Tóm tắt: Trong các hoạt động tố tụng tại Tòa án, thời hiệu khởi kiện là một trong những yếu tố quan trọng nhằm giúp đương sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong bài viết này, tác giả phân tích một số quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực này và giải pháp khắc phục.
Abstract: In court proceedings, the statute of limitations for initiating lawsuits is one of the important factors to help litigants protect their legitimate rights and interests. In this article, the author analyzes a number of legal provisions on the statute of limitations for initiating civil lawsuits, obstacles in the process of law enforcement related to this field, and solutions to overcome them.
1. Một số quy định chung về thời hiệu khởi kiện
1.1. Khái niệm thời hiệu khởi kiện
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định khái niệm về thời hiệu khởi kiện mà dẫn chiếu áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại khoản 3 Điều 150, theo đó, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Điều 154 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
1.2. Áp dụng thời hiệu khởi kiện
Khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Bên cạnh đó, theo điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Đây là quy định mới về thời hiệu khởi kiện, phù hợp với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Khi hết thời hiệu khởi kiện, chủ thể vẫn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với vụ việc hết thời hiệu khởi kiện nhưng người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu từ chối áp dụng thời hiệu, không ai có yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Chỉ khi hết thời hiệu khởi kiện và có đương sự yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án thì Tòa án mới căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, Tòa án không được tự ý viện dẫn lý do đã hết thời hiệu khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Quy định nêu trên của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam đã bảo vệ gần như tuyệt đối quyền khởi kiện cho chủ thể có quyền và có nét tương đồng với quy định tại Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế tại khoản 1 Điều 10.9: “Việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ” và Điều 2223 Bộ luật Dân sự Pháp quy định: “Thẩm phán không thể tự viện dẫn việc hết thời hiệu khởi kiện”[1].
1.3. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho người khác. Khi bị xâm phạm thì cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ bất kỳ lúc nào. Các quyền nhân thân bao gồm: Quyền có họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín; quyền đối với bí mật đời tư, quyền kết hôn, quyền ly hôn; quyền có quốc tịch; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyền tự do sáng tạo, quyền của tác giả đối với tác phẩm; quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp…
Thứ hai, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Thứ ba, tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Đối với những trường hợp tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì quyền khởi kiện không áp dụng thời hiệu. Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 so với Bộ luật Dân sự trước đó.
Thứ tư, trường hợp khác do luật định.
1.4. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện
Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau: Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
Thứ nhất, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Thứ hai, chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Thứ ba, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp: (i) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; (ii) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
1.5. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong các trường hợp sau đây: (i) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; (ii) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; (iii) Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện theo các trường hợp nêu trên.
2. Thời hiệu khởi kiện đối với một số tranh chấp dân sự
2.1. Thời hiệu thừa kế
Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc thuộc về Nhà nước trong trường hợp không có người chiếm hữu.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, mốc thời gian để tính thời hiệu thừa kế là thời điểm mở thừa kế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hiện nay, về cách tính thời hiệu thừa kế đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực) có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng phải tính từ ngày mở thừa kế (người có tài sản chết) nhưng cũng có quan điểm cho rằng, đối với các trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu thừa kế phải tính từ ngày 10/9/1990 theo quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Bộ luật Dân sự năm 1995 và văn bản hướng dẫn liên quan.
2.2. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Đây là điểm mới so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo quy định tại Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
2.3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với: Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là 02 năm, kể từ ngày:
- Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
- Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
- Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
- Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;
- Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.
2.4. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng
Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Đây là điểm mới so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
2.5. Thời hiệu khởi kiện theo quy định của luật khác có liên quan
Ở một số quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, New Zealand…, thời hiệu khởi kiện được quy định thành một đạo luật riêng. Theo pháp luật dân sự Việt Nam thì tùy thuộc vào loại vụ việc, quan hệ tranh chấp mà pháp luật có quy định khác nhau về thời hiệu khởi kiện.
Theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì khi thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính cần lưu ý như sau: “Từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.
Như vậy, với quy định này thì đối với các tranh chấp dân sự mà có quy định riêng về thời hiệu theo luật chuyên ngành thì áp dụng luật chuyên ngành, chẳng hạn như: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường (Điều 6); Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 quy định về thời hiệu khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển (Điều 174), thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 186); Bộ luật Hàng hải năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải (Điều 336)…
3. Một số vướng mắc khi áp dụng thời hiệu khởi kiện và giải pháp khắc phục
Trong quá trình thực thi pháp luật liên quan đến thời hiệu khởi kiện vẫn còn một số vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, về việc áp dụng thời hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện không đương nhiên được Tòa án áp dụng khi giải quyết vụ án dân sự mà phải được một bên đương sự có liên quan đến vụ án yêu cầu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định. Khi nhận được yêu cầu của đương sự về việc áp dụng thời hiệu khởi kiện để giải quyết vụ án thì Tòa án áp dụng thời hiệu theo quy định của pháp luật để xem xét yêu cầu khởi kiện còn hay hết thời hiệu. Trường hợp vẫn còn thời hiệu để giải quyết thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung, trường hợp đã hết thời hiệu, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trong thực tiễn xét xử tại Tòa án, việc áp dụng thời hiệu trong giải quyết vụ án dân sự cũng phát sinh bất cập như việc giải thích của thẩm phán được phân công giải quyết vụ án về quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện cho các đương sự chưa được rõ ràng; sự hiểu khác nhau về quy định thời hiệu của các thẩm phán, đương sự đã tạo ra vướng mắc cho việc áp dụng thời hiệu này tại các vụ việc. Có trường hợp thẩm phán giải thích rất rõ ràng về quyền này cho đương sự nhưng cũng có trường hợp thẩm phán không giải thích về quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu vì cho rằng đây là việc mà đương sự phải biết.
Hậu quả pháp lý của các trường hợp cũng khác nhau. Nếu thẩm phán giải thích, đương sự sẽ hiểu rõ về quyền của mình, qua đó có thể yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu thời hiệu đã hết. Nếu thẩm phán không giải thích, với nhiều đương sự, việc hiểu được quy định và áp dụng quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu là vấn đề khó khăn, pháp luật quy định quyền cho đương sự nhưng đương sự lại không biết để thực hiện quyền của mình.
Do đó, cần có hướng dẫn, quy định của pháp luật về việc thẩm phán phải giải thích về quyền được yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trong việc giải quyết vụ án dân sự. Điều đó càng khẳng định sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trước pháp luật được Tòa án bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ hai, về thời hiệu thừa kế. Thừa kế là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự và tranh chấp thừa kế thường rất phức tạp, xuyên suốt quá trình lập pháp Việt Nam, từ khi có Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 cho đến nay đều có quy định về thừa kế. Nếu như vụ án thừa kế mà có thời điểm mở thừa kế xảy ra ở thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 đang có hiệu lực thì việc xác định còn thời hiệu hay không tương đối đơn giản, tuy nhiên, sẽ là phức tạp trong việc xác định thời hiệu thừa kế khi thời điểm mở thừa kế ở trước hoặc sau Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 nhưng hiện bây giờ lại có tranh chấp, do pháp luật qua các thời kỳ có sự quy định khác nhau và có các nghị quyết hướng dẫn ở các thời kỳ nhất định, sẽ rất khó xác định còn hay hết thời hiệu khởi kiện[2].
Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng. Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu này là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Thời điểm “người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm” có thể là thời điểm bên có nghĩa vụ phải thực hiện mà không thực hiện nghĩa vụ hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc gây thiệt hại. Trường hợp đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu có thể là ngày hợp đồng hết thời hạn thực hiện hoặc có thể không phụ thuộc vào thời điểm kết thúc hợp đồng mà được diễn ra sau thời điểm đó, bởi lúc đó, có thể bên có quyền yêu cầu mới biết được lợi ích của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, việc chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền yêu cầu bị xâm phạm là rất khó khăn do yếu tố thời gian cũng như xác định trách nhiệm lỗi của bên vi phạm khi hợp đồng đã chấm dứt. Vì vậy, cần bổ sung quy định hướng dẫn liên quan đến việc xác định thời điểm này[3].
Như vậy, để việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện trong hoạt động giải quyết các tranh chấp về dân sự chính xác, các cơ quan tiến hành tố tụng cần cập nhật kịp thời và áp dụng đúng quy định của pháp luật trong từng thời điểm, cũng như pháp luật chuyên ngành đối với từng vụ án cụ thể. Đồng thời, để các đương sự có nhận thức đầy đủ hơn về thời hiệu khởi kiện thì trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án cần giải thích cho đương sự biết các quy định mới của pháp luật về thời hiệu khởi kiện để họ kịp thời thực hiện quyền khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trịnh Văn Toàn
Công ty Luật TNHH Thuận Thiên
[1]. TS. Nguyễn Thị Minh Phượng, Thời hiệu khởi kiện và thực tiễn áp dụng pháp luật đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo yêu cầu áp dụng thời hiệu, https://thuvienphapluat.vn/banan/tin-tuc/thoi-hieu-khoi-kien-va-thuc-tien-ap-dung-phap-luat-dinh-chi-giai-quyet-vu-an-dan-su-theo-yeu-cau-ap-dung-thoi-hieu-5001.
[2]. Thời hiệu thừa kế theo pháp luật dân sự và thực trạng vận dụng pháp luật của Tòa án, https://tapchitoaan.vn/thoi-hieu-thua-ke-theo-phap-luat-dan-su-va-thuc-trang-van-dung-phap-luat-cua-toa-an.
[3]. Lê Thị Diễm Phương, Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với loại hợp đồng có điều kiện theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015, https://lsvn.vn/thoi-hieu-khoi-kien-ap-dung-doi-voi-loai-hop-dong-co-dieu-kien-theo-quy-dinh-tai-dieu-429-blds-2015.html.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 375, tháng 2/2023)