Tác giả Bạch Quốc An và Dương Thị Bích Đào đã đánh giá một cách tổng quan về công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự kể từ khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có hiệu lực đến nay, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề chính: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, ký kết điều ước quốc tế, công tác quản lý nhà nước và tình hình thực hiện các yêu cầu. Mặc dù đã đạt được các kết quả khả quan, nhưng thời gian qua, công tác tương trợ tư pháp về dân sự cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được cải thiện hơn nữa. Theo đó, tác giả đưa ra một số đề xuất cụ thể như: Cần xây dựng một đạo luật riêng về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; đẩy nhanh việc gia nhập điều ước quốc tế đa phương quan trọng và các điều ước song phương, sửa đổi các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký trước những năm 2000 cho phù hợp với pháp luật và tình hình hợp tác hiện nay; cần chú trọng hoạt động quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp; các bộ, ngành tập trung tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả, nâng cao tỷ lệ số hồ sơ ủy thác tư pháp thực hiện có kết quả; tăng cường hướng dẫn thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện ủy thác tư pháp tại các cơ quan trực tiếp thực hiện trong và ngoài nước.
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế kéo theo sự gia tăng các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân, gia đình và hình sự xuyên quốc gia, từ đó tiềm ẩn các tranh chấp có yếu tố nước ngoài mà các cơ quan tư pháp các nước, trong nhiều trường hợp, cần tiến hành tương trợ tư pháp (TTTP) để hỗ trợ nhau giải quyết các vụ việc đó. Trước năm 2007, hoạt động TTTP nói chung được điều chỉnh ở cấp thông tư (Thông tư liên bộ số 39/TT-LB ngày 12/3/1984 của Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Bộ Ngoại giao về thi hành Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự đã ký giữa nước ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; Thông tư số 163/HTQT ngày 25/3/1993 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) của Tòa án nước ngoài) và một số hiệp định song phương (chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây). Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện TTTP với sự ra đời của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế về TTTP cũng được chú trọng kể cả song phương và đa phương; công tác tiếp nhận và chuyển thực hiện các hồ sơ UTTP đi và đến cũng đã ngày càng bài bản hơn.
Bài viết đánh giá một cách tổng quan về công tác TTTP trong lĩnh vực dân sự[1] kể từ khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có hiệu lực đến nay, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề chính: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, ký kết điều ước quốc tế, công tác quản lý nhà nước và tình hình thực hiện các yêu cầu.
1. Tổng quan về hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
1.1. Hoàn thiện thể chế pháp luật
Ngay sau khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực TTTP về dân sự, cụ thể như sau:
- Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp (Nghị định số 92);
- Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp (Thông tư liên tịch số 15) được thay thế bởi Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục TTTP trong lĩnh vực dân sự (Thông tư liên tịch số 12).
- Thông tư số 144/2012/TT-BTC ngày 04/9/2012 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác TTTP.
- Thông tư số 18/2014/TT-BTC ngày 11/02/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thực hiện UTTP về dân sự (đã được thay thế bởi Thông tư số 203/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí thực hiện UTTP về dân sự có yếu tố nước ngoài và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án).
1.2. Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế
Trong hoạt động TTTP, các điều ước quốc tế (ĐƯQT) là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động hợp tác cụ thể giữa các nước. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các hiệp định TTTP và hoàn tất các thủ tục cần thiết để phê chuẩn các hiệp định đã ký. Trong giai đoạn từ khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có hiệu lực đến nay, Việt Nam đã có 05 hiệp định song phương được ký kết[2] và đặc biệt đã gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 01/10/2016 (sau đây gọi tắt là Công ước tống đạt). Đến nay, số hiệp định TTTP Việt Nam ký với nước ngoài là 17 hiệp định song phương và 01 hiệp định đa phương. Ngoài ra, Bộ Tư pháp hiện đang đàm phán/đã hoàn thiện hồ sơ trình đàm phán/đang xây dựng hồ sơ đàm phán và gia nhập ĐƯQT đa phương quan trọng khác.
Với tư cách là cơ quan trung ương tại các ĐƯQT trong lĩnh vực này, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức rà soát tình hình thực thi các điều ước, thông tin cho phía nước ngoài về đơn vị đầu mối trực tiếp thực hiện hiệp định và thúc đẩy cơ chế trao đổi thường xuyên giữa các đơn vị đầu mối. Việc rà soát tình hình thực thi hiệp định và trao đổi thường xuyên liên tục giữa các đơn vị đầu mối đã bước đầu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi cho việc xử lý các yêu cầu của hai bên.
Việc đàm phán, ký kết và gia nhập các ĐƯQT trong lĩnh vực dân sự trong thời gian qua, đặc biệt đối với các nước có nhiều công dân Việt Nam sinh sống là Đài Loan, Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Hàn Quốc… đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển các yêu cầu TTTP trong lĩnh vực dân sự của Việt Nam ra nước ngoài, hỗ trợ giải quyết có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến dân sự, thương mại và lao động nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân.
1.3. Quản lý nhà nước
Về bố trí nguồn lực thực hiện: Kể từ khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được ban hành, công tác tổ chức và cán bộ thực hiện hoạt động TTTP ở trung ương đã được quan tâm kiện toàn một bước với việc phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các đơn vị, bố trí cán bộ có trình độ, năng lực. Bộ Tư pháp được giao là cơ quan trung ương thực hiện TTTP trong lĩnh vực dân sự. Đối với các cơ quan trực tiếp thực hiện TTTP, như Tòa án nhân dân cấp tỉnh hay cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh… thì sự quan tâm tới công tác tổ chức triển khai nhiệm vụ này còn tùy thuộc vào địa phương, nhưng nhìn chung còn chưa bài bản, chuyên nghiệp.
Để thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý các yêu cầu TTTP, Bộ Tư pháp đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý hồ sơ UTTP, bước đầu tin học hóa việc tiếp nhận, xử lý và theo dõi số liệu trên phần mềm giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các yêu cầu.
Về công tác tập huấn, kiểm tra, báo cáo tổng kết hoạt động TTTP về dân sự: Công tác tổ chức hội nghị tập huấn và phổ biến Luật Tương trợ tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành và các ĐƯQT về TTTP đến các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác TTTP ở địa phương được Bộ Tư pháp quan tâm triển khai đều đặn 1 - 2 lớp/năm. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản pháp luật khác về TTTP với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: Phát hành số chuyên đề về Luật Tương trợ tư pháp, biên soạn, phát hành Sổ tay nghiệp vụ TTTP, đăng tải các bài viết, nghiên cứu, mở các chuyên mục giới thiệu Luật Tương trợ tư pháp trên các báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử của Bộ. Thông qua các hoạt động này, Bộ Tư pháp và đơn vị trực tiếp thực hiện TTTP tại các địa phương đã có sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau về thực trạng thực thi các quy định cũng như các khó khăn, vướng mắc đồng thời tạo ra các kênh liên hệ cấp làm việc giúp cho việc trao đổi giữa các cán bộ lập và thực hiện các yêu cầu được nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát tại Tòa án/cơ quan thi hành án dân sự tại một số địa bàn trọng điểm có phát sinh nhiều yêu cầu UTTP để bước đầu nắm được các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận và xử lý các yêu cầu TTTP và kịp thời đề xuất hướng tháo gỡ.
Bên cạnh đó, hoạt động rà soát, báo cáo sơ kết, tổng kết cũng được Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về TTTP và cơ quan đầu mối về TTTP về dân sự chủ trì thực hiện bài bản, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
1.4. Công tác tiếp nhận và xử lý các yêu cầu
Qua theo dõi số liệu tại Bộ Tư pháp và thông tin từ Tòa án nhân dân tối cao, số tiếp nhận và chuyển thực hiện các yêu cầu TTTP trong lĩnh vực dân sự tăng dần theo các năm. Thời điểm chưa có Luật Tương trợ tư pháp, số lượt công văn công hàm trung bình khoảng 500 - 600 lượt/năm, thì đến nay, số này đã tăng lên đến 6.000 - 7.000 lượt/năm.
Về kết quả của các yêu cầu, xuất phát từ việc không ngừng hoàn thiện hơn nữa pháp luật trong nước và thúc đẩy đàm phán các hiệp định song phương và gia nhập Công ước tống đạt, tỉ lệ các yêu cầu có phản hồi ở cả hai chiều cũng được cải thiện đáng kể. Số liệu tại Bộ Tư pháp cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2015, tỉ lệ có kết quả hai chiều đạt khoảng 55% - 65%, đến năm 2018, tỉ lệ này đã tăng đáng kể và đạt trên 80%. Trong đó, đặc biệt là hồ sơ Việt Nam gửi đi Đài Loan (từ sau khi có Thỏa thuận), Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Úc, Hàn Quốc - vốn là những quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có nhiều yêu cầu tương trợ nhưng ít nhận được phản hồi theo kênh ngoại giao, đến nay đã có kết quả khả quan. Ngược lại, lượng phản hồi Việt Nam gửi cho các nước có UTTP về dân sự gửi đến cũng được cải thiện do có sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền và cán cán bộ đầu mối từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh tỉ lệ có phản hồi được cải thiện, về tổng thể thời gian thực hiện cũng đã ngày càng được rút ngắn hơn so với trước. Năm 2014, thời gian trung bình các hồ sơ UTTP gửi đi có kết quả là 154 ngày, năm 2018 rút ngắn còn 87 ngày; thời gian trung bình hồ sơ UTTP đến có kết quả năm 2014 là 117 ngày, năm 2018 rút ngắn còn 71 ngày.
2. Đánh giá hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
2.1. Kết quả đạt được
Có thể thấy, sau khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được ban hành, công tác TTTP đã được quan tâm và đầu tư hơn trước, hoạt động TTTP được thực hiện ngày càng bài bản và nề nếp hơn từ xây dựng pháp luật, đàm phán ĐƯQT, công tác chỉ đạo điều hành, việc bảo đảm nguồn lực thi hành đến việc tiếp nhận và thực hiện các yều cầu từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Trong đó, đáng ghi nhận là công tác ĐƯQT đã thực sự có nhiều khởi sắc và mang lại ý nghĩa tích cực. Riêng với việc gia nhập Công ước tống đạt, đến nay, hoạt động tống đạt giấy tờ (hoạt động chủ yếu trong công tác TTTP về dân sự) nước ta đã có cơ sở để thực hiện với gần 80 quốc gia trên thế giới đưa số yêu cầu TTTP trong năm 2019 của Việt Nam gửi ra nước ngoài chiếm hơn 90% là đến các nước có quan hệ ĐƯQT với Việt Nam.
Ngoài ra, công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi nghiệp vụ, hoạt động kiểm tra, khảo sát, việc ứng dụng công nghệ thông tin… cũng được quan tâm thực hiện giúp cải thiện đáng kể chất lượng lập hồ sơ tại các cơ quan địa phương để gửi ra nước ngoài nhất là trong giai đoạn mới gia nhập Công ước tống đạt; việc thực hiện các yêu cầu của nước ngoài đã được nhịp nhàng, nhanh chóng và hiệu quả, tạo hình ảnh tốt của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
Với các kết quả đã đạt được như trên, hoạt động TTTP về dân sự càng ngày càng thể hiện tốt hơn ý nghĩa và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong nước và nước ngoài trong việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, từ đó thúc đẩy giao lưu dân sự, thương mại, kinh doanh và tăng cường quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.
2.2. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
Mặc dù đã đạt được các kết quả khả quan, nhưng thời gian qua, công tác TTTP về dân sự cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được cải thiện hơn nữa, cụ thể:
Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế: Việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về TTTP nói chung và TTTP về dân sự nói riêng trong giai đoạn đầu còn chậm so với tiến độ. Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa dự đoán trước được bước phát triển và tốc độ ứng dụng nhanh của khoa học kỹ thuật cũng như chưa tạo ra khuôn khổ pháp lý mở để tạo điều kiện sẵn sàng cho việc thực hiện tốt các cam kết quốc tế sẽ ký kết/gia nhập.
Về công tác ký kết và thực hiện ĐƯQT: Công tác này trong thời gian qua còn một số điểm hạn chế khiến cho công tác TTTP chưa thực sự hiệu quả: Hoạt động rà soát, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định về TTTP mới chỉ được thực hiện bước đầu với số lượng ít (hoạt động rà soát mới được thực hiện bước đầu với Lào, Cam-pu-chia và Đài Loan). Bên cạnh đó, các cơ quan đầu mối của phía Việt Nam trong các hiệp định cũng chưa thiết lập và duy trì được mối liên hệ với phía đối tác để hỗ trợ cho quá thực thi hiệp định, cụ thể trong số 17 hiệp định/thỏa thuận song phương, hiện nay Bộ Tư pháp mới giữ liện hệ trực tiếp và đều đặn với đơn vị đầu mối của Đài Loan (hai bên đã tổ chức 09 hội nghị thường niên). Chính vì vậy, hiệu quả thực hiện TTTP với từng nước có ĐƯQT cũng không đồng đều.
Về công tác quản lý nhà nước về TTTP trong lĩnh vực dân sự: Sự phối hợp của Bộ Tư pháp với Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao mới chủ yếu thực hiện thông qua các buổi tập huấn, hội thảo nhưng cũng không thường xuyên và chưa rộng khắp được các tỉnh thành. Công tác kiểm tra trực tiếp và theo dõi tình hình tiếp nhận và xử lý các yêu cầu TTTP trong lĩnh vực dân sự tại Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh mới được thực hiện trong 01 đến 02 năm gần đây tại một số địa bàn trọng điểm, hầu như chưa tổ chức được tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (trừ Đài Loan và Hàn Quốc). Các bộ, ngành cũng chưa tiến hành rà soát tiến độ tổng thể trên phạm vi cả nước về tình hình tiếp nhận và xử lý các yêu cầu TTTP của nước ngoài gửi đến. Về việc xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ TTTP, sau 06 năm Luật Tương trợ tư pháp được thực thi, Bộ Tư pháp mới chính thức vận hành phần mềm riêng trong việc tiếp nhận và chuyển thực hiện các yêu cầu TTTP. Tại Tòa án nhân dân tối cao, phầm mềm mới đang được khởi động xây dựng.
Do vậy, nhìn chung chất lượng lập và thực hiện các yêu cầu TTTP của các cán bộ tại các địa phương trên cả nước không đồng đều; phần mềm UTTP chưa đảm nhận được trọng trách của mình trong việc liên thông, khai thác, trích xuất và sao lưu dữ liệu phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý hồ sơ TTTP trong lĩnh vực dân sự.
Về tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu TTTP: Mặc dù kết quả thực hiện các UTTP về dân sự đã có những bước tiến nhất định, tỷ lệ yêu cầu có phản hồi đã ngày càng cao nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu của thực tiễn, chưa thực hiện đúng các cam kết quốc tế. Cụ thể, tỷ lệ các yêu cầu có kết quả còn thấp (khoảng 20% chưa có kết quả phản hồi) làm ảnh hưởng việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến người dân có liên quan; thời gian thực hiện còn dài (có nhiều yêu cầu thậm chí 03 năm mới nhận được phản hồi) làm chậm tiến độ giải quyết các vụ việc; chất lượng hồ sơ đã cải thiện nhưng chưa đảm bảo.
3. Đề xuất nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thời gian tới
Tiến trình hội nhập sâu rộng ngày nay của Việt Nam trong các tổ chức/diễn đàn quốc tế và khu vực tiếp tục là xu hướng của những năm tới. Hoạt động TTTP sẽ luôn giữ một vai trò quan trọng. TTTP được coi là hoạt động tất yếu và không thể tách rời khi Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết các vụ việc phát sinh có yếu tố nước ngoài. Hoạt động TTTP ổn định và hiệu quả một mặt đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức Việt Nam, mặt khác nó có tác động lớn đến quan hệ ngoại giao và chính trị giữa Việt Nam và nước ngoài. Công tác TTTP không chỉ quan trọng đối với các cơ quan nhà nước mà quan trọng hơn là bảo đảm công lý và tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan, đặc biệt là khi Hiến pháp năm 2013 đưa ra những yêu cầu mới về bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Bên cạnh đó, việc thực hiện có hiệu quả và chuyên nghiệp hóa các yêu cầu TTTP của nước ngoài sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động TTTP và hợp tác quốc tế về tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp của Việt Nam hiện nay nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, đồng thời khẳng định sự tích cực, chủ động và thiện chí của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về tư pháp với các nước.
Việc hoàn thiện công tác TTTP về dân sự cần đảm bảo chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả đã chính thức được khẳng định tại Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; không làm phát sinh biên chế đảm bảo đổi mới bộ máy nhà nước tinh gọn hiệu quả phù hợp với các định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hiện đại hóa việc xử lý các yêu cầu theo hướng áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin phù hợp với việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, đảm bảo thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ nói chung theo Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và đặc biệt là tham gia các điều ước quốc tế đa phương về TTTP theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Về hoàn thiện pháp luật: Cần xây dựng một đạo luật riêng về TTTP trong lĩnh vực dân sự trên cơ sở sửa đổi, kế thừa các quy định TTTP về dân sự còn phù hợp của Luật Tương trợ tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định này, bổ sung các nội dung mới đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế nói chung và trong hoạt động TTTP nói riêng.
Về gia nhập và thực hiện các ĐƯQT: Thời gian tới cần đẩy nhanh việc gia nhập ĐƯQT đa phương quan trọng và các điều ước song phương, trọng tâm là với các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống, các nước láng giềng, các nước có đông người Việt Nam sinh sống, các nước có quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư phát triển với nước ta; sửa đổi các hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký trước năm 2000 cho phù hợp với pháp luật và tình hình hợp tác hiện nay; tăng cường thực thi các ĐƯQT về TTTP đã có hiệu lực.
Về hoạt động quản lý nhà nước về TTTP: Hoạt động này cần phải được chú trọng, cụ thể: Nâng cao nhận thức của các cơ quan, cán bộ pháp luật và tư pháp về vai trò, tác động và yêu cầu của hội nhập quốc tế trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật; tổ chức thi hành tốt các quy định của Luật Tương trợ tư pháp; tăng cường hoạt động kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện UTTP ở cả trong nước và ngoài nước; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp Luật Tương trợ tư pháp trong đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật để nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác TTTP; thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác TTTP; tăng cường các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất theo kịp với sự phát triển của nhiệm vụ để phục vụ tốt hơn cho hoạt động TTTP; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thực hiện UTTP.
Về thực hiện các yêu cầu UTTP: Các bộ, ngành tập trung tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả, nâng cao tỷ lệ số hồ sơ UTTP thực hiện có kết quả trong đó chú trọng các hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện; tăng cường hướng dẫn thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện UTTP tại các cơ quan trực tiếp thực hiện trong và ngoài nước nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan.
ThS. Dương Thị Bích Đào
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Phạm vi dân sự trong bài viết này bao gồm: Dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình. Số liệu sử dụng trong bài viết này được thu thập từ các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác TTTP những năm gần đây và trích xuất số liệu từ phần mềm quản lý UTTP về dân sự của Bộ Tư pháp.
[2]. Cụ thể: Với Đài Loan ký ngày 12/4/2010, có hiệu lực ngày 02/12/2011; với An-giê-ri ký ngày 14/4/2010, có hiệu lực ngày 24/6/2012; với Ca-dắc-xtan ký ngày 31/10/2011, có hiệu lực ngày 28/6/2015; với Cam-pu-chia ký ngày 21/01/2013, có hiệu lực ngày 9/10/2014; với Hung-ga-ri ký ngày 10/9/2018, có hiệu lực ngày 06/3/2019.