Ngày 19/6/2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015, trong đó có nhiều sửa đổi so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 liên quan đến quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Bài viết này tập trung phân tích các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng dưới góc độ pháp luật bình đẳng giới, trong mối tương quan với các quy định của Luật này về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và các quy định có liên quan trong Luật Nuôi con nuôi năm 2010.
Trước đây, quyền ly hôn được quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo đó, về nguyên tắc vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn. Tại điều khoản này, vấn đề hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng được đặt ra khi người vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi.
Quy định trên được hướng dẫn chi tiết tại Điều 6 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, theo đó, khi người vợ đang thuộc một trong các trường hợp này (không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai), mà người chồng có yêu cầu xin ly hôn, thì Tòa án: (i) Trả lại đơn kiện cho người nộp đơn (trong trường hợp chưa thụ lý vụ án); (ii) Ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án (nếu người nộp đơn rút đơn yêu cầu) hoặc tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn của họ[1].
Hiện nay, vấn đề hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tại khoản 3 Điều 51: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Có thể thấy quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bảo đảm nguyên tắc hiến định về bình đẳng giới được quy định trong Hiến pháp năm 2013[2], cũng như các nguyên tắc về bình đẳng giới đã được ghi nhận tại Luật Bình đẳng giới năm 2006.
Dưới góc độ pháp luật bình đẳng giới, về nguyên tắc, để bảo đảm bình đẳng về mặt pháp lý giữa nam và nữ, cần quy định các quy phạm pháp luật bình đẳng chung cho cả nữ (vợ) và nam (chồng), là cơ sở để đạt được sự bình đẳng trên thực tế. Các quy phạm pháp luật như thế được gọi là các quy phạm trung tính về giới - quy phạm quy định như nhau cho nữ và nam không tính đến các khác biệt về giới tính (khác biệt do tự nhiên quy định) và các khác biệt về giới (khác biệt về xã hội, do các quan điểm xã hội mang lại). Chính vì vậy, khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định vợ và chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn bình đẳng như nhau.
Tuy nhiên, với hiện trạng xã hội hiện nay, phụ nữ còn có vị thế yếu hơn nam giới trong các mối quan hệ cụ thể, nguyên nhân là do các khác biệt về giới tính không thể loại bỏ được, cũng như các định kiến giới còn tồn tại nặng nề, thì các quy phạm trung tính về giới chỉ đạt được sự bình đẳng mang tính hình thức. Để góp phần khắc phục khoảng cách giữa bình đẳng trong quy định của pháp luật và bình đẳng trên thực tế, bên cạnh các quy phạm trung tính về giới, các ngành luật trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình còn có các quy định riêng cho một giới để bảo đảm bình đẳng thực chất cho nữ giới khi họ thực hiện chức năng làm mẹ hoặc trong những lĩnh vực cụ thể còn tồn tại sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và bất bình đẳng nam nữ.
Trên cơ sở đó, có thể nhận thấy quy định về về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là quy phạm pháp luật dành riêng cho nam giới (người chồng), nhằm bảo đảm bình đẳng thực chất cho người phụ nữ (người vợ) khi họ thực hiện chức năng làm mẹ (mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi), đặc biệt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình mà thực trạng tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và bất bình đẳng nam nữ[3]. Việc quy định riêng cho nam giới (người chồng) trong trường hợp này phù hợp với khoản 4 Điều 6 Luật Bình đẳng giới năm 2006 về nguyên tắc “Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới” cũng như nguyên tắc tại Điều 7 của Luật này về “Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ, tạo điều kiện để nam nữ chia sẻ công việc gia đình” và do đó, quy định này không bị coi là phân biệt đối xử về giới, cụ thể là đối với giới nam (người chồng). Con trong trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng nêu trên, được hiểu là con hợp pháp căn cứ nguyên tắc suy đoán cha mẹ cho con trong giá thú được quy định tại Điều 88, mà không phân biệt con có thực sự cùng huyết thống với người chồng hay không.
Qua nghiên cứu quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tác giả đặt ra những vấn đề cần giải quyết như sau:
Một là, trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ sinh con
So với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định bổ sung trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ “sinh con”. Việc bổ sung trường hợp này là hết sức phù hợp, nhằm khắc phục “lỗ hổng” về thời gian thực hiện chức năng sinh đẻ của người phụ nữ ngoài giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy giai đoạn người vợ được xác định là sinh con thường là quãng thời gian khá ngắn, nhanh thì một vài giờ, lâu cũng không quá 1 tuần. Đồng thời cũng ít gặp trường hợp người chồng xin ly hôn đúng vào thời điểm nhạy cảm này. Do đó, việc bổ sung như trên là hết sức cần thiết, bảo đảm về mặt lý luận, tuy nhiên lại ít có ý nghĩa thực tiễn.
