Tóm tắt: Mặc dù đã được quy định trong luật, nhưng tình trạng xâm phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân trên các trang mạng xã hội ngày một phổ biến, nguyên nhân của sự vi phạm này là do quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thủ tục xử lý rườm rà, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, pháp luật điều chỉnh về internet và mạng xã hội chưa theo kịp với sự phát triển mạnh mẽ và tính phức tạp của người dùng mạng xã hội hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ phân tích, đánh giá về thực trạng trên và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Abstract: Although provided by law, violations against personal images in social media have been more and more widespread because of unclear provisions, prolix handling procedures, sanctions which are not strong enough for deterrence, and because legal provisions on internet and social media do not catch up with the current strong and complex development of social media users. The paper analyzes, assesses the above mentioned real situation and recommends solutions for law improvement in this area.
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự bùng nổ thông tin của internet và sự lan truyền qua các mạng xã hội đã mang lại những tiện ích cho cuộc sống của con người trong việc tìm tòi, trao đổi thông tin nhưng cũng đem lại không ít phiền toái, bức xúc cho cá nhân, tổ chức khi có những chủ thể vì ham lợi hay vì mục đích khác đã sử dụng mạng xã hội xâm phạm đến các quyền của cá nhân, tổ chức trong đó có quyền đối với hình ảnh của cá nhân. Đây là một quyền dân sự được pháp luật ghi nhận và bảo vệ tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự; Luật An ninh mạng...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân trái phép trên mạng xã hội hiện nay với nhiều hình thức đa dạng, chỉ bằng một vài thao tác đơn giản là có thể sử dụng hình ảnh của người khác một cách dễ dàng. Việc sử dụng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội chủ yếu dưới hai dạng là nhằm mục đích thương mại và phi thương mại. Hành vi sử dụng nhằm mục đích thương mại thì lợi nhuận là mục tiêu quan trọng khi tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sử dụng hình ảnh của chủ thể hình ảnh, trong khi đó, hành vi sử dụng với mục đích phi thương mại nghĩa là khi sử dụng hình ảnh của chủ thể hình ảnh không xuất phát từ những lợi ích vật chất mà hướng đến các mục đích khác. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã liệt kê các trường hợp sử dụng hình ảnh không cần xin phép là hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, cụ thể là hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì không bị xem là vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh[1].
Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Bộ luật Dân sự, thì khi chủ thể có hình ảnh bị xâm phạm trên mạng xã hội thì có quyền tự mình hoặc được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm. Biện pháp này chỉ phát huy hiệu quả khi mà người thực hiện hành vi xâm phạm đối với hình ảnh của cá nhân sớm nhận thức được hành vi trái pháp luật của mình. Trong trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm không có những biện pháp chấm dứt ngay hành vi của mình và ngăn ngừa hậu quả xảy ra, thì chủ thể có quyền đối với hình ảnh bị xâm phạm phải áp dụng các biện pháp khác để bảo vệ quyền hình ảnh của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chủ thể có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ hình ảnh bị cho là xâm phạm hay không? Về vấn đề này, Luật An ninh mạng quy định cơ quan chuyên trách của Bộ Công an có quyền yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ, tuy nhiên, đó là những hình ảnh, thông tin xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác với mục đích thương mại không có sự đồng ý của chủ thể có hình ảnh diễn ra rất phổ biến trên các trang mạng xã hội mà phương thức bảo vệ, chế tài chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh của người khác để quảng cáo sản phẩm, để tạo uy tín trên trang mạng xã hội của mình để thu lợi từ những hoạt động khác[2]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự: “Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, việc xác định “thù lao cho người có hình ảnh” hiện nay chưa có một văn bản nào quy định cụ thể, do đó, nếu có tranh chấp về mức thù lao mà các bên không thỏa thuận được cũng là một khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết. Vì chưa có điều luật cụ thể quy định về bồi thường thiệt hại khi hình ảnh bị xâm phạm, do đó, khi giải quyết tranh chấp về vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đề giải quyết. Về nguyên tắc, thiệt hại được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại trong trường hợp này rất khó khăn vì tính chất của mạng xã hội là dịch vụ kết nối các thành viên có cùng sở thích trên internet không phân biệt không gian và thời gian, có tính lan truyền nhanh, rộng đến nhiều đối tượng.
Hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân nhằm xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình họ ngoài việc phải bồi thường vật chất, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thể thỏa thuận thì Tòa án sẽ xác định một mức hợp lý nhưng không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, với quy định mức bồi thường không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì không phản ánh hết được những thiệt hại của chủ thể hình ảnh vì chủ thể hình ảnh luôn luôn độc lập với nhau trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cũng như mức độ vi phạm của hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trên môi trường mạng xã hội có những đặc thù riêng so với các trường hợp xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thông thường. Do tính chất lan truyền thông tin nhanh chóng và mức độ tương tác của người dùng trên các trang mạng xã hội rất cao, nên hậu quả của hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân liên quan đến danh dự, nhân phẩm của mỗi chủ thể là khác nhau. Vì vậy, mức bù đắp tổn thất tinh thần cần được xác định một cách độc lập cho từng người với những mức yêu cầu khác nhau so với giới hạn của luật là không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ trường hợp này được gọi là “thiệt hại phi kinh tế”, đó là thiệt hại cho những mất mát đau đớn về thể xác và tinh thần, đau khổ, bất tiện, suy giảm thể chất, đau khổ về tinh thần, biến dạng, méo mó, mất đi niềm vui của cuộc sống, mất đi mối quan hệ xã hội và người đồng hành, mất đi sự liên doanh, thiệt hại khoái lạc, tổn thương danh tiếng và bất kỳ mục tiêu cá nhân khác[3]. Còn theo pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức là thiệt hại về đạo đức[4]. Việc bồi thường cho sự đau khổ phải công bằng, có tính đến nguyên tắc chung của việc cân bằng lợi ích. Trong quá trình thiết lập quy mô của bồi thường phải công bằng, thực tiễn tư pháp có tính đến các chỉ số như: Đau khổ về thể xác của nạn nhân (đặc biệt nhạy cảm với đau đớn, loại tổn thương cơ thể, thời gian điều trị và hậu quả), đau khổ về tinh thần (hậu quả, biến dạng của ngoại hình, tuổi tác, khả năng tiếp tục công việc trước đây, mức độ nhận thức về khó khăn của vị trí của một người, bất ổn cho số phận của gia đình, khả năng giữ gìn phẩm chất cá nhân (tài năng, khuynh hướng), dễ bị tổn thương tinh thần đặc biệt, xu hướng trải nghiệm), mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại, tình trạng tài sản của người vi phạm... Khi tính toán mức bồi thường thiệt hại về mặt đạo đức, số tiền bồi thường sẽ được Tòa án đánh giá toàn diện và đưa ra mức bồi thường dựa vào từng vụ việc cụ thể.
Ở Việt Nam, ngoài quy định của Bộ luật Dân sự về việc bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân còn có Luật An ninh mạng[5]. Luật này quy định cụ thể việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Với những thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó hay bí mật công tác, thông tin thuộc sở hữu của người khác hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác, thì doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng có những hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xã hội, tổ chức và cá nhân[6]. Do đó, tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung không đúng quy định của pháp luật phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật sẽ giúp cho việc xác định được chủ thể vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng[7]. Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể những hành vi bị cấm trên không gian mạng tại Điều 8 và khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về không gian mạng thì tùy từng trường hợp cụ thể mà có những biện pháp chế tài khác nhau như: Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hay các biện pháp khác theo quy định của pháp luật[8].
Về vấn đề này, Liên minh châu Âu có Bộ luật bảo vệ dữ liệu chung - General Data Protection Regulation (GDPR) bắt đầu có hiệu lực ngày 25/5/2018 tại các nước thuộc Liên minh châu Âu, Bộ luật này áp dụng cho việc xử lý dữ liệu cá nhân trong bối cảnh hoạt động của một cơ sở của bộ điều khiển hoặc một bộ vi xử lý trong Liên minh Châu Âu, bất kể việc xử lý có diễn ra trong Liên minh Châu Âu hay không[9]. GDPR được ban hành nhằm giải quyết một vấn đề tồn tại lâu nay đó là nhiều công ty đang thu thập và lạm dụng thông tin người dùng[10]. Bởi vì phần lớn mạng Internet nói chung và các trang mạng xã hội nói riêng đều hoạt động dựa vào cơ chế tự do chia sẻ dữ liệu người dùng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp quảng cáo. Điểm nổi bật của GDPR là việc xác định mức phạt tiền phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xét đến tính chất cố ý hoặc cẩu thả của hành vi vi phạm, mức độ nghiêm trọng và thời gian vi phạm để xác định mức phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa mà Bộ luật này đặt ra rất cao, lên đến 20.000.000 EUR. Do đó, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào từng hành vi vi phạm sẽ đưa ra mức phạt tiền cụ thể cùng với đó là các hình thức xử phạt bổ sung.
