1. Đánh giá chung về hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên hiện nay
Trước hết, phải thấy rằng các quy định về tư pháp đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật được quy định tản mạn tại một số luật đơn hành, chưa có sự sắp xếp thành hệ thống trong một văn bản thống nhất. Đó là Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và một số văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các Luật, Bộ luật nói trên. Tuy vậy, trong các văn bản đơn hành đó cũng đã đề cập một cách đầy đủ với sự nỗ lực làm sao để tư pháp đối với người chưa thành niên ngày càng tiến bộ, bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền của họ trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, cũng như trong các biện pháp xử lý khi họ vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên như một đối tượng được quan tâm đặc biệt, như “thế hệ tương lai” của đất nước.
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định về tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội. Đó là quy định chính sách hình sự đối với người chưa thành niên nói chung và đặc biệt là trẻ em (người dưới 16 tuổi) có những điểm khác cơ bản với người đã thành niên:
- Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
- Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
- Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp thật cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
- Có thể áp dụng biện pháp tư pháp (giáo dục tại xã, phường, thị trấn, giáo dục tại trường giáo dưỡng) thay thế hình phạt nếu xét thấy làm như vậy vẫn đạt được mục đích giáo dục người phạm tội.
- Không xử tù chung thân hoặc xử tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; khi xem xét áp dụng hình phạt đối với đối tượng này cần hạn chế áp dụng hình phạt tù; không áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 16 tuổi.
- Người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hơp nhắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên...
- Sẽ là thiết sót khi nói về pháp luật hình sự bảo vệ trẻ em nói riêng và người chưa thành niên mà bỏ qua những hành vi phạm tội đối với đối tượng này. Hiện nay, đã có gần 40 trên tổng số 315 tội danh trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm trẻ em và người chưa thành niên, khi giết trẻ em, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em, lôi kéo người chưa thành niên vào hoạt động phạm tội… Tính nghiêm khắc của chính sách hình sự đối với các tội này là nghiêm trị những người phạm tội đối với trẻ em và người chưa thành niên, hình phạt đối với họ nặng hơn nhiều so với phạm tội đối với người đã thành niên.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự cũng có nhiều quy định liên quan đến tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội. Có thể kể ra đây những điểm chính, cơ bản của Bộ luật này.
- Có một chương riêng (Chương XXVIII) với tên gọi “thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, trong đó có quy định có tính nguyên tắc khi tiến hành tố tụng là: Thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người chưa thành niên.
- Người tiến hành tố tụng đối với vụ án do người chưa thành niên thực hiện phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án người chưa thành niên phạm tội, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên. Khi tiến hành tố tụng đối với các vụ án này, bắt buộc phải làm rõ độ tuổi cũng như mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên, điều kiện sinh sống và giáo dục cũng như nguyên nhân và điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của người chưa thành niên.
- Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người chưa thành niên trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và biện pháp ngăn chặn khác không có hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên bằng 2/3 thời hạn tạm giam người đã thành niên...
Có thể nói các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cơ bản tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế và tư pháp đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, cũng cần được bổ sung, sửa đổi một số chế định nhằm thực hiện nguyên tắc “Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” như: Bảo đảm tiến hành nhanh chóng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của người chưa thành niên phạm tội, thời hạn tiến hành các hoạt động này, mở rộng các biện pháp ngăn chặn không giam giữ đối tượng này... (sẽ được đề cập ở phần sau).
Thứ ba, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng có nhiều quy định liên quan đến tư pháp đối với người chưa thành niên đáng chú ý như: Luật đã dành hẳn một phần (phần thứ năm) trong tổng số sáu phần để quy định về xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính.
Trước hết, trong các nguyên tắc xử lý người chưa thàn niên vi phạm hành chính đã chỉ rõ rằng việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn.
Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính cần căn cứ vào khả năng nhận thức về tính nguy hiểm của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với họ phải nhẹ hơn người đã thành niên.
