy cứu TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 đến chưa đủ 18 tuổi, cụ thể là 01 năm khi phạm tội ít nghiêm trọng, 03 năm khi phạm tội nghiêm trọng, 05 năm khi phạm tội nghiêm trọng, 07 năm 06 tháng khi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời, thời hiệu này cũng chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên khi họ phạm những tội mà theo quy định của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga phải chịu TNHS theo quy định tại Điều 20 về tuổi chịu TNHS[8]. Với quy định trên, người chưa thành niên phạm tội luôn được hưởng một thời hiệu ngắn hơn so với người đã thành niên là quy định có lợi theo chuẩn mực quốc tế về hướng xử lý đối với người chưa thanh niên phạm tội có sự phân biệt đối với người đã thành niên, góp phần bảo đảm cho người chưa thành niên có điều kiện tốt nhất để mau chóng tái hòa nhập cộng đồng.
3. Kinh nghiệm cho Việt Nam về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi
Bên cạnh những quy định chung về quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 còn dành riêng một điều để bảo vệ quyền của trẻ em, theo đó, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (Điều 37). Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Theo công ước, trẻ em vì một lý do nào đó phải tham gia vào các hoạt động tư pháp hình sự thì mọi biện pháp xử lý phải xuất phát từ yêu cầu giáo dục chứ không phải trừng trị. Đồng thời, phải bảo đảm rằng, việc đối xử với trẻ em phải trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm và phẩm giá của các em, phù hợp với độ tuổi và mức độ trưởng thành, thúc đẩy tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, Hướng dẫn làm việc với trẻ em trong tư pháp hình sự 1997 (Guidelines for Action on Children in the Criminal Justice System 1997) đã đưa ra những nội dung nhằm giúp cho các quốc gia thành viên thực hiện Công ước về quyền trẻ em, thực hiện các mục tiêu của Công ước; sử dụng và áp dụng các quy tắc, tiêu chuẩn của Liên Hợp quốc trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến người chưa thành niên. Theo đó, các quốc gia cần thấy được tầm quan trọng của một cách tiếp cận quốc gia nhất quán và toàn diện trên lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên, dựa trên cơ sở tôn trọng tính liên kết, không thể chia cắt của tất cả các quyền của trẻ em[9]. Hướng dẫn này cũng nêu rõ các quốc gia thành viên cần có một quy trình tư pháp toàn diện trong đó lấy trẻ em làm trung tâm. Các luật hiện hành và dự kiến ban hành về lĩnh vực tư pháp liên quan, cũng như tác động của chúng với trẻ em cần phải được rà soát, đánh giá bởi các chuyên gia độc lập hoặc bằng các hình thức tư vấn khác. Thủ tục đặc biệt cần được xây dựng để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của trẻ em, cần giảm thiểu việc đưa trẻ em vào các cơ sở tập trung kín. Việc cách ly trẻ em như vậy chỉ nên thực hiện phù hợp với Điều 37 (b)[10] của Công ước về quyền trẻ em và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng, áp dụng trong một thời gian ngắn. Biện pháp nhục hình trong hệ thống tư pháp và bảo trợ xã hội dành cho trẻ em cần bị nghiêm cấm. Đồng thời, xác định các bước đi thích hợp nhằm tạo một loạt các biện pháp giáo dục và có tính chất thay thế ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhằm ngăn ngừa sự tái phạm và thúc đẩy khả năng tái hòa nhập xã hội của trẻ em phạm pháp.
Nghiên cứu, phân tích pháp luật Liên bang Nga về thời hiệu truy cứu TNHS đối với người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi), tác giả kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam về thời hiệu đối với người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội theo hướng, nên quy định thời hiệu đối với người dưới 18 tuổi phạm tội có thời hạn bằng 1/2 so với người trên 18 tuổi phạm tội. Đây là quy định có lợi cho người dưới 18 tuổi, nhằm bảo đảm được tốt hơn quyền lợi của họ.
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Article 1 Convention on the right of the Child: “… A child means every human being below the age of eighteen years unless under the law applicable to the child, majority is attained earlier”.
[2]. Xem: Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016.
[3]. Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252; người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án”.
[4]. Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
[5]. УК РФ Статья 87. Уголовная ответственность несовершеннолетних
[6]. УК РФ Статья 88. Виды наказаний, назначаемых несовершеннолетним “. Видами наказаний, назначаемых несовершеннолетним, являются:а) штраф;б) лишение права заниматься определенной деятельностью;в) обязательные работы;г) исправительные работы;д) ограничение свободы; е) лишение свободы на определенный срок.”
[7]. УК РФ Статья 83. Освобождение от отбывания наказания в связи с истечением сроков давности обвинительного приговора суда “ 1.Лицо, осужденное за совершение преступления, освобождается от отбывания наказания, если обвинительный приговор суда не был приведен в исполнение в следующие сроки со дня вступления его в законную силу: а) два года при осуждении за преступление небольшой тяжести;б) шесть лет при осуждении за преступление средней тяжести;в) десять лет при осуждении за тяжкое преступление;г) пятнадцать лет при осуждении за особо тяжкое преступление.
[8]. УК РФ Статья 20. Возраст, с которого наступает уголовная ответственность “1. Уголовной ответственности подлежит лицо, достигшее ко времени совершения преступления шестнадцатилетнего возраста; 2. Лица, достигшие ко времени совершения преступления четырнадцатилетнего возраста, подлежат уголовной ответственности за убийство (статья 105), умышленное причинение тяжкого вреда здоровью (статья 111), умышленное причинение средней тяжести вреда здоровью (статья 112), похищение человека (статья 126), изнасилование (статья 131), насильственные действия сексуального характера (статья 132), кражу (статья 158), грабеж (статья 161), разбой (статья 162), вымогательство (статья 163), неправомерное завладение автомобилем или иным транспортным средством без цели хищения (статья 166), умышленные уничтожение или повреждение имущества при отягчающих обстоятельствах (часть вторая статьи 167), террористический акт (статья 205), прохождение обучения в целях осуществления террористической деятельности (статья 205.3), участие в террористическом сообществе (часть вторая статьи 205.4), участие в деятельности террористической организации (часть вторая статьи 205.5), несообщение о преступлении (статья 205.6), захват заложника (статья 206), заведомо ложное сообщение об акте терроризма (статья 207), участие в незаконном вооруженном формировании (часть вторая статьи 208), угон судна воздушного или водного транспорта либо железнодорожного подвижного состава (статья 211), участие в массовых беспорядках (часть вторая статьи 212), хулиганство при отягчающих обстоятельствах (части вторая и третья статьи 213), вандализм (статья 214), незаконные приобретение, передачу, сбыт, хранение, перевозку или ношение взрывчатых веществ или взрывных устройств (статья 222.1), незаконное изготовление взрывчатых веществ или взрывных устройств (статья 223.1), хищение либо вымогательство оружия, боеприпасов, взрывчатых веществ и взрывных устройств (статья 226), хищение либо вымогательство наркотических средств или психотропных веществ (статья 229), приведение в негодность транспортных средств или путей сообщения (статья 267), посягательство на жизнь государственного или общественного деятеля (статья 277), нападение на лиц или учреждения, которые пользуются международной защитой (статья 360), акт международного терроризма (статья 361).
[9]. Guidelines for Action on Children in the Criminal Justice System 1997 “The importance of a comprehensive and consistent national approach in the area of juvenile justice should be recognized, with respect for the interdependence and indivisibility of all rights of the child”.
[10]. Article 37 Convention on the right of the Child: “No child shall be deprived of his or her liberty unlawfully or arbitrarily. The arrest, detention or imprisonment of a child shall be in conformity with the law and shall be used only as a measure of last resort and for the shortest appropriate period of time”.