Bài viết phân tích dấu hiệu định tội cơ bản của hai tội Tội mua bán người dưới 16 tuổi và Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện để việc định tội danh được chính xác và thống nhất.
Trong Bộ luật Hình sự 2015 Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015) và Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015) được quy định tại Chương XIV - Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 hai tội phạm này được quy định trong cùng một điều luật là Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120). Tuy nhiên, khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” đã được tách ra thành các điều luật riêng biệt với một chút sửa đổi trong tên tội danh, việc sửa đổi này sẽ phản ánh được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi[1], thể hiện được tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về việc nhấn mạnh bảo vệ quyền con người và các quyền của công dân cũng như phù hợp với nghĩa vụ tội phạm hóa của quốc gia trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[2].
Những dấu hiệu định tội của Tội mua bán người dưới 16 tuổi và Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015:
Thứ nhất, Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015[3]
Khách thể của tội phạm này là danh dự, nhân phẩm và sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi (người phạm tội coi con người như một món hàng để đem ra mua bán, trao đổi, gây thiệt hại nặng nề về danh dự, nhân phẩm của nạn nhân). Chủ thể của tội phạm này phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Về mặt chủ quan, tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Về mặt khách quan đây là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức, chỉ quy định hành vi khách quan là dấu hiệu bắt buộc, hành vi có thể được thực hiện dưới 3 dạng:
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 có loại trừ trường hợp không phạm tội đó là: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo. Trước đây trong Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về hành vi mua bán trẻ em và cũng có loại trừ một số trường hợp không phạm vào tội này như là “vì đông con hoặc vì đặc biệt khó khăn đặc biệt mà phải bán con mình (dưới hình thức cho làm con nuôi và nhận số tiền giúp đỡ) cũng như trường hợp vì hiếm muộn mà mua của chính người có con đem bán để về làm con nuôi thì không phạm tội”[4]. Vì vậy theo quan điểm của tác giả đây có thể xem là các trường hợp nhân đạo mà Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 đề cập[5].
Tuy nhiên xét về mặt khách quan, trong Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015) chỉ quy định hành vi khách quan mà không quy định phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi đó là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác” như trong Tội mua bán người (Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015). Việc quy định như vậy dẫn đến hai cách hiểu:
Cách hiểu thứ nhất, đây là hai tội phạm có mối quan hệ cấu thành tội phạm chung và cấu thành tội phạm riêng (chủ yếu phân biệt tội danh là dựa vào độ tuổi của đối tượng tác động) vì vậy phương thức, thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi trong Tội mua bán người dưới 16 tuổi sẽ giống với Tội mua bán người.
Cách hiểu thứ hai, đó là trong Tội mua bán người dưới 16 tuổi chỉ cần người phạm tội thực hiện các hành vi được quy định trong cấu thành là đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm dù có hay không sử dụng phương thức, thủ đoạn như trong Tội mua bán người.
Theo tác giả, cách hiểu thứ hai sẽ hợp lý hơn vì đối tượng tác động của Tội mua bán người dưới 16 tuổi là người dưới 16 tuổi – những người chưa thật sự hoàn thiện về tâm sinh lý, sẽ có những trường hợp nạn nhân còn quá nhỏ để có thể nhận thức được các phương thức, thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, theo khoản c Điều 3 Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia quy định “Việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là "buôn bán người" ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ cách thức nào được nói đến trong khoản (a) điều này” (Các cách thức đã nêu trong khoản a điều này là một trong những cách thức đã quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự đó là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác)[6].
Tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định 4 khung hình phạt trong đó mức hình phạt thấp nhất đối với tội này là phạt tù 7 năm và mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Khoản 4 quy định về hình phạt bổ sung.
Thứ hai, Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015[7]
So với Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015) thì khách thể và mặt chủ quan của của tội phạm này là giống nhau. Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Về mặt khách quan, tội phạm này chỉ quy định dấu hiệu hành vi khách quan là bắt buộc nên đây là cấu thành tội phạm hình thức. Hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ. Hành vi chiếm giữ người dưới 16 tuổi có thể được thực hiện bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực nhưng cũng có thể là bằng dụ dỗ, lừa dối…và mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thực tế muốn xác định được tội danh này thì ta cần phải dựa vào mục đích của người phạm tội. Hành vi chiếm giữ người dưới 16 tuổi của người phạm tội phải có mục đích không giao trả lại người (mặc dù trong luật không quy định) và không thuộc các trường hợp chiếm giữ người với những mục đích khác mà luật đã quy định thì mới có thể phân biệt với các tội phạm khác vì hành vi chiếm giữ được quy định trong nhiều tội danh khác nhau. Ví dụ nếu người phạm tội dùng các thủ đoạn khác nhau chiếm giữ người dưới 16 tuổi để thực hiện các hành vi tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 151 thì thuộc trường hợp Tội mua bán người dưới 16 tuổi (điểm c khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự)[8].
Điều 153 Bộ luật Hình sự quy định 4 khung hình phạt. Khoản 1 quy định hình phạt tù thấp nhất 03 năm và khoản 3 quy định mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung.
2. Một số hạn chế trong quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 về dấu hiệu định tội của Tội mua bán người dưới 16 tuổi và Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
Thứ nhất, có thể nhận thấy được điểm tiến bộ trong Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội mua bán người dưới 16 tuổi so với Bộ luật Hình sự năm 1999 là đã quy định chi tiết hành vi khách quan của tội này vào trong luật. Trước đây trong Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội danh mua bán người dưới 16 tuổi nhưng không mô tả cụ thể hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm cơ bản mà chỉ quy định “người nào mua bán người thì bị phạt...” vì vậy hành vi khách quan của tội phạm này chính là “hành vi dùng tiền hoặc tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác để trao đổi người như một thứ hàng hóa”[9]. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi khách quan của tội mua bán người dưới 16 tuổi ngoài cách hiểu như Bộ luật Hình sự 1999 thì còn có thêm 2 trường hợp đó là: (i) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc là vì mục đích vô nhân đạo; (ii) Hoặc là hành vi giao người hoặc nhận người chưa diễn ra nhưng người phạm tội đã thực hiện hành vi tuyển mộ (tức là dùng phương thức thủ đoạn khác nhau để có được nạn nhân), chứa chấp hay vận chuyển người (đây đều là những hành vi thực hiện trước cả hành vi chuyển giao người) để thực hiện các hành vi đã nêu trong điểm a, b khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự thì cũng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm này. Ví dụ: nếu người phạm tội sử dụng vũ lực để bắt nạn nhân dưới 16 tuổi trở lên nhằm thực hiện hành vi chuyển người để nhận tiền thì đây chính là hành vi khách quan của tội mua bán người dưới 16 tuổi, tuy nhiên trường hợp này chưa chuyển giao người nên không thể thuộc trường hợp tại điểm a khoản 1 Điều 151 mà thuộc điểm c khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp một người bắt giữ người dưới 16 tuổi nhưng không thực hiện hành vi chuyển giao cũng như không có mục đích chuyển giao mà tự mình sử dụng người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì định tội danh như thế nào. Ví dụ như một người bắt một đứa trẻ 3 tuổi và tự mình bắt đứa trẻ này đi ăn xin[10] thì tội danh là gì? Rõ ràng nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thỏa mãn dấu hiệu định tội của Tội mua bán người dưới 16 tuổi cho nên chỉ có thể định vào Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015). Tuy nhiên, định tội danh như thế này theo chúng tôi là không phù hợp với tính chất nguy hiểm của hành vi vì Tội mua bán người dưới 16 tuổi có mức độ nguy hiểm cao hơn Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi[11], cũng như không phù hợp với tinh thần tại Điều 3[12] của Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Chính vì vậy tác giả cho rằng cần sửa đổi lại quy định tại khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 để việc định tội danh được chính xác và thống nhất.
Thứ hai, về hành vi khách quan của Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi trong BLHS năm 2015 tại khoản 1 Điều 153 có quy định hành vi chiếm đoạt chính là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên theo tác giả việc quy định hành vi chiếm đoạt là chiếm giữ là không phù hợp. Bởi vì bản chất chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là chuyển dịch nạn nhân một cách trái phép, đưa nạn nhân ra khỏi sự quản lý của gia đình hay người quản lý hợp pháp, còn chiếm giữ bản chất là không giao trả, có thể bao gồm sự chuyển dịch và không giao trả hoặc chỉ đơn thuần là không giao trả chứ không có sự chuyển dịch một cách trái pháp luật. Ví dụ, trường hợp A thấy một em bé 5 tuổi bị thất lạc cha mẹ, sau đó A dụ dỗ đưa đứa trẻ về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng và A không hề có ý định tìm bố mẹ để trả lại đứa trẻ này thì không thể xử A vào Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều Bộ luật Hình sự năm 2015) được mặc dù A có hành vi chiếm giữ đứa trẻ này. Chính vì vậy nhóm tác giả cho rằng: Không phải tội phạm nào cũng phải quy định theo hướng mô tả vì vậy cần quy định lại dấu hiệu định tội của tội này theo hướng quy định giản đơn và có văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ ba, việc định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi với hành vi mua bán người dưới 16 tuổi có thể có sự nhầm lẫn vì trong Tội mua bán người dưới 16 tuổi có hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 “tuyển mộ…người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi tại điểm a, b khoản này”. Để có sự chặt chẽ trong việc định tội danh cũng như phù hợp với kỷ thuật lập pháp đã được sử dụng trong việc quy định một số tội phạm[13] khi một hành vi có thể được quy định trong nhiều điều luật khác nhau tác giả cho rằng nên quy định trường hợp loại trừ tội danh trong cấu thành cơ bản của Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Một là, tác giả đề xuất sửa đổi dấu hiệu định tội của Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo hướng phù hợp tinh thần của Nghị định thư chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên cũng như phù hợp với việc định tội danh. Cụ thể sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này” thành “Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hay vì mục đích vô nhân đạo khác”.
Hai là, sửa đổi dấu hiệu định tội của Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015) theo hướng quy định hành vi khách quan của tội này là hành vi chiếm đoạt thay cho hành vi chiếm giữ. Đồng thời, bổ sung thêm trường hợp loại trừ tội danh vào trong cấu thành cơ bản của tội này để việc định tội danh được rõ ràng, cụ thể bổ sung thêm quy định “nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 151 của Bộ luật này” vào khoản 1 Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể sửa đổi khoản 1 Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015 từ “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì…” thành “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm đoạt người dưới 16 tuổi nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 151 của Bộ luật này thì …”. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi chiếm đoạt trong Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”.
a) “Việc buôn bán người” nghĩa là việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực hoặc bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, man trá hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hoặc bằng việc đưa, nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người nhằm kiểm soát nhữngngười khác. Hành vi bóc lột bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc việc lấy các bộ phận cơ thể;
b) Việc một nạn nhân của hành vi buôn bán người chấp nhận sự bóc lột có chủ ý được nêu ra trong khoản (a) của Điều này sẽ là không thích hợp nếu bất kỳ một cách thức nào nêu trong khoản (a) đã được sử dụng.
c) Việc mua, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận một đứa trẻ nhằm mục đích bóc lột sẽ bị coi là “buôn bán người” ngay cả khi việc này được thực hiện không cần dùng đến bất kỳ một cách thức nào được nói đến trong khoản (a) Điều này;
d) “Trẻ em” là người dưới 18 tuổi.