Tóm tắt: Hiện nay, quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Doanh nghiệp chưa có sự tương thích về việc góp vốn bằng tài sản chung của vợ chồng vào các loại hình doanh nghiệp. Trong bài viết này, tác giả phân tích vấn đề góp vốn bằng tài sản chung của vợ chồng vào doanh nghiệp, chỉ ra các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Abstract: Current provisions of the Law on Marriage and Family and the Law on Enterprises are not compatible with respect to the contribution of capital with common property of husband and wife to various types of enterprises. In this article, the author analyzes the issue of capital contribution by the husband and wife's common property to the business, points out the limitations and inadequacies of the current law and makes recommendations for improvement.
1. Quy định về sử dụng tài sản chung của vợ chồng vào hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật năm 2014) quy định về hai loại chế độ tài sản (TS) của vợ chồng, đó là chế độ TS theo thỏa thuận và chế độ TS theo luật định. Đối với mỗi loại chế độ TS, việc xác định TS chung của vợ chồng và TS riêng của mỗi bên vợ, chồng có những điểm khác biệt nhất định.
Đối với các cặp vợ chồng áp dụng chế độ TS theo luật định, TS chung của vợ chồng bao gồm các loại TS phát sinh trong thời kỳ hôn nhân có nguồn gốc theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật năm 2014. Ngoài ra, khoản 2 Điều 33 cũng quy định, TS chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Mặt khác, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh TS mà vợ, chồng đang có tranh chấp là TS riêng của mỗi bên thì TS đó được coi là TS chung. Trong trường hợp này, vợ chồng được xác định là đồng sở hữu đối với TS. Khi một bên vợ, chồng có nhu cầu định đoạt TS thì phải bảo đảm sự đồng thuận của bên còn lại trong quan hệ hôn nhân hoặc theo thỏa thuận khác của vợ chồng. Ngoài ra, trong trường hợp TS là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, TS là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì hình thức định đoạt TS chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản.
Đối với các cặp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ TS theo thỏa thuận, Điều 47 Luật năm 2014 quy định, “trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ TS theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ TS của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Bên cạnh đó, Điều 48 Luật này có quy định nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ TS. Mặt khác, Luật cũng quy định khi thực hiện chế độ TS theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ, chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ TS theo luật định (khoản 2 Điều 48 Luật năm 2014). Thêm vào đó, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (Nghị định số 126/2014/NĐ-CP) cũng hướng dẫn khá chi tiết, theo đó, vợ chồng có thể lựa chọn một trong các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 15. Như vậy, khi lựa chọn chế độ TS theo thỏa thuận, về cơ bản, vợ chồng được tự do xây dựng một hành lang pháp lý cho riêng mình tùy thuộc vào hoàn cảnh, khả năng kinh tế, tình trạng TS và các mối quan hệ của từng cá nhân mà không phụ thuộc hoàn toàn vào quy định của pháp luật.
Về việc vợ chồng tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, Điều 25 Luật năm 2014 đã quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh. Không chỉ vậy, Điều 36 Luật năm 2014 còn quy định về cách thức đưa TS chung của vợ chồng vào hoạt động kinh doanh: “Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa TS chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến TS chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản”. Thỏa thuận này thể hiện nội dung thỏa thuận đưa một phần hoặc toàn bộ khối TS chung của vợ chồng vào việc kinh doanh. Nội dung thỏa thuận cần thể hiện chi tiết đối tượng của hợp đồng gồm loại TS, số lượng TS, quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch liên quan đến TS đó. Như vậy, nếu một bên tự ý sử dụng TS chung để đưa vào hoạt động kinh doanh thì giao dịch đó có thể bị tuyên là vô hiệu.
2. Quy định về thủ tục đầu tư vốn vào doanh nghiệp với tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp và quy định về thỏa thuận bằng văn bản đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh
Khi vợ chồng thực hiện quyền định đoạt đối với TS chung bằng cách thức sử dụng TS chung góp vốn vào vốn điều lệ của công ty, bên cạnh việc tuân thủ quy định của Luật năm 2014 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt TS chung thì còn phải thực hiện quy định của pháp luật doanh nghiệp như quy định tại Điều 35, Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về chuyển quyền sở hữu TS góp vốn và định giá TS góp vốn. TS được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp (khoản 4 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Trong tương quan so sánh với quy định của Luật năm 2014, TS chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng áp dụng chế độ TS theo luật định bao gồm những TS có nguồn gốc theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và được liệt kê theo quy định của pháp luật dân sự; còn trường hợp vợ chồng áp dụng chế độ TS theo thỏa thuận thì đó là những TS mà vợ chồng thỏa thuận là TS chung. Theo đó, mỗi loại TS khác nhau thì việc chuyển quyền sở hữu TS góp vốn vào doanh nghiệp là TS chung của vợ chồng được thực hiện theo những cách thức khác nhau, cụ thể:
Thứ nhất, đối với TS chung là tiền, có thể là Đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đây là loại TS dễ dàng định giá và theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì việc góp vốn được thực hiện bằng hình thức biên bản giao nhận TS góp vốn giữa công ty và người góp vốn, có chữ ký của người góp vốn (hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn) và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Luật năm 2014 quy định tại Điều 35 với nội dung “việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt TS chung phải do vợ chồng thỏa thuận”. TS chung của vợ chồng dưới hình thức là tiền không phải là loại TS mà khi định đoạt bắt buộc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật năm 2014, do đó, có thể hiểu, sự thỏa thuận của vợ chồng khi góp vốn bằng TS là tiền thuộc sở hữu chung vào doanh nghiệp có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản, tùy thuộc vào sự lựa chọn của vợ chồng. Mặt khác, việc góp vốn cũng có thể được thực hiện thông qua việc chuyển tiền qua tài khoản, mà đối với giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng, Điều 32 Luật năm 2014 quy định, “trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến TS đó”, do đó, vợ, chồng là người đứng tên hoàn toàn có quyền chuyển tiền góp vốn qua tài khoản hoặc rút tiền từ tài khoản rồi thực hiện việc góp vốn bằng tiền mặt vào doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 không yêu cầu phải có văn bản thỏa thuận của vợ chồng về việc đưa TS chung của vợ chồng dưới hình thức Đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi kèm theo biên bản bàn giao TS góp vốn. Mặt khác, trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng không yêu cầu phải kèm theo văn bản thỏa thuận của vợ chồng về việc đưa TS chung của vợ chồng góp vốn vào công ty. Nói cách khác, Luật Doanh nghiệp chỉ điều chỉnh việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp chuyển giao tiền, vàng, ngoại tệ tự do chuyển đổi cho doanh nghiệp với mục đích góp vốn mà không quan tâm đến phần vốn góp đó là TS chung của vợ chồng hay TS riêng của một bên. Hành vi góp vốn vào công ty được thừa nhận là hoàn thành khi người góp vốn đã thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu hợp pháp TS góp vốn sang công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Do pháp luật doanh nghiệp chưa tính đến mối liên hệ với quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, nên khi xảy ra tranh chấp về TS góp vốn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ, chồng hay sở hữu chung của vợ chồng hoàn toàn phụ thuộc vào việc vợ, chồng có các bằng chứng chứng minh về TS góp vốn đó có phù hợp với quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình không[1]. Về nguyên tắc, khi có tranh chấp liên quan đến việc xác định TS chung, TS riêng trong đó có nguồn gốc TS góp vốn vào doanh nghiệp thì bên yêu cầu xác định đó là TS chung của vợ chồng hoặc TS riêng của một bên phải đưa ra những chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Các chứng cứ chứng minh có thể là sự thừa nhận của bên kia hoặc giấy tờ chứng minh nguồn gốc TS như hợp đồng tặng cho, nhận chuyển nhượng, biên bản phân chia di sản thừa kế…
Thứ hai, đối với TS chung của vợ chồng được sử dụng để góp vốn vào doanh nghiệp là những TS theo quy định pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất, tương tự như góp vốn bằng các TS khác thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu TS đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật năm 2014, nếu TS chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất hoặc những loại TS khác mà pháp luật quy định phải đăng ký thì phải ghi tên của cả hai vợ chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này không được tuân thủ triệt để, tình trạng TS chung của vợ chồng là những loại phải đăng ký nhưng trên giấy chứng nhận chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng vẫn còn tồn tại. Mặt khác, cũng phải lưu ý rằng, trong trường hợp giấy chứng nhận chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến TS này không phải do người đứng tên xác lập, thực hiện mà các giao dịch có liên quan đến TS sẽ được thực hiện theo quy định về đại diện giữa vợ chồng được quy định tại Điều 26 Luật năm 2014. Do đó, đối với việc định đoạt TS thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký phải ghi tên cả hai vợ chồng, khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu TS đó cho công ty, đương nhiên hai vợ chồng biết và về nguyên tắc phải được sự đồng ý của hai vợ chồng thì việc định đoạt TS chung là những loại TS này mới là hợp pháp.
