Tóm tắt: Bài viết phân tích việc thể chế quyền tự do ngôn luận vào Hiến pháp và các văn bản luật; cơ chế và thiết chế bảo đảm thực hiện quyền, thực trạng bảo đảm quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, đồng thời, đề xuất các giải pháp thúc đẩy quyền tự do ngôn luận một cách đồng bộ, hiệu quả.
Abstract: The article analyzes the institution of freedom of expression in the Constitution and legal documents; mechanisms and institutions to ensure the exercise of the right, the actual situation of ensuring the right to freedom of expression in Vietnam, and at the same time, propose solutions to promote the right to freedom of expression in a synchronous and effective manner.
1. Đặt vấn đề
Tự do ngôn luận và biểu đạt được ghi nhận từ rất sớm thông qua nguyên tắc dân chủ của người Athen cổ đại về tự do ngôn luận. Ngày nay, tự do ngôn luận hoặc tự do biểu đạt cũng được công nhận trong các quy định về nhân quyền của quốc tế và từng khu vực[1]. Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) quy định rằng, “ai cũng có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp” và “ai cũng có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và ý kiến tất cả các loại, không kể biên giới quốc gia, bất kể bằng lời nói, bằng văn bản hay in ấn, dưới hình thức nghệ thuật hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác tùy theo sự lựa chọn của họ”. Về mặt tích cực, quyền tự do ngôn luận giúp mở rộng dân chủ, là phương thức giải quyết xung đột xã hội, giúp phản biện xã hội có hiệu quả, tạo sự cân bằng và tự điều chỉnh trong xã hội. Tuy nhiên, để duy trì trật tự xã hội thì tự do cũng có giới hạn của nó. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận cũng phải mang theo “nhiệm vụ và trách nhiệm đặc biệt” và “theo đó phải tuân theo các hạn chế nhất định” khi cần thiết “để tôn trọng quyền hoặc danh dự của những người khác” hoặc “để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng hoặc sức khỏe hay đạo đức cộng đồng”.
Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng đã ghi nhận và bảo đảm thực hiện nhóm quyền này nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khi thực hiện, theo đó cần có các giải pháp khắc phục giúp tăng cường hiệu quả để thực hiện quyền này.
2. Pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền tự do ngôn luận
2.1. Bảo đảm quyền tự do ngôn luận bằng việc thể chế quyền này vào Hiến pháp
Quyền con người hiện đang là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm, coi trọng. Các nhóm quyền con người đều được ghi nhận trong Hiến pháp, cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật, được đưa vào các chính sách, cơ chế để triển khai thực hiện, bảo đảm quyền con người trên thực tế. Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta khẳng định, “tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết”[2]. Nội dung này được Quốc hội khóa XIII thể chế vào Hiến pháp năm 2013 tại Chương 2 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo đó, Nhà nước ta công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội bằng các quy định của Hiến pháp và pháp luật và cũng đưa ra nguyên tắc hạn chế các quyền này trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[3], việc hạn chế theo quy định của luật. Quyền tự do ngôn luận cũng không nằm ngoài quy định và nguyên tắc kể trên.
Trước hết, về việc thể chế quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp, có thể thấy, đây là một trong những quyền được ghi nhận rất sớm trong lịch sử lập hiến của nước ta. Ngay tại Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận”[4] cho thấy, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa dù mới được thành lập nhưng đã nhận thức quyền tự do ngôn luận là một quyền chính trị và dân sự cơ bản có ý nghĩa quan trọng cho sự thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Việc bảo đảm quyền này là cơ sở cho công dân thực hiện các quyền dân sự và chính trị khác, đồng thời, tạo điều kiện để mọi người chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội. Từ Hiến pháp năm 1959 cho đến Hiến pháp năm 2013, quyền tự do ngôn luận tiếp tục được ghi nhận và cụ thể hơn với các quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (những quyền này chưa quy định trong Hiến pháp năm 1946). Điều này cho thấy, quan điểm về quyền tự do ngôn luận đã có những mở rộng phù hợp quy định của luật quốc tế[5] nhưng cũng có thay đổi nhất định cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cụ thể, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, quyền tự do ngôn luận được xác định là quyền công dân, là quyền được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ chỉ với những người là công dân Việt Nam[6]. Với ghi nhận quyền tự do ngôn luận là quyền công dân, thì “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”[7] và “việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”[8]. Ngoài việc ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013, quyền này còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh trong nội dung các điều khác của Hiến pháp, thể hiện ở mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân như: Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước[9]; quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật[10]; quyền khiếu nại, tố cáo[11] và gián tiếp trong các quy định về chính sách văn hóa, xã hội[12], nghĩa vụ của các đại biểu của nhân dân[13].
2.2. Bảo đảm quyền tự do ngôn luận bằng việc cụ thể hóa quyền này vào các văn bản pháp luật
Quyền tự do ngôn luận còn là quyền của công dân trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức như lời nói, văn bản (viết tay, đánh máy) hoặc dưới bản điện tử (email, facebook, zalo…) hoặc dưới hình thức khác (tranh vẽ, biểu diễn nghệ thuật…). Bảo đảm quyền tự do ngôn luận cũng được thể hiện qua việc Quốc hội cụ thể hóa quyền này vào các văn bản luật có liên quan. Cho tới nay, đã có rất nhiều đạo luật chuyên ngành quy định những hình thức thực hiện quyền này ở phạm vi và mức độ khác nhau như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018… là những căn cứ cơ bản, hữu hiệu để ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm giới hạn của quyền tự do ngôn luận. Luật Báo chí năm 2016 xác định rõ quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân bao gồm các quyền: Sáng tạo báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí và in, phát hành báo chí[14] hoặc ghi nhận quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân thông qua: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với cá nhân và tổ chức”[15]. Bên cạnh việc ghi nhận quyền, Nhà nước cũng bảo đảm thực hiện quyền thông qua cam kết: Tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình[16]. Ngoài ra, cả Luật Báo chí năm 2016 và Luật Xuất bản năm 2012 đều có quy định nguyên tắc không có kiểm duyệt trước khi in, đăng, phát sóng[17]. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước đối với công dân thông qua Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, phương tiện truyền thông, các hình thức khác và cung cấp thông tin theo yêu cầu. Quyền tự do ngôn luận còn được gián tiếp ghi nhận và bảo đảm tại các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự thông qua các nguyên tắc như nguyên tắc tranh tụng hoặc các quy định về cung cấp chứng cứ, chứng minh…
Quyền tự do ngôn luận vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân nên cũng có những giới hạn nhất định theo quy định pháp luật. Cụ thể, các cơ quan báo chí, các nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được sự bảo hộ từ Nhà nước; không lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân[18] cụ thể hóa bằng việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong cả Luật Báo chí[19], Luật Xuất bản[20] và Luật An ninh mạng[21]. Nhà nước ta cũng đưa ra các thiết chế để quyền này không vượt quá giới hạn được quy định trong luật. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hình phạt đối với các tội “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” (Điều 167) hay tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331). Bên cạnh đó, các chủ thể vi phạm giới hạn quyền tự do ngôn luận còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử hoặc các nghị định xử phạt trong lĩnh vực in ấn, báo chí. Ngoài việc bị xử lý hình sự và xử phạt hành chính, chủ thể khi vi phạm các giới hạn quyền tự do ngôn luận gây thiệt hại có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.
Có thể thấy, khung pháp lý về quyền tự do ngôn luận của Việt Nam cơ bản đầy đủ, đồng bộ và có sự tương thích nhất định với luật pháp quốc tế. Bên cạnh việc ghi nhận, bảo vệ quyền này, chúng ta cũng có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
3. Thực tiễn thực hiện quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam
3.1. Những kết quả đạt được
Thực hiện quyền tự do ngôn luận trước hết thể hiện trong xây dựng thiết chế bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận cũng được thể hiện thông qua việc xây dựng các thiết chế và tạo dựng các cơ chế để thực hiện quyền. Theo đó, thông qua các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn… quy định các hình thức tự do ngôn luận như: Phát biểu trực tiếp bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân tại các cuộc họp, hội nghị ở cơ quan, đơn vị nơi mình công tác, nơi đến làm việc hoặc ở cấp cơ sở địa phương nơi cư trú nhằm đóng góp, xây dựng, giúp cho từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan ngày càng tốt hơn, tiến bộ hơn, khắc phục được những hạn chế, tồn tại, đấu tranh với những vi phạm và biểu hiện tiêu cực. Cũng có nơi, quyền này còn được thực hiện thông qua những hình thức lấy ý kiến dân chủ khác như hộp thư, sổ tay góp ý...; trình bày ý tưởng, quan điểm có tính chất sáng tạo của mình hoặc có tính chất phê bình, góp ý tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học, các hình thức sinh hoạt văn học - nghệ thuật; gửi các bài viết, bài góp ý bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến nhân dân hoặc trực tiếp tham luận, phát biểu ý kiến tại các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến nhân dân. Các bài trình bày, ý kiến phát biểu này có thể được gửi để đăng tải hoặc phát trên các loại hình báo chí; trình bày, đề đạt nguyện vọng về những vấn đề cử tri quan tâm, đóng góp ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong dịp các đại biểu tiếp xúc với cử tri ở cơ sở hoặc công dân có thể viết thư cho đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước khác cũng tham gia tích cực vào hoạt động bảo đảm quyền tự do ngôn luận theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…
Việc triển khai các hoạt động bảo đảm quyền tự do ngôn luận cũng được thực hiện chủ động, tích cực từ phía cơ quan hành pháp. Theo đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn như: Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung 1 số điều tại Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cho phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành. Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ đã sửa đổi, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không còn phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng như chuẩn bị hồ sơ cấp phép trong các lĩnh vực thông tin điện tử, viễn thông. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản liên quan đến quy hoạch ngành báo chí như Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, cho thấy việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và bảo đảm quyền này luôn được quan tâm.
Theo số liệu tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2020, thì tính đến cuối năm 2020, cả nước ta có 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động; 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh, truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình[22]. Đây là những số liệu cho thấy hoạt động báo chí nói riêng và quyền tự do ngôn luận nói chung đang được mở rộng và bảo đảm thực hiện. Sự phát triển nhanh chóng của internet ở Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Theo Báo cáo tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam năm 2021 do We are social và Kepios công bố đầu năm 2022, Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Lượng người dùng mạng xã hội cũng có xu hướng tăng nhanh (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021). Trong đó, những mạng xã hội phổ biến là Facebook, Zalo, Messenger, Tik Tok, Instagram. Với 93,8% người có độ tuổi từ 16 tới 64 đang sử dụng internet ở Việt Nam có sử dụng Facebook, với các nền tảng mạng xã hội phổ biến khác như Zalo hay Messenger, tỷ lệ tương ứng là 91,3% và 82,2%[23]. Việc tạo điều kiện và có những bảo đảm để người dân sử dụng các mạng xã hội, các hình thức kết nối qua internet cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả thực hiện bảo đảm quyền tự do ngôn luận ở nước ta. Trong Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III năm 2018, chúng ta cũng khẳng định thực hiện những khuyến nghị liên quan đến vấn đề bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí[24]. Tất cả những minh chứng trên cho thấy kết quả đạt được trong việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận ở nước ta.
3.2. Một số tồn tại, hạn chế trong bảo đảm thực hiện quyền tự do ngôn luận ở nước ta
Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cơ bản sau:
Một là, hạn chế trong thể chế quyền:
Quyền tự do ngôn luận dù đã được ghi nhận trong Hiến pháp một cách trực tiếp tại Điều 25 hoặc gián tiếp trong một số quyền khác của công dân, được cụ thể hóa vào các văn bản luật, tuy nhiên, việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận nói riêng, quyền con người nói chung hiện còn quy định khá chung chung. Bên cạnh đó, mặc dù đã có các quy định của pháp luật để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do chia sẻ quan điểm với Nhà nước nhưng dường như chúng ta đang thiếu các quy chế thích hợp cho những tranh luận và bày tỏ ý kiến khác nhau. Với quy định việc thực hiện quyền tự do ngôn luận do luật định cũng khiến cho người dân phải căn cứ vào rất nhiều văn bản luật để biết quyền của mình và các giới hạn quyền.
Hai là, về xây dựng các thiết chế bảo đảm thực hiện quyền:
Vấn đề tổ chức thi hành pháp luật về quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng còn hạn chế. Việc đưa ra các quy định bảo vệ quyền trước các hành vi xâm hại còn khá ít, nằm tản mạn ở nhiều văn bản với giá trị pháp lý khác nhau, các biện pháp bảo đảm đa dạng từ cưỡng chế hành chính, hình sự và cả các biện pháp dân sự và kỷ luật nhưng chủ yếu nhắc nhiều đến quyền tự do báo chí với tư cách là một phần của tự do ngôn luận. Ví dụ: Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản hoặc ở Bộ luật Hình sự là tội “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” (Điều 167), mức xử lý chưa mang tính răn đe, thậm chí muốn xử lý hình sự còn phải đủ điều kiện “đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính”, quy định này cũng khó đạt hiệu quả răn đe đối với hành vi xâm hại ảnh hướng đến hiệu quả bảo vệ quyền.
Ở nước ta, quá trình giám sát việc thực hiện các quyền con người nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng được thực hiện thông qua cơ chế giám sát của Quốc hội, các cơ quan thanh tra nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông. Nhưng thực tế cho thấy, có hình thành các tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nhưng hiện chưa xây dựng đầy đủ cơ chế quốc gia (có tính hệ thống) về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, chưa có riêng một cơ quan chuyên môn bảo vệ quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận. Các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện hoạt động của mình vẫn còn tình trạng mang nặng tư duy quản lý, chưa coi việc bảo đảm và mở rộng quyền tự do của người dân trong đó có tự do ngôn luận là hoạt động thường xuyên, là tiêu chí đánh giá hiệu quả phục vụ người dân.
Những hạn chế trong hoạt động tuyên truyền pháp luật về quyền con người đến các ngành, các cấp, các địa phương khiến cho việc triển khai còn khó khăn, bất cập. Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III năm 2018 chỉ ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý về quyền con người, đồng thời, phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp lý để phù hợp với Hiến pháp, đồng thời, tăng cường thể chế bảo đảm quyền con người. Công tác này cũng đòi hỏi phải thiết lập các công cụ chính sách và cơ sở hạ tầng vật chất liên quan, tạo áp lực rất lớn về nhân lực, thời gian, tài chính…, để các chính sách hỗ trợ các quyền này được thực thi. Hoạt động phổ biến, giáo dục về quyền con người còn hạn chế cũng tác động đến nhận thức của người dân trong thực hiện quyền. Để bảo đảm, bảo vệ quyền này cũng cần đề ra các ranh giới giúp cho quyền này được thực hiện một cách hiệu quả và các quy định này cần song hành với các quy định bảo đảm, bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng nhiều đến việc tuyên truyền về các hành vi bị cấm mà không có những định hướng về nội dung, phương thức cụ thể cho người dân biết rõ về quyền tự do ngôn luận hoặc không quy định cụ thể các hành vi vi phạm thì vô hình chung không tạo được cơ chế bảo đảm cho quyền được thực hiện.
4. Các giải pháp thúc đẩy quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam
Thứ nhất, thực hiện chủ trương của Đảng về quyền con người:
Cần nghiêm túc triển khai và thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo đảm quyền con người và tuyên truyền, giáo dục về quyền con người trong tình hình mới. Tại Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Đảng ta xác định “giáo dục quyền con người là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục đưa quan điểm: “Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Theo đó, Đảng cũng đưa ra giải pháp bảo đảm thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách trực tiếp và gián tiếp là tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân, một trong các hình thực thực hiện dân chủ đó là góp ý kiến của người dân và có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của nhân dân trong tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; bảo đảm sự công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Có thể thấy, quan điểm trong các nghị quyết của Đảng là nền tảng chỉ đạo mang tính hệ thống từ ghi nhận, bảo vệ đến bảo đảm thực hiện quyền con người nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng, do đó, quan điểm trong các nghị quyết này cần được thể chế vào quy định pháp luật một cách kịp thời và có hiệu quả.
Thứ hai, về hoàn thiện thể chế:
Cần nghiên cứu mở rộng đối tượng được bảo vệ quyền tự do ngôn luận là mọi người cho phù hợp hơn nữa với pháp luật quốc tế, còn các giới hạn thì nên cụ thể hơn trong luật để dễ dàng áp dụng. Nên đưa nội dung thẩm định, đánh giá tác động về bảo đảm quyền con người nói chung trong đó có cả vấn đề về quyền tự do ngôn luận trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh vừa giúp bảo đảm quyền, vừa tránh việc lợi dụng quyền gây phương hại đến hoạt động của Nhà nước. Hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về quy chế hoạt của các cơ quan nhà nước, hướng đến mở rộng quyền tự do ngôn luận trong tham gia phản biện chính sách, góp ý kiến và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận trong quản lý nhà nước và xã hội của người dân, hoàn thiện các quy định pháp luật tố tụng (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính…). Đối với việc xác định giới hạn tự do ngôn luận, nghiên cứu xác định nội dung và phương thức tự do ngôn luận, từ đó, có thể đưa ra các giới hạn phù hợp, đồng thời, bảo đảm việc xác định có tiêu chí chính xác để tránh áp dụng không thống nhất khiến quyền bị lợi dụng, làm giảm hiệu quả của bảo đảm thực hiện quyền.
Thứ ba, xây dựng các thiết chế bảo đảm thực hiện quyền:
Cần có cơ quan chuyên trách thực hiện hoạt động giám sát bảo vệ quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận. Đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức cần thực hiện đúng quy định pháp luật nhất là các quy định về bảo đảm quyền tự do của người dân, tạo điều kiện và hướng dẫn người dân thực hiện đúng quyền. Hoàn thiện các bộ quy tắc giao tiếp công vụ trong cơ quan nhà nước và hoạt động tiếp dân, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của nhân dân kịp thời để người dân tin tưởng và chủ động thực hiện quyền của mình. Hoàn thiện Chính phủ điện tử, xây dựng cơ chế kết nối giữa các cơ quan nhà nước và người dân, vừa giúp người dân tiếp cận thông tin chính thống, vừa là công cụ để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận và tham gia quản lý nhà nước, xã hội. Yêu cầu các nhà cung cấp mạng xã hội nước ngoài phối hợp trong kiểm soát hoạt động vi phạm quyền tự do ngôn luận, có cơ chế xử lý nghiêm khắc khi các nhà cung cấp này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu này trên lãnh thổ Việt Nam.
Hoàng Thị Phương Ly
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
[1]. Quyền này được quy định tại Điều 19 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Điều 10 Công ước châu Âu về nhân quyền, Điều 13 Công ước châu Mỹ về nhân quyền và Điều 9 Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền các dân tộc.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 239.
[3]. Xem: Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
[4]. Điều 10 Hiến pháp năm 1946.
[5]. Xem: Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên Hợp quốc.
[6]. Theo Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) - “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
[7]. Khoản 2 Điều 15 Hiến pháp năm 2013.
[8]. Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp năm 2013.
[9]. Khoản 1 Điều 28 Hiến pháp năm 2013.
[10]. Điều 40 Hiến pháp năm 2013.
[11]. Điều 30 Hiến pháp năm 2013.
[12]. Điều 60 Hiến pháp năm 2013
[13]. Điều 79, Điều 115 Hiến pháp năm 2013.
[14]. Xem: Điều 10 Luật Báo chí năm 2016.
[15]. Điều 11 Luật Báo chí năm 2016.
[16]. Xem: Điều 13 Luật Báo chí năm 2016.
[17]. Xem: Điều 13 Luật Báo chí năm 2016; khoản 2 Điều 5 Luật Xuất bản năm 2012.
[18]. Xem: Điều 13 Luật Báo chí năm 2016.
[19] Xem: Điều 9 Luật Báo chí năm 2016.
[20]. Xem: Khoản 1 Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012.
[21]. Xem: Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018.
[22]. Phan Dương: Hiện thực bác bỏ luận điệu vu cáo “Tự do báo chí”, https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Hien-thuc-bac-bo-luan-dieu-vu-cao-Tu-do-bao-chi-i617591/, bài đăng ngày 22/6/2021.
[23]. https://lptech.asia/kien-thuc/bao-cao-tong-quan-thi-truong-digital-viet-nam-nam-2022.
[24]. Các khuyến nghị số 146 đến số 168 trong Phụ lục Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR Chu kỳ III tình hình thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế UPR Chu kỳ III (tính đến tháng 10/2018).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 379), tháng 4/2023)