Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quan điểm được Đảng ta nêu lần đầu tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, tiếp tục được khẳng định tại các kỳ Đại hội tiếp theo và được thể chế hóa tại Hiến pháp năm 2013. Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 được Đảng ta khẳng định đó là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”[1]. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đặt ra những thách thức và đòi hỏi mới cho hệ thống pháp luật Việt Nam. Bởi vì, trong mô hình Nhà nước pháp quyền, vai trò của pháp luật được đề cao, như là phương tiện bảo vệ, bảo đảm quyền và tự do cơ bản của cá nhân, hạn chế sự tùy tiện, lạm quyền của các cơ quan nhà nước. Nói đúng hơn, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người là nội hàm của Nhà nước pháp quyền[2].
Tuy nhiên, trong thực tiễn xây dựng và ban hành pháp luật ở nước ta, với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhiều tầng nấc, do nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành[3], số lượng văn bản được ban hành hàng năm rất lớn thì bên cạnh những văn bản hợp hiến, hợp pháp còn tồn tại một tỷ lệ không nhỏ các văn bản chưa bảo đảm yêu cầu này, trong số đó có những quy định ảnh hưởng, xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của công dân cụ thể như: Quy định mỗi người dân cư trú trong 04 quận nội thành Hà Nội chỉ được sở hữu một chiếc xe gắn máy[4] hay quy định khi tổ chức đám cưới chỉ được mời người thân thiết, không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, không mời tiệc cưới trong giờ làm việc[5]... Những vi phạm này được phát hiện sớm và xử lý thông qua hoạt động kiểm tra VBQPPL, nhờ đó, các quyền con người, quyền công dân được bảo đảm. Xem xét thực tế này có thể thấy được vai trò của hoạt động kiểm tra VBQPPL trong việc bảo đảm quyền con người ở nước ta hiện nay.
1. Khái quát về bảo đảm quyền con người thông qua hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP), kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đánh giá, kết luận về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật.
Hoạt động kiểm tra VBQPPL hiện nay được thực hiện theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ)[6].
Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “bảo đảm là làm cho có được điều gì”[7]. Như vậy, bảo đảm quyền con người là làm cho có được quyền con người; bảo đảm quyền con người thông qua hoạt động kiểm tra VBQPPL là làm cho có được quyền con người thông qua hoạt động kiểm tra VBQPPL.
Từ hai khái niệm chung nêu trên có thể thấy, bảo đảm quyền con người thông qua hoạt động kiểm tra VBQPPL là quá trình phát hiện và xử lý những nội dung quy định trong VBQPPL trái Hiến pháp, pháp luật, vi phạm hoặc cản trở việc thực hiện quyền con người; phát hiện và xử lý những quy định hạn chế quyền con người, vi phạm nguyên tắc hạn chế quyền con người đã được Hiến pháp quy định nhằm bảo đảm, tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy thực thi các quyền con người đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Mặt khác, bảo đảm quyền con người thông qua hoạt động kiểm tra VBQPPL còn là sự vận hành quy trình kiểm tra VBQPPL nhằm mục đích ghi nhận về mặt pháp lý các quyền con người và bảo đảm tôn trọng, bảo vệ, thực thi các quyền đố trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra VBQPPL. Đây được coi là một trong các cách thức và con đường hiệu quả nhằm bảo đảm quyền con người.
2. Hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật với vai trò bảo đảm quyền con người
Phân tích khái niệm nêu trên, đồng thời xem xét thực tiễn kiểm tra VBQPPL trong thời gian qua có thể thấy, vai trò của hoạt động kiểm tra VBQPPL trong việc bảo đảm quyền con người thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, kiểm tra VBQPPL là cơ sở khẳng định và bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của các quyền con người mà pháp luật đã ghi nhận.
Hoạt động kiểm tra VBQPPL giúp xác định tính chính xác và đầy đủ của các quyền con người đã được pháp luật ghi nhận; trường hợp phát hiện nội dung trái pháp luật, xâm phạm quyền con người, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản có trách nhiệm thực hiện việc kết luận nội dung trái pháp luật, xâm phạm quyền con người và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý nội dung trái pháp luật đó. Thông qua hoạt động kiểm tra VBQPPL, hệ thống pháp luật bảo đảm tính thống nhất và các quyền con người được ghi nhận đầy đủ.
Thực tiễn kiểm tra VBQPPL cho thấy, trong những năm gần đây, trung bình hàng năm, các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra VBQPPL trên cả nước đã kiểm tra khoảng 13.000 VBQPPL, phát hiện và kiến nghị xử lý đối với khoảng 300 VBQPPL sai nội dung, thẩm quyền[8], trong số đó, có những văn bản có nội dung xâm phạm quyền con người đã được phát hiện và kiến nghị xử lý; đồng thời cũng khẳng định tính hợp hiến, hợp pháp của những quy định còn lại. Có thể nêu một số ví dụ cụ thể về bảo đảm quyền con người mà hoạt động kiểm tra VBQPPL đã thực hiện như sau:
- Quy định trái pháp luật làm hạn chế quyền dân sự: Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh N quy định về dạy thêm, học thêm có thu tiền bao gồm: Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục tổ chức dạy thêm, học thêm; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm...; đồng thời, quy định cụ thể về thời gian tổ chức dạy thêm; quy định này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm và có các hoạt động liên quan đến dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Qua xem xét quy định của Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND nêu trên thấy rằng, quy định về thời gian, dạy thêm, học thêm nêu trên được áp dụng đối với cả dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là quan hệ pháp luật dân sự với nguyên tắc cơ bản là sự thỏa thuận giữa các chủ thể. Theo đó, thời gian dạy thêm, học thêm là sự thỏa thuận (quyền) giữa các bên tham gia quan hệ dạy thêm, học thêm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền can thiệp, hạn chế. Vì vậy, việc Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND quy định về thời gian dạy thêm, học thêm (bao gồm cả thời gian dạy thêm, học thêm đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường) không phù hợp với quy định của pháp luật về thẩm quyền, hạn chế quyền tự do thỏa thuận trong quan hệ pháp luật dân sự của các bên.
- Quy định trái pháp luật dẫn tới chưa bảo đảm, bảo vệ, cản trở việc thực hiện quyền: Công văn số 8865/UBND-QLĐĐ1 ngày 28/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh QN có nội dung: “Tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp (đặc biệt là các loại đất rừng, đất nông nghiệp đang canh tác, đất nuôi trồng thủy sản) sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cho đến khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế VĐ theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Căn cứ Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, “việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp sang đất ở” thuộc trường hợp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 quy định, căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự, thủ tục tại Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành về đất đai, việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp sang đất ở là hoạt động hợp pháp, được thực hiện có điều kiện (căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt). Dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế VĐ theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không phải là căn cứ pháp lý (điều kiện) để xem xét, quyết định việc có hay không cho phép hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất. Việc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng các loại đất như nêu trên tại Công văn số 8865/UBND-QLĐĐ1 là không có cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyền, lợi ích hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân.
Nội dung trái pháp luật tại Công văn số 8865/UBND-QLĐĐ1 không trực tiếp hạn chế quyền con người, song vì nội dung trái này mà quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân bị hạn chế. Chính vì vậy, trong trường hợp này, việc phát hiện nội dung trái pháp luật của văn bản đã giúp thúc đẩy thực hiện quyền được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, là một trong những quyền con người, quyền công dân đã được pháp luật ghi nhận.
- Quy định trái pháp luật làm giảm thời gian thực hiện quyền: Trong một công văn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về niên hạn của tàu du lịch là 25 năm đối với tàu đóng bằng vật liệu kim loại và 15 năm đối với tàu đóng bằng vật liệu gỗ. Điều này trái với quy định tại Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu (Điều 4, Điều 13). Theo đó, địa phương này đã quy định niên hạn sử dụng các loại tàu ngắn hơn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải; hạn chế quyền sử dụng tài sản của chủ tàu (cụ thể là làm ngắn đi thời gian sử dụng tàu của chủ tàu), làm hạn chế những cơ hội kinh doanh trong thời gian mà theo quy định của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải thì chủ thể này vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền đối với tài sản của mình.
Thứ hai, kiểm tra VBQPPL là công cụ phát hiện các quy định vi phạm nguyên tắc hạn chế quyền con người đã được Hiến pháp ghi nhận, phát hiện những quy định hạn chế quyền đã được Hiến pháp, luật quy định.
Một trong những nguyên tắc của việc hiện thực hóa các quyền con người là quyền của người này được bảo đảm thực hiện bởi nghĩa vụ của người khác. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, việc hạn chế quyền con người là cần thiết, tuy nhiên, việc hạn chế đó phải đúng nguyên tắc. Hiến pháp năm 2013 đã xác định rất rõ nguyên tắc hạn chế quyền cả về thẩm quyền và nội dung (tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013). Theo đó, việc hạn chế quyền chỉ được thực hiện bởi Quốc hội và thuộc một trong 04 trường hợp cần thiết: (i) Vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; (ii) Vì trật tự, an toàn xã hội; (iii) Vì đạo đức xã hội; (iv) Vì sức khỏe cộng đồng. Theo đó, quá trình kiểm tra VBQPPL, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra căn cứ vào nguyên tắc này để phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý đối với những quy định dưới luật vi phạm nguyên tắc này, bảo đảm việc tôn trọng và thực thi quyền con người.
Thực tế kiểm tra VBQPPL cho thấy, các quy định vi phạm nguyên tắc hạn chế quyền không phải là hãn hữu. Chẳng hạn: Quyết định số 16/2007/QĐ-BGTVT và Quyết định số 17/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy định vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô” và “Quy định về vận tải khách bằng taxi” hướng dẫn thực hiện Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (Nghị định số 110/2006/NĐ-CP) đã quy định thêm một điều kiện mới cho các hợp tác xã kinh doanh vận tải là “chỉ được sử dụng xe của hợp tác xã hoặc thuê của một tổ chức cho thuê khác”. Điều kiện này hoàn toàn mới so với các điều kiện đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 110/2006/NĐ-CP. Quy định này buộc các thành viên hợp tác xã phải chuyển quyền sở hữu xe của mình cho hợp tác xã thì mới đủ điều kiện kinh doanh. Như vậy, quy định của Bộ Giao thông vận tải đã đặt ra nội dung hạn chế mới về quyền kinh doanh vận tải, trong khi Luật Giao thông đường bộ không quy định về điều kiện này, điều đó chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp về thẩm quyền quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân.
Quá trình kiểm tra văn bản cũng phát hiện và yêu cầu xử lý quy định hạn chế quyền đã được Hiến pháp ghi nhận, như: Nhằm hạn chế lưu thông các phương tiện giao thông cơ giới, giảm ùn tắc giao thông trong các quận nội thành, Ủy ban nhân dân Thành phố HN đã ban hành Quyết định số 98/2003/QĐ-UB ngày 14/8/2003 quy định tạm dừng đăng ký phương tiện mô tô, xe máy trên địa bàn 04 quận: BĐ, HK, HBT, ĐĐ. Đồng thời với văn bản này, Bộ Công an cũng ban hành Thông tư số 02/2003/TT-BCA ngày 13/11/2003 hướng dẫn việc tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới, trong đó quy định mỗi người chỉ được đăng ký 01 xe mô tô hoặc xe gắn máy. Thực chất, các quy định này đã hạn chế quyền sở hữu của công dân được ghi nhận tại Điều 58 Hiến pháp năm 1992. Theo đó, công dân có quyền sở hữu về tài sản và không hạn chế số lượng.
Thứ ba, kiểm tra VBQPPL góp phần bảo đảm thực thi các quyền con người thống nhất trên phạm vi toàn lãnh thổ.
Nhà nước pháp quyền với yêu cầu cao về chất lượng nội dung của hệ thống pháp luật[9], bao gồm các tiêu chuẩn về mặt chất lượng, đó không chỉ là hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ mà còn đáp ứng các yêu cầu về tính ổn định; tính chuẩn mực (tức là tính quy phạm của pháp luật); tính nhất quán, tính thống nhất của pháp luật; tính hệ thống; tính không hồi tố và tính minh bạch[10]. Trong đó, yêu cầu về tính nhất quán, tính thống nhất không chỉ thể hiện ở giá trị nội dung quy định mà còn đòi hỏi pháp luật phải được thực thi thống nhất trên toàn lãnh thổ, trong mọi điều kiện kinh tế, văn hóa. Các quy định về quyền con người cũng không phải là ngoại lệ. Thông qua hoạt động kiểm tra VBQPPL, các quy định không thống nhất được phát hiện, xử lý theo quy định, từ đó bảo đảm các quy định là thống nhất và bảo vệ các quyền con người cơ bản, không tạo ra sự phân biệt đối xử hay bất bình đẳng tại các vùng miền.
Thứ tư, kiểm tra VBQPPL góp phần phát huy dân chủ, tăng cường quyền con người trong giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Hoạt động kiểm tra VBQPPL thực chất không chỉ nhằm bảo đảm các quyền con người được quy định đầy đủ, chính xác, thống nhất mà đó cũng là một trong những cách thức và phương diện thể hiện quyền con người. Kiểm tra VBQPPL nói chung và các VBQPPL chứa đựng quyền con người nói riêng là sự thể hiện quyền tự do, dân chủ của công dân trong việc kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp và hợp lý của các VBQPPL, một cách để thể hiện vai trò của công dân trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, một trong những yếu tố cấu thành nên cơ chế bảo đảm quyền con người. Thông qua việc kiểm tra này, mỗi cơ quan nhà nước sẽ tự ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, từ đó giúp nâng cao hiệu quả làm việc mà cụ thể và trước hết là nâng cao chất lượng mỗi VBQPPL mà mình có thẩm quyền soạn thảo, tham mưu, ban hành; đồng thời, cá nhân cũng biết rằng bộ máy này đang làm việc có hiệu quả vì mình và những quyền cơ bản của mình.
Thực hiện quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và thực tế kiểm tra VBQPPL thời gian qua cho thấy, các chủ thể có thẩm quyền kiểm tra văn bản đã nghiêm túc thực hiện thẩm quyền được giao theo đúng quy trình đã được pháp luật quy định, bảo đảm tính minh bạch và tôn trọng trách nhiệm giải trình khi cho phép cơ quan/người có văn bản được kiểm tra được quyền trình bày ý kiến liên quan đến nội dung văn bản được kiểm tra, giải trình và kiến nghị đến người có thẩm quyền kiểm tra VBQPPL sau khi có kết luận về văn bản trái pháp luật[11]. Việc áp dụng linh hoạt nhiều phương thức kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản, trong đó, huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học trong quá trình xem xét nội dung trái pháp luật của văn bản; đồng thời, việc triển khai kiểm tra khi nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về văn bản trái pháp luật[12] đã huy động sự tham gia của công dân trong việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần phát huy dân chủ, thể hiện sự tham gia của các chủ thể hưởng quyền trong quá trình thực hiện việc kiểm tra VBQPPL.
3. Lời kết
Với những vai trò thiết thực trong việc bảo đảm quyền con người, hoạt động kiểm tra VBQPPL thực sự là một công cụ hữu hiệu nhằm ghi nhận, bảo vệ, tôn trọng, thúc đẩy thực thi quyền con người, quyền công dân trong thực tiễn. Trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, với yêu cầu cao về bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cần nghiên cứu thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra VBQPPL để thông qua đó, nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người. Trong đó, giải pháp quan trọng và trước hết từ phía cơ quan nhà nước và người dân là cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động kiểm tra VBQPPL trong việc bảo đảm quyền con người. Từ đó, có đầu tư thích đáng về nhân tài, vật lực, cơ chế, chính sách thích hợp cho việc triển khai hoạt động này trên thực tiễn. Đây là cơ sở, nền tảng nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của hoạt động kiểm tra VBQPPL thời gian qua; đồng thời, đổi mới hoạt động này nhằm đóng góp vào sự nghiệp chung theo mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra.
Nguyễn Thị Thu Hòe
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp
[1]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 118.
[2]. Xem: Đào Trí Úc, Giáo trình nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2015, tr. 63.
[3]. Theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, hệ thống VBQPPL được ban hành ở cả trung ương và địa phương, gồm 15 cấp giá trị hiệu lực, trong đó, ở địa phương thì cả 03 cấp chính quyền địa phương đều được ban hành VBQPPL.
[4]. Tại Thông tư số 02/2003/TT-BCA ngày 13/11/2003 của Bộ Công an hướng dẫn việc tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới; Quyết định số 98/2003/QĐ-UB ngày 14/8/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quy định tạm dừng đăng ký phương tiện mô tô, xe máy trên địa bàn 04 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
[5]. Tại Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và trong văn bản của một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…
[6]. Hoạt động kiểm tra VBQPPL được ghi nhận lần đầu trong hệ thống pháp luật là trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Sau đó, trước khi được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay, hoạt động kiểm tra VBQPPL đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; được tiếp tục ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
[7]. Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 582.
[8]. Nguồn: Các báo cáo của Bộ Tư pháp: (i) Báo cáo số 100/BC-BTP ngày 24/4/2018 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018; (ii) Báo cáo số 126/BC-BTP ngày 06/5/2019 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 và phương hướng, giải pháp năm 2019; (iii) Báo cáo số 98/BC-BTP ngày 20/4/2020 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 và phương hướng, giải pháp năm 2020; (iv) Báo cáo số 78/BC-BTP ngày 10/5/2021 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và phương hướng, giải pháp năm 2021; (v) Báo cáo số 112/BC-BTP ngày 25/5/2022 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 và phương hướng, giải pháp năm 2022.
[9]. Xem: Jacques Chevallier, L’Etat de droit, 5e éd. Nxb. Montchrestien, 2010, tr. 18, dẫn bởi Nguyễn Văn Quân, Chất lượng của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 5/2018, tr. 3.
[10]. PGS.TS. Hà Hùng Cường, “Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 18 (139+140) tháng 01/2009.
[11]. Điều 132 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[12]. Điều 126 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.