Đặc biệt, đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình phạt tiền. Nếu có phạt tiền người 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức tiền phạt không được quá một nửa người đã thành niên. Đáng chú ý là nguyên tắc có thể thay thế xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức nhắc nhở hoặc giao cho gia đình quản lý khi có đủ điều kiện do luật quy định.
2. Những hạn chế, bất cập của hệ thông tư pháp đối với người chưa thành niên hiện hành
Một là, về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Điều luật không phân biệt người phạm tội là người chưa thành niên với người chưa thành niên và tại chương XII (những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) cũng không đề cập đến vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội. Như vậy, nhà làm luật đã coi người chưa thành niên phạm tội và người đã thành niên phạm tội có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ là như nhau. Theo chúng tôi, quy định như vậy là chưa có sự hợp lý. Bản chất pháp lý của chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là ở chỗ, sau một thời hạn nhất định do luật định đã qua đi (kể từ ngày phạm tội) và khi đáp ứng đầy đủ các đòi hỏi được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự, thì người phạm tội không thể bị Nhà nước truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đối với người đã có lỗi trong việc thực hiện tội phạm không phải là vô thời hạn. Và khi thời hạn đó đã qua đi, thì bất kỳ người nào mặc dù đã có lỗi trong việc thực hiện tội phạm những vẫn không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trừ một số ít trường hợp pháp luật có quy định khác). Đây là một chế định mang tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Sự nhân đạo, sự miễn trừ đó đối với người chưa thành niên phạm tội cần được xem xét, cân nhắc thiệt hơn so với người đã thành niên sao cho nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” được thực hiện có hiệu quả trong đời sống pháp lý của đất nước ta. Vì các lẽ đó, chúng tôi đề nghị thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như thời hiệu thi hành bản án (Điều 60) đối với người chưa thành niên là bằng một nửa thời hạn đối với người đã thành niên phạm tội.
Hai là, về xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Chế định xóa án tích có ý nghĩa rất lớn, nó thể hiện rõ tính nhân đạo của pháp luật hình sự và lòng tin vào khả năng cải tạo con người trong chế độ ta. Chế định này cũng nhằm xóa bỏ thành kiến đối với người phạm tội, khi họ đã cố gắng cải tạo, chuộc lại lỗi lầm của mình. Quy định xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội hiện nay đã được bổ sung nhiều điểm mới, tiến bộ, nhân văn hơn so với trước đây, nhất là đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn có quy định cần được sửa đổi để chúng ta làm tốt hơn những gì có thể làm được vì “lợi ích tốt nhất” cho người chưa thành niên. Cụ thể là, theo điều luật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội mà được hưởng án treo thì sau khi hết thời gian thử thách còn phải “thử thách” tiếp 6 tháng nữa mới được xóa án tích. Chúng tôi đề nghị, khi đã hết thời gian thử thách của án treo là có thể xóa án tích cho người chưa thành niên, bởi vì, khi quyết định cho hưởng án treo, Tòa án đã cân nhắc nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, thấy không cần phải bắt người này chấp hành hình phạt mới cho họ được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách và trong thời gian thử thách đó người này không cố ý vi phạm nghĩa vụ, không thực hiện hành vi phạm tội mới. Nhất là đối với người chưa thành niên thì việc sớm hòa nhập cộng đồng, được xum vầy với gia đình càng sớm ngày nào là tốt ngày ấy, có thể nói đây là điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của người chưa thành niên. Tham khảo Bộ luật Hình sự của Liên bang Nga và một số Bộ luật Hình sự các nước khác, họ cũng quy định xóa án tích cho người chưa thành niên phạm tội sau khi hết thời gian thử thách.
Ba là, về Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Như trên đã nói, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được xây dựng có tính đến các chuẩn mực quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên. Đặc biệt Bộ luật Tố tụng hình sự có một quy định có tính nguyên tắc là “bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi” (Điều 414) đồng thời, đã có tuyên bố nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho ngời chưa thành niên: “thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này” (Điều 419). Tuy vậy, trên tinh thần Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em về các cơ quan tiến hành tố tụng và hành chính hay cơ quan lập pháp trong hoạt động của mình cần quan tâm hàng đầu đến lợi ích tốt nhất của trẻ em, chúng tôi thấy rằng các quy định về thời hạn tố tụng như thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án người chưa thành niên phạm tội cần được rút ngắn, có thể bằng một phần hai thời hạn đối với những người đã thành niên, để sao cho những đối tượng này sớm được “trả giá” cho lỗi lầm của mình và có thể tái hòa nhập cộng đồng càng sớm càng tốt. Mặt khác, quy định về người chưa thành niên phạm tội được giam giữ riêng (không giam chung với người đã thành niên) đã được ghi nhận trong pháp luật, song trên thực tế vẫn còn có nơi, do điều kiện khó khăn, không có chỗ giam riêng các đối tượng chưa thành niên, nên họ vẫn bị giam chung với đối tượng đã thành niên. Tới đây cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt việc này để người chưa thành niên không phải giam chung với người đã thành niên như cam kết của nước ta đối với các Công ước quốc tế mà chúng ta đã là thành viên. Đây cũng là một nội dung trong “đề xuất hoàn thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam”.
Bốn là, về Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
- Trước hết nói đến thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Chế định này chưa có sự phân biệt người chưa thành niên với người đã thành niên, do vậy, cần phải phân biệt theo hướng rút ngắn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm “vì lợi ích tốt nhất” cho người chưa thành niên. Theo chúng tôi, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên chỉ bằng một phần hai thời hiệu quy định hiện nay (một năm và hai năm tùy theo lĩnh vực vi phạm).
- Về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không có sự phân biệt người chưa thành niên và người đã thành niên với một mức chung là 01 năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thời hạn này đối với người chưa thành niên là quá dài, cần được rút ngắn lại, theo chúng tôi, 06 tháng là được.
- Về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã phân biệt người chưa thành niên với người đã thành niên khi quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính (Điều 137), theo đó, người chưa thành niên được coi chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng kề từ ngày chấp hành xong quyết định xử phát hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm. Trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn) thì trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Chúng tôi đề nghị cần phân biệt đối tượng từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi với những đối tượng khác. Đối với các em từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có bị đưa vào trường giáo dưỡng thì khi đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính thì nên coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, còn các đối tượng còn lại cũng nên được cân nhắc rút ngắn một nửa thời hạn như quy định hiện hành (tức là 03 tháng đối với quyết định xử phạt và 06 tháng đối với quyết định xử lý).
- Về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên. Đây là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với người chưa thành niên từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi có điều kiện nhất định do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định. Đây là một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ, được xây dựng biệt lập với môi trường gia đình và xã hội, sự tự do, dân chủ của các học viên bị hạn chế. Việc đưa người chưa thành niên vào nơi này cũng coi như một hình thức giam giữ theo các chuẩn mực quốc tế “tước tự do được định nghĩa là bất kỳ hình thức giam giữ từ đó người này không được phép rời đi, theo lệnh của cơ quan tư pháp, hành chính hoặc cơ quan quản lý khác có thẩm quyền”. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng biện pháp này không thực sự có tác dụng cải tạo trẻ mà thực tế còn có thể tăng nguy cơ trẻ tái phạm sau khi được thả tự do[1]. Mặt khác, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định cởi mở và thân thiện hơn đối với người chưa thành niên phạm tội như áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự cho đối tượng này phạm tội, thu hẹp đáng kể phạm vi các tội danh mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ còn 28 tội danh (trước đây, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội rất nghiêm trọng do vô ý và tội đặc biệt nghiêm trọng). Vì vậy, chúng tôi đề nghị, trước mắt cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, không đưa vào trường giáo dưỡng các đối tượng từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi. Những em này có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Cần nói thêm rằng, đưa những em từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã thực hiện hành vi có dấu hiệu của một số tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý vào trường giáo dưỡng là không hợp lý, vì rằng, phạm tội do vô ý dù là tội ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng thì các em đó cũng không có ý thức phạm tội, mặt khác đưa các em đó vào trường thì “lợi bất cập hại”, không biết có sửa chữa được gì, có học được gì tốt hay lại bị hư hỏng thêm, “lợn lành chữa thành lợn què”. Còn về lâu dài, chỉ giữ lại trong trường giáo dưỡng những đối tượng từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi vi phạm có tính bạo lực xâm phạm sức khỏe, xâm phạm trật tự công cộng mà chưa đến mức tội phạm.
3. Kiến nghị hoàn thiện hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên
Thứ nhất, về Bộ luật Hình sự năm 2015
- Bổ sung quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội bằng 1/2 thời hạn đối với người đã thành niên phạm tội.
- Bổ sung quy định về thời hiệu thi hành bản án đối với người chưa thành niên phạm tội bằng 1/2 thời hạn đối với người đã thành niên.
- Bổ sung quy định về xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội được hưởng án treo - khi đã hết thời gian thử thách của án treo thì người chưa thành niên được xóa án tích, coi như chưa can án.
Thứ hai, về Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Các quy định về thời hạn tố tụng như thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các các vụ án người chưa thành niên phạm tội cần được rút ngắn bằng 1/2 thời hạn đối với người đã thành niên.
- Cần khắc phục tình trạng vẫn có người chưa thành niên phải bị giam chung với người đã thành niên.
Thứ ba, về Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bằng 1/2 thời hiệu quy định hiện nay.
- Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần được rút ngắn đến 06 tháng.
- Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính cần phân biệt các em từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi với các các em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đối với các em từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có bị được đưa vào trường giáo dưỡng thi khi đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính thi được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính (chứ không phải thêm 01 năm nữa như hiện nay), còn đối với các em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cần rút ngắn 1/2 thời hạn như quy định hiện hành, tức là 03 tháng đối với quyết định xử phạt và 06 tháng đối với quyết định xử lý.
- Trước mắt, cần sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, không đưa vào trường giáo dưỡng các em từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi; những em này có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để giám sát, giáo dục. Còn về lâu dài có thể chỉ giữ lại trong trường giáo dưỡng những em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi vi phạm có tính bạo lực xâm phạm sức khỏe, trật tự công cộng mà chưa đến mức tội phạm.
Thứ tư, về việc xây dựng một đạo luật riêng về hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên
Như trên đã nói, các quy định về pháp luật xử lý người chưa thành niên được đề cập tản mạn ở các văn bản đơn lẻ, chưa có hệ thống, do đó, sự trùng lặp, mâu thuẫn, lỗi thời là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc xây dựng một đạo luật riêng về xử lý vi phạm pháp luật của người chưa thành niên (hay còn gọi là Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên), theo chúng tôi là cần thiết để khắc phục những thiếu sót, thiếu đồng bộ và bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện là cần thiết. Tuy nhiên, để xây dựng đạo luật này cần giải đáp một số vấn đề sau đây:
(i) Phạm vi điều chỉnh của luật này sẽ điều chỉnh những loại quan hệ xã hội nào, quan hệ phát sinh khi có tội phạm xảy ra, trình tự thủ tục tố tụng để giải quyết tội phạm và người phạm tội, quan hệ phát sinh khi có vi phạm hành chính xảy ra v.v...
(ii) Mối quan hệ giữa luật này với các luật khác cũng có những quy định về tư pháp đối với người chưa thành niên.
(iii) Đưa tất cả những quy định đã có trong các luật khác có quy định liên quan đến tư pháp đối với người chưa thành niên vào trong luật về tư pháp đối với người chưa thành niên như lập pháp của một số quốc gia trên thế giới... Để giải đáp những vấn đề chúng ta cần có thời gian nghiên cứu, trong đó có cả nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác đã có luật tư pháp đối với người chưa thành niên, mời các chuyên gia trong lĩnh vực này trình bày các chuyên đề tại các hội thảo để chúng ta hiểu biết thêm những vấn đề cần quan tâm./.
