Theo quy định của pháp luật hình sự, khi xét xử các vụ án ngoài việc xác định tội danh quyết định hình phạt đối với người phạm tội, thì đồng thời Toà án phải giải quyết các tranh chấp dân sự phát sinh ngoài hợp đồng do hành vi phạm tội gây ra. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập tới một trong số những nội dung đó là trách nhiệm liên đới trong trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi phạm tội trực tiếp gây ra.
Tại Điều 42 Bộ luật Hình sự quy định: Người phạm tội phải trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi. Như vậy, ngoài hành vi phạm tội mà người phạm tội phải chịu các chế tài pháp luật hình sự quy định trong mỗi điều luật cụ thể ở phần các tội phạm, thì hầu hết các vụ án người phạm tội phải chịu một hoặc nhiều biện pháp tư pháp như trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi. Đây là một nội dung mà các cơ quan tiến hành tố tụng thường xuyên phải giải quyết trong các vụ án hình sự.
Chúng ta đã biết, trách nhiệm liên đới trong trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ đặt ra trong các vụ án hình sự có nhiều người cùng tham gia thực hiện một hay nhiều tội phạm và hành vi phạm tội của họ đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, tập thể hay cá nhân thì họ phải có trách nhiệm liên đới trả lại tài sản hoặc bồi thường lại thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Chương XXI từ Điều 604 đến Điều 630 Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc bồi thường thiệt hại... được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự. Nghị quyết 03/2006 xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hội tụ đủ bốn yếu tố đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại. Qua thực tiễn áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án đồng phạm khi phát sinh trách nhiệm liên đới trong trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hiện nay còn có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau.
Xin nêu ví dụ như sau:
Từ năm 2003 đến năm 2009, Nguyễn Thị H và Trần Đình T ở thành phố V tỉnh NA do có nhiều mối quan hệ nên làm trung gian “chạy” cho những người từ 18 đến 25 tuổi nhập ngũ, sau đó xin đi học để phục vụ lâu dài trong lực lượng vũ trang, ngoài ra còn có khả năng “chạy” cho đi lao động xuất khẩu ở các quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản. H và T đã cùng nhau trao đổi, bàn bạc và bằng nhiều thủ đoạn khác nhau trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2009 đã chiếm đoạt được của hơn một trăm người bị hại với số tiền hơn 11 tỉ đồng. Khi nhận tiền của các đối tượng, H và T đều viết giấy biên nhận cam kết hứa hẹn với nội dung sẽ làm được các yêu cầu theo thoả thuận của hai bên, còn nếu không thực hiện được công việc theo thoả thuận thì H và T sẽ phải trả lại cả tiền gốc và tiền lãi theo lãi suất của ngân hàng cho các đối tượng. Sau khi nhận được tiền, H và T không làm được yêu cầu như đã thoả thuận. Số tiền chiếm đoạt được của các đối tượng H và T đã dùng vào việc tiêu dùng cho cá nhân. Tổng số tiền hơn 11 tỉ đồng mà hai bị cáo chiếm đoạt, cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh được H trực tiếp chiếm đoạt 3 tỉ đồng, T trực tiếp chiếm đoạt 2 tỉ đồng, còn hơn 6 tỉ đồng hiện hai bị cáo đổ lỗi cho nhau và cơ quan tiến hành tố tụng cũng không chứng minh được bị cáo nào trực tiếp chiếm đoạt số tiền này.
Khi giải quyết vụ án, phần định tội danh và quyết định hình phạt đối với hai bị cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng tôi không đề cập đến trong bài viết. Tuy nhiên, phần các biện pháp tư pháp, mà cụ thể là giải quyết việc trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại trong vụ án này hiện có nhiều cách hiểu và quan điểm giải quyết khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hợp đồng giữa hai bị cáo H và T với những người bị hại đây là hợp đồng vô hiệu, nên các bị cáo chỉ phải trả lại số tiền gốc cho người bị hại và không phải trả số tiền lãi theo nguyên tắc tại Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối và Điều 137 - Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu. Trong vụ án này, để chiếm đoạt được tiền của người bị hại, hai bị cáo H và T đã bằng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa người bị hại giao tiền cho các bị cáo như hứa giúp đỡ “chạy” cho con em họ vào lực lượng vũ trang, “chạy” cho đi học hay đi xuất khẩu lao động là những thông tin không đúng sự thật, đồng thời để làm tin, hai bị cáo còn viết giấy cam kết, hứa hẹn nếu không làm được theo như thoả thuận thì các bị cáo sẽ trả lại số tiền gốc và cả số tiền lãi cho người bị hại, nhưng thực chất đây là giao dịch lừa dối của các bị cáo đối với người bị hại nên được coi là giao dịch dân sự vô hiệu. Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối là “hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về nội dung của giao dịch dân sự đó”. Điều 137 Bộ luật Dân sự quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên. Như vậy, trong trường hợp này quyền và nghĩa vụ giữa các bị cáo H và T với những người bị hại đã thoả thuận sẽ không phát sinh kể cả việc hứa trả lãi của số tiền gốc. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do vậy, H và T chỉ phải trả lại cho người bị hại số tiền gốc đã chiếm đoạt mà thôi. Cách giải quyết này cũng phù hợp với kết luận của Chánh án Toà án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác Ngành Toà án năm 1991 đó là: Đối với các tranh chấp về nợ hụi nếu phát hiện có yếu tố chiếm đoạt hoặc giật hụi thì chuyển sang Viện kiểm sát truy tố về tội Lừa đảo hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi xử lý các tranh chấp này, Toà án chỉ giải quyết cho trả lại phần vốn (thanh toán nợ gốc) không được tính lãi suất còn vốn thì được thanh toán theo cách có tính trượt giá theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành 01/TTLN ngày 10/1/1992 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Theo quy định của Điều 42 Bộ luật Hình sự, thì H và T sẽ phải trả lại cho người bị hại toàn bộ số tiền gốc hơn 11 tỉ đồng mà hai bị cáo chiếm đoạt; trong đó, Nguyễn thị H phải trả lại cho người bị hại số tiền 3 tỉ đồng mà H đã trực tiếp chiếm đoạt và Trần Đình T sẽ phải trả lại cho người bị hại số tiền 2 tỉ đồng mà T đã trực tiếp chiếm đoạt. Còn số tiền lãi phát sinh từ 3 tỉ đồng mà H chiếm đoạt và 2 tỉ đồng mà T chiếm đoạt, cùng với số tiền hơn 6 tỉ đồng mà các bị cáo hiện đổ lỗi cho nhau trong việc chiếm đoạt mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được, thì hai bị cáo phải có trách nhiệm trả lại và bồi thường cho người bị hại theo phần bằng nhau. Bởi lẽ, theo quy định của Điều 42 Bộ luật Hình sự, thì số tiền gốc hơn 11 tỉ đồng là số tiền mà hai bị cáo phải trả lại cho người bị hại chứ không phải tiền bồi thường. Còn số tiền lãi là thiệt hại trong vụ án nên các bị cáo phải bồi thường cho người bị hại theo nguyên tắc liên đới bồi thường thiệt hại. Do đây là vụ án đồng phạm, nên các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường theo phần bằng nhau, không phân biệt bị cáo nào chiếm giữ nhiều hơn hay ít hơn theo quy định của pháp luật dân sự và Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Như vậy, số tiền hơn 6 tỉ đồng mà hai bị cáo còn đổ lỗi cho nhau, thì hai bị cáo phải có nghĩa vụ trả lại cho người bị hại cùng với việc bồi thường thiệt hại tổng số tiền lãi của hơn 11 tỉ đồng theo phần bằng nhau cho những người bị hại.