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp người vợ sinh con, sau đó đứa trẻ qua đời vì một lý do nào đó khi chưa đủ 12 tháng tuổi. Trường hợp này, người vợ về tâm sinh lý và thể chất đều trong hoàn cảnh hết sức nhạy cảm, yếu thế, việc xin ly hôn của người chồng vào thời điểm này dễ ảnh hưởng đến người vợ, có thể gây suy giảm sức khỏe về cả thể xác lẫn tinh thần, có khả năng ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên, nếu áp dụng khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trường hợp này người vợ đã qua thời kỳ có thai và sinh con, cũng như không đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, do đó, người chồng không bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn. Để giải quyết sự chưa hợp lý này, thiết nghĩ nên có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là người vợ “sinh con”, đồng thời cũng nên xem là “sinh con” trong trường hợp con được sinh ra mà qua đời trước 12 tháng tuổi.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn chỉ áp dụng với người chồng mà không áp dụng đối với người vợ. Trong mọi khoảng thời gian, dù người vợ đang có thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy tình cảm yêu thương giữa vợ chồng đã hết, mâu thuẫn gia đình đến mức sâu sắc, mục đích của hôn nhân không đạt được; nếu duy trì cuộc hôn nhân sẽ bất lợi cho người vợ, ảnh hưởng tới sức khỏe của người vợ hoặc thai nhi hay trẻ sơ sinh, mà người vợ có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện ly hôn theo thủ tục chung.
Hai là, trường hợp vợ chồng lại có đơn yêu cầu thuận tình ly hôn
Trường hợp người vợ đang có thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà hai vợ chồng lại có đơn yêu cầu thuận tình ly hôn, thỏa thuận được việc chia tài sản và vấn đề nuôi con chung (nếu đã có) thì có thụ lý việc thuận tình ly hôn không? Trong trường hợp này nếu thụ lý đơn thuận tình ly hôn để giải quyết việc ly hôn thuận tình, vô hình chung đã đồng nhất với việc thừa nhận người chồng có quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ đang có thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Thiết nghĩ, để bảo đảm không vi phạm khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án cần giải thích cho đương sự biết về việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong trường hợp này, đồng thời hướng dẫn để người vợ viết đơn yêu cầu ly hôn và Tòa án thụ lý vụ án ly hôn theo yêu cầu của một bên (người vợ) căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Ba là, trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Vấn đề hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong Luật này còn phải được xem xét trong mối tương quan với các quy định hoàn toàn mới của Luật này về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định từ Điều 94 đến Điều 100. Như vậy, có thể xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp 1: Cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đồng thời người chồng lại có yêu cầu ly hôn hoặc cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ thuận tình ly hôn khi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, khi người đồng ý mang thai hộ đang mang thai, sinh con. Theo Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. Đồng thời, khoản 2 Điều 98 của Luật này cũng quy định “quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra”. Do đó, sự kiện sinh đẻ của người đồng ý mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp lý cha mẹ và con giữa cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ và đứa trẻ được sinh ra. Nếu người chồng hoặc người vợ hoặc cả hai vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ thuận tình ly hôn khi người đồng ý mang thai hộ “đang mang thai, sinh con” có thể dẫn đến việc hôn nhân của họ chấm dứt trước khi đứa trẻ chào đời, cũng như việc giải quyết ly hôn sẽ không thể đồng thời giải quyết được vấn đề nuôi con, nếu sau này cháu được sinh ra và còn sống. Theo Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con sinh ra vẫn được xác định là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con (Khoản 3 Điều 98) đồng thời việc giải quyết vấn đề ai là người trực tiếp nuôi con cũng như mức cấp dưỡng đối với bên không trực tiếp nuôi con vẫn phải được giải quyết tương tự trường hợp cha mẹ ly hôn bình thường. Trong trường hợp này, vấn đề hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng không nên đặt ra để bảo đảm bình đẳng về mặt pháp lý giữa hai vợ chồng, vì lúc này người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh không đang trong trường hợp thực hiện chức năng làm mẹ. Nếu cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, sau đó người chồng có yêu cầu ly hôn hoặc cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ thuận tình ly hôn khi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, đương nhiên vẫn áp dụng khoản 3 Điều 51 để hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng.
Trường hợp 2: Cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, sau đó, người chồng của người mang thai hộ lại có yêu cầu ly hôn hoặc vợ chồng người mang thai hộ thuận tình ly hôn khi người mang thai hộ đang mang thai, sinh con. Theo quy định tại khoản 1 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ”. Đồng thời, khoản 3 của Điều này cũng có quy định: “Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày”.
Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận rõ người mang thai hộ và chồng của người này vẫn có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ đối với con, đồng thời người mang thai hộ cũng được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Chế độ thai sản theo pháp luật hiện hành đã quy định nhiều quy phạm có tính chất ưu đãi riêng cho nữ giới khi thực hiện vai trò làm mẹ để bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nữ và nam. Do đó, nếu pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội đã ghi nhận sự ưu đãi cho người mang thai hộ, thì dưới góc độ bình đẳng giới, pháp luật hôn nhân và gia đình cũng nên tiếp cận ở góc độ này liên quan đến quyền yêu cầu ly hôn của chồng của người mang thai hộ theo hướng hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi người mang thai hộ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (trường hợp chưa thể giao con cho bên nhờ mang thai hộ vì lý do chính đáng).
Bốn là, trường hợp đang nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi
Vấn đề hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng cần phải được xem xét trong mối tương quan với các quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Theo đó, nếu cả hai vợ chồng cùng nhận nuôi con nuôi sơ sinh, thì người chồng cũng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi đang nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi.
Có thể thấy, việc áp dụng quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng tại khoản 3 Điều 51 cho trường hợp chồng của người mang thai hộ có yêu cầu ly hôn cũng như trường hợp vợ chồng nhận nuôi con nuôi sơ sinh, sẽ tránh hiện tượng quy định dành riêng cho nam giới (người chồng) để bảo đảm bình đẳng cho nhóm nữ (người vợ) trong các trường hợp sinh con bình thường, nhưng lại gây bất lợi cho nhóm nữ (người vợ) áp dụng mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hoặc nhận nuôi con nuôi sơ sinh. Như vậy, việc áp dụng khoản 3 Điều 51 cho tất cả các trường hợp sinh đẻ tự nhiên, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng như nhận nuôi con nuôi sơ sinh là phù hợp, tránh cách hiểu có sự đối xử phân biệt trong trường hợp sinh đẻ tự nhiên với mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nhận nuôi con nuôi.
Bình đẳng giới, về thực chất không vượt ra khỏi nội dung của vấn đề bình đẳng nam nữ, là mục tiêu và thước đo trình độ phát triển của xã hội. Việc quy định các quy phạm dành riêng cho một giới là biện pháp đặc biệt tạm thời, trong đó có thể áp dụng các tiêu chuẩn bất bình đẳng hoặc tiêu chuẩn riêng biệt cho nam hoặc nữ, để thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế. Vì thế, các biện pháp này có hạn định về thời gian và điều kiện áp dụng nhất định, kèm theo tuyên bố hết hiệu lực khi các điều kiện không tồn tại và thời gian tạm thời đã hết. Trong trường hợp này, không bị coi là phân biệt đối xử. Về vấn đề này, Điều 4 Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Công ước CEDAW)[4] đã quy định các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó việc các nước thành viên thông qua những biện pháp đặc biệt nhằm bảo vệ người mẹ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử. Cụ thể hóa Công ước CEDAW, khoản 6 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn về vị trí, vai trò, điều kiện cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành công của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục tiêu bình đẳng giới đã đạt được”.
Từ những cơ sở pháp lý nêu trên có thể nhận thấy, khi điều kiện kinh tế - xã hội có sự phát triển đáng kể, pháp luật về an sinh xã hội, lao động và việc làm bảo đảm được cho người vợ (hoặc người phụ nữ đơn thân có con) có thể hoàn toàn tự chủ về kinh tế, ổn định về nghề nghiệp để mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi ngay cả khi không có sự hỗ trợ của người chồng, cũng như định kiến xã hội không còn áp lực nặng nề đối với phụ nữ ly hôn, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát đánh giá hiệu quả của quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng, loại bỏ quy định có tính dành riêng cho giới nam, tiến tới xây dựng từng bước quy phạm pháp luật có tính chất trung tính về giới đối với quyền yêu cầu ly hôn của vợ, chồng là cần thiết. Đây là một yêu cầu tất yếu để bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật, tiến tới xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện đối với mục tiêu bình đẳng giới.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế
[1]. Điểm c mục 10 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng có quy định: “Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Tòa án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Tòa án giải quyết việc xin ly hôn”.
[2]. Điều 26 Hiến pháp năm 2013: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
[3]. Định kiến xã hội vẫn còn có sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ đơn thân nuôi con, do ly hôn hoặc do không kết hôn mà có con ngoài giá thú.
[4]. Ngày 18/1/1979, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) đã được Liên hợp quốc phê chuẩn. Ngày 3/9/1981, sau khi đã có 20 nước thông qua thực hiện, Công ước CEDAW bắt đầu có hiệu lực như một Hiệp ước quốc tế. Việt nam ký Công ước CEDAW ngày 29/07/1980 và phê chuẩn Công ước ngày 19/03/1982, trở thành quốc gia sớm thứ 6 trên thế giới ký Công ước và quốc gia thứ 35 phê chuẩn Công ước này.