Sau 02 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả về công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy Hội đồng nhân dân (HĐND) và hoạt động của HĐND các cấp như sau:
1. Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp
- Công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là sắp xếp nhân sự lãnh đạo HĐND các cấp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để vận hành tổ chức bộ máy của HĐND các cấp trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: HĐND Thành phố gồm 94 đại biểu; đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã gồm 1.021 đại biểu; đại biểu HĐND 404 xã, thị trấn gồm 10.365 đại biểu; không tổ chức HĐND phường. Như vậy, chất lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND các cấp về cơ bản tương đương các chỉ tiêu phấn đấu; trong đó, tỷ lệ đại biểu là nữ tại HĐND cấp huyện, đại biểu tuổi trẻ tại HĐND xã, thị trấn tăng so với nhiệm kỳ 2016 - 2021 và vượt các chỉ tiêu.
- Thường trực HĐND Thành phố gồm 07 đồng chí; HĐND Thành phố có 18 đại biểu hoạt động chuyên trách trong 04 ban, mỗi ban có 15 thành viên gồm Trưởng ban chuyên trách, 02 Phó Trưởng ban chuyên trách và 01 ủy viên chuyên trách.
- Các quận, huyện, thị xã đã cơ bản bầu đủ các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; các trưởng ban của HĐND. Trong đó có 06/30 đồng chí Bí thư các quận, huyện là Chủ tịch HĐND quận, huyện, 22/30 đồng chí Chủ tịch HĐND là Phó Bí thư thường trực các quận, huyện, thị xã; 02/30 đồng chí Chủ tịch HĐND là ủy viên Ban Thường vụ các huyện; 30/30 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, trong đó có 22 đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ cấp huyện. Các ban của HĐND quận, huyện, thị xã: Ban Kinh tế - xã hội có 22 trưởng ban hoạt động chuyên trách; Ban Pháp chế có 18 trưởng ban hoạt động chuyên trách. Tổng số cán bộ hoạt động chuyên trách ở các ban của HĐND cấp huyện là 139 người. Riêng khối quận, thị xã có 19/26 trưởng ban, 26/26 phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. HĐND 404 xã, thị trấn đã cơ bản bầu đủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và các trưởng ban của HĐND.
- Công tác sắp xếp, bố trí công tác và giải quyết các chế độ, chính sách đối với các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường sau sắp xếp, kiện toàn: Theo thống kê, khi thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 thì số lượng người nghỉ công tác dôi dư khi không tổ chức HĐND phường là 21 người. Để bảo đảm giải quyết chế độ chính sách, động viên cán bộ nghỉ công tác khi không tổ chức HĐND phường, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố Hà Nội, trong đó có quy định chế độ hỗ trợ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) và công chức phường nghỉ công tác do thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Các quận, thị xã và các phường đã thực hiện sắp xếp cán bộ, công chức bảo đảm đúng quy định của Trung ương, chỉ đạo của Thành ủy và hướng dẫn của UBND Thành phố.
2. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp của Thành phố đã phát huy tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào thực chất, quyết liệt, chuyên nghiệp, hiệu quả, có nhiều đổi mới, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của Thành phố và các địa phương. HĐND các quận, thị xã đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, tăng cường giám sát hoạt động của chính quyền phường, mở rộng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp để bảo đảm vai trò đại diện của nhân dân.
- Các kỳ họp HĐND được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, từ sớm, từ xa và tổ chức ngày càng sôi nổi, dân chủ, thực chất, hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp Thành phố tổ chức được 2.540 kỳ họp. Đại biểu HĐND các cấp tham dự cơ bản đầy đủ các kỳ họp HĐND; qua theo dõi tại các kỳ họp của HĐND Thành phố và các quận, huyện, thị xã, số đại biểu tham dự kỳ họp đều đạt trên 95% tổng số đại biểu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã ban hành 12.911 nghị quyết. Các nghị quyết của HĐND các cấp ban hành đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, các cơ chế, chính sách đặc thù và các biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
- Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp được Thường trực HĐND các cấp quan tâm và thực hiện với nhiều đổi mới, chất lượng ngày càng nâng cao, trở thành hoạt động được quan tâm nhất của đông đảo cử tri và nhân dân Thủ đô. Thông qua chất vấn, nhiều vấn đề bức xúc ở Thành phố đã được quan tâm giải quyết có hiệu quả. Tại các kỳ họp thường kỳ, HĐND các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 5.004 câu hỏi chất vấn được nêu tại các phiên chất vấn. Các phiên chất vấn của HĐND các cấp Thành phố diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. Hoạt động chất vấn được tổ chức theo nhóm vấn đề trọng tâm, người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nội dung chất vấn; những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình theo đúng quy định. Ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND các cấp ban hành nghị quyết hoặc thông báo kết luận, trong đó kèm theo phụ lục các vấn đề, cam kết của UBND các cấp và cơ quan liên quan có thời gian, tiến độ cụ thể làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, tái giám sát việc thực hiện.
- Hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. HĐND, Thường trực HĐND và các ban của HĐND các quận và thị xã Sơn Tây đã tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường khi không tổ chức HĐND phường; chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp phường trong việc giám sát thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và các cơ quan chuyên môn tại quận, thị xã và UBND, Chủ tịch UBND phường. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, Thường trực HĐND các cấp đã tổ chức được 5.369 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề. Các cuộc giám sát đều được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đúng các quy định pháp luật nên hiệu quả và chất lượng được nâng cao.
- Thường trực HĐND các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc phối hợp với tổ đại biểu để tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND Thành phố đã tổ chức tiếp xúc cử tri thường kỳ là 08 cuộc tại 30 tổ đại biểu trước và sau các kỳ họp thường lệ của HĐND Thành phố; HĐND các quận, thị xã tổ chức 1.104 cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp nhận tổng số 16.172 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND quận, thị xã đã chủ động theo dõi, giám sát, đôn đốc việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri, đến nay, đã có 15.183 kiến nghị được trả lời, 11.802 kiến nghị được giải quyết xong, còn 3.483 kiến nghị đang giải quyết (21,5%) và 333 kiến nghị chưa được giải quyết (2,06%).
- Hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được HĐND các cấp quan tâm; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chủ tịch HĐND Thành phố đã thực hiện tiếp 03 buổi, ủy nhiệm các Phó Chủ tịch HĐND Thành phố thực hiện 07 buổi tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân Thành phố đối với 20 vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; đến nay, đã có 12/20 vụ việc giải quyết xong. Đại biểu HĐND Thành phố đã thực hiện 561 buổi tiếp công dân theo lịch tại trụ sở tiếp công dân ở quận, thị xã nơi đại biểu ứng cử. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND Thành phố đã giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và đã có báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2022 và làm căn cứ để HĐND Thành phố ban hành nghị quyết tại kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm.
- Thường trực HĐND các cấp đã tổ chức được 8.491 phiên họp, trong đó có 7.384 phiên họp định kỳ, 1.107 phiên họp đột xuất, 409 phiên họp có hoạt động chất vấn, 451 phiên họp có hoạt động giải trình, trong đó cấp Thành phố tổ chức được 02 phiên giải trình, cấp huyện tổ chức được 79 phiên giải trình, cấp xã tổ chức được 370 phiên giải trình.
3. Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân quận, thị xã khi không tổ chức Hội đồng nhân dân phường
- Việc thực hiện nội dung quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, thị xã, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc: HĐND các quận và thị xã Sơn Tây đã thực hiện việc quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, thị xã, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc bảo đảm theo đúng quy định.
- Đối với các dự án đang thực hiện từ nguồn ngân sách của phường trước ngày 01/7/2021, HĐND quận, thị xã đã ban hành các nghị quyết để phê duyệt điều chỉnh nguồn vốn đầu tư thành nguồn vốn ngân sách quận, thị xã. Đối với các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công mới triển khai tại các phường đã được UBND quận, thị xã thẩm định, đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND quận, thị xã quyết định và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của quận, thị xã. Các dự án tập trung vào đầu tư cải tạo nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, xây dựng các thiết chế văn hóa như trường học, nhà sinh hoạt, quy hoạch các khu vực duy trì và phát triển nghề truyền thống... nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt cho nhân dân.
- Công tác giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện Nghị quyết của HĐND quận, thị xã ở UBND phường; giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường: HĐND các quận và thị xã Sơn Tây đã tăng cường các hoạt động giám sát đối với hoạt động của UBND phường, tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân để lắng nghe ý kiến, phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt quyền đại diện cho cử tri trên địa bàn đơn vị. Các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND quận, thị xã được giao trách nhiệm thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các phường tại đơn vị bầu cử, tham dự các cuộc họp, hội nghị đối thoại, hội nghị tiếp xúc cử tri để kịp thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến cơ quan có thẩm quyền theo dõi, giải quyết theo quy định. HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và các tổ đại biểu HĐND quận, thị xã đã tiến hành các cuộc giám sát chuyên đề đối với UBND phường trên địa bàn, nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề cử tri quan tâm; ngoài giám sát chuyên đề, các tổ đại biểu HĐND quận, thị xã thực hiện giám sát thường xuyên về giải quyết kiến nghị cử tri.
Có thể nói, qua 02 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản bảo đảm mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra; tạo sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở và là cơ sở để khẳng định việc lựa chọn mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội là đúng đắn và là tiền đề để đề xuất hoàn thiện chính sách trong thời gian tới của Thủ đô.
Bích Thủy
Sở Tư pháp Hà Nội