Trước hết, chúng tôi không đồng tình với cách giải quyết như quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là hợp đồng vô hiệu, trong vụ án này, thoả thuận của hai bị cáo với những người bị hại nó hoàn toàn khác với trường hợp giao kết hợp đồng dân sự thông thường khác. Bởi vì, đây là trường hợp giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, phần bồi thường thiệt hại này nó có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội hay nói cách khác nghĩa vụ dân sự phát sinh trong trường hợp này là do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra, giao dịch dân sự bị vi phạm là căn cứ pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người phạm tội và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người phạm tội với người bị hại. Do vậy, để xác định việc trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại trong vụ án này, trước hết chúng ta phải xác định hành vi của các bên khi giao kết hợp đồng. Trong vụ án này, hành vi của H và T là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Cho nên, tất cả những thiệt hại mà H và T gây ra họ phải có nghĩa vụ trả lại và bồi thường cho người bị hại. Nội dung kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác Ngành Tòa án năm 1991 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp nợ hụi đã hướng dẫn cụ thể là nếu phát hiện có yếu tố chiếm đoạt hoặc giật hụi thì chuyển sang Viện kiểm sát truy tố về tội Lừa đảo hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, mặc nhiên từ quan hệ dân sự thông thường đã chuyển hoá thành quan hệ pháp luật hình sự. Cho nên, việc hiểu theo nghĩa đơn thuần của hợp đồng dân sự vô hiệu sẽ không đúng trong trường hợp của vụ án này. Do vậy, tất cả những thiệt hại mà một người gây ra họ phải có nghĩa vụ bồi thường lại toàn bộ cho người bị thiệt hại. Vì thế, hướng dẫn trong kết luận của Chánh án Toà án nhân dân tối cao năm 1991 là hoàn toàn phù hợp không có gì mâu thuẫn trong việc giải quyết vụ án này.
Trở lại vụ án trên, trước hết, chúng ta phải xác định đây là một vụ án đồng phạm, nên hai bị cáo H và T phải có trách nhiệm liên đới trả lại số tiền gốc và bồi thường toàn bộ thiệt hại số tiền lãi phát sinh từ tiền gốc theo như cam kết đã thoả thuận cho hơn một trăm người bị hại. Điều 616 Bộ luật Dân sự quy định bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra, trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi của mỗi người thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau. Trong vụ án này, tuy các bị cáo cùng nhau thực hiện tội phạm và cùng nhau chiếm đoạt hơn 11 tỉ đồng của hơn một trăm người bị hại, nhưng quá trình điều tra đã xác định được cụ thể số tiền 5 tỉ đồng mà hai bị cáo trực tiếp chiếm giữ đó là H 3 tỉ đồng và T 2 tỉ đồng thì bị cáo H phải trả lại cho người bị hại 3 tỉ đồng cùng với số tiền lãi phát sinh, bị cáo T phải phải trả lại cho người bị hại 2 tỉ đồng cùng với số tiền lãi phát sinh. Còn số tiền mà hai bị cáo đổ lỗi cho nhau không khai nhận và cơ quan điều tra cũng không chứng minh được, thì hai bị cáo có nghĩa vụ trả lại và bồi thường cho người bị hại theo phần bằng nhau của số tiền gốc hơn 6 tỉ đồng cùng với số tiền lãi phát sinh, giải quyết như trên vừa bảo đảm công bằng nghĩa vụ giữa hai bị cáo, vừa đảm bảo quyền lợi cho những người bị hại, phù hợp với quy định của pháp luật hình sự và pháp luật dân sự.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc quy định ở Điều 616 Bộ luật Dân sự, giả sử trong vụ án này, khi tiến hành điều tra cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được vai trò trách nhiệm hình sự của hai bị cáo khác nhau, thì bị cáo nào phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn thì phải chịu trách nhiệm trả lại số tiền gốc và bồi thường thiệt hại số tiền lãi cao hơn tuỳ theo tính chất mức độ lỗi. Tuy nhiên, số tiền trả lại và bồi thường này cũng chỉ được phân định trách nhiệm liên đới cao hơn hay thấp hơn trong tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng khi các bị cáo còn đổ lỗi cho nhau trong việc chiếm đoạt, cũng như số tiền lãi phát sinh từ 6 tỉ đồng này mà thôi, còn số tiền cụ thể đã chứng minh được từng bị cáo trực tiếp chiếm giữ thì vẫn giải quyết theo như phân tích trên.
Trên đây là một số nội dung xoay quanh trách nhiệm liên đới trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hiện đang còn có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau. Rất mong cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu tâm hướng dẫn việc áp dụng pháp luật trong trường hợp trên
Vũ Thành Long
Tòa án Quân sự Trung ương