Về xử phạt hành chính ở Việt Nam, Điều 24 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội và tùy theo hành vi vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm mà có chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ như hành vi không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hay tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định thì mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng[11]. Quy định về thông tin cá nhân tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP mang tính liệt kê và chưa bao hàm hết những thông tin cá nhân mà người sử dụng mạng xã hội có thể bị sử dụng vào những mục đích khác như thông tin liên quan đến ngoại hình và thể chất; thông tin về tình trạng giáo dục và lịch sử lao động… Vì vậy, cần mở rộng phạm vi thông tin cá nhân của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP như khoản 1 Điều 4 của GDPR. Cùng với đó, mức chế tài chỉ từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan hay không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là quá thấp so với mức phạt tiền mà GDPR quy định lên đến 20.000.000 EUR hoặc 4% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới của năm tài chính trước đó… Bởi vì thông tin trên mạng xã hội được lan truyền nhanh và biện pháp khắc phục hậu quả vô cùng khó khăn.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam và so sánh với pháp luật của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, tác giả cho rằng, pháp luật Việt Nam cần bổ sung và hoàn thiện một số quy định sau đây:
- Bổ sung và hoàn thiện khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng trái phép hình ảnh người khác vào mục đích thương mại nếu không xác định được mức bồi thường thì mức bồi thường thiệt hại do Tòa án quyết định.
Việc sử dụng hình ảnh của người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người hạn chế năng lực hành vi dân sự phải đảm bảo được quyền nhân thân và không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ…”
Quy định này giúp cho việc giải quyết vấn đề sử dụng hình ảnh trái phép của người khác vì mục đích thương mại một cách dễ dàng. Tòa án căn cứ vào thực tế vụ án để xác định mức thù lao mà chủ thể hình ảnh nhận được nếu như việc sử dụng hình ảnh cá nhân đúng quy định của luật và từ đó đưa ra phán quyết sao cho phù hợp nhất, đảm bảo quyền lợi của các bên trong tranh chấp. Cũng như thể hiện được giá trị nhân văn và đề cao vai trò bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội hiện nay.
- Bổ sung thêm một điều khoản tại Mục 3 - Bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể của Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều... Bồi thường thiệt hại do xâm phạm hình ảnh
Cá nhân, pháp nhân xâm phạm hình ảnh của cá nhân, tổ chức và pháp nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại do xâm phạm hình ảnh gồm chi phí hợp lý để hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Chủ thể xâm phạm hình ảnh của người khác phải bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đấp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường do Tòa án quyết định”.
Theo quy định của khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng về trách nhiệm cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng bằng văn bản khi có yêu cầu điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng thì cần xem xét đến trách nhiệm của chủ trang mạng xã hội trong việc cập nhật tài khoản thông tin người dùng thông qua xác nhận số điện thoại. Qua đó, tất cả các tài khoản trên không gian mạng Việt Nam sẽ dễ dàng được xác định nhanh chóng khi có hành vi vi phạm pháp luật theo danh mục quy định. Ngoài ra, trong trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi pháp luật thì chủ thể quyền có quyền yêu cầu chủ trang mạng xã hội liên đới bồi thường thiệt hại.
Do đó, bổ sung Điều 26 Luật An ninh mạng như sau: “Trong trường hợp, khi có yêu cầu cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng nhưng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi pháp pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
Quy định này sẽ giúp hạn chế thấp nhất những thiệt hại về quyền nhân thân nói chung và quyền hình ảnh của cá nhân trên các trang mạng xã hội nói riêng. Ngoài ra, chủ sở hữu các trang mạng xã hội cũng phải đề cao trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Điểm b khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. Theo thống kê của SocialOne, những trang mạng xã hội có lượt người “like” và “follow” càng nhiều thì họ có thể bán các post (lượt đăng) quảng cáo trên trang mạng xã hội đó cho những người có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, giới thiệu thông tin mới của mình… với mỗi bài đăng trung bình từ 10-20 triệu đồng, (xem tại: http://kb.socialone.us/post/133469379402/2-%C4%91i%E1%BB%81u-b%E1%BA%A1n-ngh%C4%A9-sai-v%E1%BB%81-facebook-marketing).
[3]. Khoản 2 Điều 442 Bộ luật Hoa Kỳ (United States Code).
[4]. Điều 823; 847 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Liên bang Đức.
[5]. Luật An ninh mạng năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
[6]. Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng năm 2018.
[7]. Khoản 6 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018.
[8]. Điều 5 Luật An ninh mạng năm 2018.
[9]. Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Bảo vệ dữ liệu chung.
[10]. What is the GDPR Privacy Law and Why Should You Care? (xem tại: https://www.howtogeek.com /353717/what-is-gdpr-and-what-does-it-mean-for-you/ (truy cập ngày 20/7/2018).
[11]. Khoản 3 Điều 65 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.