Từ đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) quận Long Biên mới biết được sự việc ban đầu: Trước ngày tổ chức đám tang anh Tùng 1 ngày, khoảng 2 giờ chiều, anh Lê Đình Hùng sang nhà Nguyễn Văn Diệp - hai người ở cùng tổ 1, phường Thượng Thanh để cho Diệp mấy con cá, thì phát hiện anh Tùng nằm bất động trên nền nhà, lúc đó, Diệp không có nhà. Ngoài trời lúc đó có mưa và không rõ có phải nhà dột hay không mà quần áo Tùng lại ướt hết, nước trên sàn nhà đọng thành vũng. Anh Hùng phát hiện một bên mắt Tùng bị thâm nhưng không nhớ bên nào. Hùng gọi nhưng không thấy Tùng trả lời nên chạy đi báo người nhà Tùng. Khi hai người anh ruột của Tùng là Phạm Văn Giầu và Phạm Hồng Mạnh đến nơi thì phát hiện mũi Tùng chảy máu. Hai anh đưa em về nhà cấp cứu bằng cách dùng tay day trên ngực nhưng không thấy động đậy gì, bèn đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đường sắt, nhưng các bác sĩ nói rằng, Tùng đã tắt thở trước khi đến viện. Do thời gian gần đây Tùng thường xuyên say rượu nên gia đình cho rằng, Tùng say gặp phải mưa nên bị cảm mà chết, vì thế lo mai táng cho Tùng!?…
Cơ quan CSĐT quận Long Biên triệu tập Nguyễn Chiến Thắng - hỗn danh Thắng “sọ não”, là đối tượng có một tiền án về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tại Cơ quan điều tra (CQĐT), Thắng thừa nhận, vào khoảng 10 giờ đêm hôm trước ngày Tùng chết 5 ngày đã đánh Tùng ở khu vực ga Gia Lâm, do mâu thuẫn bột phát khi có hơi men và Tùng đánh Thắng trước, khi cả hai cùng đi về từ quán rượu chị Hương ở phố Nguyễn Văn Cừ, Long Biên. Ngay lập tức, Cơ quan CSĐT tổ chức thực nghiệm điều tra để Thắng diễn lại hành vi đánh anh Tùng thì thấy rằng, lời khai của Thắng phù hợp với thương tích sưng môi và tím mắt trái của Tùng. Như vậy, lời Thắng nói ở quán nước bà Xuân chỉ là “cho oai”.
Một tuần sau ngày gửi đơn đề nghị điều tra, gia đình ông Phạm Hồng Mão lại có đơn đề nghị CQĐT khai quật tử thi anh Tùng để giám định pháp y (GĐPY) làm rõ nguyên nhân tử vong. Việc khai quật tử thi được thực hiện sau 19 ngày chôn cất và cơ quan giám định được trưng cầu là Pháp y Bộ Công an. Tử thi nạn nhân đang trong thời kỳ biến đổi mạnh, những dấu hiệu do chấn thương để lại tuy không dễ, nhưng vẫn được các Giám định viên làm rõ với bản lĩnh nghề nghiệp tinh thông. Kết quả giám định cho thấy, ngoài một vài chấn thương không gây chết ở đầu, mặt thì các cơ liên sườn ngực phải và trái màu sắc không đồng đều, xuất hiện nhiều đám cơ màu đen, hậu quả của chảy máu trên diện rộng; gãy cung trước các xương sườn 2, 3, 4, 5, 6, 7 bên phải; gãy cung trước các xương sườn 3, 4, 5, 6, 7, 8 bên trái, trong đó, xương sườn số 4 gãy cả cung sau; đặc biệt, đầu gãy hai xương sườn số 5 phải và trái xuyên thủng cơ mặt trong thành ngực hướng vào khoang màng phổi; phổi trái có một đám màu hồng đường kính 4cm, phổi phải có vết rách nông 3 x 1,5cm; mặt sau xương ức có diện tụ máu rộng; trong cơ thể không có các chất ma túy và chất độc. Trên cơ sở những tổn thương thu thập được, các giám định viên pháp y kết luận: Anh Phạm Thanh Tùng chết vì gãy nhiều xương sườn gây tràn máu, tràn khí màng phổi trái dẫn đến suy hô hấp, do tác động của vật tày với lực rất mạnh, không loại trừ tác động nhiều cú. Với thương tích nặng như vậy, anh Tùng khó có thể đi lại bình thường được.
Kết luận GĐPY như chiếc chìa khóa mở ra định hướng đúng cho vụ án. Bởi nó cho phép CQĐT loại Thắng “sọ não” đang là nghi can số một ra khỏi diện hiềm nghi, vì Thắng có đánh Tùng nhưng không phải là những chấn thương gây chết. Những ngày sau khi bị Thắng đánh, Tùng vẫn đi lại bình thường, trong khi pháp y kết luận: “Với thương tích nặng như vậy anh Tùng khó có thể đi lại bình thường được”, nên việc Thắng đánh Tùng chỉ là sự trùng hợp tình cờ... Tuy nhiên, trước mắt các điều tra viên lại mở ra một con đường tối phải lần mò đi, tốn không ít thời gian, công sức… Phải mất nhiều ngày, CQĐT mới có được thông tin do một người sống cùng tổ với Nguyễn Văn Diệp cung cấp là: Khoảng trưa ngày anh Hùng phát hiện Tùng bị ướt nằm dưới sàn nhà Diệp, khi chị trên đường từ phố về nhà, có nhìn thấy Diệp đang đứng nói chuyện với hai cô gái khoảng ngoài 20 tuổi ở đầu ngõ nhà Diệp, trong đó có một cô tóc vàng. Nhân chứng này khẳng định chính xác ngày hôm đó, vì chị nhớ ngay hôm sau trong xóm có đám tang. CQĐT xác định được ngày “hôm sau” đó trong xóm chỉ có một đám tang duy nhất chính là đám tang anh Tùng. Cũng “hôm sau”, nhân chứng này nghe tin ngày hôm trước, phát hiện Tùng chết trong nhà Diệp nên sinh nghi và nói với chồng nghi vấn của mình: “Sao hôm qua thằng Tùng chết trong nhà nó (chỉ Diệp), mà nó đứng nói chuyện với hai đứa con gái ở đầu ngõ tỏ vẻ rất bình thường?” Chồng của nhân chứng đã xác nhận với CQĐT thông tin quý giá này.
Dựa vào lời khai của nhân chứng về đặc điểm nhân dạng hai cô gái đứng nói chuyện với Diệp ở đầu ngõ mà chị tình cờ bắt gặp, CQĐT nghi ngờ một trong hai người con gái này có nhiều đặc điểm nhân dạng giống với một đối tượng lang thang tên là Gấm thường có mặt ở vườn hoa Ngọc Lâm, quận Long Biên, mà CQĐT đã nắm được thông tin Gấm có quan hệ với một số đối tượng lang thang khác như Bi, Đạt, Lan… Sau khi anh Tùng chết, không thấy các đối tượng này xuất hiện ở Long Biên nữa. Thâm nhập vào các đối tượng lang thang trong thành phố cũng không phát hiện thấy các đối tượng Bi và Đạt, nên CQĐT lại phải rà soát danh sách các đối tượng bị giam giữ toàn thành phố. Công sức và thời gian không uổng phí khi CQĐT biết được Bi đã bị công an bắt về hành vi cướp tài sản, còn Đạt bị bắt về tội trộm cắp tài sản, hiện cả hai đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an TP. Hà Nội. Tại Trại tạm giam Công an TP. Hà Nội, các đối tượng đã lộ nguyên hình: Bi tên thật là Nguyễn Văn Hoan, sinh năm 1990, hộ khẩu thường trú tại Định Tăng, Yên Định, Thanh Hóa; đối tượng Đạt chính là Đặng Quốc Đạt, sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú tại Tân Phúc, Ân Thi, Hưng Yên…
CQĐT triệu tập Đặng Thị Gấm (là chị ruột của Đạt) để lấy lời khai và đấu tranh với các tên Hoan, Đạt. Chúng khai: Sáng ngày hôm đó, Hoan, Đạt, Gấm và đối tượng Lan đến nhà Nguyễn Văn Diệp ăn uống. Khoảng 11 giờ, khi cả bọn đang ăn thì tình cờ Phạm Thanh Tùng đến chơi và được mời uống rượu. Rượu vào, Tùng nói ra bức xúc trong lòng là rất tức giận vợ vì vợ đòi ly hôn (có tin đồn Tùng nghiện ma túy, nhưng không rõ đó có phải là lý do mà vợ Tùng đòi ly dị hay không, nhưng gần đây, hàng xóm thấy Tùng thường xuyên say rượu). Rồi Tùng nhờ Hoan và Đạt chém cảnh cáo vợ Tùng để cho không dám đòi ly hôn nữa. Tùng hứa sẽ trả cho Hoan và Đạt ba triệu đồng. Hoan nói: “Ông có tiền thuê người khác, chúng tôi không phải đâm thuê chém mướn”. Tùng phản ứng theo kiểu sừng cồ: “Tao tưởng chúng mày thế nào, chúng mày thích thì tao cho chúng mày lên phường”. Đã sẵn máu côn đồ và men rượu, được kích động bằng câu nói xóc hông, nên Hoan ngay lập tức văng tục và giơ chân đạp vào lưng Tùng, làm Tùng gục đầu xuống. Gấm đứng dậy kéo Hoan ra sân, nhưng Diệp xông đến túm tóc Tùng và tát liên tiếp vào mặt rồi đá liên hồi vào bụng, ngực. Sau đó, Diệp lại túm tóc Tùng kéo ghì vào bàn và Đạt xông đến đá nhiều nhát vào ngực, bụng. Khi Diệp buông tay, Đạt còn dậm chân lên ngực Tùng. Gấm quát lên: “Đạt thôi!” thì Đạt mới bỏ chân ra khỏi ngực Tùng, nhưng Diệp lại đá thêm nhiều nhát vào sườn phải Tùng. Thấy Tùng nằm im không động đậy gì và thở khò khè, Diệp mới dừng lại không đá nữa. Diệp bảo cả bọn: “Bọn mày về đi, để tao dọn dẹp, để tao lo…”. Khi Hoan, Đạt, Loan, Gấm đi rồi, Diệp lấy nước té cho Tùng tỉnh lại nhưng Tùng vẫn bất động. Diệp sợ hãi bỏ Tùng nằm đó đi khỏi nhà và sự việc được phát hiện khi anh Hùng sang nhà Diệp cho cá.
Khi được CQĐT hỏi đi đâu vắng vào ngày anh Hùng sang cho cá thì Diệp khai: Hôm đó, Diệp đi xây cho anh Nguyễn Văn Dũng ở số 97, Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, nhưng anh Dũng lại nhờ đi thông cống cho cháu ruột là anh Đỗ Mạnh Hà, cùng phố và Diệp thông cống ở đó cả ngày, khoảng 8 giờ tối đi làm về ngang qua nhà Tùng thì biết Tùng chết. Còn tại sao Tùng lại nằm trong nhà thì Diệp nói là đưa chìa khóa nhờ Tùng trông nhà hộ; quần áo Tùng bị ướt là do nhà dột… Sau này, anh Hà xác nhận Diệp thông cống cho anh trước ngày phát hiện Tùng bất động trong nhà Diệp một ngày, vì anh nhớ hôm đó là chủ nhật và Diệp chỉ làm ở đó từ 8 đến 11 giờ. Còn chị Oanh, vợ anh Dũng cho biết: Khoảng 14 giờ ngày hôm sau (tức là ngày phát hiện Tùng bất động trong nhà Diệp) Diệp mới đến nhà chị để xây, quần áo bị ướt, tỏ vẻ rất sốt ruột rồi kêu đau bụng. Khoảng 15 giờ, anh Dũng chở Diệp về nhà nhưng khoảng 20 giờ Diệp lại đến nhà chị, hỏi thì bảo chưa ăn cơm nhưng dọn ra lại không ăn?… Để xác định nhà Diệp có dột hay không, CQĐT đã thực nghiệm bơm nước đều khắp lên mái nhà Diệp suốt 60 phút nhưng không thấy dột một giọt nước nào, trong khi Diệp thừa nhận không có sửa chữa nhà!?... Gần một năm rưỡi là thời gian để hoàn tất quá trình giám định, điều tra, thực nghiệm điều tra vụ việc này.
Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt tên Diệp tù chung thân, tên Hoan 17 năm tù và tên Đạt 16 năm tù… Tội phạm đã được đưa ra ánh sáng, nhưng rõ ràng là vụ án này đã tốn kém nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, lại gặp phải nhiều khó khăn và việc đưa tội phạm ra xét xử bị chậm lại. Nguyên nhân không gì khác là không sớm làm GĐPY để xác định nguyên nhân chết của anh Tùng. Điều băn khoăn là vụ án mạng xảy ra trên địa bàn Thủ đô với những tình tiết bất thường, những biểu hiện bất thường trên cơ thể anh Tùng nhưng gia đình lại suy nghĩ rất đơn giản rằng do say bị mưa, cảm mà chết nên không trình báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ngay khi phát hiện sự việc. Mặt khác, cảnh sát khu vực có biết sự việc và những điều đáng ngờ này hay không mà không thấy có ý kiến? Cũng may là thân nhân anh Tùng xuất phát từ yêu cầu chính đáng nên đã đề nghị khai quật giám định… Đã có không biết bao nhiêu trường hợp với quan niệm thâm căn cố đế “chết toàn thây”, “mồ yên mả đẹp” hoặc vì nhiều nguyên nhân khác (chẳng hạn suy nghĩ đơn giản như người nhà anh Tùng - thực chất là chưa xem trọng quyền sống và tính mạng con người), nên nhanh chóng chôn cất người xấu số để rồi nhiều vụ án do yêu cầu không thể khác của pháp luật tố tụng phải khai quật tử thi để GĐPY với nhiều hệ lụy xấu, trong đó, nhiều trường hợp do chôn cất lâu ngày, phần mềm tử thi đã phân hủy không thể kết luận giám định được. Từ ngàn đời nay, quan niệm chết toàn thây vẫn nguyên vẹn trong tâm niệm của người dân Việt Nam. Trên ba mươi năm hành nghề, các chuyên gia giám định pháp y đã chứng kiến không ít những trường hợp chết người nghi vấn hay do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… nhưng gia đình người xấu số cản trở việc khám nghiệm và mổ tử thi với cả trăm lý do và “kế sách” khác nhau. Nào là sẽ cắn lưỡi chết, nào là nhà có cụ già bệnh nặng, nếu mổ cụ sốc mà chết… Đến “cãi lý” xanh rờn: “Đằng nào cũng chết rồi mổ xẻ làm gì cho đau lòng” hay “Tai nạn rõ ràng cần gì phải pháp y”… và cũng không ít người ấu trĩ pháp luật nên cho rằng, chết người đã “đền bù” tiền rồi thì không cần phải điều tra, giám định nữa, thậm chí đó là một vụ án mạng, hay cho rằng mình có quyền, nên viết đơn “từ chối” pháp y. Thậm chí còn dùng dao đe dọa và đã xảy ra những vụ hành hung bác sĩ pháp y. Câu chuyện trên đây là minh chứng cho thấy rằng, kết luận GĐPY là chứng cứ quan trọng không thể thiếu để CQĐT xác định một người chết có phải do tội phạm hay do bệnh tật, chết do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay tự sát. Mạng người rất quan trọng nên theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi có người chết nghi vấn phải điều tra để xác định có tội phạm hay không và mức độ tội trạng, trong quá trình đó việc khám nghiệm và mổ tử thi là bắt buộc vì đó là chứng cứ then chốt để giải quyết vụ việc. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người dân do hiểu biết về pháp luật tố tụng, đã chủ động đề nghị mổ tử thi thân nhân họ hay khai quật tử thi để giám định, tạo điều kiện thuận lợi cho CQĐT kết thúc nhanh vụ việc là hiện tượng cần khích lệ
Nguyễn Văn