Hiện nay, có nhiều cách hiểu về dân tộc, theo nghĩa phổ biến thì dân tộc được hiểu là “hình thái đặc thù của một tập đoàn người, xuất hiện trong quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội, được phân biệt bởi ba đặc trưng cơ bản là ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác về cộng đồng, mang tính bền vững qua hàng nghìn năm lịch sử, ví dụ như dân tộc Tày, dân tộc Khơ Me, dân tộc Nùng…”[1]. Xác định dân tộc là việc xác định lần đầu tiên dân tộc cho một cá nhân, áp dụng phổ biến đối với trường hợp trẻ sơ sinh khi làm thủ tục đăng ký khai sinh[2]. Xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự (khoản 11 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014).
Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình” (Điều 42), “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” (khoản 2 Điều 5)... Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền xác định, xác định lại dân tộc. Theo đó, cá nhân có quyền xác dịnh, xác định lại dân tộc của mình (khoản 1 Điều 29) và cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp: (i) Xác định lại dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau; (ii) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình (khoản 3 Điều 29). Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định việc xác định dân tộc trong một số trường hợp cụ thể (khoản 2 Điều 29), trường hợp xác định lại dân tộc đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi (khoản 4 Điều 29), cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc (khoản 5 Điều 29). Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc xác định dân tộc và xác định lại dân tộc được quy định cụ thể trong Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Có thể khẳng định, quyền xác định dân tộc, xác định lại dân tộc đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận tương đối đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh một số trường hợp cần được nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật liên quan đến việc xác định dân tộc, xác định lại dân tộc.
1. Mối quan hệ giữa xác định dân tộc, xác định lại dân tộc và họ của cá nhân
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền có họ, tên của cá nhân (Điều 26). Quyền có họ, tên và quyền xác định dân tộc nằm trong nhóm quyền cá biệt của cá nhân, gắn với một cá nhân cụ thể. Về nguyên tắc xác định họ và nguyên tắc xác định dân tộc của cá nhân có điểm tương đồng là đều dựa trên quan hệ về huyết thống giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con hoặc quan hệ nuôi dưỡng giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi... Cũng giống như quyền xác định lại dân tộc thì trong một số trường hợp nhất định và theo quy định của pháp luật thì cá nhân có quyền thay đổi họ, tên của mình (Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015). Như vậy, có thể khẳng định, quyền xác định dân tộc, xác định lại dân tộc với quyền có họ tên, quyền thay đổi họ tên có mối quan hệ mật thiệt với nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, đã phát sinh trường hợp cá nhân lấy dân tộc của mình theo dân tộc của mẹ và xác định họ của mình theo họ của bố. Trước tình huống này, có quan điểm cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng “cá nhân khi đã xác định lấy dân tộc nào thì họ cũng phải theo dân tộc đó”, để phù hợp với thuần phong của dân tộc. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, dân tộc của một cá nhân để xác định cá nhân đó thuộc cộng đồng tộc người. Họ của một cá nhân thể hiện nguồn gốc, huyết thống của người đó. Do đó, về bản chất, họ của cá nhân và dân tộc của cá nhân là hai vấn đề khác nhau. Vì vậy, họ của cá nhân và dân tộc của cá nhân được quy định các các điều khoản khác nhau trong Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: (i) Về họ của cá nhân, Điều 26 quy định về quyền có họ, tên; Điều 27 quy định về quyền thay đổi họ; (ii) Về dân tộc của cá nhân, Điều 29 quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hộ tịch năm 2014 cũng như pháp luật có liên quan không quy định bắt buộc cá nhân có dân tộc nào thì họ cũng phải theo dân tộc đó. Việc đặt họ, dân tộc của cá nhân được thực hiện trên nguyên tắc là quyền lựa chọn của cá nhân trong khuôn khổ quy định của Luật. Theo đó, cá nhân có thể mang họ của cha và mang dân tộc của mẹ hoặc ngược lại.
2. Xác định lại dân tộc từ dân tộc theo cha đẻ sang dân tộc theo cha nuôi
Với tấm lòng từ tâm, thương người và cưu mang, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hiện nay, nhiều gia đình đã nhận nuôi con nuôi là các trẻ em có dân tộc khác nhau. Để gia tăng tình cảm và sự gắn bó của gia đình nhận nuôi con nuôi với con nuôi, nhiều gia đình đã thay đổi họ, tên và dân tộc cho con nuôi. Trong số đó, có trường hợp cha nuôi muốn xác định lại dân tộc cho con nuôi từ dân tộc của cha đẻ sang dân tộc của cha nuôi.
Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự” (khoản 11 Điều 4). Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp: Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau; xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình (khoản 3 Điều 29). Đối với việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.
Các quy định của pháp luật nêu trên không quy định đối với trường hợp xác định lại dân tộc của một cá nhân từ dân tộc của cha đẻ sang dân tộc của cha nuôi. Khoảng trống pháp lý nêu trên dẫn tới sự lúng túng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc làm thủ tục xác định lại dân tộc cho cá nhân. Việc chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp nêu trên cũng dẫn tới sự tùy nghi của các cơ quan nhà nước, cùng một vụ việc, có nơi, cá nhân được xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha nuôi, có nơi lại bị từ chối. Vì vậy, cũng dẫn tới việc bảo đảm quyền của cá nhân cũng chưa được thực hiện một cách thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Do đó, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, quy định rõ đối với các trường hợp nêu trên để một mặt bảo đảm quyền của cá nhân đối với xác định lại dân tộc, mặt khác bảo đảm sự thống nhất trong việc giải quyết yêu cầu từ cá nhân của các cơ quan nhà nước.
3. Xác định dân tộc, xác định lại dân tộc khi làm thẻ căn cước công dân
Theo Luật Căn cước công dân năm 2014, “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân năm 2014, dân tộc của cá nhân là một trong 15 trường thông tin được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngày 11/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngày 03/9/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đến tháng 4/2021, Bộ Công an đã hoàn thiện thủ tục cấp gần 40 triệu thẻ căn cước công dân trên toàn quốc[3]. Tuy nhiên, trong quá trình cấp thẻ căn cước công dân đã phát sinh những trường hợp liên quan đến việc xác định dân tộc. Theo đó, theo phản ánh của người dân trên địa bàn xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhiều người dân khi đi làm thẻ căn cước công dân đã xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc hộ khẩu trong đó ghi nhận dân tộc của họ là Sán Chí hoặc San Chí. Tuy nhiên, theo Quyết định số 121/TCTK/PPCĐ ngày 02/3/1979 của Tổng cục Thống kê về Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam không có dân tộc Sán Chí hoặc San Chí mà chỉ có dân tộc Sán Chỉ thuộc dân tộc Sán Chay (mục 15 Danh mục kèm theo Quyết định số 121/TCTK/PPCĐ). Do đó, việc nhập trường thông tin về dân tộc của những người này là không phù hợp với phần mềm cài đặt của máy về các dân tộc tại Việt Nam. Vì vậy, để làm thẻ căn cước công dân, những công dân này phải làm cải chính hộ tịch (cải chính dân tộc). Hiện nay, chưa có con số thống kê riêng đối với những người dân tộc San Chí, Sán Chí của tỉnh Thái Nguyên mà chỉ có số liệu thống kê đối với dân tộc Sán Chay (bao gồm các nhóm dân tộc Sán Chí, San Chí và Cao Lan) với trên 39.400 người. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Lương với trên 13.400 người, huyện Định Hóa với trên 9.100 người, huyện Đại Từ với trên 8.500 người, huyện Đồng Hỷ trên 2.600 người, Võ Nhai trên 2.800 người, thành phố Thái Nguyên khoảng 1.600 người, thị xã Phổ Yên trên 900 người, huyện Phú Bình 180 người, thành phố Sông Công trên 90 người[4]. Theo khảo sát thì đa phần các cá nhân đều có nguyện vọng giữ dân tộc Sán Chí, San Chí, không muốn thay đổi tên gọi dân tộc đã gắn bó với mình và đã được ghi nhận trong chứng minh nhân dân. Về vấn đề này, thiết nghĩ, trong thời gian tới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát, thống kê lại thực trạng các dân tộc tại Việt Nam để kịp thời đánh giá và điều chỉnh (nếu cần thiết) để bảo đảm quyền xác định dân tộc của cá nhân. Đặc biệt, khi đang thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các cơ quan nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể, giải quyết những vướng mắc đối với việc xác định dân tộc chưa có trong danh mục 54 dân tộc hiện nay, qua đó, bảo đảm thống nhất trong thực tiễn thi hành.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp