1. Thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên toà giám đốc thẩm
Thủ tục phiên toà giám đốc thẩm được quy định chủ yếu tại Điều 280 (Những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm) và Điều 282 (Chuẩn bị phiên toà và thủ tục phiên toà giám đốc thẩm) Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự, phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp. Khi xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Như vậy, thủ tục phiên toà giám đốc thẩm có điểm giống với phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm là đều phải có sự tham gia bắt buộc của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp. Sự khác nhau cơ bản so với phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm được thể hiện ở quy định về sự có mặt của những người khác tại phiên toà giám đốc thẩm. Tại phiên toà sơ thẩm, Toà án phải triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng (bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự...) và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tại phiên toà phúc thẩm, Toà án phải triệu tập người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị; đối với những người khác thì chỉ triệu tập khi xét thấy sự có mặt của họ là cần thiết. Còn tại phiên toà giám đốc thẩm, ngoài đại diện Viện kiểm sát, Toà án không bắt buộc phải triệu tập ai mà chỉ triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên toà khi xét thấy cần thiết. Trường hợp người được triệu tập vắng mặt thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn có thể tiến hành xét xử.
Từ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm và thực tiễn áp dụng cho thấy một số hạn chế, bất cập nổi lên hiện nay là:
Thứ nhất: Mặc dù ít khi được triệu tập, nhưng khi triệu tập người bị kết án đến phiên toà giám đốc thẩm thì việc xác định tư cách tham gia phiên toà của họ không thống nhất. Các quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thường xác định là bị cáo. Phần lớn các quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, của Toà hình sự và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không xác định họ là gì, mà chỉ ghi trong quyết định giám đốc thẩm là “... Mở phiên toà để tiến hành giám đốc thẩm đối với... (ghi họ, tên người bị kháng nghị)”. Do không xác định được chính xác tư cách của người tham gia tố tụng tại phiên toà giám đốc thẩm, nên Hội đồng không thể giải thích được cho họ biết quyền và nghĩa vụ tại phiên toà. Mặt khác, trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cũng không có điều luật nào quy định về quyền và nghĩa vụ của những người được triệu tập tham gia phiên toà giám đốc thẩm.
Thứ hai: Việc xác định khi nào là cần thiết, khi nào không rất khó khăn. Vì vậy, thời gian qua, hầu như Hội đồng giám đốc thẩm của Toà án các cấp không triệu tập người tham gia tố tụng vì cho rằng không cần thiết. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến việc xem xét toàn diện, khách quan vụ án, không đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng ở giai đoạn giám đốc thẩm.
Về thủ tục phiên toà giám đốc thẩm cũng khác so với phiên toà xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Phiên toà giám đốc thẩm không mang tính chất là phiên toà xét xử, không áp dụng các nguyên tắc như: Xét xử công khai, xét xử trực tiếp, bằng lời nói..., không tiến hành thủ tục xét hỏi và tranh luận mà được tiến hành với hình thức như một phiên họp, trên cơ sở xem xét các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và các tài liệu liên quan đến kháng nghị. Khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ Chánh án Toà án phải phân công một Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án, làm bản thuyết trình về vụ án để trình bày trước Hội đồng giám đốc thẩm. Quy định này đã khắc phục được tình trạng giao cho Thẩm tra viên nghiên cứu như trước đây. Tuy nhiên, điều luật lại không quy định cụ thể Thẩm phán đó có phải là thành viên Hội đồng giám đốc thẩm hay không, nên thực tế có Chánh án Toà án giao việc nghiên cứu hồ sơ cho Thẩm phán không phải là thành viên Hội đồng giám đốc thẩm. Tại phiên toà, Thẩm phán này trình bày bản thuyết trình về vụ án mà không phải là thành viên Hội đồng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự thì sau khi một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án, các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến và đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Nếu đã triệu tập người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị thì những người này được trình bày ý kiến trước khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Việc xác định trình tự phát biểu như vậy chưa thật rõ ràng, dẫn đến thực tế là có nơi các thành viên của Hội đồng phát biểu quan điểm trước khi những người được triệu tập đến phiên toà và đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm. Việc này là bất hợp lý, không phù hợp với yêu cầu tranh tụng trong tố tụng hình sự. Bởi lẽ, các thành viên của Hội đồng cần được nghe ý kiến của những người được triệu tập, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát trước, trên cơ sở đó mới phát biểu quan điểm của mình.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự thì phiên toà giám đốc thẩm chỉ được hoãn trong trường hợp khi biểu quyết về nội dung kháng nghị, nếu không có loại ý kiến nào được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán biểu quyết tán thành. Thực tiễn giám đốc thẩm cho thấy, có nhiều trường hợp cần thiết phải hoãn phiên toà như: Cần thời gian để nghiên cứu thêm hoặc cần triệu tập người bị kết án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị đến phiên toà để họ trình bày ý kiến về vụ án. Do luật không quy định nên Hội đồng giám đốc thẩm ít có giải pháp lựa chọn, chủ yếu phải “miễn cưỡng” biểu quyết.
Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên là do pháp luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định cụ thể trường hợp nào là cần thiết phải triệu tập người bị kết án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị? Khi Toà án triệu tập họ tới phiên toà giám đốc thẩm thì những người này được xác định tư cách như thế nào? Thủ tục triệu tập cũng như quyền và nghĩa vụ của họ ra sao? Đối với người bào chữa tham gia theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hay theo yêu cầu của người bị kết án hay theo quyết định của của Trung tâm trợ giúp pháp lý? Họ có quyền được đưa ra tài liệu, đồ vật mới hay không? Việc tham gia tranh luận của họ được thực hiện thế nào?... Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn về các vấn đề này. Vì vậy, có thể nói rằng trên thực tế nhiều năm qua, quy định trên chưa được thực hiện(1).
2. Hướng hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên toà giám đốc thẩm
Hiện nay có nhiều quan điểm về sự cần thiết phải có mặt người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị tại phiên toà giám đốc thẩm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm vừa giống một phiên toà xét xử thông thường, vừa giống một phiên toà rút gọn, là nơi diễn ra tranh luận và quyết định hướng giải quyết vụ án. Đã là phiên toà thì ngoài những người tiến hành tố tụng, cần thiết phải có mặt của những người tham gia tố tụng. Do đó, việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định Toà án triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm trong trường hợp Toà án “xét thấy cần thiết” là không đảm bảo cho bên buộc tội và bên bị buộc tội có cơ hội và khả năng bình đẳng như nhau trong việc tranh luận tại phiên toà. Quan điểm này kiến nghị bỏ cụm từ “khi xét thấy cần thiết” của đoạn 2 Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự; có nghĩa là mọi phiên toà giám đốc thẩm phải có mặt người bị kết án, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị và người bào chữa (nếu có)(2).
Cùng quan điểm trên, có luật sư cho rằng quy định chỉ trong trường hợp xét thấy cần thiết, Toà án mới triệu tập những người tham gia tố tụng, trong đó có người bào chữa, người bảo về quyền lợi cho đương sự tham gia phiên toà giám đốc thẩm là quy định rõ ràng mang tính hạn chế quyền tham gia của luật sư trong việc xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm(3).
Quan điểm thứ hai cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử, không sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988. Tại phiên toà, Hội đồng giám đốc thẩm chỉ căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ mà căn cứ vào đó, Toà án cấp dưới đã xét xử vụ án; không xem xét chứng cứ, tài liệu mới. Vì vậy, Hội đồng không cần thiết phải nghe người bị kết án hay người khác trình bày về các tình tiết của vụ án. Mặt khác, tại phiên toà, Hội đồng giám đốc thẩm chỉ có nhiệm vụ xét nội dung kháng nghị, nếu có căn cứ thì Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra hay xét xử lại hoặc đình chỉ vụ án; nếu thấy kháng nghị không có căn cứ thì giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm không trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án cũng như những người liên quan đến kháng nghị, nên sự có mặt của họ tại phiên toà giám đốc thẩm không bắt buộc. Mặt khác, lúc này án đã có hiệu lực pháp luật, đã hoặc đang thi hành, thậm chí đã thi hành xong, những người này không còn là người tham gia tố tụng và việc tham gia phiên toà không còn là quyền hoặc nghĩa vụ tố tụng của họ. Thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiều năm qua cho thấy tại hầu hết các phiên toà giám đốc thẩm, các Toà án không triệu tập người bị kết án, người bào chữa hoặc người có liên quan đến kháng nghị vì các Hội đồng giám đốc thẩm đều thấy không cần thiết. Mặt khác, việc triệu tập họ đến phiên toà thì Hội đồng giám đốc thẩm lại gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng cũng như giải thích quyền và nghĩa vụ của họ. Theo quan điểm này, cần sửa Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng không quy định việc phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm(4).
Chúng tôi cho rằng quy định tại Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành là phù hợp với thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm ở Việt Nam, tức là chỉ triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm khi xét thấy cần thiết. Bởi lẽ, nếu bỏ quy định này như quan điểm thứ hai sẽ không thể thực hiện được việc tranh tụng, không đảm bảo tính công khai, dân chủ tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp, không tạo cơ hội để người bị kết án, những người có liên quan đến kháng nghị bảo vệ quyền lợi của mình và không tạo điều kiện để Hội đồng giám đốc thẩm nghe được ý kiến tranh luận của nhiều bên trước khi ra quyết định. Nghiên cứu luật tố tụng hình sự của một số nước như Liên bang Nga, Nhật Bản, thủ tục phiên toà giám đốc thẩm của họ được tiến hành bằng cách mở phiên toà công khai với sự có mặt của đại diện Viện kiểm sát (Viện công tố), người bị kết án, người được tuyên vô tội, người bào chữa, người có quyền lợi liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. (xem Điều 407 Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang Nga; Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự Nhật Bản). Tại các Điều 601, 603 Bộ luật Tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp quy định thủ tục phiên Toà Phá án phải được tiến hành công khai… Bản án của Toà Phá án phải ghi rõ tên của Thẩm phán chủ toạ, các Thẩm phán tham gia xét xử, đại diện Viện công tố, luật sư của các bên và họ tên, nghề nghiệp, nơi cư trú của các bên và lập luận của họ. Điều 694 Bộ luật Tố tụng hình sự Canada quy định: “Người kháng cáo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án đang bị giam giữ mà muốn được có mặt tại phiên toà của Toà án tối cao Canada thì có quyền được tham dự phiên toà.
Tuy nhiên, nếu sửa đổi Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng Tòa án cấp giám đốc thẩm phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm trong mọi trường hợp như quan điểm thứ nhất cũng không phù hợp với thực tiễn hoạt động giám đốc thẩm, tái thẩm thời gian qua. Bởi lẽ, với những vụ án phát hiện có vi phạm pháp luật rõ ràng là nghiêm trọng thì không cần thiết phải nghe ý kiến của các bên, Hội đồng giám đốc thẩm vẫn có thể ra được quyết định đúng đắn, vì thế không cần thiết phải triệu tập các thành phần khác ngoài đại diện Viện kiểm sát. Có như vậy mới đảm bảo giải quyết nhanh chóng vụ án, tiết kiệm được công sức, tiền của cho Nhà nước và công dân. Ví dụ: Phiên toà xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện Toà án đã xét xử vụ án đó không đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự; hoặc Hội đồng xét xử không đúng thành phần theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Tố tụng hình sự... thì không cần thiết phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị.
Từ phân tích trên, để khắc phục những vướng mắc, bất cập đã nêu, đồng thời đáp ứng yêu cầu cả cách tư pháp, chúng tôi đề nghị:
+ Giữ nguyên nội dung đoạn 1 và đoạn 2 Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về việc triệu tập những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm; bổ sung một đoạn vào Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Hội đồng giám đốc thẩm phải hoãn phiên toà nếu đại diện Viện kiểm sát vắng mặt; nếu người được triệu tập khác vắng mặt thì tuỳ từng trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành giám đốc thẩm.
+ Để đảm bảo việc tranh tụng tại phiên toà giám đốc thẩm đạt hiệu quả, cần sửa đổi, bổ sung vào Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng:
+ Bổ sung một khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của những người được triệu tập tham gia phiên toà giám đốc thẩm.
+ Quy định rõ Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, làm bản thuyết minh về vụ án phải là thành viên Hội đồng giám đốc thẩm.
+ Sửa đổi thứ tự phát biểu ý kiến quy định tại khoản 2 của điều luật này theo hướng nếu có người được triệu tập (người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị) thì họ được trình bày ý kiến sau khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Có như vậy, mới tạo điều kiện cho họ nắm bắt được quan điểm của Viện kiểm sát và chuẩn bị ý kiến đối đáp với đại điện Viện kiểm sát để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và người được triệu tập.
ThS. Nguyễn Văn Trượng
Tòa án Quân sự trung ương
Tài liệu tham khảo
(1). Đinh Văn Quế (1997), Giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 206.
(2). Nguyễn Ngọc Khánh (2007), “Cần một cách nhìn mới về thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự”, Tạp chí Kiểm sát, số 20, tr. 25.
(3). Phan Trung Hoài, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc thực thi các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyền của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng hình sự, dân sự”, Tạp chí Kiểm sát số 4/2007, tr. 11.
(4). Phan Thị Thanh Mai (2006), Giám đốc thẩm trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, tr. 87, tr. 165.