Như vậy, Luật năm 2014 yêu cầu khi đầu tư vốn vào kinh doanh bằng TS chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng, nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2020 lại không quy định văn bản thỏa thuận là nội dung bắt buộc. Dó đó, việc một bên vợ, chồng tự ý sử dụng TS chung là những TS không phải đăng ký hoặc phải đăng ký nhưng giấy chứng nhận chỉ ghi tên một bên để đầu tư kinh doanh là hoàn toàn có thể xảy ra.
3. Hoàn thiện pháp luật về đưa tài sản chung của vợ chồng góp vốn vào doanh nghiệp
Thứ nhất, bổ sung văn bản thỏa thuận góp vốn bằng TS chung của vợ chồng khi thực hiện việc góp vốn vào doanh nghiệp.
Pháp luật doanh nghiệp cần bổ sung quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản pháp luật điều chỉnh việc đầu tư vốn vào tổ chức kinh doanh theo hướng: Khi vợ, chồng dùng TS chung để góp vốn thành lập doanh nghiệp phải kèm theo xác nhận bằng văn bản của vợ chồng về sử dụng TS chung đầu tư vào kinh doanh và đây là loại giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ góp vốn, trong đó, xác định rõ loại TS chung, giá trị phần TS chung của vợ chồng được sử dụng. Bên cạnh đó, cũng nên xác định rõ ràng việc một bên vợ, chồng hay cả hai vợ chồng đều tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Điều này không chỉ liên quan đến việc xác định quyền của mỗi bên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn là cơ sở để xác định quyền lợi của mỗi bên đối với lợi nhuận thu được từ hoạt động của doanh nghiệp. Hoặc khi vợ, chồng ly hôn, đây là cơ sở để Tòa án giải quyết vấn đề TS của vợ chồng, đáp ứng nguyên tắc bảo đảm lợi ích của mỗi bên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật năm 2014. Bên cạnh đó, do trong Luật năm 2014 đã dự liệu về việc vợ chồng có thể áp dụng chế độ TS theo thỏa thuận nên pháp luật doanh nghiệp cần bổ sung quy định người góp vốn phải cung cấp thông tin về chế độ TS của vợ chồng cho các thành viên khác trong giai đoạn thực hiện thủ tục góp vốn nếu người góp vốn đã kết hôn, bởi vì, mặc dù trong Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã có quy định tại Điều 16 nhưng trong pháp luật doanh nghiệp chưa quy định về nội dung này.
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của Cộng hòa Pháp về việc minh bạch ý chí của vợ chồng khi đầu tư vốn vào kinh doanh theo tinh thần Điều L.1823-1, Điều L.1832-2 Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp: “Vợ hoặc chồng có thể là thành viên trong cùng một công ty và cùng tham gia hoặc không cùng tham gia vào việc điều hành công ty. Vợ hoặc chồng không thể đơn phương sử dụng TS chung vào công ty hoặc mua cổ phần loại không thể chuyển nhượng được nếu không thông báo trước cho bên kia và không ghi rõ trong chứng thư góp vốn hoặc mua cổ phần. Nếu không tuân thủ quy định này, vợ hoặc chồng sẽ phải chịu các hình thức chế tài”[2].
