Hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính, xét về bản chất là việc dùng các quy định của pháp luật hình sự để giải quyết các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế hoặc hành chính. Theo tinh thần của Chỉ thị số 16/TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm các giải pháp chống hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế, chống oan, sai và bảo vệ các hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp và Chỉ thị số 53/CT-TW ngày 28/3/2000 của Bộ Chính trị về một số công việc cấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện ngay, thì cần phải kiên quyết khắc phục ngay tình trạng “hình sự hóa” các vi phạm pháp luật kinh tế, dân sự. Tiếp tục khẳng định chủ trương này, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ, khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) liên quan đến phòng, tránh, khắc phục tình trạng hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) đã có những sửa đổi tương đối cơ bản và toàn diện, trong đó nổi bật là những nội dung góp phần khắc phục tình trạng hình sự hóa các vi phạm dân sự, kinh tế và hành chính; bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh cho người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta, cụ thể như sau:
Một là, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với một số tội phạm: Bộ luật Hình sự đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 33 tội danh, trong đó có 22 tội danh thuộc Chương “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”; 09 tội danh thuộc Chương “Các tội phạm về môi trường” và 02 tội danh thuộc Chương “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng”.
Hai là, Bộ luật Hình sự đã sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của nhiều tội danh nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng và cụ thể hơn. Theo đó, hầu hết các điều luật của Bộ luật Hình sự thay vì các tình tiết mang tính định tính tại cấu thành cơ bản hoặc cấu thành tăng nặng đã được sửa đổi bằng cách mô tả cụ thể về cấu thành cơ bản của tội phạm, quy định cụ thể về mức định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tại các khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Ba là, thay thế Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội phạm cụ thể: Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, doanh nghiệp được kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm thì việc tồn tại một điều luật với các điều kiện áp dụng “linh hoạt” như Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999) sẽ ảnh hưởng tới việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường vì đây được coi như “một cái túi” để xử lý các trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác, sẽ tạo ra sự không minh bạch trong việc áp dụng và tạo tâm lý e dè trong sản xuất, kinh doanh, không dám mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh vì “sợ” vướng vào tội này. Do đó, để khắc phục những bất cập này, Bộ luật Hình sự đã sửa đổi theo hướng, xác định rõ các hành vi phạm tội của Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 bằng các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực, như bán đấu giá tài sản; kế toán, thuế; đầu tư công trình xây dựng; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công…
Bốn là, Bộ luật Hình sự đã phi tội phạm hóa đối với một số tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): Để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế, Bộ luật Hình sự đã không tiếp tục quy định là tội phạm đối với một số hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định là tội phạm (phi tội phạm hóa), đó là các hành vi quy định tại các điều 147, 159, 167, 170, 178, 268 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
2. Một số bất cập, hạn chế của pháp luật hình sự dẫn tới khả năng hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, hành chính và nguyên nhân
2.1. Quy định về cấu thành tội phạm của một số tội danh chưa thực sự phù hợp với thực tiễn
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế như hiện nay, thì việc xem xét, nghiên cứu cấu thành cơ bản của một số tội danh trong Bộ luật Hình sự để bảo đảm cấu thành tội phạm đó phản ánh đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm đến mức phải áp dụng chế tài hình sự là hết sức cần thiết, đặc biệt với những tình tiết định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này có thể xem xét ở một số khía cạnh sau:
2.1.1. Quy định mức định lượng là giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong một số tội danh chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, chưa phản ánh đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm
Theo quy định tại Chương XVI - Các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự, một số tội danh có quy định mức định lượng là giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự chưa thực sự hợp lý và phù hợp với thực tiễn cuộc sống như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), Tội trộm cắp tài sản (Điều 173), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178) đều quy định mức định lượng giá trị tài sản làm căn cứ xử lý hình sự là từ 2.000.000 đồng; đối với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175) thì mức định lượng là giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự là từ 4.000.000 đồng; đối với Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176) thì mức định lượng là giá trị tài sản làm căn cứ xử lý hình sự là từ 10.000.000 đồng. Có thể thấy, các tội danh này trong Bộ luật Hình sự được kế thừa nguyên vẹn quy định về mức định lượng là giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự từ Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Điều này cho thấy, quy định của Bộ luật Hình sự về mức định lượng làm căn cứ xử lý hình sự đối với những tội danh này là chưa theo kịp với sự tăng trưởng kinh tế - xã hội và chưa thực sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm qua, một số hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị 2.000.000 đồng chỉ nên coi là vi phạm hành chính.
2.1.2. Tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” tại cấu thành cơ bản của một số tội danh chưa phản ánh đúng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm
Bộ luật Hình sự có 62 điều luật quy định các tội danh với tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” tại cấu thành cơ bản của tội phạm. Tuy nhiên, có một số tội danh hoặc trong một số trường hợp mà Bộ luật Hình sự quy định xử lý hình sự đối với người có hành vi vi phạm chưa đến mức định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng do trước đó “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, chưa phản ánh đúng bản chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm và sự tương xứng giữa hành vi vi phạm và chế tài xử lý. Có thể dẫn chứng một số tội thuộc Chương “Các tội xâm phạm sở hữu” như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), Tội trộm cắp tài sản (Điều 173)…
Theo quy định tại các điều luật này thì mức định lượng là giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự là từ 2.000.000 đồng trở lên, tuy nhiên, nếu người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức định lượng này (dưới 2.000.000 đồng) và trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021/NĐ-CP), thì mức xử phạt hành chính chỉ là từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức (trộm cắp; công nhiên chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức; lừa đảo…) nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt đó dưới 2.000.000 đồng. Như vậy, có thể thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm này là tương đối thấp, trong khi nếu họ thực hiện hành vi vi phạm lần thứ 2 với giá trị tài sản chiếm đoạt vẫn dưới 2.000.000 đồng thì lại truy cứu trách nhiệm hình sự mà không tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt có thể là cao hơn để tăng tính răn đe, trong khi theo quy định tại Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính là “vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm”. Như vậy, pháp luật xử lý vi phạm hành chính chưa tận dụng hết các quy định của mình để xử lý hành vi vi phạm mà tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa cao, chưa đến mức phải xử lý hình sự.
Trong khoa học hình sự, tội phạm vẫn được hiểu là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Khi quy định một hành vi vi phạm là tội phạm hình sự thì cần xác định được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm đó, để bảo đảm sự tương xứng trong việc xử lý hình sự với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Trên thực tế, có những vi phạm pháp luật cũng chỉ được coi là vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác như hành chính, dân sự, kinh tế… mà không là tội phạm hình sự, bởi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó chưa đáng kể.
2.1.3. Quy định về cấu thành tội phạm của một số tội danh chưa thực sự rõ ràng, cụ thể
Có thể thấy, vẫn còn không ít các tội danh của Bộ luật Hình sự mà cấu thành tội phạm vẫn đang được quy định chung chung, chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, thậm chí có những điều luật quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả những hành vi chưa bảo đảm thỏa mãn các dấu hiệu tại cấu thành cơ bản của tội phạm. Điều này dẫn tới việc nhận thức, đánh giá về cấu thành tội phạm của những tội danh này chưa thống nhất và hệ quả tất yếu là việc áp dụng pháp luật trong những trường hợp này sẽ không đúng và thiếu chính xác, có thể dẫn tới việc hình sự hóa quan hệ hành chính, dân sự, làm oan người vô tội nếu không có văn bản hướng dẫn áp dụng. Cụ thể:
- Đối với một số tội danh thuộc Chương “Các tội xâm phạm sở hữu” hay Chương “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng”, Bộ luật Hình sự quy định tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại cấu thành cơ bản của một số tội quy định tại các điều 173, 174, 178, 318, 362.
- Đối với một số tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm an toàn giao thông, Bộ luật Hình sự quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông, dù hành vi vi phạm chưa thỏa mãn cấu thành cơ bản của tội phạm, nhưng thuộc trường hợp “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm… nếu không được ngăn chặn kịp thời” cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như Điều 260, Điều 261, Điều 267, Điều 268, Điều 272, Điều 273, Điều 278.
2.2. Chưa có sự phân định rạch ròi giữa pháp luật hình sự và pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Theo quy định của pháp luật thì chế tài hành chính được áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa đáng kể hoặc dù đáng kể nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, còn chế tài hình sự áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà mức độ nguy hiểm cho xã hội là đáng kể. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật hành chính và pháp luật hình sự hiện nay thì một số hành vi vi phạm pháp luật chưa có sự phân định rạch ròi trong chế tài xử lý, theo đó, cùng với hành vi vi phạm đó thì pháp luật hành chính cũng quy định chế tài xử phạt và pháp luật hình sự cũng quy định chế tài xử lý. Do đó, dẫn tới thực trạng là nhiều hành vi vi phạm pháp luật có thể áp dụng cùng lúc cả chế tài xử phạt hành chính và chế tài xử lý hình sự. Điều này gây không ít lúng túng cho các cơ quan chức năng khi có quan điểm cho rằng đã hành chính hóa quan hệ hình sự khi tiến hành xử phạt hành chính, nhưng nếu xử lý hình sự thì lại cho rằng đã hình sự hóa quan hệ hành chính.
3. Một số giải pháp phòng, tránh hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế và hành chính
3.1. Hoàn thiện quy định pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính
Thứ nhất, nghiên cứu loại bỏ các quy định là tội phạm đối với những hành vi không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Như đã phân tích ở phần trên, tại một số tội phạm thuộc Chương “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự quy định về mức định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự chưa thực sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự chưa thực sự phản ánh đúng tính chất, mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội, đáng bị xử lý hình sự. Chính vì thế, cần nghiên cứu loại bỏ quy định xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm mà mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa đáng kể đang được quy định trong Bộ luật Hình sự theo hướng:
- Tăng mức định lượng tối thiểu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm thuộc Chương “Các tội xâm phạm sở hữu” để phù hợp với sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Những hành vi phạm tội được quy định tại các tội danh nêu trên với mức định lượng tối thiểu như hiện nay sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
- Bỏ tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” tại một số tội danh thuộc Chương “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự trong trường hợp giá trị vi phạm dưới mức định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những trường hợp vi phạm này, có thể tiếp tục áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý hành vi vi phạm.
Thứ hai, sửa đổi các quy định tại cấu thành tội phạm bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, rõ ràng.
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội là cấu thành cơ bản của tội phạm đó, chính vì thế, cấu thành cơ bản của tội phạm cần phải hết sức rõ ràng, minh bạch, tránh quy định một cách mơ hồ, chung chung dẫn đến khó khăn và không thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng này đang tồn tại ở một số cấu thành cơ bản của một số tội danh trong Bộ luật Hình sự. Với quy định tại một số cấu thành cơ bản của một số tội danh, việc xác định hành vi vi phạm có phải là tội phạm hay không là vấn đề gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, như các tình tiết “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm… nếu không được ngăn chặn kịp thời” hay “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự”… Chính vì thế, cần nghiên cứu để quy định các tình tiết tại cấu thành cơ bản của tội phạm một cách rõ ràng, cụ thể và minh bạch, bảo đảm việc vận dụng pháp luật thống nhất và đồng bộ.
Thứ ba, quy định rạch ròi giữa hành vi vi phạm hành chính và tội phạm hình sự.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hình sự hóa các vi phạm hành chính là do sự chồng chéo, trùng lặp giữa hệ thống pháp luật hình sự và pháp luật hành chính. Như phân tích ở phần trên, có những hành vi vi phạm mà cùng một hành vi đó, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính cũng đúng mà áp dụng chế tài hình sự để xử lý cũng không sai. Điều này dẫn tới sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong áp dụng pháp luật, sự bất bình đẳng trong thực tiễn cuộc sống và sự bất an trong nhận thức pháp luật của người dân. Chính vì thế, việc nghiên cứu để quy định rạch ròi giữa các hành vi vi phạm hành chính và các hành vi phạm tội là hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần quan trọng và thiết thực vào việc phòng, tránh hình sự hóa các vi phạm dân sự và ngược lại.
3.2. Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành
Điều 3 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 quy định về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn áp dụng thống nhất các điều, khoản, điểm trong Bộ luật Hình sự. Đến thời điểm hiện nay, nhiều quy định của Bộ luật Hình sự đã có văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành, song vẫn còn nhiều quy định của Bộ luật Hình sự chưa có văn bản hướng dẫn, như quy định về một số tội phạm trong lĩnh vực sở hữu; trật tự quản lý kinh tế; an toàn giao thông; trật tự quản lý hành chính… Vì thế, việc kịp thời có văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự là rất cần thiết, bảo đảm việc nhận thức và áp dụng pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất, tránh việc tùy tiện cũng như khả năng hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, dân sự hoặc hành chính.
TS. Lê Thị Vân Anh
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)