Theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP), thì việc kiểm tra văn bản được thực hiện theo phương thức là tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền. Tương ứng với các phương thức này, hoạt động xử lý văn bản trái pháp luật có thể phân loại thành tự xử lý văn bản của cơ quan, người đã ban hành văn bản đó và xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản. Tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP các quy định cụ thể về xử lý văn bản trái pháp luật đã được thể hiện tương đối đầy đủ[1].
1. Thực trạng công tác xử lý văn bản quy phạm trái pháp luật
1.1. Một số kết quả
Từ quy định của Chính phủ, tại các bộ, ngành, địa phương cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, quy chế phối hợp nhằm cụ thể hóa các quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này tại cơ quan, địa phương mình, tạo hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ giúp các cơ quan triển khai thực hiện thuận lợi trong thực tiễn, do đó, hoạt động xử lý văn bản được thực hiện khá bài bản, tương đối hiệu quả và đạt được một số kết quả nhất định. Từ năm 2003 đến năm 2017, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã thực hiện xử lý đối với 6.234 văn bản trái pháp luật, trong đó có 1.027 văn bản được xử lý theo kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Với kết quả này cho thấy:
Thứ nhất, việc xử lý văn bản trái pháp luật do mình ban hành/liên tịch ban hành hoặc xử lý văn bản trái pháp luật thông qua kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra ngày càng được các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương quan tâm thực hiện, trong đó, có không ít trường hợp, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản trái pháp luật đã tích cực, khẩn trương xử lý ngay sau khi trao đổi, thống nhất với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản mặc dù cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chưa có kết luận chính thức (nhất là các văn bản nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội, báo chí, truyền thông)[2]. Việc làm này đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm chất lượng của hệ thống pháp luật.
Thứ hai, hoạt động xử lý văn bản trái pháp luật đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến các lĩnh vực thường xuyên liên quan, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Ví dụ: Xử lý vi phạm hành chính, đầu tư (năm 2005); ngoại hối, tỷ giá, lãi suất (các năm 2011, 2012); điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện (các năm 2014, 2016); nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp khởi nghiệp (năm 2016); thuế, phí, hải quan, văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, giao thông - vận tải, nội vụ, lao động - thương binh - xã hội (năm 2017).
Thứ ba, hoạt động này cũng thể hiện sự kết nối liên thông giữa kiểm tra văn bản với xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật, giữa công tác “tiền kiểm” (thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật) với công tác “hậu kiểm” (kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật), góp phần từng bước nâng cao chất lượng của văn bản quy định chi tiết, khả năng phát hiện sai sót và phản ứng chính sách kịp thời hơn nhất là việc xử lý đối với các văn bản có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội. Do đó, hoạt động này luôn nhận được sự ủng hộ, thu hút sự quan tâm từ xã hội, vai trò của cơ quan kiểm tra văn bản ngày càng được khẳng định.
Thứ tư, công tác theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, sát sao và quyết liệt. Qua đó, các bộ, ngành, địa phương đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý văn bản trái pháp luật, hiệu quả hoạt động này được nâng cao.
1.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Hoạt động xử lý văn bản quy phạm trái pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế tương đối phổ biến đó là:
+ Trong một số trường hợp cụ thể, việc xử lý văn bản trái pháp luật còn chưa kịp thời, còn mang tính đối phó, hình thức, không đúng quy định của pháp luật, thậm chí có trường hợp giải trình quanh co hoặc cá biệt có trường hợp thiếu thiện chí trong phối hợp thực hiện kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra dẫn đến tình trạng có văn bản thời hạn xử lý bị kéo dài hàng năm. Hậu quả của cách thức xử lý như vậy dẫn đến việc văn bản có nội dung trái pháp luật tiếp tục được áp dụng trong thực tiễn và tiếp tục gây tác động tiêu cực cho xã hội, cho đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản. Theo đó, việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gây ra gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trường hợp liên quan đến tài chính.
+ Quy trình kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật còn chưa khoa học, chưa chặt chẽ; chưa có cơ chế, trình tự, thủ tục để cơ quan kiểm tra văn bản công bố công khai thông tin văn bản đã kiểm tra, đặc biệt là thông tin về văn bản có nội dung trái pháp luật quá hạn nhiều lần nhưng chưa xử lý.
+ Kết quả của công tác xử lý văn bản trái pháp luật chưa được khai thác, gắn kết với hoạt động xây dựng, ban hành, tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt này còn bị cắt khúc, chưa đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả, sức mạnh trong kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý và tính khả thi của văn bản.
+ Vấn đề phản hồi thông tin kết quả xử lý văn bản trái pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, còn chậm trễ, chưa kịp thời.
- Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
+ Các cơ quan tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ xây dựng, ban hành và một phần về kiểm tra văn bản, mà chưa thực sự chú trọng đến việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật, do đó, công tác xử lý văn bản trái pháp luật chưa đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Hơn nữa, đội ngũ công chức làm nhiệm vụ này chưa được bố trí đầy đủ, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong tình hình nhiều địa phương không còn tổ chức pháp chế tại các sở, ngành.
+ Sự quan tâm đầu tư của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa thỏa đáng, quyết tâm chính trị chưa cao trong việc chỉ đạo thực hiện xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác này còn mờ nhạt.
+ Công tác theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xử lý văn bản trái pháp luật còn chưa thực sự quyết liệt đến cùng, dẫn đến việc xử lý không đúng hình thức, mang tính chất đối phó, không bảo đảm thời hạn, thậm chí có trường hợp không xử lý văn bản trái pháp luật nhưng chưa có biện pháp chấn chỉnh dẫn đến tình trạng hạn chế, yếu kém nêu trên bị kéo dài nhiều năm.
+ Một trong những nguyên nhân cơ bản là vấn đề xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật trong thực tế chưa được thực hiện. Mặc dù, Chính phủ đã có quy định nhưng cách thức, trình tự, thủ tục xem xét, xử lý cụ thể dẫn đến lúng túng trong triển khai, do đó, cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật chưa nghiêm túc trong nhận thức về trách nhiệm của mình đối với việc đã ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật.
Trước đây, theo quy định của điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 17 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền đình chỉ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nhưng hiện nay, theo quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ ở mức độ kiến nghị, đề nghị xử lý văn bản trái pháp luật. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đối với Bộ Tư pháp, mà trực tiếp là ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong việc giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản đã được Quốc hội, Chính phủ giao.
2. Vai trò của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong xử lý văn bản trái pháp luật
Với vai trò là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản, trong thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tăng cường kết nối với hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ (tổ chức pháp chế) và địa phương (Sở Tư pháp) kịp thời nắm thông tin, nhất là tình hình xử lý văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, địa phương; chủ động, tích cực theo dõi, đôn đốc sát sao, quyết liệt các bộ, ngành, địa phương trong xử lý văn bản trái pháp luật, thông qua đó, có phương thức phù hợp trong việc yêu cầu cơ quan ban hành văn bản xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, tránh tình trạng kéo dài việc xử lý hoặc không xử lý văn bản trái pháp luật; phối hợp chặt chẽ với tổ chức pháp chế các bộ, ngành, Sở Tư pháp để phát hiện, cảnh báo kịp thời văn bản trái pháp luật trong quá trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản, giúp các bộ, ngành, địa phương phòng ngừa văn bản có thể phát sinh nội dung trái pháp luật. Theo đó, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong những năm qua, đến nay công tác xử lý văn bản đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tình trạng dây dưa kéo dài thời hạn xử lý văn bản trái pháp luật đã dần được khắc phục.
Đặc biệt, từ năm 2013, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo xử lý thông qua hình thức báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ đối với một số trường hợp đã có kiến nghị xử lý và được đôn đốc nhiều lần nhưng chậm được xem xét, xử lý dứt điểm. Thông qua cách thức này, Chính phủ có bức tranh tổng thể về công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là việc xử lý văn bản trái pháp luật. Năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc xử lý đối với 19 văn bản trái pháp luật do bộ, ngành, địa phương ban hành đã có kết luận kiến nghị xử lý từ năm 2014 nhưng chậm được xử lý (trước đây, vào năm 2006, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thực hiện quyền đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ đối với 14 văn bản trái pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính của 06 địa phương). Nhờ đó, công tác xử lý văn bản trái pháp luật đã có chuyển biến tích cực hơn, nhiều trường hợp văn bản có nội dung trái pháp luật được cơ quan, người ban hành văn bản đó tiếp thu xử lý ngay sau khi trao đổi, thảo luận mà không chờ đến khi có văn bản chính thức của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, sau khi nhận được kiến nghị của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bộ, ngành, địa phương có văn bản trái pháp luật đều được xem xét, xử lý hoặc có thông tin phản hồi đúng thời hạn. Thực tế cho thấy, việc xử lý văn bản trái pháp luật kịp thời, triệt để đã góp phần đảm bảo tính nghiêm minh trong quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, công dân qua đó lòng tin của nhân dân với cơ quan quản lý nhà nước ngày càng được củng cố.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
[1]. Đối tượng văn bản được xử lý, nguyên tắc xử lý văn bản, trách nhiệm (thẩm quyền), thủ tục, hình thức xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan/ người ban hành văn bản trái pháp luật, công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật.
[2]. Ví dụ: Công văn số 283/NTBD-PQL ngày 18/5/2007 của Cục Nghệ thuật biễu diễn; Quyết định số 1268/QĐ-BGDĐT ngày 20/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đính chính Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên...
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp