Những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ngày càng gia tăng, kéo theo số trẻ em là con chung giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cũng tăng theo, đồng thời với đó là tăng số lượng các việc đăng ký khai sinh (ĐKKS), ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (ghi chú khai sinh).
Mặc dù thủ tục ĐKKS nói chung, ĐKKS có yếu tố nước ngoài nói riêng cũng như việc ghi chú khai sinh đã được quy định theo hướng đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, thuận tiện cho người yêu cầu đăng ký hộ tịch, tuy nhiên, việc ĐKKS có yếu tố nước ngoài/ghi chú khai sinh vẫn gặp một số vướng mắc do pháp luật chưa có quy định, dự liệu về một số tình huống phát sinh trong thực tế; một số trường hợp cha, mẹ trẻ không có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật, thông tin liên quan đến sự kiện sinh chưa xác thực, để ĐKKS phải tiến hành kiểm tra, xác minh tại nhiều cơ quan khác nhau...
Bài viết này tập trung phân tích một số vướng mắc tương đối phổ biến trong quá trình giải quyết thủ tục ĐKKS có yếu tố nước ngoài, ghi chú khai sinh, đồng thời, đưa ra một số đề xuất nhằm tháo gỡ các vướng mắc đó, bảo đảm quyền được ĐKKS của trẻ em.
1. Vướng mắc trong thực tiễn giải quyết việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
1.1. Quy định của pháp luật về đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Điều 35 Luật Hộ tịch năm 2014, trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam, nhưng một bên cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài/người không quốc tịch/công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài/người nước ngoài/người không quốc tịch thì được xác định là ĐKKS có yếu tố nước ngoài, thuộc thẩm quyền ĐKKS của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Trường hợp trẻ sinh tại nước ngoài về Việt Nam cư trú, trẻ có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam hoặc một trong hai người là công dân Việt Nam thì việc ĐKKS cũng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Về hồ sơ ĐKKS, ngoài tờ khai ĐKKS, giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng sinh theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014, nếu cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ của trẻ là người nước ngoài thì người yêu cầu ĐKKS phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ lựa chọn quốc tịch cho con; trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân để tránh trường hợp trẻ rơi vào tình trạng không quốc tịch[1].
Đối với trường hợp trẻ sinh ra ở nước ngoài, ngoài các giấy tờ nêu trên, người có yêu cầu ĐKKS còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ cư trú tại Việt Nam, bao gồm: Giấy tờ chứng minh việc trẻ đã nhập cảnh vào Việt Nam (như hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ đang cư trú tại Việt Nam[2].
1.2. Vướng mắc trong thực tiễn giải quyết việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
Một là, đối với trẻ em sinh ra tại nước ngoài
Nhiều trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài, được đưa về Việt Nam sinh sống, gia đình có yêu cầu ĐKKS cho trẻ, nhưng thông tin của trẻ được cung cấp không xác thực, phải tiến hành kiểm tra, xác minh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong số này, phần lớn trẻ là con chung giữa công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc, được sinh ra tại Hàn Quốc, đa số đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc và được cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, sau khi đưa trẻ về Việt Nam, gia đình lại cam đoan trẻ chưa được ĐKKS tại Hàn Quốc để được ĐKKS, có giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, ghi quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam.
Do vậy, các thông tin liên quan đến sự kiện sinh cần được xác minh chặt chẽ, nhất là việc trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc hay chưa? Cơ quan hộ tịch của Việt Nam chỉ tiếp nhận, giải quyết ĐKKS nếu có cơ sở khẳng định trẻ chưa được ĐKKS tại một cơ quan nào; đồng thời, trong hồ sơ phải xuất trình các giấy tờ chứng minh việc trẻ nhập cảnh vào Việt Nam; nếu trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc, thì hướng dẫn gia đình liên hệ với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam để được hỗ trợ, giải quyết.
Hai là, đối với trẻ sinh tại Việt Nam, mặc dù có thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, xác minh thông tin, nhưng việc đăng ký khai sinh cho nhóm trẻ này cũng gặp nhiều vướng mắc
(i) Trẻ không được ĐKKS do chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan trong việc xác định thẩm quyền giải quyết việc cha nhận con.
Đây chủ yếu là các trường hợp trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng Việt - Hàn, nhưng thực chất lại là con của công dân Việt Nam với nhau, do người vợ chung sống với người đàn ông Việt Nam khi quan hệ hôn nhân với người chồng Hàn Quốc vẫn đang tồn tại. Do trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên khi ĐKKS cho trẻ, phải ghi thông tin về cha, mẹ là thông tin của vợ chồng. Nếu người thứ 3 (người cha thực tế của trẻ) muốn nhận con thì xác định là có tranh chấp về mặt pháp lý, việc xác định cha, con thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự[3]. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, trên thực tế, nhiều trường hợp người dân phản ánh nhưng Tòa án từ chối tiếp nhận giải quyết hoặc đình chỉ vụ việc với lý do “không có tranh chấp thực tế”. Trường hợp Tòa án từ chối giải quyết xác định cha - con, nếu các cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ tiếp nhận, giải quyết việc ĐKKS (không kết hợp giải quyết nhận cha - con) thì phần thông tin về người cha buộc phải ghi thông tin là công dân Hàn Quốc, mặc dù căn cứ vào kết quả giám định ADN thì biết chắc đó không phải là cha của trẻ. Điều này dẫn đến việc ĐKKS không xác thực, ảnh hưởng tới quyền lợi của trẻ.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của trẻ, trên cơ sở yêu cầu cha nhận con, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tạm thời chỉ đạo Sở Tư pháp giải quyết theo hướng: Trường hợp Tòa án từ chối thụ lý hoặc đình chỉ vụ việc với lý do “không có tranh chấp” thì UBND cấp xã tiếp nhận và giải quyết yêu cầu ĐKKS kết hợp với thủ tục cha nhận con, trong hồ sơ phải có văn bản từ chối hoặc đình chỉ giải quyết của Tòa án và kết quả giám định ADN để chứng minh quan hệ giữa người cha thực tế (là công dân Việt Nam) với người con.
(ii) Quy định pháp luật về việc ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (ghi chú kết hôn) chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến việc xác định cha và đăng ký khai sinh cho trẻ.
Pháp luật hiện hành không quy định về việc nộp/xuất trình trích lục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn đối với trường hợp cha, mẹ trẻ kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khi thực hiện ĐKKS cho trẻ; tuy nhiên, về nguyên tắc, việc kết hôn đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải được cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền của Việt Nam ghi vào sổ hộ tịch, cấp trích lục ghi chú kết hôn. Do đó, trường hợp trẻ là con giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nhưng chưa thực hiện ghi chú kết hôn tại Việt Nam, các cơ quan đăng ký hộ tịch còn lúng túng trong việc xác định, ghi thông tin về người cha trong giấy khai sinh của trẻ. Để bảo đảm quyền lợi của trẻ trong trường hợp này, theo chúng tôi, việc ĐKKS có thể được giải quyết theo hướng:
- Nếu giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ đã được hợp pháp hóa lãnh sự thì có thể xác định giấy chứng nhận kết hôn đó là hợp pháp, do đó, UBND cấp huyện thực hiện ĐKKS cho trẻ với đầy đủ thông tin về cha, mẹ trong giấy khai sinh.
- Nếu giấy chứng nhận kết hôn chưa được hợp pháp hóa lãnh sự, các cơ quan đăng ký hộ tịch cần trao đổi với đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân trong việc hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp không thể hợp pháp hóa lãnh sự được giấy chứng nhận kết hôn, thì UBND cấp huyện thực hiện ĐKKS cho trẻ theo diện con chưa xác định được cha.
2. Vướng mắc trong thực tiễn giải quyết ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
2.1. Quy định của pháp luật về ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 thì các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong đó có sự kiện đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì khi về Việt Nam phải thực hiện ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh (ghi chú khai sinh) theo quy định.
Thẩm quyền giải quyết ghi chú khai sinh thuộc UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam. Khi thực hiện thủ tục, người có yêu cầu phải nộp tờ khai theo mẫu quy định, bản sao, bản dịch có chứng thực/công chứng giấy tờ chứng minh việc khai sinh đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Đối tượng có quyền và trách nhiệm thực hiện thủ tục ghi chú khai sinh là công dân Việt Nam. Do đó, cần xác định rõ vấn đề quốc tịch của trẻ khi thực hiện việc ghi chú khai sinh.
2.2. Vướng mắc trong giải quyết vấn đề ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Theo quy định tại Điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam thì: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha, mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam (có quốc tịch theo huyết thống). Trong khi đó, một số nước (ví dụ như Hoa Kỳ…) áp dụng nguyên tắc có quốc tịch theo nơi sinh, theo đó, trẻ em sinh ra trong phạm vi lãnh thổ thì đương nhiên có quốc tịch nước này mà không phụ thuộc vào quốc tịch của cha, mẹ. Trên thực tế, có một số trường hợp, trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong giấy khai sinh đã ghi trẻ có quốc tịch nước ngoài nhưng khi về Việt Nam, cha mẹ trẻ vẫn có nguyện vọng thực hiện thủ tục ghi chú khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để được cấp giấy tờ hộ tịch của Việt Nam, xác định quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Pháp luật hộ tịch hiện hành chưa có quy định cụ thể về thủ tục ghi chú khai sinh đối với trường hợp trẻ có quốc tịch Việt Nam (theo huyết thống), đồng thời có quốc tịch nước ngoài (theo nơi sinh), vì vậy, cơ quan đăng ký hộ tịch còn lúng túng khi tiếp nhận, giải quyết.
Trường hợp này, mặc dù trên giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp ghi trẻ có quốc tịch nước ngoài, tuy nhiên, trẻ đương nhiên có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống nên có cơ sở để tiếp nhận yêu cầu ghi chú khai sinh, thông tin “quốc tịch” của trẻ trong trích lục ghi chú khai sinh và sổ ĐKKS được ghi là “Quốc tịch: Việt Nam”. Nếu tên của trẻ trong giấy khai sinh là tên nước ngoài, thì khi ghi chú khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn cha, mẹ trẻ lựa chọn tên tiếng Việt để ghi vào trích lục ghi chú khai sinh.
Có thể thấy, việc ĐKKS có yếu tố nước ngoài cũng như ghi chú khai sinh hiện vẫn còn một số vướng mắc nhất định. Các hướng giải quyết nêu trong bài viết chủ yếu là theo hướng vận dụng quy định pháp luật để giải quyết kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, bảo đảm quyền lợi cho trẻ em. Tuy nhiên, về lâu dài, cần nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết ĐKKS, ghi chú khai sinh cho nhóm trẻ này. Riêng đối với trẻ em là con giữa công dân Việt Nam với nhau nhưng vì các lý do khác nhau lại được ĐKKS với thông tin không xác thực như trường hợp con của cặp vợ chồng Việt - Hàn), để bảo đảm quyền lợi của trẻ em, Bộ Tư pháp cần tiếp tục phối hợp, trao đổi với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam để có hướng xử lý dứt điểm các trường hợp này. Bên cạnh đó, hướng giải quyết ĐKKS kết hợp nhận cha cho con nêu tại điểm (ii) mục 1.2 chỉ là hướng dẫn mang tính chất tạm thời, về lâu dài, Bộ Tư pháp cần trao đổi với Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất về thẩm quyền giải quyết xác định cha cho con cho các trường hợp này, làm cơ sở để các cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của công dân đúng thẩm quyền.
[1]. Khoản 1 Điều 36 Luật Hộ tịch năm 2014.
[2]. Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
[3]. Khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Mặc dù thủ tục ĐKKS nói chung, ĐKKS có yếu tố nước ngoài nói riêng cũng như việc ghi chú khai sinh đã được quy định theo hướng đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, thuận tiện cho người yêu cầu đăng ký hộ tịch, tuy nhiên, việc ĐKKS có yếu tố nước ngoài/ghi chú khai sinh vẫn gặp một số vướng mắc do pháp luật chưa có quy định, dự liệu về một số tình huống phát sinh trong thực tế; một số trường hợp cha, mẹ trẻ không có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật, thông tin liên quan đến sự kiện sinh chưa xác thực, để ĐKKS phải tiến hành kiểm tra, xác minh tại nhiều cơ quan khác nhau...
Bài viết này tập trung phân tích một số vướng mắc tương đối phổ biến trong quá trình giải quyết thủ tục ĐKKS có yếu tố nước ngoài, ghi chú khai sinh, đồng thời, đưa ra một số đề xuất nhằm tháo gỡ các vướng mắc đó, bảo đảm quyền được ĐKKS của trẻ em.
1. Vướng mắc trong thực tiễn giải quyết việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
1.1. Quy định của pháp luật về đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Điều 35 Luật Hộ tịch năm 2014, trường hợp trẻ em sinh ra tại Việt Nam, nhưng một bên cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài/người không quốc tịch/công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài/người nước ngoài/người không quốc tịch thì được xác định là ĐKKS có yếu tố nước ngoài, thuộc thẩm quyền ĐKKS của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Trường hợp trẻ sinh tại nước ngoài về Việt Nam cư trú, trẻ có cả cha và mẹ là công dân Việt Nam hoặc một trong hai người là công dân Việt Nam thì việc ĐKKS cũng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Về hồ sơ ĐKKS, ngoài tờ khai ĐKKS, giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng sinh theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014, nếu cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ của trẻ là người nước ngoài thì người yêu cầu ĐKKS phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ lựa chọn quốc tịch cho con; trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân để tránh trường hợp trẻ rơi vào tình trạng không quốc tịch[1].
Đối với trường hợp trẻ sinh ra ở nước ngoài, ngoài các giấy tờ nêu trên, người có yêu cầu ĐKKS còn phải xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ cư trú tại Việt Nam, bao gồm: Giấy tờ chứng minh việc trẻ đã nhập cảnh vào Việt Nam (như hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ đang cư trú tại Việt Nam[2].
1.2. Vướng mắc trong thực tiễn giải quyết việc đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
Một là, đối với trẻ em sinh ra tại nước ngoài
Nhiều trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài, được đưa về Việt Nam sinh sống, gia đình có yêu cầu ĐKKS cho trẻ, nhưng thông tin của trẻ được cung cấp không xác thực, phải tiến hành kiểm tra, xác minh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong số này, phần lớn trẻ là con chung giữa công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc, được sinh ra tại Hàn Quốc, đa số đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc và được cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, sau khi đưa trẻ về Việt Nam, gia đình lại cam đoan trẻ chưa được ĐKKS tại Hàn Quốc để được ĐKKS, có giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, ghi quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam.
Do vậy, các thông tin liên quan đến sự kiện sinh cần được xác minh chặt chẽ, nhất là việc trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc hay chưa? Cơ quan hộ tịch của Việt Nam chỉ tiếp nhận, giải quyết ĐKKS nếu có cơ sở khẳng định trẻ chưa được ĐKKS tại một cơ quan nào; đồng thời, trong hồ sơ phải xuất trình các giấy tờ chứng minh việc trẻ nhập cảnh vào Việt Nam; nếu trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc, thì hướng dẫn gia đình liên hệ với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam để được hỗ trợ, giải quyết.
Hai là, đối với trẻ sinh tại Việt Nam, mặc dù có thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, xác minh thông tin, nhưng việc đăng ký khai sinh cho nhóm trẻ này cũng gặp nhiều vướng mắc
(i) Trẻ không được ĐKKS do chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan trong việc xác định thẩm quyền giải quyết việc cha nhận con.
Đây chủ yếu là các trường hợp trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng Việt - Hàn, nhưng thực chất lại là con của công dân Việt Nam với nhau, do người vợ chung sống với người đàn ông Việt Nam khi quan hệ hôn nhân với người chồng Hàn Quốc vẫn đang tồn tại. Do trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên khi ĐKKS cho trẻ, phải ghi thông tin về cha, mẹ là thông tin của vợ chồng. Nếu người thứ 3 (người cha thực tế của trẻ) muốn nhận con thì xác định là có tranh chấp về mặt pháp lý, việc xác định cha, con thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự[3]. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, trên thực tế, nhiều trường hợp người dân phản ánh nhưng Tòa án từ chối tiếp nhận giải quyết hoặc đình chỉ vụ việc với lý do “không có tranh chấp thực tế”. Trường hợp Tòa án từ chối giải quyết xác định cha - con, nếu các cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ tiếp nhận, giải quyết việc ĐKKS (không kết hợp giải quyết nhận cha - con) thì phần thông tin về người cha buộc phải ghi thông tin là công dân Hàn Quốc, mặc dù căn cứ vào kết quả giám định ADN thì biết chắc đó không phải là cha của trẻ. Điều này dẫn đến việc ĐKKS không xác thực, ảnh hưởng tới quyền lợi của trẻ.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của trẻ, trên cơ sở yêu cầu cha nhận con, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tạm thời chỉ đạo Sở Tư pháp giải quyết theo hướng: Trường hợp Tòa án từ chối thụ lý hoặc đình chỉ vụ việc với lý do “không có tranh chấp” thì UBND cấp xã tiếp nhận và giải quyết yêu cầu ĐKKS kết hợp với thủ tục cha nhận con, trong hồ sơ phải có văn bản từ chối hoặc đình chỉ giải quyết của Tòa án và kết quả giám định ADN để chứng minh quan hệ giữa người cha thực tế (là công dân Việt Nam) với người con.
(ii) Quy định pháp luật về việc ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (ghi chú kết hôn) chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến việc xác định cha và đăng ký khai sinh cho trẻ.
Pháp luật hiện hành không quy định về việc nộp/xuất trình trích lục ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn đối với trường hợp cha, mẹ trẻ kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khi thực hiện ĐKKS cho trẻ; tuy nhiên, về nguyên tắc, việc kết hôn đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải được cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền của Việt Nam ghi vào sổ hộ tịch, cấp trích lục ghi chú kết hôn. Do đó, trường hợp trẻ là con giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nhưng chưa thực hiện ghi chú kết hôn tại Việt Nam, các cơ quan đăng ký hộ tịch còn lúng túng trong việc xác định, ghi thông tin về người cha trong giấy khai sinh của trẻ. Để bảo đảm quyền lợi của trẻ trong trường hợp này, theo chúng tôi, việc ĐKKS có thể được giải quyết theo hướng:
- Nếu giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ đã được hợp pháp hóa lãnh sự thì có thể xác định giấy chứng nhận kết hôn đó là hợp pháp, do đó, UBND cấp huyện thực hiện ĐKKS cho trẻ với đầy đủ thông tin về cha, mẹ trong giấy khai sinh.
- Nếu giấy chứng nhận kết hôn chưa được hợp pháp hóa lãnh sự, các cơ quan đăng ký hộ tịch cần trao đổi với đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho công dân trong việc hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp không thể hợp pháp hóa lãnh sự được giấy chứng nhận kết hôn, thì UBND cấp huyện thực hiện ĐKKS cho trẻ theo diện con chưa xác định được cha.
2. Vướng mắc trong thực tiễn giải quyết ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
2.1. Quy định của pháp luật về ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 thì các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong đó có sự kiện đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì khi về Việt Nam phải thực hiện ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh (ghi chú khai sinh) theo quy định.
Thẩm quyền giải quyết ghi chú khai sinh thuộc UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam. Khi thực hiện thủ tục, người có yêu cầu phải nộp tờ khai theo mẫu quy định, bản sao, bản dịch có chứng thực/công chứng giấy tờ chứng minh việc khai sinh đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Đối tượng có quyền và trách nhiệm thực hiện thủ tục ghi chú khai sinh là công dân Việt Nam. Do đó, cần xác định rõ vấn đề quốc tịch của trẻ khi thực hiện việc ghi chú khai sinh.
2.2. Vướng mắc trong giải quyết vấn đề ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Theo quy định tại Điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam thì: Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha, mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam (có quốc tịch theo huyết thống). Trong khi đó, một số nước (ví dụ như Hoa Kỳ…) áp dụng nguyên tắc có quốc tịch theo nơi sinh, theo đó, trẻ em sinh ra trong phạm vi lãnh thổ thì đương nhiên có quốc tịch nước này mà không phụ thuộc vào quốc tịch của cha, mẹ. Trên thực tế, có một số trường hợp, trẻ đã được ĐKKS tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong giấy khai sinh đã ghi trẻ có quốc tịch nước ngoài nhưng khi về Việt Nam, cha mẹ trẻ vẫn có nguyện vọng thực hiện thủ tục ghi chú khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để được cấp giấy tờ hộ tịch của Việt Nam, xác định quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Pháp luật hộ tịch hiện hành chưa có quy định cụ thể về thủ tục ghi chú khai sinh đối với trường hợp trẻ có quốc tịch Việt Nam (theo huyết thống), đồng thời có quốc tịch nước ngoài (theo nơi sinh), vì vậy, cơ quan đăng ký hộ tịch còn lúng túng khi tiếp nhận, giải quyết.
Trường hợp này, mặc dù trên giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp ghi trẻ có quốc tịch nước ngoài, tuy nhiên, trẻ đương nhiên có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống nên có cơ sở để tiếp nhận yêu cầu ghi chú khai sinh, thông tin “quốc tịch” của trẻ trong trích lục ghi chú khai sinh và sổ ĐKKS được ghi là “Quốc tịch: Việt Nam”. Nếu tên của trẻ trong giấy khai sinh là tên nước ngoài, thì khi ghi chú khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn cha, mẹ trẻ lựa chọn tên tiếng Việt để ghi vào trích lục ghi chú khai sinh.
Có thể thấy, việc ĐKKS có yếu tố nước ngoài cũng như ghi chú khai sinh hiện vẫn còn một số vướng mắc nhất định. Các hướng giải quyết nêu trong bài viết chủ yếu là theo hướng vận dụng quy định pháp luật để giải quyết kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, bảo đảm quyền lợi cho trẻ em. Tuy nhiên, về lâu dài, cần nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết ĐKKS, ghi chú khai sinh cho nhóm trẻ này. Riêng đối với trẻ em là con giữa công dân Việt Nam với nhau nhưng vì các lý do khác nhau lại được ĐKKS với thông tin không xác thực như trường hợp con của cặp vợ chồng Việt - Hàn), để bảo đảm quyền lợi của trẻ em, Bộ Tư pháp cần tiếp tục phối hợp, trao đổi với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam để có hướng xử lý dứt điểm các trường hợp này. Bên cạnh đó, hướng giải quyết ĐKKS kết hợp nhận cha cho con nêu tại điểm (ii) mục 1.2 chỉ là hướng dẫn mang tính chất tạm thời, về lâu dài, Bộ Tư pháp cần trao đổi với Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất về thẩm quyền giải quyết xác định cha cho con cho các trường hợp này, làm cơ sở để các cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của công dân đúng thẩm quyền.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lâm
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp
[1]. Khoản 1 Điều 36 Luật Hộ tịch năm 2014.
[2]. Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
[3]. Khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.