Trước hết, phải thấy rằng các quy định về tư pháp đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật được quy định tản mạn tại một số luật đơn hành, chưa có sự sắp xếp thành hệ thống trong một văn bản thống nhất. Đó là Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và một số văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các Luật, Bộ luật nói trên. Tuy vậy, trong các văn bản đơn hành đó cũng đã đề cập một cách đầy đủ với sự nỗ lực làm sao để tư pháp đối với người chưa thành niên ngày càng tiến bộ, bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền của họ trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, cũng như trong các biện pháp xử lý khi họ vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên như một đối tượng được quan tâm đặc biệt, như “thế hệ tương lai” của đất nước.
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định về tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội. Đó là quy định chính sách hình sự đối với người chưa thành niên nói chung và đặc biệt là trẻ em (người dưới 16 tuổi) có những điểm khác cơ bản với người đã thành niên:
- Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
- Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
- Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp thật cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
- Có thể áp dụng biện pháp tư pháp (giáo dục tại xã, phường, thị trấn, giáo dục tại trường giáo dưỡng) thay thế hình phạt nếu xét thấy làm như vậy vẫn đạt được mục đích giáo dục người phạm tội.
- Không xử tù chung thân hoặc xử tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; khi xem xét áp dụng hình phạt đối với đối tượng này cần hạn chế áp dụng hình phạt tù; không áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 16 tuổi.
- Người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hơp nhắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên...
- Sẽ là thiết sót khi nói về pháp luật hình sự bảo vệ trẻ em nói riêng và người chưa thành niên mà bỏ qua những hành vi phạm tội đối với đối tượng này. Hiện nay, đã có gần 40 trên tổng số 315 tội danh trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm trẻ em và người chưa thành niên, khi giết trẻ em, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em, lôi kéo người chưa thành niên vào hoạt động phạm tội… Tính nghiêm khắc của chính sách hình sự đối với các tội này là nghiêm trị những người phạm tội đối với trẻ em và người chưa thành niên, hình phạt đối với họ nặng hơn nhiều so với phạm tội đối với người đã thành niên.
Thứ hai, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự cũng có nhiều quy định liên quan đến tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội. Có thể kể ra đây những điểm chính, cơ bản của Bộ luật này.
- Có một chương riêng (Chương XXVIII) với tên gọi “thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, trong đó có quy định có tính nguyên tắc khi tiến hành tố tụng là: Thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người chưa thành niên.
- Người tiến hành tố tụng đối với vụ án do người chưa thành niên thực hiện phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án người chưa thành niên phạm tội, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên. Khi tiến hành tố tụng đối với các vụ án này, bắt buộc phải làm rõ độ tuổi cũng như mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên, điều kiện sinh sống và giáo dục cũng như nguyên nhân và điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của người chưa thành niên.
- Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người chưa thành niên trong trường hợp thật cần thiết. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và biện pháp ngăn chặn khác không có hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên bằng 2/3 thời hạn tạm giam người đã thành niên...
Có thể nói các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cơ bản tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế và tư pháp đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, cũng cần được bổ sung, sửa đổi một số chế định nhằm thực hiện nguyên tắc “Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” như: Bảo đảm tiến hành nhanh chóng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của người chưa thành niên phạm tội, thời hạn tiến hành các hoạt động này, mở rộng các biện pháp ngăn chặn không giam giữ đối tượng này... (sẽ được đề cập ở phần sau).
Thứ ba, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng có nhiều quy định liên quan đến tư pháp đối với người chưa thành niên đáng chú ý như: Luật đã dành hẳn một phần (phần thứ năm) trong tổng số sáu phần để quy định về xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính.
Trước hết, trong các nguyên tắc xử lý người chưa thàn niên vi phạm hành chính đã chỉ rõ rằng việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn.
Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính cần căn cứ vào khả năng nhận thức về tính nguy hiểm của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với họ phải nhẹ hơn người đã thành niên.
Đặc biệt, đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình phạt tiền. Nếu có phạt tiền người 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức tiền phạt không được quá một nửa người đã thành niên. Đáng chú ý là nguyên tắc có thể thay thế xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức nhắc nhở hoặc giao cho gia đình quản lý khi có đủ điều kiện do luật quy định.
2. Những hạn chế, bất cập của hệ thông tư pháp đối với người chưa thành niên hiện hành
Một là, về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Điều luật không phân biệt người phạm tội là người chưa thành niên với người chưa thành niên và tại chương XII (những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) cũng không đề cập đến vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội. Như vậy, nhà làm luật đã coi người chưa thành niên phạm tội và người đã thành niên phạm tội có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ là như nhau. Theo chúng tôi, quy định như vậy là chưa có sự hợp lý. Bản chất pháp lý của chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là ở chỗ, sau một thời hạn nhất định do luật định đã qua đi (kể từ ngày phạm tội) và khi đáp ứng đầy đủ các đòi hỏi được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự, thì người phạm tội không thể bị Nhà nước truy cứu trách nhiệm hình sự của các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đối với người đã có lỗi trong việc thực hiện tội phạm không phải là vô thời hạn. Và khi thời hạn đó đã qua đi, thì bất kỳ người nào mặc dù đã có lỗi trong việc thực hiện tội phạm những vẫn không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trừ một số ít trường hợp pháp luật có quy định khác). Đây là một chế định mang tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Sự nhân đạo, sự miễn trừ đó đối với người chưa thành niên phạm tội cần được xem xét, cân nhắc thiệt hơn so với người đã thành niên sao cho nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” được thực hiện có hiệu quả trong đời sống pháp lý của đất nước ta. Vì các lẽ đó, chúng tôi đề nghị thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như thời hiệu thi hành bản án (Điều 60) đối với người chưa thành niên là bằng một nửa thời hạn đối với người đã thành niên phạm tội.
Hai là, về xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Chế định xóa án tích có ý nghĩa rất lớn, nó thể hiện rõ tính nhân đạo của pháp luật hình sự và lòng tin vào khả năng cải tạo con người trong chế độ ta. Chế định này cũng nhằm xóa bỏ thành kiến đối với người phạm tội, khi họ đã cố gắng cải tạo, chuộc lại lỗi lầm của mình. Quy định xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội hiện nay đã được bổ sung nhiều điểm mới, tiến bộ, nhân văn hơn so với trước đây, nhất là đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn có quy định cần được sửa đổi để chúng ta làm tốt hơn những gì có thể làm được vì “lợi ích tốt nhất” cho người chưa thành niên. Cụ thể là, theo điều luật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội mà được hưởng án treo thì sau khi hết thời gian thử thách còn phải “thử thách” tiếp 6 tháng nữa mới được xóa án tích. Chúng tôi đề nghị, khi đã hết thời gian thử thách của án treo là có thể xóa án tích cho người chưa thành niên, bởi vì, khi quyết định cho hưởng án treo, Tòa án đã cân nhắc nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, thấy không cần phải bắt người này chấp hành hình phạt mới cho họ được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách và trong thời gian thử thách đó người này không cố ý vi phạm nghĩa vụ, không thực hiện hành vi phạm tội mới. Nhất là đối với người chưa thành niên thì việc sớm hòa nhập cộng đồng, được xum vầy với gia đình càng sớm ngày nào là tốt ngày ấy, có thể nói đây là điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của người chưa thành niên. Tham khảo Bộ luật Hình sự của Liên bang Nga và một số Bộ luật Hình sự các nước khác, họ cũng quy định xóa án tích cho người chưa thành niên phạm tội sau khi hết thời gian thử thách.
Ba là, về Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Như trên đã nói, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được xây dựng có tính đến các chuẩn mực quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên. Đặc biệt Bộ luật Tố tụng hình sự có một quy định có tính nguyên tắc là “bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi” (Điều 414) đồng thời, đã có tuyên bố nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho ngời chưa thành niên: “thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này” (Điều 419). Tuy vậy, trên tinh thần Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em về các cơ quan tiến hành tố tụng và hành chính hay cơ quan lập pháp trong hoạt động của mình cần quan tâm hàng đầu đến lợi ích tốt nhất của trẻ em, chúng tôi thấy rằng các quy định về thời hạn tố tụng như thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án người chưa thành niên phạm tội cần được rút ngắn, có thể bằng một phần hai thời hạn đối với những người đã thành niên, để sao cho những đối tượng này sớm được “trả giá” cho lỗi lầm của mình và có thể tái hòa nhập cộng đồng càng sớm càng tốt. Mặt khác, quy định về người chưa thành niên phạm tội được giam giữ riêng (không giam chung với người đã thành niên) đã được ghi nhận trong pháp luật, song trên thực tế vẫn còn có nơi, do điều kiện khó khăn, không có chỗ giam riêng các đối tượng chưa thành niên, nên họ vẫn bị giam chung với đối tượng đã thành niên. Tới đây cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt việc này để người chưa thành niên không phải giam chung với người đã thành niên như cam kết của nước ta đối với các Công ước quốc tế mà chúng ta đã là thành viên. Đây cũng là một nội dung trong “đề xuất hoàn thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam”.
Bốn là, về Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
- Trước hết nói đến thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Chế định này chưa có sự phân biệt người chưa thành niên với người đã thành niên, do vậy, cần phải phân biệt theo hướng rút ngắn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm “vì lợi ích tốt nhất” cho người chưa thành niên. Theo chúng tôi, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên chỉ bằng một phần hai thời hiệu quy định hiện nay (một năm và hai năm tùy theo lĩnh vực vi phạm).
- Về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không có sự phân biệt người chưa thành niên và người đã thành niên với một mức chung là 01 năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thời hạn này đối với người chưa thành niên là quá dài, cần được rút ngắn lại, theo chúng tôi, 06 tháng là được.
- Về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã phân biệt người chưa thành niên với người đã thành niên khi quy định về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính (Điều 137), theo đó, người chưa thành niên được coi chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng kề từ ngày chấp hành xong quyết định xử phát hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm. Trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn) thì trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Chúng tôi đề nghị cần phân biệt đối tượng từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi với những đối tượng khác. Đối với các em từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có bị đưa vào trường giáo dưỡng thì khi đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính thì nên coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, còn các đối tượng còn lại cũng nên được cân nhắc rút ngắn một nửa thời hạn như quy định hiện hành (tức là 03 tháng đối với quyết định xử phạt và 06 tháng đối với quyết định xử lý).
- Về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên. Đây là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với người chưa thành niên từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi có điều kiện nhất định do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định. Đây là một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ, được xây dựng biệt lập với môi trường gia đình và xã hội, sự tự do, dân chủ của các học viên bị hạn chế. Việc đưa người chưa thành niên vào nơi này cũng coi như một hình thức giam giữ theo các chuẩn mực quốc tế “tước tự do được định nghĩa là bất kỳ hình thức giam giữ từ đó người này không được phép rời đi, theo lệnh của cơ quan tư pháp, hành chính hoặc cơ quan quản lý khác có thẩm quyền”. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng biện pháp này không thực sự có tác dụng cải tạo trẻ mà thực tế còn có thể tăng nguy cơ trẻ tái phạm sau khi được thả tự do[1]. Mặt khác, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định cởi mở và thân thiện hơn đối với người chưa thành niên phạm tội như áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp miễn trách nhiệm hình sự cho đối tượng này phạm tội, thu hẹp đáng kể phạm vi các tội danh mà người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ còn 28 tội danh (trước đây, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội rất nghiêm trọng do vô ý và tội đặc biệt nghiêm trọng). Vì vậy, chúng tôi đề nghị, trước mắt cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, không đưa vào trường giáo dưỡng các đối tượng từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi. Những em này có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Cần nói thêm rằng, đưa những em từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã thực hiện hành vi có dấu hiệu của một số tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý vào trường giáo dưỡng là không hợp lý, vì rằng, phạm tội do vô ý dù là tội ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng thì các em đó cũng không có ý thức phạm tội, mặt khác đưa các em đó vào trường thì “lợi bất cập hại”, không biết có sửa chữa được gì, có học được gì tốt hay lại bị hư hỏng thêm, “lợn lành chữa thành lợn què”. Còn về lâu dài, chỉ giữ lại trong trường giáo dưỡng những đối tượng từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi vi phạm có tính bạo lực xâm phạm sức khỏe, xâm phạm trật tự công cộng mà chưa đến mức tội phạm.
3. Kiến nghị hoàn thiện hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên
Thứ nhất, về Bộ luật Hình sự năm 2015
- Bổ sung quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội bằng 1/2 thời hạn đối với người đã thành niên phạm tội.
- Bổ sung quy định về thời hiệu thi hành bản án đối với người chưa thành niên phạm tội bằng 1/2 thời hạn đối với người đã thành niên.
- Bổ sung quy định về xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội được hưởng án treo - khi đã hết thời gian thử thách của án treo thì người chưa thành niên được xóa án tích, coi như chưa can án.
Thứ hai, về Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Các quy định về thời hạn tố tụng như thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các các vụ án người chưa thành niên phạm tội cần được rút ngắn bằng 1/2 thời hạn đối với người đã thành niên.
- Cần khắc phục tình trạng vẫn có người chưa thành niên phải bị giam chung với người đã thành niên.
Thứ ba, về Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bằng 1/2 thời hiệu quy định hiện nay.
- Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần được rút ngắn đến 06 tháng.
- Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính cần phân biệt các em từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi với các các em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đối với các em từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có bị được đưa vào trường giáo dưỡng thi khi đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính thi được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính (chứ không phải thêm 01 năm nữa như hiện nay), còn đối với các em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cần rút ngắn 1/2 thời hạn như quy định hiện hành, tức là 03 tháng đối với quyết định xử phạt và 06 tháng đối với quyết định xử lý.
- Trước mắt, cần sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, không đưa vào trường giáo dưỡng các em từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi; những em này có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để giám sát, giáo dục. Còn về lâu dài có thể chỉ giữ lại trong trường giáo dưỡng những em từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi vi phạm có tính bạo lực xâm phạm sức khỏe, trật tự công cộng mà chưa đến mức tội phạm.
Thứ tư, về việc xây dựng một đạo luật riêng về hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên
Như trên đã nói, các quy định về pháp luật xử lý người chưa thành niên được đề cập tản mạn ở các văn bản đơn lẻ, chưa có hệ thống, do đó, sự trùng lặp, mâu thuẫn, lỗi thời là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc xây dựng một đạo luật riêng về xử lý vi phạm pháp luật của người chưa thành niên (hay còn gọi là Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên), theo chúng tôi là cần thiết để khắc phục những thiếu sót, thiếu đồng bộ và bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện là cần thiết. Tuy nhiên, để xây dựng đạo luật này cần giải đáp một số vấn đề sau đây:
(i) Phạm vi điều chỉnh của luật này sẽ điều chỉnh những loại quan hệ xã hội nào, quan hệ phát sinh khi có tội phạm xảy ra, trình tự thủ tục tố tụng để giải quyết tội phạm và người phạm tội, quan hệ phát sinh khi có vi phạm hành chính xảy ra v.v...
(ii) Mối quan hệ giữa luật này với các luật khác cũng có những quy định về tư pháp đối với người chưa thành niên.
(iii) Đưa tất cả những quy định đã có trong các luật khác có quy định liên quan đến tư pháp đối với người chưa thành niên vào trong luật về tư pháp đối với người chưa thành niên như lập pháp của một số quốc gia trên thế giới... Để giải đáp những vấn đề chúng ta cần có thời gian nghiên cứu, trong đó có cả nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác đã có luật tư pháp đối với người chưa thành niên, mời các chuyên gia trong lĩnh vực này trình bày các chuyên đề tại các hội thảo để chúng ta hiểu biết thêm những vấn đề cần quan tâm./.
Nguyễn Quốc Việt
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
[1] Xem: Chia sẻ kết quả nghiên cứu phân tích thực trạng hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên ở Việt Nam và hướng tới tư pháp toàn diện đối với người chưa thành niên, kỷ yếu hội thảo tại Hà Nội tháng 9/2015.