1. Khái niệm về thời hiệu và thời hiệu thừa kế
Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định thời hiệu là thời hạn nhưng khác về căn cứ pháp lý của thời hạn: Thời hiệu là thời hạn do “luật” quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định (khoản 1 Điều 149). Với thay đổi này, chúng ta có thể hiểu thời hiệu chỉ do văn bản luật quy định (Hiến pháp, bộ luật, luật), mà không thể do văn bản dưới luật quy định (nghị định, thông tư...).
Điểm mới tiếp theo trong quy định về thời hiệu của Bộ luật Dân sự năm 2015 đó là Tòa án chỉ có thể áp dụng thời hiệu nếu một hoặc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu và yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc (khoản 2 Điều 149). Nghĩa là, mặc dù đã hết thời hiệu, nhưng không có bên nào yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án vẫn phải giải quyết vụ, việc dân sự theo quy định của pháp luật. Nếu sau khi có bản án, quyết định sơ thẩm, có đương sự/người yêu cầu kháng cáo thì lúc này, các đương sự/người yêu cầu không có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu. Ngoài ra, người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu cũng có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ (khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015)[1]. Ví dụ: Khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, người thừa kế đang quản lý di sản có thể được xác lập quyền sở hữu đối với di sản, nhưng người này có quyền từ chối không xác lập quyền sở hữu đối với di sản, trừ trường hợp không có người thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại thì người này không được quyền từ chối xác lập quyền sở hữu đối với di sản.
Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 cũng như Bộ luật Dân sự qua các thời kỳ không có khái niệm về thời hiệu thừa kế. Căn cứ khái niệm về thời hiệu (khoản 1 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015) và quy định về thời hiệu thừa kế (Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015), tác giả đưa ra khái niệm về thời hiệu thừa kế như sau: Thời hiệu thừa kế là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được xác lập quyền sở hữu đối với di sản, được miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại hoặc mất quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác, yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại.
2. Các loại thời hiệu thừa kế
2.1. Thời hiệu yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác, yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại
Quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã tồn tại bất cập là có nhiều tài sản thừa kế bị tranh chấp nhưng do hết thời hiệu khởi kiện nên người thừa kế tài sản không thể đăng ký quyền sở hữu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do người thừa kế không nắm rõ các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện; do xuất phát từ tình cảm gia đình, truyền thống của dân tộc Việt Nam mà khi ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người thân thích khác chết, những người còn sống thường chưa yêu cầu chia di sản thừa kế ngay mà thời gian sau đó mới tiến hành phân chia.
Để khắc phục bất cập trên, Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 623) đã có sửa đổi tăng thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đối với bất động sản từ 10 năm lên 30 năm. Điều này vừa phù hợp với phong tục, truyền thống của người Việt Nam, vừa phù hợp với thời hiệu xác lập quyền sở hữu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản là động sản hoặc bất động sản (Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015). Quy định này tạo cơ hội cho người thừa kế có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản trong thời hạn dài hơn. Tuy nhiên, nó lại có điểm hạn chế đó là nếu một trong các bên hoặc các bên khi khởi kiện có yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thì sẽ phát sinh những vướng mắc sau đây:
- Trước khi xác định thời hiệu thừa kế còn hay không thì Tòa án phải xác định di sản là động sản hoặc bất động sản. Vậy ai sẽ là người có quyền xác định loại tài sản này: Thẩm phán thụ lý vụ việc, thẩm phán giải quyết vụ việc hay hội đồng xét xử? Việc xác định di sản là động sản hoặc bất động sản được ghi nhận như thế nào trong văn bản của Tòa án? Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa có quy định này.
- Nếu Tòa án đã xác định di sản là động sản hoặc bất động sản mà đương sự không đồng ý thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định lại loại di sản trong cùng vụ án hoặc khởi kiện/yêu cầu khác để xác định trước khi giải quyết vụ án về thừa kế không? Theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc xác định di sản là động sản hoặc bất động sản không là “những tranh chấp về dân sự”, “những yêu cầu về dân sự” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Điều này có thể dẫn đến sự “tùy nghi” trong việc xác định loại di sản của Tòa án.
2.2. Thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với di sản
So với Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 bỏ cụm từ “khởi kiện” tại tiêu đề và trong nội dung điều luật, vì nội dung của Điều 623 không chỉ đề cập đến thời hiệu khởi kiện, mà còn đề cập đến thời hiệu xác lập quyền sở hữu đối với di sản của người chết để lại, theo đó, sau khi hết thời hạn 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế mà những người thừa kế không phân chia di sản thì việc xác lập quyền sở hữu đối với di sản được giải quyết như sau: Di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản; trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015; trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản và không có người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản thuộc về Nhà nước. Như vậy, có một số vấn đề được đặt ra:
Thứ nhất, sau khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, người thừa kế mất quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản vì hai lý do: (i) Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện (khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015); (ii) “Di sản hết thời hiệu” không được xác định là tài sản của người chết mà là tài sản của người được xác lập quyền sở hữu theo quy định trên, lúc này, nếu có tranh chấp, chỉ có thể khởi kiện “đòi tài sản” của người chết để lại. Việc “mất quyền khởi kiện” của người thừa kế không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo quy định tại các khoản này thì Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc, nghĩa là một trong các bên hoặc các bên có yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thì Tòa án mới được áp dụng; trong trường hợp không bên nào yêu cầu thì Tòa án vẫn phải giải quyết chia di sản cho những người thừa kế. Nhưng với quy định tại khoản 1 Điều 623 đã làm “mất quyền thừa kế” của những người thừa kế.
Thứ hai, sau khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, di sản “thuộc” về người thừa kế đang quản lý di sản. Quy định này đã đưa ra hướng giải quyết cho di sản hết thời hiệu nhưng không triệt để. Nếu cho rằng “thuộc” ở đây là “thuộc quyền sở hữu” của người thừa kế đang quản lý di sản, tức là những người thừa kế khác mất quyền thừa kế, thì sẽ mâu thuẫn với khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và mâu thuẫn với chính điều luật này ở chỗ: Trong trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì điều luật lại chỉ rõ “thuộc quyền sở hữu” của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015; đồng thời trái với khoản 2 Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015 vì “việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền”. Tác giả thống nhất với quan điểm của một chuyên gia khi chia quy định này thành hai trường hợp, trong đó, nếu “người thừa kế đang quản lý di sản đáp ứng đủ điều kiện của thời hiệu hưởng quyền thì trở thành chủ sở hữu tài sản... Cụ thể, theo Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015...”[2]. Nghĩa là, người thừa kế phải là người đang chiếm hữu di sản một cách “ngay tình, liên tục, công khai” trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản mới trở thành chủ sở hữu tài sản đó. Người thừa kế “chiếm hữu liên tục” được hiểu là người thừa kế thực hiện việc chiếm hữu trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu. Người thừa kế “chiếm hữu công khai” được hiểu là người thừa kế thực hiện việc chiếm hữu một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người thừa kế bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình. Người thừa kế “chiếm hữu ngay tình” được hiểu là người thừa kế không biết hoặc không có căn cứ để biết còn có người thừa kế khác ngoài họ. Nếu họ biết còn có người thừa kế khác thì không được xác định là “ngay tình”. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao có cách giải thích khác về người thừa kế đang quản lý di sản: “Người thừa kế đang quản lý di sản phải được hiểu là người thừa kế đang chiếm hữu và sử dụng di sản hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự”[3]. Thuật ngữ “chiếm hữu hợp pháp” không được nhắc đến trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, hiểu như thế nào là “chiếm hữu hợp pháp”? Tác giả thống nhất quan điểm khi cho rằng “chiếm hữu hợp pháp” là “chiếm hữu có căn cứ pháp luật”, mà khi đã hết thời hiệu thừa kế, những người thừa kế không phân chia di sản thì lúc này, họ không được xác định là người “chiếm hữu có căn cứ pháp luật” theo Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về “người thừa kế đang quản lý di sản” cần được xem xét lại.
Ngược lại, người thừa kế không thuộc trường hợp trên thì không thể trở thành chủ sở hữu tài sản nhưng họ vẫn có thể tiếp tục “quản lý” di sản đó[4].
Thứ ba, pháp luật thừa nhận việc xác lập quyền sở hữu đối với di sản hết thời hiệu thừa kế nhưng không rõ ràng, cụ thể trong các trường hợp sau đây:
- Khi có nhiều người thừa kế cùng quản lý di sản thì việc xác lập quyền sở hữu sẽ như thế nào? Theo tác giả, nếu xác định được phần di sản mà mỗi người thừa kế quản lý thì người thừa kế sẽ xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản mà mình quản lý, nếu những người thừa kế cùng quản lý di sản thì xác lập quyền sở hữu chung cho những người thừa kế5. Những người thừa kế có quyền yêu cầu chia tài sản chung theo quy định của pháp luật.
- Khi có người thừa kế, người chiếm hữu theo Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015, mỗi người đang quản lý một phần di sản hoặc cùng quản lý di sản thì giải quyết như thế nào? Theo tác giả, đối với phần di sản mà người thừa kế đang quản lý thì xác lập quyền sở hữu cho người thừa kế, phần di sản mà người đang chiếm hữu theo Điều 236 quản lý thì xác lập quyền sở hữu cho họ; phần di sản mà những người này cùng quản lý thì xác lập quyền sở hữu chung cho họ và họ có quyền yêu cầu chia tài sản chung theo quy định của pháp luật.
- Khi có sự kế tiếp về thời gian của những người thừa kế quản lý di sản và người sau cùng đang quản lý di sản có thời gian quản lý ít nhất thì có được xác lập quyền sở hữu đối với di sản không? Theo tác giả, luật quy định “di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản” nên tại thời điểm hết thời hiệu yêu cầu chia di sản, người thừa kế nào đang quản lý di sản (dù thời gian quản lý dài hay ngắn) sẽ được xác lập quyền sở hữu đối với di sản (ở đây, những người thừa kế đang quản lý di sản được hiểu là đều đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015).
3. Áp dụng thời hiệu thừa kế cho các trường hợp mở thừa kế trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật
Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, tức là bắt đầu từ ngày 01/01/2017 mà người có tài sản chết thì sẽ áp dụng thời hiệu thừa kế theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015[6]. Trường hợp người có tài sản chết trước ngày 01/01/2017 thì có áp dụng quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 không? Để làm rõ vấn đề này, chúng ta xem xét các quy định khác có liên quan trong Bộ luật Dân sự năm 2015, cũng như hướng dẫn của Tòa án.
Theo điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015, đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực (ngày 01/01/2017) thì thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này. Điều này được hiểu là thừa kế theo di chúc áp dụng thời hiệu tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 vì đây là hành vi pháp lý đơn phương. Vấn đề tiếp theo cần xác định là thừa kế theo pháp luật có là giao dịch dân sự không? Theo Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Công chứng năm 2014 thì thừa kế theo di chúc cũng được xác định là một trong các giao dịch dân sự. Ngoài ra, khi di sản chia theo pháp luật, những người thừa kế phải “thỏa thuận phân chia di sản” hoặc “thỏa thuận chưa phân chia di sản” (khai nhận di sản), mà “thỏa thuận” ở đây chính là “hợp đồng” hoặc nếu chỉ có duy nhất một người thừa kế thì người này sẽ làm “văn bản khai nhận di sản thừa kế”, chính là hành vi pháp lý đơn phương theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tóm lại, kể từ ngày 01/01/2017, thời hiệu thừa kế theo Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 được áp dụng cho các tranh chấp liên quan tại Tòa án, áp dụng để xác lập quyền sở hữu đối với di sản hết thời hiệu mà không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế. Cách hiểu này cũng phù hợp với hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao: “…Như vậy, kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017…”[7]. Tuy nhiên, cần lưu ý thời hiệu này chỉ được xem xét khi một bên hoặc các bên có yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thời hiệu.
Đối với những vụ án tranh chấp về thừa kế/chia tài sản chung là di sản đã hết thời hiệu thừa kế trước ngày 01/01/2017 mà Tòa án đã có thông báo trả đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết”/“chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung” theo Bộ luật Dân sự năm 2005/Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, nhưng đến ngày 01/01/2017, thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn theo Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người thừa kế có quyền khởi kiện lại vụ án trên[8].
Khoản 2 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”. Với quy định này, chúng ta có thể hiểu, nếu vụ án tranh chấp về thừa kế/chia tài sản chung là di sản đã hết thời hiệu thừa kế mới được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm trước ngày 01/01/2017 (bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật), thì người thừa kế có quyền kháng cáo trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, nếu vụ án tranh chấp về thừa kế đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/01/2017 thì người thừa kế không có quyền khởi kiện lại vụ án tranh chấp về thừa kế/chia tài sản chung là di sản đã hết thời hiệu thừa kế[9].
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quy định liên quan đến “di chúc chung của vợ chồng”. Vậy khi có tranh chấp yêu cầu chia di sản giữa những người thừa kế theo di chúc, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và người có quyền về tài sản liên quan đến di sản theo di chúc chung của vợ chồng thì sẽ áp dụng thời hiệu như thế nào? Trường hợp này vẫn sẽ áp dụng Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về “thời điểm mở thừa kế” khi có di chúc chung của vợ chồng vì Bộ luật Dân sự năm 2005 còn bất cập ở quy định này. Một bên vợ (hoặc chồng) chết trước thì thời hiệu thừa kế liên quan đến di sản của người chết trước sẽ hết thời hiệu trước (vì thời hiệu được tính từ thời điểm mở thừa kế - là thời điểm người có tài sản chết hoặc ngày được xác định trong quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án) và ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế theo di chúc, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, cũng như ảnh hưởng đến người có quyền về tài sản liên quan đến di sản theo di chúc chung của vợ chồng. Do đó, áp dụng thời hiệu thừa kế đối với trường hợp có di chúc chung của vợ chồng cần được thống nhất cách hiểu là thời hiệu được tính “kể từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.
Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời đã giải quyết được những bất cập về thời hiệu thừa kế, vốn là một trong những “điểm nghẽn” trong việc hưởng quyền dân sự của cá nhân. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đưa ra quy định mới về thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đối với di sản là bất động sản, đồng thời đưa ra phương án giải quyết hậu quả đối với di sản đã hết thời hiệu thừa kế. Tuy nhiên, như phân tích của tác giả, Điều 623 của Bộ luật này vẫn còn một số nội dung cần được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn để cơ quan, tổ chức, cá nhân thống nhất thực hiện.
Đại học Thủ Dầu Một
[1]. Phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2]. Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2017, tr. 537.
[3]. Mục 3.2 Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/6/2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự.
[4]. Trong hai quyết định giám đốc thẩm (Quyết định số 224/2010/DS-GĐT ngày 25/5/2010 và Quyết định số 395/2011/DS-GĐT ngày 24/5/2011), Tòa dân sự - Tòa án nhân dân tối cao theo hướng người thừa kế đang quản lý di sản tiếp tục được giao quản lý, sử dụng di sản khi thời hiệu thừa kế đã hết.
[5]. Phù hợp với mục 3.2 Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC.
[6]. Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính quy định tương tự: “Từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện… để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự…”.
[7]. Mục 3.1 Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC.
[8]. Điểm a và điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.
[9]. Điểm a và điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP.