Tham dự buổi Lễ có các đồng chí đại diện lãnh đạo Cục Hành chính tư pháp; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng Bộ; Cục Công nghệ thông tin và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Tại buổi Lễ, đồng chí Trần Thị Lệ Hoa, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp báo cáo khái quát về tình hình tổ chức, phân công nhiệm vụ và các phương hướng công tác trọng tâm của Cục Hành chính tư pháp trong năm 2025. Theo đó, về tổ chức bộ máy, Cục hiện gồm 06 lãnh đạo Cục và 05 phòng chuyên môn, đảm nhận nhiệm vụ trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi và quản lý công tác nuôi con nuôi quốc tế. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội như Chi bộ, Công đoàn và Đoàn Thanh niên tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong mọi hoạt động của đơn vị.
Kế hoạch công tác năm 2025 của Cục Hành chính tư pháp xác định các trọng tâm lớn như: (i) trong lĩnh vực hộ tịch: Cục tập trung hoàn thiện thể chế, đề xuất các định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch năm 2014 nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư. Ngoài ra, công tác đôn đốc địa phương số hóa hộ tịch và liên thông dữ liệu tiếp tục là nhiệm vụ then chốt; (ii) trong lĩnh vực quốc tịch: Cục bảo đảm thực thi nghiêm túc Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản liên quan, đồng thời chú trọng triển khai các kế hoạch quốc gia về di cư và hỗ trợ người di cư từ Campuchia về Việt Nam. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh nhằm phục vụ quản lý nhà nước về quốc tịch đạt hiệu quả cao; (iii) đối với lĩnh vực nuôi con nuôi: Cục kiên trì thực hiện các cam kết quốc tế và nội luật hóa các quy định về nuôi con nuôi. Tổng kết 15 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho việc sửa đổi luật trong thời gian tới. Cục đẩy mạnh chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực này.
Bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, công tác thanh tra chuyên ngành tiếp tục được thực hiện theo đúng kế hoạch, tập trung vào lĩnh vực hộ tịch tại một số địa phương trọng điểm. Song song đó, Cục Hành chính tư pháp thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, luân chuyển cán bộ theo quy định nhằm xây dựng đội ngũ công chức tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đồng chí Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Lễ bàn giao.
Phát biểu tại Lễ bàn giao, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá cao sự chủ động của Cục Hành chính tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao với đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Hành chính tư pháp cần sớm ban hành Kế hoạch công tác chung, nhằm bảo đảm định hướng thống nhất toàn bộ hoạt động của Cục sau khi thực hiện việc hợp nhất tổ chức. Trong quá trình rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là tại các đơn vị hành chính địa phương trong thời gian tới, Cục cần phải tập trung kiểm tra hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch và nuôi con nuôi. Qua đó, kịp thời đề xuất phương án sửa đổi Luật Hộ tịch năm 2014, bảo đảm phù hợp thực tiễn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Đặc biệt, cần có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại phát sinh từ việc sáp nhập đơn vị hành chính, tránh tình trạng mất mát, thất lạc hoặc sai sót thông tin trong đăng ký hộ tịch và quản lý nhân khẩu.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Cục Hành chính tư pháp tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ và khai thác hiệu quả dữ liệu sau số hóa. Dự án xây dựng hệ thống thông tin hộ tịch là một trong các dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cần được Cục triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ và hiệu quả, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn vận hành sau khi nghiệm thu. Ngoài ra, công tác số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính tại Cục và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình cần được tập trung thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia. Mặc dù một số thủ tục hành chính đã được số hóa, song vẫn còn nhiều khó khăn do bất cập trong phối hợp giữa các cơ quan liên quan và hạn chế về điều kiện thực tiễn ở địa phương. Các vướng mắc về liên thông dữ liệu giữa các nhóm thủ tục hành chính (đăng ký khai sinh, khai tử, cư trú...) cần được tháo gỡ, bảo đảm thực chất, không mang tính hình thức hay phong trào.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi hy vọng, trong thời gian tới, với những kinh nghiệm thực tiễn phong phú tại địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc sẽ có nhiều quan điểm chỉ đạo mới, giúp Cục Hành chính tư pháp có bước phát triển hơn nữa trong tương lai. Đồng thời mong muốn Cục Hành chính tư pháp sẽ luôn phát huy vai trò, bám sát sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của đơn vị mình.
Phát biểu nhận nhiệm vụ tại Lễ bàn giao, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận và đánh giá cao Cục Hành chính tư pháp trong công tác chuẩn bị cho Lễ bàn giao. Thứ trưởng cho biết, qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, đồng chí nhận thấy lĩnh vực hành chính tư pháp có khối lượng công việc lớn, phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Lễ bàn giao.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, công tác hành chính tư pháp là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng, gắn trực tiếp với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời cũng là một mắt xích trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia. Các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch và nuôi con nuôi, ngoài việc phục vụ người dân trong nước, còn có tính liên thông quốc tế và ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Từ thực tiễn cho thấy, phần lớn người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ với công nghệ số, dẫn đến tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, dù quy trình đã được thiết kế hợp lý. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Hành chính tư pháp phải đánh giá lại nhu cầu thực tiễn, từ đó có giải pháp đột phá, bảo đảm các dịch vụ hành chính công trực tuyến thực chất, hiệu quả và thuận tiện hơn cho người dân. Bên cạnh đó, Cục Hành chính tư pháp cần sớm hoàn thiện kế hoạch công tác hợp nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới sau khi tổ chức lại bộ máy. Kế hoạch này cần thể hiện rõ các nội dung trọng tâm, tránh tình trạng dàn trải hoặc đưa vào các công việc mang tính thường xuyên mà không gắn với mục tiêu cải cách.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc cũng đề nghị Cục Hành chính tư pháp cần: (i) sớm xây dựng lộ trình số hóa hồ sơ, hoàn thiện hệ thống dữ liệu; (ii) rà soát, tinh giản thủ tục hành chính, loại bỏ những quy định gây cản trở, phiền hà không cần thiết cho người dân. Các quy định về hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi cần được điều chỉnh theo hướng thân thiện, dễ hiểu, dễ thực hiện; (iii) đề xuất phân định rõ thẩm quyền giữa trung ương và địa phương trong lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, bảo đảm những vấn đề mang yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền trung ương, còn các thủ tục thuần túy trong nước cần được phân cấp mạnh mẽ cho địa phương; (iv) thực hiện kế hoạch chuyển đổi số một cách toàn diện, không chỉ về hạ tầng kỹ thuật mà còn về tổ chức, nhân sự, quy chế vận hành, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả khi hệ thống được đưa vào sử dụng chính thức.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc mong muốn và thể hiện quyết tâm sẽ cùng tập thể Cục Hành chính tư pháp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng nền hành chính tư pháp hiện đại, phục vụ tốt nhất cho Nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.
Hoàng Trung