Chủ nhật 22/06/2025 21:40
Email: danchuphapluat@moj.gov.vn
Hotline: 024.627.397.37 - 024.62.739.735

Ngành Tư pháp một năm nhìn lại

Có được những thành quả quan trọng này là nhờ nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị, trong đó có phần đóng góp tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp.

Năm 2014 là năm đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức tạo ra thế và lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, công tác tư pháp, tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013 có chuyển động tích cực; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả; các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân được triển khai đồng bộ…
Có được những thành quả quan trọng này là nhờ nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị, trong đó có phần đóng góp tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp.

1. Một số kết quả trên các lĩnh vực công tác tư pháp

Trên cơ sở Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ [1], Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014, ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động của Ngành Tư pháp và tổ chức triển khai thực hiện [2], trong đó tập trung chỉ đạo 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với 86 nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, 28 nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 45 nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nhìn chung, các mặt công tác tư pháp của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội, Chính phủ đề ra, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực, cụ thể: Đã phát huy tốt vai trò tham mưu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 [3]; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến [4], tỷ lệ nợ đọng văn bản quy định chi tiết có thời điểm giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay [5]; kết quả thi hành án dân sự đạt cao hơn so với năm trước [6]; việc thí điểm chế định Thừa phát lại được nhân rộng và bắt đầu đi vào hoạt động ổn định [7]; việc triển khai một số nhiệm vụ mới như xử lý vi phạm hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đang từng bước được triển khai, một số đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính bước đầu phát huy hiệu quả tích cực [8]; công tác hành chính tư pháp tiếp tục đạt kết quả tích cực, đã giải quyết một lượng lớn yêu cầu của người dân, chưa để xảy ra sai sót, bức xúc lớn; công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở... được triển khai hiệu quả hơn; việc phát triển đội ngũ luật sư, xã hội hóa công chứng được quan tâm đẩy mạnh [9]; việc tham gia với vai trò là đại diện pháp lý cho Chính phủ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đạt một số kết quả cụ thể [10]; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, Bộ Tư pháp được xếp nhóm đầu trong lĩnh vực này (Năm 2013 Bộ Tư pháp đứng thứ 2 trong Bảng xếp hạng mức độ Ứng dụng công nghệ thông tin; của các bộ, cơ quan ngang bộ [11]).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tư pháp năm 2014 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Việc đảm bảo thi hành Hiến pháp còn thiếu đồng bộ, một số hoạt động chưa đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng; chưa có giải pháp khắc phục cơ bản tình trạng hệ thống pháp luật còn phức tạp, nhiều tầng; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh tuy có giảm nhưng việc bảo đảm văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng với luật vẫn còn là thách thức; hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật chưa cao, chậm đi vào cuộc sống; kết quả thi hành án dân sự về tiền chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, số án chuyển kỳ sau vẫn còn nhiều, số lượng cán bộ thi hành án dân sự vi phạm kỷ luật có dấu hiệu gia tăng; việc triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Hòa giải cơ sở còn chậm; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn chậm đổi mới (như: Hộ tịch, chứng thực); việc thực hiện xã hội hóa công tác giám định tư pháp còn thiếu tính bền vững; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn rườm rà, việc thực thi chưa nghiêm; việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính còn lúng túng, có phần bị động; chất lượng nguồn nhân lực và các nguồn lực khác phục vụ công tác pháp luật, tư pháp còn hạn chế.

2. Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2015

Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2011 - 2016, với nhiều ngày lễ và sự kiện lớn của đất nước, của Ngành Tư pháp [12], đồng thời cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng cho Bộ và Ngành Tư pháp. Trong bối cảnh đó, toàn Ngành Tư pháp xác định 14 nhóm nhiệm vụ cụ thể trên tất cả các lĩnh vực công tác và 07 giải pháp chủ yếu, trong đó đặc biệt chú trọng 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp; tập trung xây dựng và hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp đã được xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, nhất là các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Ban hành quyết định hành chính... Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành bảo đảm chất lượng, tiến độ; tổ chức tốt việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) theo Kế hoạch của Chính phủ.

(2) Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nói chung, nhất là các thông tư, trong đó chú trọng tới tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi trong việc ban hành văn bản, để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, thiết lập được môi trường pháp lý bình đẳng, trong sạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép.

(3) Triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2015, đặc biệt là các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Việc làm, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS)...

(4) Tập trung triển khai Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 Ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015) và các nội dung theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014 liên quan đến TTHC trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, an sinh xã hội... Đẩy mạnh cải cách TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, đặc biệt các TTHC liên quan trực tiếp đến người dân như: Lý lịch tư pháp, công chứng, luật sư, giao dịch bảo đảm… tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh.

(5) Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính (trong đó có biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng rút ngắn thời hạn); đơn giản thủ tục lập hồ sơ; tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan đến các biện pháp xử lý hành chính.

(6) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác THADS, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu do Quốc hội giao; khắc phục những tồn tại đối với công tác phân loại án, công tác thống kê THADS; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tham nhũng; giải quyết đúng thời hạn các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Triển khai quyết liệt việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm thực hiện thí điểm thành công; chủ động đề xuất, ban hành các quy định hướng dẫn bảo đảm không để gián đoạn hoạt động Thừa phát lại khi kết thúc thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; nghiên cứu đề xuất việc xây dựng Luật Thừa phát lại.

(7) Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp. Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phục vụ cho việc hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; triển khai thực thiện tốt Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính; tăng cường công tác phối hợp trong cấp phiếu lý lịch tư pháp và triển khai Đề án cấp phiếu lý lịch tư pháp qua mạng và qua dịch vụ bưu chính.

(8) Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, theo chủ trương của Đảng; tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu; tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ hai; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(9) Nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của Ngành Tư pháp liên quan tới việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; thực hiện mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia trong các tranh chấp bằng các biện pháp phù hợp và tuân thủ pháp luật quốc tế.

(10) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ có hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế, THADS và cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho người dân.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Một là, đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xây dựng và hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp đã được xác định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, nhất là các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, tiến độ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tổ chức thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9; tiếp tục tăng cường giám sát việc ban hành văn bản pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành theo tinh thần của Hiến pháp. Chỉ đạo tăng cường công tác giám sát của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đối với công tác tư pháp, THADS.

Hai là, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 bảo đảm chất lượng và tiến độ, không để nợ đọng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ [13].

Ba là, đối với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi); chỉ đạo Tòa án nhân dân các địa phương tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa trong quá trình tổ chức THADS tại địa bàn, kịp thời giải quyết các yêu cầu, kiến nghị có liên quan đến công tác thi hành án, nhất là việc xử lý đối với các vụ việc án tuyên không rõ, khó thi hành, tạo thuận lợi giúp cơ quan THADS hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế tình trạng án tồn đọng; chỉ đạo Tòa án nhân dân các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại; phối hợp với các bộ, ngành ở trung ương và các cơ quan ở địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhất là việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác THADS, xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi); chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát trực tiếp đối với hoạt động thi hành án, nhất là công tác phân loại án của các cơ quan THADS địa phương; phối hợp với các cơ quan tư pháp, THADS ở địa phương tham mưu cho HĐND, UBND cấp tỉnh tổ chức thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bốn là, đối với các bộ, ngành

- Đề nghị các bộ, ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác pháp chế của bộ, ngành mình bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã và sẽ có hiệu lực trong năm 2015, giải quyết dứt điểm tình trạng “nợ đọng” văn bản.

- Đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc triển khai thi hành Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tư pháp thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xây dựng phương án rà soát và kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, nhất là tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã theo quy định của Luật Hộ tịch.

- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm bố trí ngân sách thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 22/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là ngân sách phục vụ công tác xây dựng trụ sở các cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp và kho vật chứng, trụ sở của các Chi cục THADS cấp huyện.

Năm là, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Đề nghị quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp, pháp chế và phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả của các cơ quan tư pháp, pháp chế trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thể chế, quản lý, chỉ đạo, điều hành theo pháp luật các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

- Đề nghị bố trí đủ cán bộ thực hiện một số lĩnh vực, nhiệm vụ tư pháp mới được giao như kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính; bố trí đúng, đủ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã để thực hiện nhiệm vụ được giao, không để xảy ra tình trạng kiêm nhiệm công tác khác, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ này.

- Đề nghị tiếp tục quan tâm phối hợp và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với công tác THADS, thực hiện việc thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội.

- Đề nghị bố trí, hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý bảo đảm hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Chính phủ.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

[2]. Quyết định số 197/QĐ-BTP ngày 20/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ.

[3]. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao xây dựng tài liệu tuyên truyền về Hiến pháp; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến về nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên; phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”... Công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp đã được triển khai sâu rộng, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng lớn của đất nước, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp, từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật.

[4]. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ thực hiện một số giải pháp như: (1) Tổ chức Phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật để định hướng về quan điểm, mục tiêu, nội dung chủ yếu của một số dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp; (2) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp; Hội đồng đã cho ý kiến đối với 14 dự án luật quan trọng. Tại kỳ họp thứ 7, thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua số lượng lớn các luật (18 luật, 05 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật) để tổ chức thi hành Hiến pháp.

[5]. Năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành 106 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; số văn bản nợ đọng trong năm 2014 giảm xuống còn 18 văn bản. Một số bộ, ngành không còn nợ đọng trong năm 2014, như: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ...

[6]. Tổng số vụ việc phải giải quyết là 779.298 việc, tăng 47.119 việc (6,43%) so với năm 2013. Kết quả xác minh, phân loại án: 600.297 việc có điều kiện giải quyết (chiếm 77,03%, giảm 0,78% so với năm 2013), tăng 30.604 việc (5,37%) so với năm 2013 và 179.001 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm 22,97%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 531.095 việc, đạt 88,47% (vượt 0,47% so với chỉ tiêu được giao). So với năm 2013, tăng 38.120 việc và 1,94% về tỷ lệ.

[7]. Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan về việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại, 12/12 địa phương thí điểm mở rộng (không kể TP. Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm; 13/13 địa phương đã thành lập được tổng số 51 Văn phòng Thừa phát lại. Các Văn phòng đã dần đi vào hoạt động có hiệu quả. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội và trong hoạt động tư pháp.

[8]. Năm 2014, các bộ, cơ quan đã hoàn thành việc đơn giản hoá thêm 358 thủ tục hành chính (TTHC) đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề, đưa tổng số thủ tục đã hoàn thành đơn giản hoá lên 4.383/4.723 TTHC đạt tỷ lệ 92,8%.

[9]. Năm 2014, Bộ Tư pháp đã cấp 1.100 Chứng chỉ hành nghề luật sư, 32 Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài, 10 Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam. Tính đến nay, cả nước có 3.417 tổ chức hành nghề luật sư với 9.375 luật sư, tăng 1.219 luật sư so với năm 2013, bảo đảm đúng định hướng phát triển luật sư tại Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Việc triển khai Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 được thực hiện tốt; các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên tiếp tục được phát triển rộng khắp, với 1.770 công chứng viên (tăng 307 so với năm 2013) và 846 tổ chức hành nghề công chứng (tăng 116 so với năm 2013).

[10]. Năm 2014, Bộ Tư pháp đã bảo vệ thành công 02 vụ việc liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài kiện ra Hội đồng trọng tài quốc tế yêu cầu Chính phủ Việt Nam bồi thường nhiều triệu đô-la Mỹ, đó là vụ: South Fork (Hoa Kỳ) và vụ DiAlasie (Pháp).

[11]. Nguồn: Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố (Bảng 1.1 Xếp hạng mức độ Ứng dụng CNTT tổng thể của các bộ, cơ quan ngang bộ).

Xem bài: “Bộ Tư pháp đứng thứ 2 trong Bảng xếp hạng mức độ Ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2013” - http://www.moj.gov.vn/cntt/Pages/hoat-dong-ve-ung-dung-cntt.aspx?Item ID=6212

[12]. Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2015); 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015); 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980-19/5/2015); 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015); Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2015) và 70 năm Ngày thành lập Ngành Tư pháp (28/8/1945-28/8/2015);...

[13]. Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Bài liên quan

Tin bài có thể bạn quan tâm

Một thế kỷ Báo chí cách mạng Việt Nam: Từ ngọn lửa tiên phong đến bản lĩnh thời đại - Bài 2: Giữa lửa đạn - Viết sử bằng máu và niềm tin

Một thế kỷ Báo chí cách mạng Việt Nam: Từ ngọn lửa tiên phong đến bản lĩnh thời đại - Bài 2: Giữa lửa đạn - Viết sử bằng máu và niềm tin

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bảo vệ độc lập, tự do và trong những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình đã bám sát thực tiễn cuộc sống, cùng chia sẻ gian khổ, hiểm nguy với Nhân dân, bộ đội, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Mỗi dòng tin báo chí, mỗi tiếng nói trên các đài phát thanh, mỗi hình ảnh trên truyền hình trở nên vô cùng quý giá, có sức mạnh to lớn trong việc củng cố niềm tin, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ trên toàn quốc. Trong bối cảnh đó, đạo luật đầu tiên về báo chí được ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho nền Báo chí cách mạng phát triển.
Một thế kỷ Báo chí Cách mạng Việt Nam: Từ ngọn lửa tiên phong đến bản lĩnh thời đại - Bài 1. Lựa chọn tất yếu của lịch sử

Một thế kỷ Báo chí Cách mạng Việt Nam: Từ ngọn lửa tiên phong đến bản lĩnh thời đại - Bài 1. Lựa chọn tất yếu của lịch sử

Suốt một thế kỷ, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân. Không chỉ tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, báo chí còn là ngọn lửa tiên phong, là vũ khí sắc bén trong hành trình cách mạng giành độc lập, tự do và dựng xây Tổ quốc. Các chính sách về báo chí đã được thiết lập và sửa đổi, bổ sung cùng với sự phát triển của báo chí qua từng giai đoạn lịch sử. Báo chí là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử trên con đường giải phóng dân tộc để có độc lập, tự do; báo chí đồng hành cùng cây súng có mặt tại các chiến trường qua hai cuộc kháng chiến. Ngày nay, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang khẩn trương, khí thế thực hiện những nhiệm vụ chính trị chuẩn bị cho thời khắc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, tinh thần cách mạng của các cơ quan báo chí, bản lĩnh, trí tuệ của người làm báo một lần nữa được khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc chúc mừng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc chúc mừng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật vinh dự được đón nhận những lời chúc tốt đẹp và những lẵng hoa chúc mừng từ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; các đơn vị thuộc Bộ; các cán bộ, biên tập viên đã từng công tác tại Tạp chí; các cộng tác viên, đối tác và đông đảo bạn đọc xa, gần trên cả nước.
​Tổng Bí thư ký ban hành QĐ chức năng, nhiệm vụ... của BCĐ TW về hoàn thiện thể chế, pháp luật

​Tổng Bí thư ký ban hành QĐ chức năng, nhiệm vụ... của BCĐ TW về hoàn thiện thể chế, pháp luật

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Quyết định 197 của Bộ Chính trị, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi của đất nước đón chào Ngày “Non sông thống nhất”, các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thông cáo báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam

Thông cáo báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, Hội Luật gia Việt Nam long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm để ôn lại truyền thống vẻ vang và chặng đường xây dựng và trưởng thành đáng tự hào của Hội.
Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” tại Trường Trung học cơ sở Độc Lập: Kết nối và phát huy tinh thần đoàn kết

Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” tại Trường Trung học cơ sở Độc Lập: Kết nối và phát huy tinh thần đoàn kết

Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) và chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng ngày 24/3/2025, Trường Trung học cơ sở Độc Lập, thành phố Thái Nguyên đã tổ chức Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”.
HỘI THẢO KHOA HỌC “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định” - Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 15/3/2025)

HỘI THẢO KHOA HỌC “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định” - Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 15/3/2025)

Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 15/3/2025) - Nữ tướng anh hùng, người cán bộ lãnh đạo có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bến Tre, ngày 15/3/2025, tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định”.
Công đoàn Bộ Tư pháp thực hiện sinh hoạt chuyên đề nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2025)

Công đoàn Bộ Tư pháp thực hiện sinh hoạt chuyên đề nhân dịp kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2025)

Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2025), Công đoàn Bộ Tư pháp phối hợp với Cục Thi hành án dân sự và Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề giáo dục truyền thống và dâng hương tại chuỗi di tích lịch sử của tỉnh Hưng Yên.
Công đoàn Bộ Tư pháp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa cho đoàn viên công đoàn dịp Tết Ất Tỵ 2025

Công đoàn Bộ Tư pháp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa cho đoàn viên công đoàn dịp Tết Ất Tỵ 2025

Thực hiện chủ trương chung của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Công đoàn Viên chức Việt Nam và Công đoàn Bộ Tư pháp về việc chăm lo tết cho đoàn viên, nhằm động viên đoàn viên công đoàn là công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Tư pháp nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ và theo Kế hoạch số 151/KH-CĐBTP ngày 12/11/2024 của Công đoàn Bộ Tư pháp, Ban Thường vụ Công đoàn Bộ Tư pháp tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” gặp mặt đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức khó khăn nhân dịp Tết Ất Tỵ và tròn 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025).
10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp

10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp

Ngày 31/12/2024, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2596/QĐ-BTP về việc phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới mạnh mẽ đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học

Sáng 30/12, dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Gặp mặt trí thức, nhà khoa học năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Nhân dân đang kỳ vọng, mong chờ sự cống hiến, đóng góp ở quy mô, tầm mức mới, với những bứt phá mạnh mẽ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới.
“Gặp gỡ người lính giữa đời thường”

“Gặp gỡ người lính giữa đời thường”

Hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự anh dũng, gan dạ, mưu trí, luôn sẵn sàng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trong thời bình, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” lại hiện lên như tấm gương cho những con người mới có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và những giá trị nhân văn sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong di chúc của Người.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh y lỗi lạc trong nền y học dân tộc

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh y lỗi lạc trong nền y học dân tộc

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Đại danh y, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Ông là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức. Tư tưởng Lê Hữu Trác không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến nền y học cổ truyền Việt Nam mà còn tiếp tục có giá trị trong cả y học hiện đại ngày nay. Những triết lý của ông về y đức, y lý, y thuật không chỉ là kim chỉ nam cho ngành y cổ truyền mà còn là những nguyên tắc cốt lõi mà y học hiện đại đang hướng tới. Những tác phẩm của ông không chỉ là tài liệu y học quý giá mà còn là những giá trị, bài học về đạo đức, trách nhiệm và lòng nhân ái của người thầy thuốc.
34 tác phẩm xuất sắc được trao giải Cuộc thi ảnh và video “ Việt Nam Hạnh phúc - Happy Vietnam 2024”

34 tác phẩm xuất sắc được trao giải Cuộc thi ảnh và video “ Việt Nam Hạnh phúc - Happy Vietnam 2024”

Ngày 11/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ tổ chức Lễ Khai mạc triển lãm và công bố giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam năm 2024”.

Theo dõi chúng tôi trên:

mega story

trung-nguyen
hanh-phuc
cong-ty-than-uong-bi
vien-khoa-hoac-cong-nghe-xay-dung
bao-chi-cm