Tóm tắt: Trong bài viết, tác giả bàn về khái niệm cũng như những thuận lợi, khó khăn của công tác ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này.
Abstract: In the article, the author discusses the concept as well as the advantages and disadvantages of the judicial entrustment in resolving civil cases involving foreign elements in Vietnamese Court and proposes some solutions to contribute to the improvement of the efficiency of this work.
1. Khái niệm chung về ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam
Theo khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện, chấm dứt quan hệ xảy ra tại nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ đó ở nước ngoài.
Khi giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam thì Tòa án thường sẽ có hoạt động tố tụng như: Lấy lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ… cho đương sự ở nước ngoài. Để thực hiện được công việc này, Tòa án cần sự tương trợ của nước nơi hành vi tố tụng đó thực hiện. Hoạt động này gọi là ủy thác tư pháp. Theo Điều 6 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 thì ủy thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ủy thác tư pháp được chia ra làm ủy thác tư pháp của Việt Nam và ủy thác tư pháp của nước ngoài. Ủy thác tư pháp của Việt Nam là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự. Ủy thác tư pháp của nước ngoài là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự[1]. Phạm vi tương trợ tư pháp bao gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.
Như vậy, ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam là yêu cầu bằng văn bản của Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp. Ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án, góp phần đảm bảo cho vụ án được giải quyết trong thời hạn tố tụng, nhanh chóng, công bằng, khách quan.
2. Thuận lợi và khó khăn của công tác ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam
2.1.Thuận lợi
Từ năm 2013 đến năm 2018, theo Báo cáo số lượng yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam cho thấy nhu cầu ủy thác tư pháp là rất lớn. Trong việc thực hiện ủy thác tư pháp giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án ở Việt Nam hiện nay có một số thuận lợi:
Thứ nhất, ngày 01/10/2016, Công ước Lahay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc trở thành thành viên của Công ước này sẽ giúp công tác ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc được diễn ra một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn, khách quan, toàn diện, công bằng, đúng pháp luật.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được ban hành và có hiệu lực thay thế Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Bộ luật đã có một số điểm mới cơ bản như: Bỏ chương về tương trợ tư pháp về dân sự, thay đổi căn bản thủ tục thông báo, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu quả và rút ngắn thời gian của việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài. Theo đó, bên cạnh phương thức tống đạt, thông báo truyền thống, Bộ luật đã bổ sung thêm các phương thức tống đạt mới như: Tống đạt theo đường dịch vụ bưu chính, tống đạt qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại Việt Nam. Trường hợp thực hiện các phương thức tống đạt không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Bổ sung quy định về thu thập chứng cứ ở nước ngoài. Quy định mới, đặc thù về thủ tục thông báo về việc thụ lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa, thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hòa giải đối với vụ việc có yếu tố nước ngoài; về thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài; về xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài và kết quả yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập chứng cứ; về tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và xử lý kết quả tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm cho đương sự ở nước ngoài; về xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dụng trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
Thứ ba, vào tháng 01/2018, Vụ Pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đã xây dựng Sổ tay hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự tại Việt Nam. Sổ tay là tài liệu thiết thực cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp nắm rõ toàn diện nội dung ủy thác tư pháp, hướng dẫn thực hiện thủ tục thực hiện ủy thác tư pháp từ Việt Nam ra nước ngoài, ủy thác tư pháp từ nước ngoài đến Việt Nam và các bản phụ lục. Nhờ có cuốn Sổ tay này mà quá trình ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự nói chung và ủy thác tư pháp trong việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài được thống nhất cách áp dụng giải quyết và đạt được nhiều hiệu quả, giải quyết nhanh chóng vụ việc.
Thứ tư, Tòa án nhân dân tối cao cũng có những lưu ý khi yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự khi thấy Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp cao có một số sai sót khi lập hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của công ước tống đạt giấy tờ, phổ biến là hồ sơ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) thực hiện. Cho nên, ngày 20/12/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành văn bản về việc lưu ý khi yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự đối với Hồng Kông (Trung Quốc). Đây là văn bản tối quan trọng đánh dấu sự quản lý, hướng dẫn áp dụng thống nhất và thuận lợi trong việc ủy thác tư pháp về dân sự của Tòa án.
Thứ năm, hàng năm có rất nhiều lớp tập huấn tương trợ tư pháp về dân sự nói chung. Năm 2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Tòa án, thi hành án các tỉnh phía Bắc về công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Đầu năm 2019, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề “Áp dụng các quy định tương trợ tư pháp về dân sự tại Tòa án” thông qua hình thức trực tuyến.
2.2. Khó khăn
Bên cạnh một số thuận lợi thì công tác ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn như là:
2.2.1. Sự phối hợp liên ngành chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả giữa Tòa án và Bộ Tư pháp (cơ quan đầu mối trung ương thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự) trong việc ủy thác tư pháp ra nước ngoài
Trong việc giải quyết án dân sự có yếu tố nước ngoài, Tòa án sẽ có thể tiến hành ủy thác tư pháp cho đương sự ở nước ngoài. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa Tòa án và Bộ Tư pháp trong việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài chưa thực sự hiệu quả trong những năm qua. Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung của Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp năm 2018 của Chính phủ: “Về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp vẫn còn một số nội dung chưa được triển khai thường xuyên và sâu rộng như hoạt động phối hợp liên ngành trong hướng dẫn, rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện ủy thác tư pháp tại Tòa án, các cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự. Công tác thông tin, phối hợp liên ngành còn chưa thường xuyên và chặt chẽ”[2].
Như vậy, mặc dù hiện nay chúng ta có Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự đã có quy định về sự phối hợp liên ngành trong việc ủy thác tư pháp nhưng thực tiễn thực hiện cho thấy vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế. Đây là một trong những khó khăn được thể hiện thường xuyên trong Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp hàng năm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao.
2.2.2. Ủy thác tư pháp không có kết quả do đương sự đóng cửa, vắng mặt
Rất nhiều trường hợp trong thực tiễn khi thực hiện ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài gặp khó khăn vì đương sự cung cấp địa chỉ không đầy đủ, địa chỉ sai hoặc đương sự vắng mặt ở địa chỉ cần được ủy thác tư pháp. Chẳng hạn, trong việc giải quyết ly hôn giữa anh Han Myung Hwan và chị Nguyễn Thị O của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng[3], Tòa án đã nhận định: Anh Han Myung Hwan là người Hàn Quốc có địa chỉ: 621 Pyeongjang - Ri Gyeom - Myeon Gokseong-Gun - Jeollanam - do, Hàn Quốc. Theo địa chỉ mà chị Nguyễn Thị O cung cấp cũng như địa chỉ mà anh Han Myung Hwan đã khai trong giấy chứng nhận kết hôn, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tiến hành ủy thác tư pháp cho Tòa án tối cao Hàn Quốc để tống đạt Thông báo về việc thụ lý vụ án, Thông báo về việc giải quyết vụ án và đề nghị anh Han Myung Hwan cho biết quan điểm đối với yêu cầu xin ly hôn của chị Nguyễn Thị O. Ngày 15/8/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng nhận được Công văn số 2547/BTP-PLQT ngày 09/8/2018 của Bộ Tư pháp cho biết Tòa án tại Hàn Quốc không thực hiện được ủy thác tư pháp do đương sự đóng cửa, vắng mặt. Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã thông báo về việc thụ lý vụ án và thời gian giải quyết vụ án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và Cổng thông tin điện tử của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, đã hết thời hạn 01 tháng kể từ ngày đăng thông báo nhưng anh Han Myung Hwan không có mặt tại phiên tòa. Do vậy, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vụ án vắng mặt anh Han Myung Hwan theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 477 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
2.2.3. Việt Nam chưa là thành viên của Công ước Lahay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài
Công ước Lahay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài được ký vào ngày 18/3/1970 và có hiệu lực từ ngày 7/10/1972. Công ước được đánh giá là điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực tương trợ tư pháp để các quốc gia tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp về thu thập chứng cứ nhằm giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa là thành viên của Công ước Lahay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài. Cho nên, việc thu thập chứng cứ ở nước ngoài hiện nay vẫn gặp khó khăn, chưa đảm bảo sự thuận lợi. Trong khi thu thập chứng cứ ở nước ngoài cũng là một trong các hoạt động của ủy thác tư pháp để giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Bởi lẽ, thứ nhất, các hồ sơ ủy thác tư pháp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam vẫn chủ yếu là tống đạt giấy tờ, tài liệu, bản án, các quyết định của Tòa án, yêu cầu về thu thập chứng cứ, lấy lời khai của đương sự hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc, tập trung ở các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, hành chính, lao động và các vụ việc về hộ tịch[4]. Thứ hai, mặc dù pháp luật chúng ta quy định trong trường hợp giữa Việt Nam và nước có đương sự cần ủy thác tư pháp chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế thì việc thu thập chứng cứ có thể thực hiện theo con đường ngoại giao, tuy nhiên, đối với một số nước như Canada, yêu cầu thu thập chứng cứ không được thực hiện bằng con đường ngoại giao mà thông qua luật sư các bên[5].
Vậy nên, việc chúng ta chưa là thành viên của Công ước sẽ là một rào cản lớn trong việc muốn đẩy mạnh hiệu quả công tác ủy thác tư pháp để giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu chúng ta là thành viên của Công ước sẽ góp phần cho hoạt động thu thập chứng cứ ở nước ngoài được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn.
2.2.4. Số lượng trả lời kết quả ủy thác tư pháp gửi đến những quốc gia chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam còn thấp
Về nguyên tắc thì với những quốc gia mà Việt Nam và nước đó chưa có hiệp định tương trợ tư pháp thì việc ủy thác tư pháp sẽ được diễn ra bằng con đường ngoại giao. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Tư pháp, tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự qua cơ quan đầu mối trong năm 2018[6] cụ thể như sau: Tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi cho nước ngoài là 2069 yêu cầu, trong đó có 94 (4,5%) yêu cầu được gửi đến những nước chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp với Việt Nam, và chỉ có 11/94 (12%) yêu cầu có kết quả trả lời, còn lại là 83 yêu cầu không có kết quả trả lời. Với con số này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài một cách khách quan, công bằng.
2.2.5. Quy định của một số nước thành viên trong Công ước năm 1965 về tống đạt giấy tờ gây khó khăn cho Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao khi ủy thác cho nước này thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng
Đây là một khó khăn của Tòa án Việt Nam đã được nêu ra trong Thông báo về tình hình và kết quả công tác tương trợ tư pháp tại Tòa án nhân dân năm 2018. Tòa đã nhận định, một trong những khó khăn về công tác ủy thác tư pháp về dân sự ra nước ngoài của Tòa án nhân dân là quy định của một số nước thành viên Công ước tống đạt giấy tờ, đặc biệt là Canada gây khó khăn cho Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao khi ủy thác cho nước này thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng. Việt Nam và Canada chưa có hiệp định tương trợ tư pháp chung nào. Cho nên việc tống đạt giấy tờ có thể thông qua kênh của Công ước năm 1965 và trong đó có thể tống đạt qua đường bưu điện. Cụ thể, theo pháp luật của Canada, yêu cầu gửi đến Canada phải hết sức cụ thể để không gây khó khăn cho việc thực hiện, không được gây tốn kém, mất nhiều công sức của bên thực hiện, không được ảnh hưởng đến chính sách công của Canada. Vai trò của cơ quan đại diện ở nước ngoài có vai trò không đáng kể trong hoạt động tương trợ tư pháp[7]. Bên cạnh đó, chi phí tống đạt giấy tờ ở Canada giống với Hoa Kỳ là cao. Về thủ tục ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ đi bang Quebec (Canada) mỗi một đương sự là một yêu cầu có hồ sơ tống đạt riêng và phải nộp phí trên mỗi yêu cầu, kể cả trường hợp hai hay nhiều đương sự có chung địa chỉ, giấy tờ phải được dịch trong tất cả các trường hợp người được tống đạt không hiểu được ngôn ngữ trong giấy tờ. Tất cả các giấy tờ làm phát sinh vụ việc phải được dịch. Bản dịch tóm tắt tất cả các giấy tờ khác được chấp nhận nếu người được tống đạt đồng ý. Giấy tờ dịch sang tiếng Pháp, tuy nhiên Cơ quan trung ương của Quebec có thể cho phép một bản dịch sang tiếng Anh, theo yêu cầu, với điều kiện là người được tống đạt hiểu được ngôn ngữ này. Về ngôn ngữ, đối với tống đạt chính thức và tống đạt theo phương thức đặc biệt, yêu cầu dịch thuật phụ thuộc vào địa phương hoặc vùng lãnh thổ liên quan. Về phương thức thanh toán, thông thường các bang chấp nhận thanh toán bằng séc và lệnh chuyển tiền, một số bang chấp nhận tiền mặt và các hình thức thanh toán khác. Lưu ý, cần trả trước cho các bang và gửi kèm theo hồ sơ 02 bộ biên lai chuyển tiền và phiếu hạch toán chuyển tiền ra nước ngoài[8].
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam
Để nâng cao hiệu quả công tác ủy thác tư pháp trong việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án Việt Nam hiện nay cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, để đảm bảo Bộ Tư pháp có kết quả trả lời cho Tòa án đúng thời hạn trong quá trình xét xử thì cần thường xuyên tổ chức trao đổi định kỳ (có thể là theo quý hoặc hàng năm) để thảo luận những hạn chế hay quyết định những biện pháp giải quyết khó khăn, hạn chế đảm bảo nâng cao sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án trong việc thực hiện tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, do số lượng cần tương trợ tư pháp về dân sự ngày càng nhiều nên cân nhắc bổ sung thêm số lượng đội ngũ nhân lực cho Bộ Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Hai là, cần tiến tới ban hành Luật Tương trợ tư pháp về lĩnh vực dân sự riêng để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về dân sự.
Ba là, đẩy mạnh đàm phán, ký kết điều ước quốc tế song phương với những quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế để đảm bảo thuận lợi cho việc tiến hành ủy thác tư pháp. Đặc biệt là tiến tới gia nhập Công ước Lahay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại.
Bốn là, hàng năm cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ Tòa án các tỉnh và Tòa án cấp cao về thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, nhất là tìm hiểu pháp luật của một số nước mà Tòa án gặp khó khăn khi tiến hành ủy thác tư pháp.
Khoa Luật, Đại học Sài Gòn
[1]. Khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
[2]. Báo cáo hoạt động tương trợ tư pháp năm 2018 của Chính phủ ngày 10/10/2018.
[3]. Bản án số 40/2019/HNGĐ-ST ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng về việc tranh chấp ly hôn.
[4].Tlđd 3.
[5]. Dương Thị Bích Đào (2009), Tìm hiểu pháp luật một số nước về tương trợ tư pháp, https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/05/21/2936/, truy cập ngày 28/6/2019.
[6]. Tlđd 3.
[7]. Tlđd 8.
[8]. Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp (2018), Sổ tay hướng dẫn thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự tại Việt Nam.