Abstract: This article studies the legal provisions on the death declaration procedure, and analyzes the current status of carrying out the death declaration procedure in Vietnam, thereby making improvement direction for this issue in the next time.
1. Một số vấn đề về khai tử và thủ tục khai tử theo pháp luật Việt Nam
1.1. Khai tử
“Khai tử” được đề cập trong khoản 2, 3 Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân chết phải được khai tử. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu”. Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra khái niệm khai tử mà khai tử chỉ được nhắc đến trong điểm e khoản 2 Điều 3 là một sự kiện hộ tịch phải xác nhận vào sổ hộ tịch.
Theo Từ điển Tiếng Việt, khai tử là quy định pháp lý bắt buộc lúc có một người chết phải khai báo ngay với bộ phận hộ tịch của chính quyền địa phương để xin giấy chứng nhận tử vong và giấy phép chôn cất. Mục đích của thủ tục khai tử là để quản lý tình hình hộ tịch, nhân khẩu của địa phương, là việc cần thiết trong công tác dân số, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế…
Như vậy, khai tử có thể hiểu là một sự kiện hộ tịch được ghi nhận vào sổ hộ tịch xác định sự kiện một cá nhân chết, trừ trường hợp trẻ sinh ra và chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh thì không bắt buộc khai sinh và khai tử.
1.2. Thủ tục đăng ký khai tử
- Thủ tục đăng ký khai tử: (i) Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch; (ii) Ngay sau khi nhận giấy tờ hợp lệ, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào sổ hộ tịch, người đi khai tử ký tên vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử; (iii) Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử[1].
Các loại giấy tờ phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch bao gồm: (i) Tờ khai theo mẫu quy định; (ii) Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay cho giấy báo tử; (iii) Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu/Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân của người đăng ký khai tử; (iv) Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng của người chết, nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì giấy tờ chứng minh nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người đó.
- Giấy báo tử: Giấy báo tử hay giấy chứng tử là một tài liệu pháp lý quan trọng do một người hành nghề y tế cấp, trong đó nêu rõ thời điểm một người chết, tuyên bố ngày, tháng, địa điểm và nguyên nhân cái chết của một người. Người hành nghề y tế phải chịu trách nhiệm chuyên môn để bảo đảm việc hoàn thành chính xác giấy báo tử[2]. Theo Từ điển Tiếng Việt: “Giấy báo tử phải do thầy thuốc của cơ quan y tế địa phương cấp sau khi khám xác kỹ lưỡng để xác định chết, thời gian chết, nguyên nhân chết”. Theo hai quan điểm trên thì giấy báo tử nhất thiết phải do người hành nghề y tế cấp và người cấp phải chịu trách nhiệm chuyên môn cho việc xác định một người là đã chết và nguyên nhân chết của người đó.
Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra khái niệm về giấy báo tử. Trong thủ tục khai tử, giấy báo tử có thể được thay thế bằng các loại giấy tờ khác do nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp, bao gồm: (i) Giấy báo tử do Thủ trưởng cơ quan y tế cấp đối với người chết tại cơ sở y tế; (ii) Giấy xác nhận việc thi hành án tử hình của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình; (iii) Quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án; (iv) Văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc Kết quả giám định của cơ quan giám định pháp y; (v) Giấy báo tử do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết cấp trong các trường hợp còn lại.
Trong trường hợp người chết không chết tại cơ sở y tế, bị thi hành án tử hình, bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố một người là đã chết hoặc chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn sẽ có hai điểm chưa thực sự hợp lý: (i) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết vừa có thẩm quyền cấp giấy báo tử, vừa có thẩm quyền cấp khai tử; (ii) Người có thẩm quyền cấp giấy báo tử không có chuyên môn y khoa,vì vậy, không thể có một bằng chứng khoa học nào về nguyên nhân cái chết của người chết cũng như xác định người chết là ai, có thực sự là người được khai tử không.
2. Thực trạng thực hiện thủ tục khai tử ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, không khai tử cho người chết.
Hiện nay, tại địa bàn một số tỉnh, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, đa số người dân thường chết tại gia đình - là nơi cư trú cuối cùng của người chết. Qua công tác thanh tra, kiểm tra vào báo cáo số liệu hàng năm về việc đăng ký khai tử cho thấy, số liệu đăng ký khai tử chiếm tỷ lệ rất thấp so với số người chết. Nguyên nhân một phần là do quan niệm của một số người đăng ký khai tử đối với người chết là không cần thiết và phải thực hiện thủ tục hành chính rườm rà[3].
Thứ hai, khai tử cho người còn sống nhằm trục lợi.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp người thân thích khai tử cho người thân còn sống để trục lợi. Một số vụ việc điển hình như:
- Vụ con dâu khai tử cho cha mẹ chồng còn sống để hưởng thừa kế: Năm 1998, cụ H (90 tuổi) cho con trai cả là T mảnh đất rộng hơn 180 m2, nhưng chưa làm thủ tục tặng cho chính thức. Năm 2005, sau khi ông T qua đời, vợ ông là bà V, cũng là con dâu của vợ chồng cụ H đã đến một Phòng Công chứng trên địa bàn để thực hiện thủ tục kê khai di sản thừa kế. Bà V chỉ kê khai tên mình và hai người con gái thuộc diện thừa kế tài sản của chồng, còn cha mẹ chồng là vợ chồng cụ H thì bà lại khai là đã chết. Có kèm theo giấy khai tử do chính quyền địa phương cấp. Năm 2015, con gái bà V gặp vợ chồng cụ H, kể về việc mẹ mình đã bán và sang tên thửa đất cho người khác. Lúc này, vợ chồng cụ H mới biết mình bị “khai tử” từ 10 năm trước[4].
- Vụ mẹ ruột khai tử cho con trai 3 tuổi còn sống để không cho chồng cũ thăm nom con: Ngày 11/5/2022, bà P đến Ủy ban nhân dân phường nơi cư trú làm thủ tục khai tử cho cháu L (sinh năm 2019) là con trai bà P. Tại Ủy ban nhân dân phường, bà P khai cháu L bị viêm phổi và mất vào 18 giờ 30 phút ngày 04/5/2022 và chết tại nhà. Ông N, người ký giấy khai tử cho cháu L cho biết, khi đến phường làm giấy khai tử cho con trai, bà P có mang theo các giấy tờ tùy thân. Tại phường, bà P khóc lóc, mặt lộ rõ vẻ đau buồn và có ký cam kết khai đúng sự thật. Lý do người mẹ này đăng ký khai tử cho con vì không muốn chồng cũ đến thăm con, bởi hai người dù đã ly hôn nhưng vẫn xảy ra mâu thuẫn[5]. Trong trường hợp này, cán bộ phường đã không xác minh và cũng không có chuyên môn về y khoa mà vẫn ký giấy khai tử thông qua biểu lộ cảm xúc của bà P.
- Trường hợp khai tử cho người còn sống để nhận tiền tuất, phí mai táng: Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần; người đang hưởng lương hưu; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên... khi chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất hàng tháng. Trong trường hợp không còn thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng chế độ tử tuất một lần. Từ đây, nhiều người đã khai tử cho người thân của mình để trục lợi tiền tuất một lần[6],[7].
Thứ ba, nguy cơ bỏ lọt tội phạm khi khai tử cho người chết tại nhà.
Năm 2012, bà L thua lô, đề với số tiền lớn, bà bàn với chồng là anh C bán nhà để trả nợ nhưng chồng không đồng ý. Bà L mua thuốc trừ sâu tiêm vào người chồng đến chết, rồi loan tin chồng bị đột quỵ. Gia đình vội vàng tiến hành tang lễ và đưa thi thể người chồng an táng. Do nghi ngờ về cái chết đột ngột của anh C (anh C là cảnh sát giao thông), đồng nghiệp của anh yêu cầu cơ quan điều tra giám định pháp y[8]. Giả thiết trong trường hợp này, đồng nghiệp của anh C không có sự “nhạy bén” về chuyên môn, nghiệp vụ thì cái chết anh C đã được khai tử một cách dễ dàng với nguyên nhân đột quỵ và chết tại nhà.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về khai tử ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia về cá nhân, xây dựng và triển khai kho dữ liệu mở và tiến hành khai tử điện tử.
Tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân, để phục vụ 05 nhóm tiện ích tập trung vào giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện hệ sinh thái Chính phủ số; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và phục vụ công dân số. Đề án này giúp tinh gọn các thủ tục hành chính và áp dụng thống nhất trong toàn quốc, trong đó có thủ tục khai tử.
Thứ hai, giấy báo tử phải do người có chuyên môn y khoa cấp trong trường hợp chết tại nhà.
Quy định chặt chẽ ở khâu cấp giấy báo tử là giải pháp để khắc phục trường hợp khai tử cho người còn sống nhằm trục lợi hay khai tử cho người thân chết “bất thường” thành nguyên nhân chết “tự nhiên” tại nhà để qua mặt cơ quan chức năng. Mấu chốt trong thủ tục cấp giấy báo là thẩm quyền cấp giấy báo tử phải thuộc về người có chuyên môn y khoa. Thực trạng hiện nay cho thấy, việc không xác minh thông tin về sự kiện chết và nguyên nhân chết mà cấp giấy báo tử dựa trên niềm tin đã gây ra nhiều hệ lụy xã hội như đã phân tích ở phần trên. Trường hợp, Ủy ban nhân dân có xác minh thì cũng chưa đủ chuyên môn y khoa để xác định nguyên nhân chết của người được khai tử là “bình thường” hay “bất thường”.
Về vấn đề này, có thể tham khảo pháp luật của Úc, theo đó, việc đăng ký tất cả các trường hợp tử vong là bắt buộc. Đạo luật Đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn yêu cầu một người, thường là Giám đốc nhà tang lễ, phải thông báo cho Cơ quan đăng ký khai sinh, tử và kết hôn trong vòng 14 ngày, kể từ ngày cử hành tang lễ. Bác sỹ chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho một người trước khi chết hoặc người khám cho người chết sau khi chết, phải điền đầy đủ và ký vào giấy chứng nhận nguyên nhân tử vong. Giấy chứng nhận này phải được cấp trong vòng 48 giờ sau khi người đó qua đời và được trao cho Giám đốc nhà tang lễ hoặc những người sắp xếp dịch vụ tang lễ. Bác sỹ không bắt buộc phải cung cấp thông báo này về nguyên nhân tử vong trong các trường hợp mà cái chết được báo cáo cho nhân viên điều tra của bang.
Trong hầu hết các trường hợp, Giám đốc nhà tang lễ thay mặt gia đình hoặc những người đại diện cho người chết thay mặt gia đình hoặc những người đại diện cho người chết tại thời điểm đăng ký khai tử cấp giấy chứng tử. Sau khi đăng ký, Cơ quan đăng ký khai sinh, tử và kết hôn sẽ gửi giấy chứng tử cho Giám đốc nhà tang lễ để chuyển tiếp. Bất cứ lúc nào sau khi cái chết được đăng ký, người nộp đơn đủ điều kiện có thể nộp đơn trực tiếp cho Cơ quan đăng ký khai sinh, tử và kết hôn hoặc Tòa án gần nhất để được cấp giấy chứng tử[9].
Như vậy, thủ tục khai tử ở Úc đòi hỏi người cấp giấy chứng tử nhất thiết phải có chuyên môn y khoa và phải chịu trách nhiệm cho quyết định cấp giấy chứng tử của mình trước pháp luật. Quan điểm của nhà làm luật xem khai tử là một thủ tục hộ tịch quan trọng. Vì vậy, bất chấp thủ tục rườm rà cũng phải thực hiện đầy đủ và quan trọng, nhất là khâu cấp giấy chứng tử.
Vì vậy, tác giả đề xuất sửa đổi quy định về cấp giấy báo tử cho người chết theo hướng, nếu người chết không chết tại cơ sở y tế, bị thi hành án tử hình, bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố một người là đã chết hoặc chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì giấy báo tử phải do bác sỹ cấp.
Thứ ba, bổ sung trường hợp xử phạt vi phạm hành chính do không khai tử cho người thân trong thời hạn quy định mà không cần mục đích trục lợi.
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014, khai tử là trách nhiệm của người thân thích hoặc đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan (trường hợp không có người thân thích). Tuy nhiên, chỉ khi nào khai tử cho người còn sống, không khai tử cho người chết để trục lợi mới bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo Điều 41 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) thì chỉ những hành vi sau đây mới bị coi là vi phạm hành chính và bị xử phạt vi phạm về đăng ký khai tử: (i) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai tử. (ii) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a. Làm chứng sai sự thật cho người khác để đăng ký khai tử; b. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được đăng ký khai tử. (iii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a. Làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống; b. Không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi; c. Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi.
Như vậy, có thể thấy, đối với trường hợp không khai tử cho người chết mà không có mục đích trục lợi đang thiếu chế tài. Vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung chế tài hành chính đối với hành vi không khai tử cho người chết khi hết hạn quy định theo hướng, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày một người chết, người có nghĩa vụ khai tử cho người chết được quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 có trách nhiệm khai tử cho người chết. Nếu không khai tử thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (khoản 1 Điều 41 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP).
Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính - Marketing
[1]. Điều 51 Luật Hộ tịch năm 2014.
[2]. Sara Bird (2011), How to complete a death certifcate, Australian family Physician Vol.40, no.6, June 2021, Page.449, nguồn: https://www.racgp.org.au/getattachment/42ea840e-ce92-4ee7-8ae6-dd615a4acd3d/How-to-complete-a-death-certificate.aspx, truy cập ngày 28/7/2022.
[3]. Bộ Tư pháp (2016), Thủ tục khai tử cho công dân Việt Nam chết tại gia đình là nơi cư trú cuối cùng, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2027, truy cập ngày 30/7/2022.
[4]. Hữu Thiện (2022), Con dâu đi khai tử bố mẹ chồng còn sống, https://kenh14.vn/ha-noi-con-dau-noi-ve-nguon-con-di-khai-tu-bo-me-chong-du-ho-dang-con-song-20220114144832893.chn, truy cập ngày 28/7/2022.
[5]. Bình Minh (2022), Vụ người mẹ khai tử cho con 3 tuổi còn sống, https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/vu-me-khai-tu-con-3-tuoi-du-van-con-song-co-nen-giao-con-cho-nguoi-cha-cham-soc-c46a1362691.html, truy cập ngày 28/7/2022.
[6]. Thành An (2014), Khai tử cha mẹ để nhận tuất một cục, https://tuoitre.vn/khai-tu-cha-me-de-nhan-tuat-mot-cuc-602021.htm, truy cập ngày 28/7/2022.
[7]. Báo Pháp luật (2013), Khai tử cho người sống để trục lợi tiền mai táng phí, https://suckhoedoisong.vn/khai-tu-nguoi-song-de-truc-loi-tien-mai-tang-phi-16960010.htm, truy cập ngày 28/7/2022.
[8]. Đàm Đệ (2012), Vợ trung tá cảnh sát giao thông giết chồng tàn ác như thế nào?, https://vietnamnet.vn/vo-trung-ta-csgt-giet-chong-tan-ac-the-nao-64247.html, truy cập ngày 28/7/2022.
[9]. Apply for a death certificate, https://www.wa.gov.au/service/justice/civil-law/apply-death-certificate#: ~:text=This%20certificate%20must%20be%20issued,reported%20to%20the%20State%20Coroner, ngày truy cập 22/8/2022.