1. Sự thăng trầm của vật quyền trong pháp luật Liên bang Nga từ sau Cách mạng Tháng Mười đến nay
1.1. Vật quyền trong Bộ luật Dân sự năm 1922
Nền móng pháp lý đầu tiên của pháp luật dân sự Cộng hòa Liên bang (CHLB) Nga nói riêng và Liên Xô nói chung là Bộ luật Dân sự năm 1922. Bộ luật này được ban hành ngày 31/10/1922 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1923, bao gồm 04 phần. Qua nghiên cứu Bộ luật Dân sự năm 1922 cho thấy:
- Bộ luật đã dành hẳn một phần (Phần thứ hai) để quy định về vật quyền, bao gồm quyền sở hữu, quyền xây dựng trên đất người khác và quyền cầm cố. Có thể thấy, vật quyền được đánh giá cao nên đã được đặt tại Phần thứ hai chỉ sau Phần thứ nhất là Phần chung.
- Các loại vật quyền được quy định còn đơn giản, chỉ bao gồm ba loại là quyền sở hữu và hai loại vật quyền hạn chế là quyền xây dựng trên đất người khác và quyền cầm cố. Các hình thức vật quyền khác như địa địch, quyền hưởng dụng… chưa được công nhận như một loại vật quyền hạn chế ở nước Nga thời bấy giờ.
1.2. Vật quyền trong pháp luật dân sự thời kỳ Xô viết giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1991
Sau 40 năm tồn tại, cùng với nhiều sự thay đổi trong chế độ chính trị, kinh tế và xã hội của Nhà nước Xô viết mà nền tảng là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp đã xuất hiện quan điểm không có cơ sở nào để công nhận vật quyền với tư cách là một trong các bộ phận của pháp luật dân sự[1]. Đây là lý do giải thích tại sao vật quyền không được quy định trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự của Nhà nước Xô viết năm 1961 và tiếp sau đó là trong Bộ luật Dân sự của các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết (đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 1964). Các văn bản pháp luật này ngoài quyền sở hữu thì chỉ công nhận một loại vật quyền hạn chế là quyền quản lý linh hoạt tài sản[2]. Đối với “quyền quản lý linh hoạt”, trong một thời gian dài vẫn được coi là vật quyền hạn chế duy nhất được công nhận ở Liên Xô. Khái niệm “quyền quản lý linh hoạt” lần đầu tiên được đề xuất và chứng minh một cách khoa học bởi Viện sĩ A.V.Venediktov[3]. Luận điểm cơ bản trong học thuyết của A.V.Venediktov là “Nhà nước thống nhất toàn bộ quyền lực nhà nước với tất cả quyền năng của chủ sở hữu và không một cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế nào được coi là chủ thể có quyền sở hữu đối với một đối tượng nào thuộc quyền sở hữu nhà nước, không phụ thuộc vào tính chất của đối tượng”[4], do vậy, “quyền quản lý linh hoạt” được công nhận hợp pháp ở giai đoạn này.
Với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường từ cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ XX, phạm vi chủ thể “quyền quản lý linh hoạt” đã thu hẹp đáng kể. Sự hình thành các quan hệ thị trường mới ở Liên bang Nga không thể không được phản ánh trong chế định vật quyền như là chế định cơ bản của luật dân sự. Cách tiếp cận quan niệm về vật quyền, về nội dung của nó, về các loại vật quyền có một số khác biệt. Luật Liên bang Xô viết ngày 24/12/1990 về sở hữu trong Liên bang Xô viết[5] (Điều 5, Điều 6) đã khôi phục khái niệm vật quyền trong pháp luật Nga và tiếp đó, phần riêng “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” xuất hiện trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Liên bang Xô viết năm 1991.
1.3. Vật quyền trong Bộ luật Dân sự hiện hành của CHLB Nga giai đoạn từ năm 1994 đến nay
Sự phát triển của nước Nga về kinh tế, chính trị, xã hội trong giai đoạn mới đã buộc phải cải cách pháp luật nói chung và pháp luật dân sự nói riêng. Trong quá trình cải cách của Bộ luật Dân sự, Sắc lệnh số 1108 của Tổng thống ngày 18/7/2008 yêu cầu thành lập một “Hệ thống hoàn chỉnh các vật quyền có thể đáp ứng nhu cầu của người tham gia vào lưu thông dân sự cũng như dựa trên chế độ sử dụng tài sản của người khác trên cơ sở vật quyền (ổn định và được bảo vệ tối đa)”. Những đổi mới được xem xét chủ yếu bởi cải cách này tại Phần II của Bộ luật Dân sự cũng dựa trên sự cần thiết phải bổ sung tiểu mục về quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu và việc lập ra một số quy định chung về vật quyền. Đổi lại, việc áp dụng các biện pháp này bao hàm một cuộc cải cách nghiêm túc về pháp luật đất đai, kể cả thông qua việc loại bỏ các quy phạm không thuần nhất trong Bộ luật Đất đai về quyền dân sự (vật quyền). Kết quả là đã hình thành một hệ thống vật quyền tương đối đầy đủ, phù hợp với trình độ và đặc thù phát triển kinh tế - xã hội của nước Nga hiện nay. Pháp luật về vật quyền hiện đại của CHLB Nga có một số đặc trưng sau:
- Thừa nhận sở hữu tư nhân, kể cả đối với đất đai; bỏ hình thức sở hữu tập thể (sở hữu của các nông trang tập thể), bỏ khái niệm sở hữu toàn dân và thay thế bằng sở hữu nhà nước.
- Khôi phục chế định vật quyền (quyền sở hữu và các vật quyền hạn chế được đưa vào Bộ luật Dân sự là một phần quan trọng của pháp luật dân sự).
- Thiết lập một hệ thống các vật quyền hạn chế phù hợp với trình độ và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của nước Nga trong thời hiện đại mới.
2. Hệ thống vật quyền ở Liên bang Nga hiện nay
2.1. Đặc điểm của quyền sở hữu với tư cách là vật quyền trung tâm trong hệ thống vật quyền ở Liên bang Nga
Sở hữu luôn được coi là nền tảng kinh tế của bất cứ kinh tế nào. Vì vậy, trong những năm qua, vấn đề sở hữu luôn được pháp luật CHLB Nga dành sự quan tâm đặc biệt. Trong các nguồn của pháp luật về sở hữu thì Hiến pháp và Bộ luật Dân sự giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Chế định quyền sở hữu ở CHLB Nga có những điểm đặc thù như:
- Pháp luật đã ghi nhận sự đa dạng của các hình thức sở hữu và ghi nhận đầy đủ các cơ chế pháp lý để bảo vệ một cách có hiệu quả quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân. Cũng giống như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự đã công nhận ngoài hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu của chính quyền địa phương còn có cả các hình thức sở hữu khác như sở hữu của tư nhân (sở hữu của cá nhân, pháp nhân), sở hữu chung và các hình thức sỡ hữu khác (Điều 8 Hiến pháp, Điều 212 Bộ luật Dân sự).
- Khác với trước đây, ngày nay, CHLB Nga đã thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai và các loại tài nguyên khoáng sản quý hiếm khác. Trong đó, đặt sở hữu tư nhân lên trước các hình thức sở hữu khác kể cả sở hữu nhà nước. Cụ thể, khoản 2 Điều 9 Hiến pháp quy định: “Đất đai và các tài nguyên khoáng sản thiên nhiên khác có thể thuộc sở hữu tư nhân, sở hữu của các cơ quan chính quyền địa phương và các hình thức sở hữu khác”.
- Ghi nhận nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ sở hữu. Cụ thể, khoản 4 Điều 212 Bộ luật Dân sự quy định: “Quyền của tất cả chủ sở hữu đều được bảo vệ như nhau”. Quy định này của Bộ luật Dân sự được phát triển trên cơ sở Điều 8 Hiến pháp, theo đó, “ở CHLB Nga, sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước, sở hữu của các cơ quan chính quyền địa phương và các hình thức sở hữu khác đều được công nhận và bảo vệ như nhau”.
- Bộ luật Dân sự sử dụng khái niệm “vật quyền”. Tại Mục 2 Phần thứ nhất có tiêu đề là “Quyền sở hữu và các loại vật quyền khác’’. Ngoài quyền sở hữu với tư cách là loại vật quyền chủ đạo, trung tâm, Bộ luật Dân sự Nga lần đầu tiên đã ghi nhận thêm các loại vật quyền khác đã và đang tồn tại một cách khách quan trong nền kinh tế nước Nga. Đây là điểm mới trong chế định vật quyền, góp phần làm phong phú thêm chế định vật quyền, đồng thời làm cho pháp luật về vật quyền của Nga trở nên tương đồng với pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Cụ thể là: (i) Đưa ra định nghĩa thế nào là “vật quyền”: Vật quyền là quyền bảo đảm cho người có quyền đáp ứng các nhu cầu lợi ích của mình bằng việc trực tiếp tác động lên vật thuộc quyền quản lý của mình; (ii) Ghi nhận các loại vật quyền khác ngoài quyền sở hữu: Quyền địa dịch (Điều 274 đến Điều 277); quyền sử dụng đất vô thời hạn (Điều 268); quyền khai thác kinh tế đối với tài sản (Điều 294) mà thực chất là quyền của doanh nghiệp nhà nước đối với tài sản được Nhà nước giao; quyền quản lý nghiệp vụ đối với tài sản (Điều 296) mà thực chất là quyền của các cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản được Nhà nước giao.
- Bộ luật Dân sự quy định đầy đủ các phương tiện bảo vệ quyền sở hữu, trong đó đặc biệt là nguyên tắc không ai có thể bị tước đoạt quyền đối với tài sản của mình ngoài quyết định (phán quyết) của Tòa án (Điều 25 Hiến pháp; Điều 12 Bộ luật Dân sự quy định về “các phương thức bảo vệ quyền dân sự”). Trong đó, Bộ luật Dân sự quy định về tính ưu tiên trong việc sử dụng phương thức Tòa án để bảo vệ quyền dân sự so với phương thức hành chính.
2.2. Các loại vật quyền hạn chế trong pháp luật Liên bang Nga hiện nay
Hiện nay, ở Nga vẫn đang tồn tại nhiều tranh luận vật quyền hạn chế trong đó điển hình là tranh luận về các vật quyền bảo đảm[6]. Nhìn chung, các loại vật quyền hạn chế được thừa nhận một cách chính thức ở CHLB Nga bao gồm:
Thứ nhất, vật quyền hạn chế đối với việc sử dụng các thửa đất, gồm có:
- Quyền sử dụng hạn chế đất đai của người khác (quyền địa dịch). Theo quy định tại khoản 1 Điều 274 Bộ luật Dân sự và khoản 1 Điều 23 Bộ luật Đất đai thì quyền sử dụng hạn chế có thể được hình thành để bảo đảm sự đi qua và lối qua lại mảnh đất liền kề, công trình xây dựng, các công trình xây dựng lại và (hoặc) việc khai thác các công trình tuyến tính mà không làm cản trở việc sử dụng đất theo đúng quyền sử dụng được cho phép cũng như những nhu cầu khác của chủ sở hữu bất động sản, mà những nhu cầu này không thể được bảo đảm nếu không có sự hình thành của quyền sử dụng hạn chế đất đai của người khác.
- Quyền chiếm hữu được thừa kế suốt đời và quyền sử dụng đất vô thời hạn. Bộ luật Đất đai ban đầu loại trừ sự xuất hiện các quyền mới như chiếm hữu được thừa kế suốt đời và sử dụng đất vĩnh viễn kể từ thời điểm nó có hiệu lực ngày 30/10/2001 và sau đó từ ngày 01/3/2015), Điều 20 và Điều 21 thiết lập chế độ của những vật quyền này cũng bị loại bỏ khỏi Bộ luật. Tuy nhiên, trong khoản 1 Điều 3 của Luật về áp dụng hiệu lực của Bộ luật Đất đai đã quy định, quyền sử dụng vĩnh viễn và chiếm hữu được thừa kế suốt đời phát sinh trước khi Bộ luật Đất đai có hiệu lực vẫn được giữ lại[7]. Về nội dung của hai quyền này đều giống nhau, chỉ khác nhau trong thành phần chính của chủ thể. Chúng trao cho các chủ thể của mình khả năng chiếm hữu và sử dụng đất đai thuộc sở hữu công cộng trong phạm vi pháp luật quy định về giao đất, trong đó bao gồm khả năng xây dựng trên đất các tòa nhà, công trình kiến trúc và các công trình bất động sản khác (quyền xây dựng).
Thứ hai, quyền quản lý kinh doanh và quản lý nghiệp vụ. Quyền này được quy định trong khoản 1 Điều 216 Bộ luật Dân sự là vật quyền hạn chế, nó đặc trưng cho tính biệt lập về tài sản của các doanh nghiệp và các tổ chức đơn nhất - các loại pháp nhân duy nhất không phải là chủ sở hữu tài sản của mình. Đối tượng của quyền không phải là bất động sản thông thường mà là tổ hợp tài sản bao gồm cả những loại tài sản khác nhau cho đến quyền sở hữu trí tuệ đối với kí hiệu thương mại và tên gọi của công ty, điều này trực tiếp mâu thuẫn với nguyên tắc vật quyền (theo đó, đối tượng của vật quyền chỉ có thể là những vật cá biệt xác định). Nội dung của quyền quản lý kinh tế và quản lý linh hoạt được xác định không chỉ bằng pháp luật mà còn bởi quy chế của pháp nhân cụ thể.
Thứ ba, vật quyền hạn chế đối với việc sử dụng nhà ở. Vật quyền đối với việc sử dụng nhà ở được quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự và Điều 31 Bộ luật Nhà ở. Vật quyền hạn chế đối với việc sử dụng nhà ở bao gồm hai trường hợp cụ thể: (i) Quyền của các thành viên gia đình của chủ sở hữu nhà ở (phạm vi thành viên gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 31 Bộ luật Nhà ở được sử dụng nhà ở này trong các điều kiện được pháp luật về nhà ở quy định (Khoản 1 Điều 292 của Bộ luật Dân sự), mà không phải ý muốn của chủ sở hữu nhà ở (ví dụ, nhờ hợp đồng ký kết với chủ sở hữu); (ii) Quyền đối với các khu nhà ở - một tòa nhà chung cư, một phần của nó, căn hộ, phòng (cũng như các lô đất ở, biệt thự…) được tạo ra từ các công dân hoặc trên cơ sở hợp đồng bán bất động sản với điều kiện bảo trì suốt đời với phụ thuộc (khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự, Điều 34 Bộ luật Nhà ở), hoặc nhờ vào việc từ chối di chúc (khoản 2 Điều 1137 Bộ luật Dân sự, Điều 33 Bộ luật Nhà ở).
Thứ tư, quyền ưu tiên mua bất động sản. Quyền này cho phép người mua quyền tài sản (được coi là bất động sản) khả năng sử dụng nó theo một cách nhất định và thậm chí định đoạt nó vì lợi ích riêng của mình, mặc dù anh ta chưa trở thành chủ sở hữu. Trong trường hợp này, chủ sở hữu cũ (người bán) giữ lại cho mình quyền sở hữu hạn chế trong việc thực hiện quyền sở hữu bắt nguồn từ quy tắc chung tại khoản 1 Điều 551 Bộ luật Dân sự.
3. Bài học cho Việt Nam qua việc nghiên cứu pháp luật kinh tế nói chung và pháp luật về vật quyền nói riêng của Nga
Một là, muốn xây dựng một hệ thống pháp luật kinh tế đủ về mặt số lượng văn bản và đúng về mặt nội dung để xử lý một cách kịp thời, chính xác các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh thì công việc trước hết mà người Nga đã làm là xác định rõ tính chất và mục tiêu của nền kinh tế mà nước Nga muốn xây dựng. Đây là điều dễ hiểu vì tính chất và mục đích của nền kinh tế sẽ quyết định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đến lượt mình, chính sách này lại quyết định nội dung cụ thể của cả hệ thông pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng. Khoản 1 Điều 1 Hiến pháp CHLB Nga quy định: “Liên Bang Nga là một Nhà nước liên bang, pháp quyền, dân chủ”. Khoản 1 Điều 7 Hiến pháp này cũng ghi nhận: “Liên Bang Nga là một nhà nước xã hội, chính sách của nó là nhằm xây dựng các điều kiện để đảm bảo cho mọi người một cuộc sống hạnh phúc và tự do phát triển”. Từ Hiến pháp và các quy định khác của pháp luật cho thấy, nền kinh tế của Liên bang Nga là một nền kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội (kinh tế thị trường - xã hội). Tính chất này đã làm cho chính sách, pháp luật kinh tế của CHLB Nga khác với nhiều nước có nền kinh tế thị trường thuần túy, đặc biệt là nền kinh tế thị trường tự do như Mỹ. Bài học này là rất đáng được quan tâm đối với Việt Nam. Vì vậy, việc Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 xác định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hai là, trong pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng của CHLB Nga đã không chấp nhận cái gọi là tự do tuyệt đối trong mọi lĩnh vực hoạt động, kể cả trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong Hiến pháp CHLB Nga, khoản 1 Điều 8 đã quy định về việc Nhà nước bảo đảm tự do hoạt động kinh tế. Trong Bộ luật Dân sự và các đạo luật khác của CHLB Nga đều ghi nhận nguyên tắc này của Hiến pháp, đồng thời đã ghi nhận các điều kiện, cơ chế để góp phần thực hiện nguyên tắc này trong thực tiễn. Tuy nhiên, cả trong Hiến pháp và trong các đạo luật khác của CHLB Nga không ở đâu ghi nhận tư tưởng về tự do tuyệt đối. Mọi quyền và tự do ở CHLB Nga đều có giới hạn nhưng điều đặc biệt là mọi sự giới hạn đó đều phải được luật quy định thì mới có hiệu lực. Cụ thể, khoản 3 Điều 17 Hiến pháp CHLB Nga quy định: “Việc thực hiện các quyền và tự do của công dân và con người không được vi phạm quyền và tự do của người khác”.
Ba là, về các hình thức sở hữu, theo pháp luật của CHLB Nga thì sở hữu nhà nước có hai loại là sở hữu của Nhà nước Liên bang và sở hữu của các chủ thể CHLB Nga. Ngoài sở hữu nhà nước dưới hai dạng thì ở CHLB Nga còn có sở hữu của các cơ quan tự quản địa phương (Điều 215 Bộ luật Dân sự). Sở hữu của các cơ quan này không được coi là một loại của sở hữu nhà nước mà được coi là một hình thức sở hữu độc lập. Hình thức sở hữu này được pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Dân sự quy định một cách đầy đủ, có quy chế pháp lý riêng và do những cơ quan tự quản nhất định ở địa phương thực hiện. Như vậy, theo pháp luật CHLB Nga, quyền sở hữu nhà nước rộng hơn Việt Nam ở chỗ: (i) Có hai hình thức sở hữu nhà nước là sở hữu của Nhà nước Liên bang và sở hữu của các chủ thể nhà nước liên bang; (ii) Bên cạnh sở hữu nhà nước còn có sở hữu của các cơ quan tự quản địa phương (Điều 215 Bộ luật Dân sự); trong khi đó, ở Việt Nam, chỉ có một loại hình thức sở hữu duy nhất là sở hữu nhà nước, không có sở hữu của các cơ quan chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đây là vấn đề rất quan trọng mà khoa học pháp lý còn mắc nợ với thực tiễn. Chính vì không công nhận quyền sở hữu tài sản cho các cơ quan này mà trong suốt thời gian vừa qua, tài sản quốc gia đã không được phân định một cách rạnh ròi giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, dẫn đến sự thất thoát, sử dụng không tiết kiệm, hợp lý; ngoài ra, còn phát sinh không ít tranh chấp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các cơ quan địa phương với nhau.
Bốn là, trong xây dựng pháp luật kinh tế, cần mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng và thế chế hóa các tư tưởng, quan điểm tiến bộ của các nước đi trước; không được bảo thủ, định kiến vì kiến thức khoa học nói chung và khoa học pháp lý nói riêng không phải là sản phẩm của riêng ai mà là sản phẩm trí tuệ chung của loài người và nước nào thấy phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế xã hội của mình thì đều có quyền nghiên cứu, áp dụng. Ví dụ: Trước năm 1995, pháp luật dân sự của CHLB Nga thời Xô viết không sử dụng khái niệm vật quyền. Ngày nay, Bộ luật Dân sự đã sử dụng thuật ngữ này. Cụ thể là, Mục 2 Phần thứ nhất của Bộ luật Dân sự đã có tên mới là “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế này dù có đặc thù đến mấy thì cũng không thể không có nhiều điểm giống với các nền kinh tế thị trường xã hội mà Nga là một ví dụ. Do đó, Việt Nam đã có thêm nhiều cơ sở để xây dựng Phần thứ hai của Bộ luật Dân sự theo hướng mạnh dạn áp dụng các lý thuyết vật quyền và đổi tên là “Quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản” trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Năm là, từ việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của hệ thống vật quyền ở CHLB Nga cho thấy, số lượng vật quyền không thể được quy định một cách cứng nhắc, tùy tiện mà luôn được xác định căn cứ vào tình hình và đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Đây là bài học mà Việt Nam cần nắm bắt để tránh được xu hướng tùy tiện sao chép các hình thức vật quyền nói riêng ở các nước khác nhau là rất khác nhau. Ngoài các đặc điểm chung, pháp luật các nước luôn có quy định đặc thù để thể hiện đặc thù trong đời sống kinh tế - xã hội của từng nước trong từng giai đoạn phát triển cụ thể.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp
Nguyễn Thành Luân
Đoàn 871, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng