Ngày nay, trẻ em được tiếp cận với các thiết bị công nghệ từ rất sớm do đây là thời kỳ bùng nổ của internet, thời đại của công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Thời gian mà trẻ em sử dụng internet cũng vì thế mà gia tăng. Internet mang lại cho trẻ em không ít lợi ích, cơ hội nhưng bên cạnh đó đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Lừa đảo, bạo lực mạng, quấy rối, lạm dụng, bóc lột trẻ em… Nhà nước ta đã thực hiện hàng loại giải pháp nhằm tạo lập một môi trường mạng an toàn và lành mạnh cho trẻ em.
1. Thực trạng trẻ em sử dụng internet tại Việt Nam hiện nay
Theo thống kê tháng 01/2023 của trang Statista - nền tảng chuyên cung cấp dữ liệu về số liệu thị trường và người tiêu dùng, Việt Nam đang là một trong những quốc gia sử dụng internet nhiều nhất trên thế giới, số lượng người sử dụng internet tại Việt Nam là 77,93 triệu người, xếp thứ 12 trên thế giới[1]. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)[2], tại Việt Nam, có 82% trẻ em trong độ tuổi 12 tuổi đến 13 tuổi sử dụng internet và 93% trẻ em trong độ tuổi 14 tuổi đến15 tuổi sử dụng internet. Năm 2020, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (SCI) thực hiện khảo sát tại 07 tỉnh, thành phố thì có tới 96,9% trẻ em tham gia khảo sát có thiết bị kết nối internet[3].
Như vậy có thể thấy, ngày nay, trẻ em được tiếp xúc với công nghệ và internet từ rất sớm, internet có thể đem lại cho các em nhiều cơ hội trải nghiệm, học tập, phát triển ngôn ngữ, giải trí nếu như có cách tiếp cận đúng đắn, thời gian sử dụng hợp lý. Tuy nhiên, tỉ lệ xảy ra rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng là rất lớn. Cùng với việc trẻ em được sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, máy tính, trẻ em cũng được tiếp cận với các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instgram, Tiktok… Nội dung trên các trang mạng xã hội này rất khó kiểm soát, nhiều nội dung xấu, độc hại sẽ làm lệch lạc suy nghĩ, tư tưởng của trẻ em, nhiều đối tượng lợi dụng trẻ em, lấy thông tin cá nhân của các em để thực hiện hành vi lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo thực hiện hành vi trái pháp luật… Không chỉ vậy, hành vi bạo lực mạng, bắt nạt qua mạng, xâm hại trực tuyến thường xuyên xảy ra và bất kỳ trẻ em nào cũng có thể gặp phải. Các hành vi này tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới thể xác nhưng nó là nguyên nhân tác động lớn đến tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Theo số liệu thống kê năm 2021 của Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (National Center for Missing and Exploited Children), hệ thống CSAM quốc tế ghi nhận Việt Nam có tới hơn 700 nghìn hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, tại Đông Nam Á chỉ đứng sau Philipines và Indonesia[4]. Trong báo cáo mới nhất tháng 12/2024 của Tổng đài 111 - Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em đã đề cập đến việc nhận được nhiều báo cáo về tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng như làm quen, dụ dỗ trẻ, ép trẻ quay và gửi clip, hình ảnh nhạy cảm của bản thân và dùng chính những hình ảnh, clip để đe dọa, bắt nạt trẻ trên mạng dẫn đến việc xâm hại tình dục trẻ ngoài đời thực[5]. Đây là một thực trạng đáng báo động khi mà việc trẻ em sử dụng internet ngày càng tăng, các nội dung được đăng trên mạng ngày càng khó kiểm soát, những hành vi vi phạm quyền trẻ em trên mạng ngày càng tinh vi. Đối diện với thực trạng này, Nhà nước ta đã có sự quan tâm đúng lúc và thực hiện những hành động kịp thời nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
2. Một số quy định của Nhà nước Việt Nam nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Việt Nam là quốc gia có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về vấn đề này. Có thể kể đến một số văn bản của Quốc hội như: Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đều có quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cụ thể:
Điều 54 Luật Trẻ em năm năm 2016 quy định: “Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng”; “cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã dành cả Chương IV từ Điều 33 đến Điều 37 để làm rõ vấn đề này.
Khoản 1 Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định “trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng”; từ khoản 2 đến khoản 5 Điều này quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan; lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng.
Điều 73 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, nhà trường, gia đình và nhà cung cấp dịch vụ đối với việc bảo vệ trẻ em sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.
Không chỉ quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Nhà nước ta còn ban hành các nghị định có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến việc cung cấp thông tin trên mạng internet như:
- Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em tại Điều 36 quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng…”, “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử”.
- Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022) cũng có quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: “Đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em”; “Đăng, phát thông tin, chương trình dành cho trẻ em không đảm bảo tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng trên báo chí”; “Không thực hiện đúng các yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em trên báo chí”; “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí” (Điều 8). Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: “Sử dụng hình ảnh trẻ em để minh họa trên xuất bản phẩm nhưng không có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành đối với trẻ em dưới 07 tuổi hoặc không có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành đối với trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên đối với từng tên xuất bản phẩm” (Điều 25).
Bên cạnh đó, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” và Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 Phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”.
Như vậy có thể thấy sự quan tâm của Nhà nước ta dành cho vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, hệ thống pháp luật khá đầy đủ ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên với sự phát triển không ngừng của công nghệ và mạng internet đòi hỏi hệ thống pháp luật thường xuyên phải cập nhật, điều chỉnh để đáp ứng với thực tiễn nhằm đảm bảo trẻ em được sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
3. Thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Căn cứ vào các quy định của Nhà nước về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đã tích cực triển khai các hành động để tăng cường thực hiện trách nhiệm này.
Vào năm 2019, Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thống nhất thông qua Tuyên bố ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến và tới năm 2021 đã thông qua Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 2264/QĐ-BTTTT ngày 22/12/2020 về việc Phê duyệt Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trong năm 2021. Trong đó, Bộ xác định hoạt động truyền thông và việc truyền tải các kỹ năng số cơ bản tới các bạn trẻ sẽ là điều cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngày 26/5/2021, Bộ đã ban hành Quyết định số 716/QĐ-BTTTT Thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ngày 18/8/2022, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chế số 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tiếp nhận thông tin, điều tra xử lý đối với cách hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Mục đích xây dựng quy chế này nhằm triển khai một số nhiệm vụ trong Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.
Ngày 15/8/2023, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã ra Quyết định thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng gồm 11 thành viên ban đầu, là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Câu lạc bộ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước tuyền truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; thúc đẩy xây dựng các nội dung hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, tổ chức chuyên môn này cũng sẽ giúp xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cơ sở của Hiệp hội cho các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh; góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em và nhóm giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.
4. Đề xuất hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Thứ nhất, nên bổ sung các định nghĩa, khái niệm, thuật ngữ liên quan.
Hiện tại, các quy định của Nhà nước ta về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới chỉ ở mức độ khái quát, chưa cụ thể, phần lớn là xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể. Một trong những vấn đề trẻ em thường hay gặp phải trên môi trường mạng là “bắt nạt trực tuyến” thì lại chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp. Định nghĩa về “bắt nạt trực tuyến”, những biểu hiện của “bắt nạt trực tuyến” hiện nay chưa được quy định rõ ràng trong luật pháp nước ta mà chỉ được đề cập rải rác ở các luật. Ví dụ: Khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 có quy định phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác”; “Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các mạng xã hội cũng ngày càng phát triển khiến cho trẻ em dễ gặp phải những rủi ro trên môi trường mạng và tình hình phạm tội liên quan tới trẻ em trên môi trường mạng cũng trở nên phức tạp hơn. Thực trạng này đòi hỏi Nhà nước ta cần bổ sung định nghĩa, thuật ngữ, khái niệm liên quan để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời có thể tội phạm hóa các hành vi do các chủ thể thực hiện ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau...
Thứ hai, nên điều chỉnh, bổ sung các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Thực tế có thể thấy, việc trẻ em bị “bắt nạt trực tuyến”, xâm hại trên mạng có thể đem lại hậu quả về tinh thần, cảm xúc, tình cảm còn nặng nề hơn so với ngoài đời thực. Đặc biệt là các vụ việc có liên quan tới “bắt nạt trực tuyến” do “hiệu ứng đám đông”, cả một nhóm cộng đồng mạng dùng những ngôn từ, lời lẽ gây tổn hại đến tinh thần, cảm xúc của nạn nhân dẫn đến các hành động thiếu suy nghĩ. Đối với trẻ em, khi các em chưa có khả năng điều chỉnh, kiềm chế cảm xúc thì hậu quả càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các quy định xử phạt đối với hành vi vu khống, làm nhục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đang được áp dụng quy định chung. Vì vậy, cần rà soát, bổ sung chế tài xử phạt riêng đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; dùng những chế tài xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.
Thứ ba, nên bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Các quy định về xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới chỉ dừng ở việc xử lý các hành vi vi phạm với các đối tượng như doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ, cơ quan báo chí, truyền thông… mà không có quy định về xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan; lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng. Nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Nhà nước nên xem xét cơ chế xử phạt hợp lý với các đối tượng trên khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em trên môi trường mạng. Ngoài ra, nên quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xử lý vi phạm để bảo đảm xử lý kịp thời, triệt để đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em trên không gian mạng, tránh để lại hậu quả sau này.
Bên cạnh những giải pháp hoàn thiện pháp luật về trẻ em trên môi trường mạng, Nhà nước ta cần tăng cường các biện pháp giáo dục cho trẻ em nhận thức được những nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, trang bị kỹ năng ứng phó với các hành vi xâm hại, bắt nạt trực tuyến và cung cấp cho trẻ em thông tin của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể giúp đỡ khi xảy ra các vấn đề trên môi trường mạng. Việc này đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Không chỉ vậy, Nhà nước nên khuyến khích sử dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên internet như CyberPurify Kids, CyRadar, Google Family link… nhằm ngăn trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với các nội dung độc hại và cha mẹ có thể quản lý thời gian truy cập internet của trẻ. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước để thiết lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ, tích cực triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng./.
ThS. Nguyễn Hoàng Trung
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
[1] https://www.statista.com/statistics/262966/number-of-internet-users-in-selected-countries/, truy cập ngày 11/3/2024.
[2] Dữ liệu nghiên cứu hành vi gây tổn hại, UNICEF, 2022, tr. 19, https://www.end-violence.org/sites/default/files/2022-08/DH_Viet%20Nam_Viet_ONLINE.pdf, truy cập ngày 07/3/2024.
[3] https://msdvietnam.org/wp-content/uploads/Young-Voices-in-Vietnam-FULL-REPORT-VIE.pdf, tr. 31, truy cập ngày 07/3/2024.
[4] https://www.missingkids.org/content/dam/missingkids/pdfs/2021-reports-by-country.pdf, truy cập ngày 11/3/2024.