1. Quy định pháp luật về điều kiện kết hôn
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình (Điều 1); khuyến khích kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình (khoản 5 Điều 2); cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn (điểm b khoản 2 Điều 5). Pháp luật quy định cấm việc kết hôn đối với những hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng (điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Theo quy định của pháp luật, những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau (khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba (khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Bên cạnh quy định điều kiện kết hôn, pháp luật quy định các chế tài đảm bảo cho pháp luật được thực thi trong thực tiễn. Khi các chủ thể vi phạm điều cấm sẽ bị áp dụng chế tài của Nhà nước (chế tài hành chính, chế tài hình sự), tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà áp dụng chế tài để đạt hiệu quả trong việc giáo dục, răn đe đối với chủ thể vi phạm cũng như đối với cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số, ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”.
2. Thực trạng hôn nhân cận huyết trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên
Hôn nhân là một nét văn hóa đặc trưng của mỗi cộng đồng, dân tộc, do nhiều yếu tố, trong đó, điều kiện phát triển xã hội là một tiêu chí để đánh giá sự tiến bộ của hôn nhân. Trong luật tục đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên có nhiều yếu tố phù hợp với chế độ hôn nhân hiện đại theo quy định của pháp luật, như: Việc kết hôn trên cơ sở tự nguyện, xem xét ý kiến người xung quanh đã có gia đình chưa… đề cao sự chung thủy vợ chồng, những trường hợp ngoại tình, “gian dâm” bị cộng đồng lên án và xử phạt nặng. Thực tiễn, chế độ hôn nhân một vợ, một chồng của dân tộc ở Tây Nguyên đã được xác lập vững chắc.
Trong quá trình triển khai, áp dụng pháp luật vào thực tế, do ảnh hưởng nhiều yếu tố, như vị trí địa lý, đi lại khó khăn, tập quán, luật tục, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa hiệu quả… ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật trên thực tiễn. Thực tiễn cho thấy, các báo cáo hàng năm của các địa phương, các chương trình giám sát, chương trình khảo sát về tình trạng hôn nhân cận huyết ngày càng giảm, đó là một dấu hiệu tích cực đối với chính sách pháp luật.
Khi tiếp cận hiện tượng hôn nhân cận huyết đa số các báo cáo thể hiện sự quan sát từ ngoài vào trong, tuy nhiên, nguyên nhân nội tại (luật tục, trình độ dân trí…) chi phối hiện tượng vi phạm pháp luật. Để giải quyết triệt để tình trạng này cần có cách tiếp cận phù hợp, có thể là: Cách tiếp cận từ phía ngoài và cách tiếp cận từ phía trong.
Thứ nhất, tiếp cận vấn đề từ phía ngoài vào trong (từ chính sách và thực thi chính sách áp dụng cho một đối tượng) cho thấy có một số nguyên nhân sau:
(i) Địa bàn tỉnh Tây Nguyên, nhìn rộng hơn là dọc dãy Trường Sơn, đa số các dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Thực chất, đây là cách tính nguồn gốc được tính theo dòng nữ, về tập tục tính theo dòng nữ xưa kia. Theo một số nghiên cứu thì việc xác định nguồn gốc tính theo nguồn gốc dòng nữ xuất hiện từ thời thị tộc[1].
(ii) Về điều kiện sinh hoạt. Thực tế cho thấy, hôn nhân cận huyết thường xảy ra ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở những địa bàn hẻo lánh; điều kiện sinh hoạt xã hội chưa phát triển so với các vùng có điều kiện vị trí thuận lợi; đời sống dân cư khó khăn, thiếu công ăn việc làm, hoạt động kinh tế chủ yếu làm nương rẫy, chưa áp dụng kiến thức khoa học vào đời sống, sản xuất; trình độ nhận thức, hiểu biết và trình độ dân trí của người dân còn thấp; điều kiện giao thông khó khăn, địa hình hiểm trở nên trai gái khác buôn làng ít có dịp gặp nhau.
(iii) Tác động của luật tục. Trong đời sống của người dân chịu chi phối nhiều luật tục chưa có khoa học kiểm chứng chi phối trong hành vi của người dân; một trong những hủ tục đó là do sự sắp xếp của gia đình hai bên; trong quan niệm của một bộ phận người dân còn cho rằng những người gần dòng máu lấy nhau thì gần gũi nhau hơn, thương yêu nhau hơn, khó bỏ nhau giữa chừng. Cùng với đó, nếu lấy cùng họ hàng thì của cải, ruộng đất không bị phân chia cho họ hàng người khác… Người dân chưa nhận thức được những hệ quả của việc kết hôn cùng huyết thống.
(iv) Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật một số nơi chưa phù hợp, người dân tiếp cận được thông tin pháp luật nhưng chưa hiểu; có nơi tình trạng “nới lỏng” pháp luật và các chế tài xử phạt vi phạm hôn nhân cận huyết thống chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng hôn nhân cận huyết thống, việc xử phạt chưa quyết liệt.
Thứ hai, tiếp cận vấn đề từ trong tiếp cận ra (luật tục ảnh hưởng và tác động đến hành vi, quan niệm của cộng đồng xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết).
Theo cách tiếp cận này cho thấy: Điều kiện sinh hoạt của đồng bào dân tộc chịu chi phối nhiều bởi luật tục, luật tục gần như in sâu vào trong tâm trí, chi phối hành vi và sinh hoạt hàng ngày. Trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên, mỗi dân tộc có một luật tục riêng, trong mỗi dân tộc có nhánh (nhóm) riêng, cùng một dân tộc sinh sống ở những địa phương khác nhau sẽ có sự giao thoa với các nhánh và các dân tộc khác có những điểm riêng, như trong ngôn ngữ gọi là “phương ngữ”.
Về luật tục trong hôn nhân nhiều biểu hiện, nhưng với góc độ tiếp cận từ trong ra thì hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên tồn tại hai hình thức là nội tộc hôn tộc người và ngoại tộc hôn dòng họ.
(i) Nội tộc hôn tộc người: Xét trong điều kiện sinh hoạt xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số là hôn nhân cùng dân tộc. Nguyên tắc nội hôn tộc người, luật tục chỉ cho phép nam, nữ kết hôn với những người trong cùng dân tộc. Những trường hợp hôn nhân ngoại tộc không được khuyến khích, thậm chí bị cấm đoán. Tuy nhiên, trải qua quá trình chung sống cùng địa vực, hình thành các mối quan hệ kinh tế, văn hóa ngày càng sâu rộng với các tộc người lân cận nên hôn nhân giữa các cư dân bản địa với nhau, giữa người bản địa với các dân tộc khác không còn là hiện tượng hiếm gặp. Cho đến nay, việc kết hôn với người ngoại tộc đã được đa số thành viên trong cộng đồng chấp nhận. Ðây là một sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, giúp tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
(ii) Ngoại tộc hôn dòng họ: Nguyên tắc ngoại tộc hôn dòng họ cũng là một nguyên tắc cơ bản trong phong tục hôn nhân của nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên. Trong cách hiểu về huyết thống, thì người đồng bào ở Tây Nguyên hiểu theo trực quan “cùng dòng họ”, trên cơ sở cách hiểu luật tục nhiều dân tộc quy định dạng “không được kết hôn trong cùng một dòng họ”. Luật tục đa số tồn tại dạng cấm, đây là một dạng quy định cấm, vì đi theo quy định cấm là những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt và sự phản ứng của cộng đồng.
Ví dụ: Một người họ Siu[2] ở Gia Lai thì không được kết hôn với người họ Siu sinh sống ở bất kỳ đâu, cho dù người đó sống ở địa phương khác cách xa về khoảng cách địa lý. Vì, theo quan niệm của người dân đó là cùng huyết thống. Đây cũng là một nội dung cần chú ý trong công tác tuyên truyền. Do nhận thức, cộng với cách tính theo dòng nữ nên việc kết hôn giữa con của người gái và con của người trai trong gia đình[3] được xem là loại hình hôn nhân ưu tiên để duy trì và bảo vệ tài sản trong gia đình, dòng họ[4].
Chính nguyên nhân nội tại bên trong của mỗi cộng đồng người quyết định đến quan điểm hôn nhân của cộng đồng, nếu thay đổi từ trong thì tình trạng hôn nhân cận huyết sẽ được giải quyết triệt để.
3. Một số giải pháp giải quyết tình trạng hôn nhân cận huyết trên địa bàn khu vực Tây Nguyên
Thứ nhất, về tổ chức việc thi hành pháp luật. Pháp luật được ban hành trên cơ sở khoa học và áp dụng chung cho mọi đối tượng, tuy nhiên, vì một số nguyên nhân nào đó (chủ yếu về địa lý) thì vẫn tồn tại một số luật tục ở một số địa bàn. Do vậy, chính quyền địa phương cần rà soát đối với những địa bàn có vùng kinh tế, điều kiện xã hội khó khăn để có biện pháp thi hành pháp luật phù hợp.
Thứ hai, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức phù hợp. Việc hoàn thiện pháp luật là một chức năng của Nhà nước, nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đến những vùng địa lý khó khăn, nhiều luật tục, tránh hiện tượng “cưỡi ngựa xem hoa”. Muốn làm được điều đó thì phải có sự phối hợp với các cấp chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị để có sự tiếp cận đến từng nhóm đối tượng cụ thể, mỗi nhóm đối tượng có trình độ, điều kiện kinh tế xã hội và nhận thức khác nhau thì cần có cách tiếp cận phù hợp. Đối với những vùng sâu, vùng xa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần sử dụng hình ảnh trực quan nhiều hơn; chú trọng phát huy tối đa vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền vận động người dân về tình trạng hôn nhân cận huyết cần tiến hành thường xuyên.
Thứ ba, nâng cao dân trí vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Thực tế cho thấy thì hiện tượng hôn nhân cận huyết xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chịu sự tác động của nhiều luật tục chi phối, trong cách hiểu và thực hiện của người dân cũng chưa nhận thức được trên cơ sở khoa học. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc nâng cao dân trí ở những vùng xảy ra hiện tượng này, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cũng là một cách tạo áp lực để người dân tự nâng cao kiến thức của mình trong sản xuất và sinh hoạt.
Thứ tư, xây dựng cây phả hệ cho mỗi gia đình. Đây là điều nên khuyến khích làm, trong sinh hoạt của cộng đồng, thì mỗi cá nhân cũng có lòng tự hào, tự trọng riêng về gia đình, dòng họ. Trong cuộc sống có sự so sánh giữa các chủ thể, điều này thể hiện tính tự tôn giữa làng này với làng khác, dân tộc này với dân tộc khác trên cùng địa vực. Bên cạnh đó, xây dựng cây phả hệ về mặt y học cũng theo dõi được sự di truyền, di cư… của một gia đình. Chính điều này nếu áp dụng đúng với một quy trình chuẩn thì không những xóa được tình trạng hôn nhân cận huyết mà có thể là một đòn bẩy trong xóa đói, giảm nghèo và đạt nhiều mục đích hơn nữa đối với những địa bàn khó khăn. Vì, khi đã hướng đến một “giá trị” thì người ta có kiến thức về sự vật, nhưng điều quan trọng người ta biết lưu giữ, phát huy, trong trường hợp này là giá trị văn hóa gia đình./.
ThS. Trần Đức Thú
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai
[1] Nghiên cứu các con đường đi lên của loài người từ mông muội qua dã man đến văn minh (Chương XIV), của L.H. Morgan, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[2] Người Jarai có một số họ chính như: Siu, Nay, Rơ Chăm, Rơ Mah, Rơ Lan, Ksor …. Người Ba Na có một số họ: Đinh, Hồ, Hà, Siu…
[3] Con cô, con cậu.
[4] Một số dân tộc vùng Tây Nguyên sau giải phóng năm 1975 mới có họ. Người Ba Na trước đây không mang họ, con sinh ra chỉ đặt tên.