Abstract: The article deals with the role of family in the educating human rights for pupils and points out the method, main characteristics in which family may take part in educating human rights for pupils and asserts benefits of this education form thence proposes the strengthening of the combination between the school, family and the society in improving effect of education of human rights for pupils in our country at present.
Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông là hoạt động có mục đích, có hệ thống bằng những hình thức, phương pháp nhất định nhằm trang bị kiến thức cơ bản về quyền con người, kỹ năng bảo vệ, thực hiện các quyền con người, xây dựng thái độ, tình cảm tôn trọng quyền con người, tôn trọng và tuân thủ pháp luật, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng và xã hội. Giáo dục quyền con người cho học sinh được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, với sự tham gia của nhiều chủ thể như gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội, các cộng đồng dân cư... Hiệu quả của giáo dục quyền con người cho học sinh chỉ có thể đạt được khi có sự kết hợp cùng lúc với nhiều hình thức giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, cộng đồng và các tổ chức xã hội. Mỗi loại hình giáo dục quyền con người cho học sinh đều có những ưu thế riêng cũng như những hạn chế, do vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là phải kết hợp sự tham gia của các chủ thể, tạo nên thế kiềng ba chân vững chắc đó chính là: Gia đình - nhà trường - cộng đồng, xã hội. Giáo dục quyền con người cho học sinh có các mục đích cơ bản là: Nhận thức, tình cảm và mục đích hành vi trong việc hiểu biết, thực hành quyền con người trong cuộc sống của các em. Thông qua giáo dục quyền con người, giáo dục đạo đức để tạo lập thói quen, kỹ năng tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người; hình thành động cơ, hành vi, thói quen xử sự hợp pháp, tích cực để bảo đảm, bảo vệ và thực hiện quyền con người1.
Hai chức năng quan trọng nhất của giáo dục quyền con người đó là trang bị những kiến thức cơ bản, xây dựng ý thức tôn trọng, bảo vệ và trang bị những kỹ năng sử dụng quyền con người của bản thân mỗi người và của những người khác. “Con người càng hiểu biết nhiều về các quyền của chính mình thì càng tôn trọng các quyền của những người khác và như vậy càng có cơ hội chung sống hòa bình. Chỉ khi nào người dân được giáo dục về quyền con người thì lúc đó chúng ta mới có thể hy vọng ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền con người cũng như ngăn chặn xung đột”2#. Giáo dục quyền con người tạo lập nhận thức, năng lực, tình cảm và thái độ đúng đắn của học sinh, góp phần hoàn thiện nhân cách. Giáo dục quyền con người cho học sinh góp phần phát triển các em một cách toàn diện, cả về phẩm chất đạo đức nhân văn, cả về tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, trở thành những công dân có nhân cách, phẩm chất và năng lực, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội3.
Gia đình, cái nôi nuôi dưỡng học sinh từ tấm bé cho đến những năm tháng tiếp theo của cuộc sống lao động, học tập và làm việc. Để tạo lập thói quen tôn trọng pháp luật, sống có đạo đức, tôn trọng quyền con người cho học sinh phổ thông, sự tham gia của gia đình là điều kiện không thể thiếu được. Gia đình là khái niệm rất quen thuộc và bất cứ cá nhân nào cũng gắn bó với gia đình, gia đình cũng là “ngôi trường” đầu tiên đặt nền móng cho các hoạt động giáo dục cá nhân con người. Mong muốn có những người con khỏe mạnh, thông minh, có đạo đức, có những phẩm chất tốt đẹp (theo quan niệm của họ và phù hợp với hệ giá trị của xã hội); thành thạo những kỹ năng sống và có một tâm hồn trong sáng, lối sống lành mạnh; là những người có ích đối với gia đình và xã hội là mong ước của mọi người làm cha, làm mẹ. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ dành nhiều công sức, tiền bạc để đầu tư giáo dục con cái. Gia đình là môi trường quan trọng bậc nhất của cá nhân, nhất là khi còn nhỏ, trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc và được dạy bảo những điều đầu tiên, sơ đẳng để sống làm người. Thông qua hoạt động giáo dục, gia đình tạo nên “sản phẩm” của mình, đưa nó hòa nhập vào với xã hội. Tất nhiên sẽ có những em bé thiếu sự quan tâm giáo dục của người cha hoặc người mẹ nhưng vẫn có thể hình thành được nhân cách tốt, hoặc có những em bé tuy được giáo dục chu đáo mà vẫn xuất hiện những tính xấu. Môi trường gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật của các em như theo một cách nói tương đối trong dân gian: “Cha nào con nấy”, “giỏ nhà ai, quai nhà ấy”… Giáo dục gia đình là sự giáo dục được thực hiện trong phạm vi gia đình, do các thế hệ trước thực hiện, nhằm tác động tới thế hệ sau với mục đích hình thành và củng cố trong thế hệ sau những phẩm chất, năng lực phù hợp với quan điểm của thế hệ trước cũng như phù hợp với hệ chuẩn mực của xã hội. Đây là một hoạt động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có sự chuẩn bị...) của những người giáo dục (thế hệ trước), tác động một cách thường xuyên, liên tục tới đối tượng được giáo dục (hế hệ sau), nhằm đạt tới mục đích mà người giáo dục đã định4.
Một trong những đặc điểm của học sinh phổ thông là đang trong quá trình hình thành, hoàn thiện tâm, sinh lý. Quá trình này gắn bó rất chặt chẽ với môi trường gia đình và môi trường gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách cho học sinh phổ thông. Nếu như học sinh tiểu học được coi như “tờ giấy trắng” thì học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông lại có nhiều điểm phát triển mang tính đột phá, chuyển hóa từ nhi đồng sang thiếu niên, thanh niên. Quá trình phát triển và hoàn thiện về tri thức, tâm lý, tình cảm của học sinh phổ thông liên quan trực tiếp đến việc củng cố, phát triển, hoàn thiện trình độ nhận thức, trong đó có nhận thức về quyền con người. Con người là giá trị cao quý nhất, mà nói đến con người và các quyền con người thì phải nói đến một lĩnh vực quan trọng là đạo đức. Do vậy, giáo dục quyền con người chỉ có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả khi kết hợp với giáo dục đạo đức5.
Vai trò của gia đình trong hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông được xây dựng dựa trên các quan niệm về giáo dục, gia đình, giáo dục gia đình. Giáo dục theo nghĩa chung là hình thức học tập, mà theo đó, những kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra6. Giáo dục là quá trình hoạt động có ý thức, có mục đích, có kế hoạch nhằm bồi dưỡng cho người ta những phẩm chất đạo đức, những tri thức cần thiết về tự nhiên và xã hội, cũng như những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trong đời sống7. Bản chất của giáo dục là hoạt động thực tiễn tạo ra năng lực lao động mà cốt lõi là bồi dưỡng và nâng cao chất người của lực lượng lao động, được thực hiện thông quá biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Sự tác động và ảnh hưởng của hoạt động giáo dục đối với đối tượng được giáo dục được thể hiện thông qua tri thức được nắm bắt, tình cảm, lối sống, cách cư xử phù hợp với các chuẩn mực xã hội, giúp hình thành nhân cách của đối tượng được giáo dục. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục quyền con người cho học sinh.
Thứ nhất, gia đình đặt nền móng cho việc giáo dục quyền con người cho mỗi cá nhân ngay từ khi được sinh ra một cách rất tự nhiên. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, trong đó, các mối quan hệ trong gia đình được phản ánh rõ nét trong cách ứng xử, giao tiếp, đối đãi giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Thông qua các quan hệ này, các giá trị của quyền con người được biểu lộ ra bên ngoài và được chính các thành viên trong gia đình thực hành và cảm nhận. Các giá trị gia đình được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được hình thành trong ý nghĩ của mỗi cá nhân một cách rất tự nhiên. Cốt lõi của giáo dục gia đình là cách ứng xử, lối sống và đều dựa trên nền tảng của quyền con người hướng tới việc giáo dục nhân cách con người. Do vậy, môi trường giáo dục gia đình “vô hình chung” đã truyền đạt rất nhiều kiến thức về quyền con người cho các thành viên trong gia đình. Tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự cá nhân, gia đình, dòng họ và của người khác trở thành nếp nghĩ và cách hành xử của mọi cá nhân trong gia đình.
Thứ hai, nếu như giáo dục nhà trường bị giới hạn ở không gian (trong phạm vi trường học) và cấp học, lứa tuổi… thì giáo dục gia đình là quá trình liên tục từ khi còn trẻ cho tới lúc già. Trong mỗi giai đoạn phát triển của cá nhân, gia đình luôn là nơi dạy những bài học làm người phù hợp nhất. Khi còn là học sinh phổ thông, giáo dục gia đình đặt trọng tâm vào việc hình thành nhân cách con người thì khi đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, cha mẹ lại dạy cho con cái trách nhiệm với gia đình mới, với con cái, cách thức dạy dỗ, giáo dục con cái. Và như vậy, các giá trị căn bản, phổ biến liên quan đến quyền con người lại “tự nhiên” được lặp đi, lặp lại trong môi trường gia đình. Các thế hệ con cháu noi gương ông bà, cha mẹ mình để tự rèn luyện nhân cách cá nhân.
Thứ ba, các thành viên trong gia đình là những người ruột thịt và yêu thương nhau nên cách thức tiến hành giáo dục gia đình là dựa trên tình cảm, dùng tình cảm để “cảm hóa” và được sử dụng rất linh hoạt thông qua những bài học bình dị, bằng những phương tiện sẵn có, với những cách thể hiện tự nhiên, đơn giản như giải thích, thuyết phục. Kỳ vọng của cha mẹ đều là giáo dục con cái đạt tới những điều tốt đẹp, hàm chứa sự mong chờ một tương lai tốt đẹp cho con, trong đó có ấp ủ những dự định, những ước muốn, những kỳ vọng... Để không bị mâu thuẫn với những gì mình dạy dỗ con cái, bố mẹ thường phải chú ý làm gương, tỏ ra mẫu mực để các con noi theo một cách rất khắt khe. Quá trình tự rèn luyện của cha mẹ để trở thành “tấm gương hoàn hảo” cho con cũng giúp ích rất nhiều để đạt được kết quả giáo dục như ý muốn.
2. Những cách thức cơ bản của giáo dục gia đình về quyền con người cho học sinh phổ thông
2.1. Sự tham gia trực tiếp của gia đình vào hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông
Sự tham gia trực tiếp của gia đình vào hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông được thể hiện ở chỗ, nhiều thành viên trong gia đình cùng tham gia giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông theo nghĩa “lớp cha trước, lớp con sau”, tuy rằng phần đông các bậc phụ huynh không phải là các chuyên gia giáo dục quyền con người. Các tình huống liên quan đến giáo dục quyền con người cũng rất gần gũi nên học sinh phổ thông có thể dễ dàng tiến nhận và vận dụng vào trong đời sống thực tiễn. Như vậy, nội dung tham gia trực tiếp của gia đình vào hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông được thể hiện ở chỗ:
- Gia đình cung cấp những kiến thức nền tảng để học sinh phổ thông tham gia vào các quan hệ xã hội. Nếu như ở bậc tiểu học, cha mẹ thường khuyên dạy con phải biết tôn trọng thầy cô, bạn bè, phải trung thực, không nói dối, biết tôn trọng tài sản của người khác… Nhưng khi chuyển sang bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, những bài học được đẩy lên ở mức cao hơn như phải biết chịu trách nhiệm cho các hành động của bản thân, học cách biết chung sống, tôn trọng nhân phẩm, giá trị của con người…
- Sự làm gương của ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình, dòng họ được xem là cách giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông một cách toàn vẹn nhất. Học sinh phổ thông có thể nhìn vào cách cư xử, lối sống của những người thân trong gia đình để điều chỉnh hoặc ứng xử theo các thành viên trong gia đình.
- Truyền dạy truyền thống gia đình, dòng họ. Hoạt động giáo dục quyền con người trong gia đình mang tính đơn nhất, không bao giờ lặp lại. Chính điều này giúp cho hoạt động giáo dục quyền con người ở gia đình được thể hiện đa dạng, sinh động.
- Áp dụng các biện pháp giáo dục quyền con người vừa mang tính chất động viên, vừa mang tính nghiêm khắc mà ở môi trường giáo dục nhà trường không thể thực hiện được.
Mặc dù vậy, để phát huy vai trò giáo dục quyền con người của gia đình một cách trực tiếp và hiệu quả đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Ở nước ta hiện nay, các giá trị gia đình truyền thống chưa được phổ biến một cách rộng rãi, nhân cách con người Việt Nam là gì, đâu là những giá trị căn bản mà mỗi cá nhân cần phải tích lũy… đang là khoảng trống trong giáo dục nhân cách mà rộng hơn là giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông. Chúng ta phải thật sự lo ngại khi sự du nhập của các phương pháp giáo dục con cái thông qua các ấn phẩm được phát hành hợp pháp ở Việt Nam. Việc áp dụng không thống nhất các phương pháp giáo dục nhân phẩm cho cá nhân và sự khác nhau ở mỗi quốc gia cũng đặt ra thách thức lớn trong việc tham gia của gia đình vào hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông.
2.2. Sự tham gia của gia đình vào hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông thông qua việc hỗ trợ nhà trường trong hoạt động giáo dục học sinh phổ thông
Nếu như giáo dục gia đình dựa nhiều vào tri thức kinh nghiệm, lưu truyền từ đời này sang đời khác và dựa trên nền tảng tình cảm thì giáo dục phổ thông được tiến hành bởi các thầy cô giáo được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy. Các phương pháp giáo dục cũng đã được thẩm định, được kiểm chứng để bảo đảm giá trị khoa học khi áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của giáo dục nhà trường là đặt nặng việc truyền thụ kiến thức với các phương pháp giáo dục được chuẩn hóa nên không bảo đảm được giáo dục toàn diện. Do vậy, sự tham gia của gia đình trong giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông là sự bổ khuyết cho những nhược điểm của giáo dục nhà trường, bởi lẽ, giáo dục trong gia đình là sự giáo dục tổng quát, cả về thể lực, trí lực và đạo đức, thẩm mỹ... rất đa dạng và nhiều chiều, bao quát mọi khía cạnh của nhân cách8.
Để bảo đảm cho sự tham gia của gia đình vào giáo dục quyền con người và cùng với nhà trường có thể đào tạo được những con người có phẩm chất đức tốt, chúng tôi cho rằng cần phải tạo lập được mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường với gia đình, đặc biệt, gia đình cần phải được cung cấp nhanh nhất, chính xác nhất các thông tin về quá trình học tập, xu hướng biến động nhân cách của học sinh phổ thông, nhất là những xu hướng tiêu cực để gia đình có thể vào cuộc càng sớm càng tốt. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài để cho gia đình được tham gia sâu hơn vào quá trình giáo dục học sinh phổ thông.
Tóm lại, với vai trò là ngôi trường đầu tiên của mỗi cá nhân, gia đình có điều kiện, có trách nhiệm và nhiều ưu thế trong việc tham gia vào giáo dục đạo đức, giáo dục quyền con người cho học sinh. Mức độ ảnh hưởng của giáo dục gia đình tới việc hình thành nhân cách của học sinh phổ thông là rất lớn. Đây là một trong những mục tiêu của giáo dục quyền con người để học sinh phổ thông có thể nhận thức được quyền con người của bản thân, từ đó biết cách bảo vệ, vận dụng có hiệu quả kiến thức quyền con người vào việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ các mối quan hệ do học sinh phổ thông tham gia. Đồng thời, thông qua hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông của gia đình, ngay từ khi còn nhỏ, mỗi học sinh phổ thông đã được rèn luyện tinh thần biết tôn trọng quyền của người khác. Dù tham gia trực tiếp hay gián tiếp, giáo dục quyền con người của gia đình sẽ tạo lập những đức tính đạo đức, thói quen ứng xử tốt cho các em học sinh - cơ sở nền tảng để các em tiếp thu kiến thức, kỹ năng thực hành quyền con người trong cuộc sống. Nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong giáo dục quyền con người cho học sinh, song để phát huy được vai trò này của gia đình thì cần thiết phải kết hợp với giáo dục của nhà trường, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Bản thân các bậc phụ huynh cũng phải được trang bị những kiến thức cần thiết về các quyền con người trong đó có những quyền liên quan trực tiếp đến các em học sinh, trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ các em. Qua đó, góp phần xóa bỏ những tập tục, quan niệm lạc hậu, những hành vi bạo lực như trong xã hội cũ trước đây trong cách ứng xử của ông bà, cha mẹ, anh chị em đối với các em, nhằm xây dựng cách ứng xử văn minh, tôn trọng quyền con người của các em từ chính những người trong gia đình.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Đức Hồng Hà, Mục đích, vai trò, ý nghĩa, phạm vi giáo dục quyền con người, Giáo dục quyền con người - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010, tr.50.
2. Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Koffi Annan nhân ngày Quyền con người, 10/12/2000, Thông cáo báo chí LHQ, ngày 10/2/2000.
3. Đỗ Đức Hồng Hà, Mục đích, vai trò, ý nghĩa, phạm vi giáo dục quyền con người, Giáo dục quyền con người - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010, tr.51.
4. Đinh Thị Vân Chi, Giáo dục gia đình và quan hệ của nó với những môi trường giáo dục khác trong quá trình xã hội hóa cá nhân, truy cập ngày 20/4/2015, http://huc.edu.vn/chi-tiet/3407/Giao-duc-gia-dinh-va-quan-he-cua-no-voi-nhung-moi-truong-giao-duc-khac-trong-qua-trinh-xa-hoi-hoa-ca-nhan.html.
5. Hoàng Thị Kim Quế, Quyền con người và giáo dục quyền con người ở Việt nam hiện nay, Tạp chí Khoa Học, Đại học Quốc gia Hà nội, 3/2006.
6. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2010, tr.512.
7. Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.754.
8. Đinh Thị Vân Chi, Giáo dục gia đình và quan hệ của nó với những môi trường giáo dục khác trong quá trình xã hội hoá cá nhân, truy cập ngày 20/4/2015, http://huc.edu.vn/chi-tiet/3407/Giao-duc-gia-dinh-va-quan-he-cua-no-voi-nhung-moi-truong-giao-duc-khac-trong-qua-trinh-xa-hoi-hoa-ca-nhan.html.
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp