Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau để tồn tại và phát triển. Bên cạnh những doanh nghiệp sử dụng phương thức cạnh tranh trung thực phải đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới; sáng tạo những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; không thiếu những doanh nghiệp cạnh tranh bằng việc sử dụng những thủ đoạn không minh bạch, lợi dụng thành quả đầu tư của doanh nghiệp khác để mang lại lợi nhuận cho bản thân mình... Hành vi đó xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối thủ cạnh tranh và đến người tiêu dùng, ở mức độ nhất định còn tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế.
CTKLM xét theo nghĩa rộng, là hành vi trái ngược với cạnh tranh lành mạnh, bao gồm tất cả những hành vi do doanh nghiệp thực hiện, bằng cách sử dụng các thủ đoạn bất chính, gây thiệt hại cho thị trường hoặc cho chủ thể kinh doanh khác trên thị trường.
Hiểu theo nghĩa này nên thời kỳ đầu CTKLM bao gồm cả hành vi hạn chế cạnh tranh. Đây là những hành vi đi ngược lại với trật tự cạnh tranh lành mạnh nói chung. Đặc thù của nhóm hành vi này là luôn hướng tới việc hình thành một sức mạnh thị trường hoặc tận dụng sức mạnh thị trường để làm cho tình trạng cạnh tranh trên thị trường bị biến dạng. Sự biến dạng thị trường ở đây biểu hiện qua việc thay đổi cấu trúc thị trường, thay đổi tương quan cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, loại bỏ đối thủ, ngăn cản đối thủ tiềm năng để làm giảm đi sức ép cạnh tranh...
Đến nay, dù được điều chỉnh bằng những văn bản pháp luật riêng biệt hay được điều chỉnh chung trong cùng một đạo luật thì pháp luật cạnh tranh của các quốc gia đều thừa nhận sự khác biệt giữa hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi CTKLM.
Hành vi CTKLM, theo nghĩa hẹp không bao gồm các hành vi hạn chế cạnh tranh, xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm nhất quán áp dụng cho tất cả các quốc gia.
Điều 10 bis Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được coi là văn bản pháp lý đầu tiên có tính quốc tế đưa ra khái niệm về hành vi CTKLM: “Bất cứ hành động nào trái với tập quán trung thực, thiện chí trong công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành vi CTKLM”. Công ước cũng đưa ra 03 loại hành vi chính của CTKLM.
Khái niệm trên cho thấy tiêu chí đánh giá quan trọng nhất về tính lành mạnh của một hành vi cạnh tranh là tập quán trung thực, thiện chí. Công ước không đưa ra giải thích, hướng dẫn thế nào là tập quán trung thực, thiện chí nhưng theo nhiều học giả, có thể hiểu là những tập quán thương mại (quy tắc xử sự có hệ thống, những thói quen thương mại phổ biến được áp dụng một cách thường xuyên, liên tục trong một thời gian dài, có nội dung rõ ràng) trong đó các bên thực hiện hành vi với ý định tốt một cách ngay thẳng, thiện chí, chính trực.
Tiêu chí này này khi áp dụng vào mỗi quốc gia lại được quy định theo những cách khác nhau bởi mỗi quốc gia có thể có những khác biệt phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và lịch sử của quốc gia đó. Như vậy, với cách xây dựng khái niệm như vậy, Công ước để ngỏ khái niệm để pháp luật các quốc gia thành viên có điều kiện cụ thể hóa thành khái niệm của quốc gia mình.
Pháp là một trong những quốc gia được coi là nơi khởi đầu của pháp luật về hành vi CTKLM. Lý thuyết về CTKLM của Pháp (concurrence déloyale) được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 1382 và 1383 của Bộ luật Dân sự Pháp năm 1904) và cụ thể hóa thông qua các án lệ. Theo các học giả và án lệ có thể hiểu “bị coi là hành vi CTKLM tất cả những hành vi trái với xử sự trung thực trong thương mại”[1]
Từ năm 2005, để triển khai các quy định trong Chỉ thị số 2005/29/EC về các hành vi CTKLM, Pháp đã nội luật hóa khá chi tiết trong Bộ luật tiêu dùng sửa đổi, bổ sung gần nhất ngày 11/3/2017, hành vi CTKLM được quy định tại Điều L. 121-1:
“Những hành vi CTKLM đều bị cấm.
Một hành vi bị coi là CTKLM khi nó đi ngược lại với những yêu cầu về sự cần mẫn nghề nghiệp và làm bóp méo hoặc có khả năng làm bóp méo những xử sự kinh tế của người tiêu dùng trung bình, là người có được thông tin ở mức độ thông thường, tinh ý và thận trọng ở mức độ vừa phải về một hàng hóa hoặc một dịch vụ. Tính không lành mạnh của một hành vi thương mại nhằm đến một loại khách hàng riêng biệt hoặc một nhóm khách hàng dễ bị xâm phạm vì lý do khuyết tật về trí tuệ hoặc thể chất, về lứa tuổi của họ hoặc sự cả tin của họ được đánh giá trên cơ sở khả năng phân biệt ở mức độ trung bình của loại khách hàng hay của nhóm đó.
Coi là hành vi CTKLM, một cách cụ thể những hành vi thương mại gây nhầm lẫn quy định từ Điều L.121-2 đến L. 121-4 và những hành vi thương mại mang tính cưỡng bức quy định tại Điều L. 121- 6 và Điều L.121-7”.
Theo quy định trên, tiêu chí đánh giá tính lành mạnh hay không của hành vi cạnh tranh trong pháp luật của Cộng hòa Pháp căn cứ vào yêu cầu cần mẫn nghề nghiệp và khả năng bóp méo xử sự kinh tế của khách hàng trung bình. Theo đó, cần mẫn nghề nghiệp có thể hiểu “là một dạng quy định cụ thể, được sử dụng bởi các thẩm phán, mà tính pháp quy của nó là đối tượng tranh cãi và nó đưa ra được một số giá trị căn bản mang tính quy luật, đạo đức hay tính hợp lý”[2].
Không nằm trong nhóm những quốc gia đi đầu nhưng Liên bang Nga cũng chú trọng xây dựng pháp luật về cạnh tranh. Theo Điều 4 Luật về bảo vệ cạnh tranh năm 2006 của Liên bang Nga, CTKLM được hiểu là “bất kỳ hành vi nào của chủ thể kinh doanh (nhóm chủ thể) nhằm hướng tới việc có được những ưu thế trong hoạt động thương mại, trái với pháp luật, tập quán thương mại và yêu cầu trật tự, hợp lý và công bằng mà gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại cho các chủ thể kinh doanh khác, đối thủ cạnh tranh hoặc làm tổn hại hay có thể làm tổn hại tới uy tín thương mại của đối thủ”.
Khái niệm trên cho thấy, hành vi CTKLM của Liên bang Nga được xác định dựa trên các dấu hiệu: Chủ thể kinh doanh; hành vi gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại; và yêu cầu trật tự, hợp lý và công bằng. Tiêu chí “trật tự, hợp lý và công bằng” trong thương mại cũng là tiêu chí kém rõ ràng và có thể biến đổi theo thời gian.
Mặc dù là quốc gia có các quy định về hạn chế cạnh tranh từ rất lâu nhưng các quy định về CTKLM của Hoa Kỳ tương đối phân tán, có sự khác biệt giữa pháp luật liên bang và pháp luật của các tiểu bang, có hành vi CTKLM được giải quyết trong lĩnh vực hoạt động của luật tư và có hành vi CTKLM thuộc sự quản lý của Ủy ban thương mại liên bang (FTC). Năm 1994, Đạo luật của Ủy ban thương mại liên bang FTC sửa đổi, khái niệm hành vi CTKLM được định nghĩa là “hành vi gây ra hoặc có thể gây ra những thiệt hại đáng kể mà người tiêu dùng không thể tránh được một cách hợp lý và thiệt hại gây ra này không bù lại được những lợi ích tương ứng do hành vi đó tạo ra cho người tiêu dùng hoặc đối thủ cạnh tranh”[3].
Ủy ban thương mại liên bang đã hình thành 3 tiêu chí để đánh giá hành vi CTKLM, đó là: Gây thiệt hại cho người tiêu dùng; vi phạm các chính sách xã hội hiện hành; vô đạo đức và không cẩn trọng. Nhưng giải thích cụ thể thế nào là vô đạo đức và không cẩn trọng? thế nào là gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì Nghị viện trao quyền giải thích cho Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ. Trong bản Tuyên bố chính sách về hành vi không lành mạnh, FTC nêu rõ: “Luật thành văn chỉ định khung cho các điều khoản chung do Nghị viện nhận thấy rằng không thể soạn ra một danh sách các hành vi không lành mạnh mà không bị lạc hậu một cách nhanh chóng hoặc tạo ra những kẽ hở cho việc vi phạm. Nhiệm vụ xác định các hành vi CTKLM thuộc về Ủy ban, với hy vọng các tiêu chí đánh giá sẽ được xem xét và phát triển”.
Như vậy có thể thấy, quy định về hành vi CTKLM trong pháp luật của các quốc gia đều không thể chỉ ra các dấu hiệu để nhận diện được hành vi CTKLM mà đều dẫn chiếu đến những khái niệm thuộc phạm trù đạo đức, văn hóa như tập quán trung thực trong thương mại, xử sự trung thực trong thương mại, cần mẫn nghề nghiệp, yêu cầu trật tự, hợp lý, công bằng... Các tiêu chí này phản ánh các quan niệm đa chiều về kinh tế, xã hội, văn hoá, đạo đức, triết học … tồn tại trong một xã hội, do đó sẽ khác nhau giữa các quốc gia hoặc thậm chí trong cùng một quốc gia. Theo thời gian, các tiêu chí này cũng có thể thay đổi. Mặt khác, trong hoạt động kinh doanh, các chủ thể kinh doanh phải luôn luôn sáng tạo ra những cái mới, độc đáo để thu hút lựa chọn của người tiêu dùng, và chừng nào chưa đạt đến mô hình cạnh tranh hoàn hảo thì chừng đó sẽ luôn song hành là những hành vi CTKLM cũng rất mang tính sáng tạo của đối thủ cạnh tranh. Do đó, việc xây dựng được một khái niệm về hành vi CTKLM vừa bao quát được các hoạt động cạnh tranh hiện tại và tương lai, vừa xác định mọi hành vi bị ngăn cấm vừa đủ linh hoạt để thích nghi với hoạt động biến đổi không ngừng của thị trường là một thách thức khó vượt qua.
Chính vì thế, giải pháp thông dụng được Công ước và pháp luật các quốc gia sử dụng đó là vừa đưa ra khái niệm mở về hành vi CTKLM vừa đưa ra danh sách các hành vi CTKLM.
Luật Cạnh tranh năm 2004 của Việt Nam cũng sử dụng giải pháp trên, theo đó, hành vi CTKLM được được quy định một cách chung nhất, linh hoạt là « hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh trái với tập quán trung thực, thiện chí, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của chủ thể kinh doanh khác hoặc của người tiêu dùng ».
Quy định này xác định đầy đủ các dấu hiệu của hành vi CTKLM:
- Vì mục đích cạnh tranh;
- Nhằm vào đối thủ cạnh tranh hiện hữu (cụ thể), hay nói khác đi sẽ không thể nói đến CTKLM khi mà các chủ thể không ở trong vị thế cạnh tranh với nhau[4];
- Trái với với tập quán trung thực, thiện chí;
- Đã và sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn hại cho đối thủ cạnh tranh, thông qua đó tìm cách tạo cho mình những mối lợi hoặc thế mạnh bất chính.
- Gây tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến hoạt động hoạt động thương mại.
Như vậy, so sánh với quy định trong pháp luật của một số quốc gia khác trên thế giới có thể thấy, khái niệm về hành vi CTKLM trong Luật Cạnh tranh năm 2004 của Việt Nam vẫn tương thích. Do đó, điều cần sửa đổi, bổ sung là danh mục các các loại hành vi CTKLM quy định tại Điều 39 cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.
Trường Đại học Thành Tây
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp