Ngày 8/5, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tiếp nối thành công năm 2023, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả tích cực của ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng bối cảnh mới, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số.
Việc ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN có thể xem là cột mốc quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn.
Hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét. Về khuôn khổ pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Từ năm 2020 - 2022, Ngân hàng Nhà nước xếp thứ hạng cao trong các Bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số.
Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Đặc biệt, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.
Chia sẻ tại sự kiện, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng. Trong đó, có nhiều tổ chức tín dụng đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy. Về làm sạch dữ liệu: 24 tổ chức tín dụng đã ký kết với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 tổ chức tín dụng đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: HG. |
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc tổ chức “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của ngành Ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công dân số.
Theo Thủ tướng, xác định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành Ngân hàng với vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành Ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này”, Thủ tướng nói.
Qua theo dõi và chỉ đạo, Thủ tướng đánh giá lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số nhằm chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đóng góp chung vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Thủ tướng, chuyển đổi số ngân hàng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thể chế, chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, như Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung; Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt chưa được ban hành.
Hạ tầng số, nền tảng số còn chưa theo kịp nhu cầu thực tế (hạ tầng cho thương mại 5G, hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn...). Công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin còn nhiều thách thức, còn chưa ngăn chặn được các mã độc tống tiền đang ngày càng phổ biến (Quý I/2024 đã ghi nhận gần 2,4 nghìn cuộc tấn công mạng). Các doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ mới (Fintech) còn hạn chế. Còn thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin.
Thủ tướng chia sẻ và mong Ngân hàng Nhà nước cùng toàn ngành Ngân hàng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để thúc đẩy chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó, chú trọng trước hết là xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua.
Cùng với đó, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt (cố gắng hoàn thành trong quý II/2024); rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... và các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với xu hướng phát triển, trong đó cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc…).
Thúc đẩy tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp được cung ứng và trải nghiệm các dịch vụ một cách liền mạch, xuyên suốt (từ tiếp nhận, đăng ký, sử dụng dịch vụ cho đến thanh toán…).
Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chip và tài khoản VNeID để định danh, xác thực thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách an toàn, tiện lợi.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số./.