Quá trình chuyển đổi phòng công chứng số 2 thuận lợi là do luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng; sự phối hợp hiệu quả, có trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan; sự thống nhất, quyết tâm của Ban Giám đốc Sở Tư pháp trong chỉ đạo thực hiện và sự đồng thuận của đa số đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn, vì đây là mô hình làm thí điểm và chưa có địa phương nào trên cả nước thực hiện, do đó Ngành Tư pháp Lâm Đồng phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Khó khăn đầu tiên, là nhận thức của công chứng viên, viên chức, người lao động về chủ trương chuyển đổi còn nhiều tâm tư, ý kiến trái chiều, do sợ công việc bấp bênh sau chuyển đổi, sợ việc giải quyết chế độ không thỏa đáng… Thứ hai là, khó khăn về thể chế khi Nghị định số 29/2015/NĐ-CP còn có những vấn đề bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho rõ hơn như: Chưa quy định lộ trình tiến hành việc chuyển đổi; cách tính giá quyền nhận chuyển đổi còn khá chung chung, định tính và thiếu căn cứ tính toán giá; việc quy định buộc văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi phải ký hợp đồng lao động với công chứng viên, viên chức, người lao động của phòng công chứng được chuyển đổi còn thiếu tính khả thi vì không có chế tài áp dụng; việc quy định phải đấu giá đối với những phòng công chứng có giá quyền nhận chuyển đổi lớn nhưng không quy định mức bao nhiêu được coi là có giá trị lớn đã dẫn đến việc lúng túng khi áp dụng phương thức chuyển đổi. Thứ ba là, khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị phòng công chứng chuyển đổi và phương thức chuyển đổi phù hợp, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước và công chứng viên, viên chức, người lao động. Thứ tư là, khó khăn trong việc giải quyết chế độ chính sách cho công chứng viên, viên chức, người lao động sau khi chuyển đổi, làm sao bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của họ, đảm bảo họ tiếp tục có việc làm, thu nhập ổn định. Thứ năm là, khó khăn trong việc xử lý tài sản Nhà nước phát sinh khi thực hiện chuyển đổi phòng công chứng.
Để giải quyết những vấn đề trên, từ đầu năm 2015 khi xây dựng Kế hoạch công tác năm, Ngành Tư pháp Lâm Đồng đã đưa nội dung chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng là một trong các nhiệm vụ công tác trọng tâm phải thực hiện trong năm 2015. Để triển khai nhiệm vụ này, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, tại buổi làm việc của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy với Sở Tư pháp vào đầu tháng 4/2015, lãnh đạo Sở đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương cho thực hiện thí điểm việc chuyển đổi phòng công chứng sang văn phòng công chứng. Sau khi Tỉnh ủy có văn bản đồng ý cho chủ trương thực hiện, Sở tiếp tục có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh để triển khai thực hiện và ngày 14/5/2015 UBND tỉnh ban hành Công văn số 2532/UBND-NC đồng ý cho Sở Tư pháp chuyển đổi phòng công chứng số 2 thành văn phòng công chứng. Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp thành lập tổ xây dựng Đề án chuyển đổi phòng công chứng số 2 gồm 10 thành viên do đồng chí Phó Giám đốc Sở phụ trách. Tổ xây dựng Đề án đã tổ chức nhiều buổi làm việc để trao đổi, nắm bắt tư tưởng và trả lời làm rõ những kiến nghị, đề xuất của công chứng viên, viên chức, người lao động phòng công chứng số 2, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị về phương án chuyển đổi, giá quyền nhận chuyển đổi và chế độ chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động khi thực hiện việc chuyển đổi. Tiếp theo tổ xây dựng Đề án thu thập thông tin, số liệu, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội công chứng tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để thống nhất dự thảo Đề án chuyển đổi. Trên cơ sở góp ý của các sở, ngành tổ xây dựng Đề án tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
Việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án chuyển đổi chỉ được coi là thành công bước đầu. Tiếp theo, phối hợp với Sở Tài chính để tính toán phương án xử lý tài sản Nhà nước, thanh quyết toán các nguồn thu - chi ngân sách tại phòng công chứng chuyển đổi; phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tính toán chế độ, chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động; phối hợp với phòng công chứng để thống kê các loại tài sản, sổ sách, hồ sơ… Sau khi đã có sự chuẩn bị hoàn tất cho việc chuyển đổi, cuối cùng là trình UBND tỉnh ban hành quyết định cho phép chuyển đổi để triển khai thực hiện.
Đến nay, việc chuyển đổi đã cơ bản thực hiện xong, trong đó đã giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra, nhất là những khó khăn đặt ra ban đầu. Công chứng viên, viên chức, người lao động đã đồng thuận cao với phương thức chuyển đổi là giao cho chính họ được nhận lại quyền chuyển đổi phòng công chứng nơi họ đang làm việc với giá trị nhận chuyển đổi phù hợp trên cơ sở tính toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và của chính họ. Việc này đã tạo ra một sự đảm bảo rằng, họ sẽ tiếp tục được đồng hành cùng nhau làm việc trong một môi trường mới, trên một nền tảng thương hiệu, uy tín đã có do chính họ tạo dựng nên. Về chế độ chính sách đối với công chứng viên, viên chức, người lao động cũng đã được giải quyết thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho họ. Trưởng phòng công chứng do không đủ điều kiện nghỉ chế độ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (Nghị định số 108/2014/NĐ-CP), theo nguyện vọng của đồng chí này, cơ quan đã giải quyết cho thôi việc theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức. Đối với công chứng viên và viên chức thì giải quyết chế độ nghỉ việc theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP do dôi dư sắp sếp tổ chức bộ máy. Đối với người lao động, thì chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ theo pháp luật về lao động. Đối với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, thì áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính để tổ chức thanh lý đối với các tài sản hết hạn sử dụng; điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu; bán đối với các tài sản không còn nhu cầu sử dụng; riêng trụ sở của phòng công chứng đề xuất UBND tỉnh thu hồi và cho văn phòng công chứng nhận chuyển đổi thuê lại với giá ưu đãi trong thời hạn 10 năm.
Việc chuyển đổi thành công phòng công chứng số 2 trong tổng số 5 phòng công chứng trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt sự bao cấp của ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị này mỗi năm gần nửa tỷ đồng, tinh giản được 07 biên chế, đồng thời, đã thu về cho ngân sách nhà nước 1,8 tỷ đồng. Có thể khẳng định, tuy là mô hình thực hiện thí điểm nhưng quá trình thực hiện đã được triển khai hết sức chặt chẽ, khoa học và trách nhiệm dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng với sự quyết tâm thực hiện của lãnh đạo Sở Tư pháp, sự chung sức phối hợp hiệu quả của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, sự đồng thuận cao của công chức, viên chức, người lao động. Đây chính là những bài học kinh nghiệm rút ra về sự thành công của mô hình thí điểm này của Ngành Tư pháp Lâm Đồng.
Vũ Ngọc Thành
Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Lâm Đồng