Thứ hai, xác định phạm vi TS chung góp vốn vào DNTN.
Đối với loại hình DNTN, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, chủ sở hữu DNTN phải chịu trách nhiệm vô hạn về nghĩa vụ TS liên quan đến hoạt động của DN, tức là chủ DNTN phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ TS thuộc sở hữu hợp pháp của mình mà không chỉ bằng phần TS đã đưa vào doanh nghiệp để kinh doanh. Do vậy, để phân định rạch ròi TS chung của vợ chồng chủ DNTN với TS được đưa vào DNTN và nhằm tránh phức tạp thì đối với việc góp vốn vào DNTN, pháp luật doanh nghiệp cần quy định theo hướng bắt buộc vợ chồng chủ DNTN phải làm văn bản thỏa thuận để xác định rõ phạm vi, số lượng, giá trị TS chung của vợ chồng được đưa vào DNTN. Văn bản này phải được thực hiện trước khi chủ DNTN nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (trong trường hợp chủ DNTN đã kết hôn và còn trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp) hoặc khi tăng vốn của DNTN. Ngoài ra, có thể quy định đó là một trong những điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với DNTN. Do đó, nên bổ sung quy định tại Điều 19 Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng bắt buộc chủ DNTN phải nộp văn bản thỏa thuận về TS giữa hai vợ chồng trong hồ sơ đăng ký DNTN[3].
Có quan điểm cho rằng, không cần thiết phải bổ sung các quy định của pháp luật doanh nghiệp liên quan đến văn bản thỏa thuận của vợ chồng về việc đưa TS chung vào kinh doanh, vì nếu có tranh chấp xảy ra thì luật chuyên ngành điều chỉnh vấn đề này là Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan sẽ được áp dụng. Có nghĩa là, trường hợp một bên vợ, chồng tự ý định đoạt TS chung bằng cách góp vốn vào doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 2 Điều 35 và Điều 36 Luật năm 2014 thì việc định đoạt này phải thể hiện dưới hình thức thỏa thuận bằng văn bản mới có giá trị. Tuy nhiên, pháp luật doanh nghiệp lại quy định chỉ cần người góp vốn là chủ sở hữu hợp pháp của TS góp vốn. Điều này dẫn tới việc nếu có tranh chấp, bên vợ hoặc chồng còn lại có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu (khoản 2 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp thì việc góp vốn này lại tuân thủ các quy định có liên quan, do đó, nếu áp dụng Luật Doanh nghiệp để giải quyết thì Tòa án không thể tuyên giao dịch góp vốn vô hiệu. Tác giả không đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ, nếu giải quyết tranh chấp theo hướng như trên thì vô hình trung các quy định của Luật năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan hoàn toàn không có giá trị trong trường hợp này, trong khi Luật Hôn nhân và gia đình cũng là luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Hơn nữa, việc giải quyết theo hướng trên đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của một bên vợ, chồng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với TS chung, trái với nguyên tắc bình đẳng trong hôn nhân, không bảo đảm được mục đích xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bền vững.
ThS. Trần Danh Phú
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. PGS.TS. Nguyễn Thị Lan chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Chế định tài sản của vợ chồng - Thực tiễn thực hiện và giải pháp hoàn thiện, Đại học Luật Hà Nội, 2021, tr. 253.
[2]. PGS.TS. Nguyễn Thị Lan chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Chế định tài sản của vợ chồng - Thực tiễn thực hiện và giải pháp hoàn thiện, Đại học Luật Hà Nội, 2021, tr. 268.
[3]. http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/211567/Xac-dinh-tai-san-chung-cua-vo-chong-doi-voi-doanh-nghiep-tu-nhan—-mot-so-vuong-mac-va-kien-nghi.html?fbclid=IwAR14odkVE7IzCS9-Oakmn_6y9lPGZax_ AN5FubvMNilJIEVvP6RE6FeNTOs&mibextid=Zxz2cZ.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)