1. Nội dung của nguyên tắc thông qua quyết định của ASEAN
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong khu vực Đông Nam Á. ASEAN được thành lập ngày 08/8/1967 thông qua Tuyên bố Bangkok. Hiện nay, ASEAN gồm 10 quốc gia, trong đó, các quốc gia sáng lập là: Cộng hòa Indonesia, Liên bang Malaysia, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và các quốc gia nhập sau: Vương quốc Brunei (ngày 07/01/1984), Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 28/7/1995), Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (ngày 23/7/1997), Liên bang Myanma (ngày 23/7/1997), Vương quốc Campuchia (ngày 30/4/1999). Papua New Guinea và Đông Timor là các thành viên quan sát của ASEAN[1].
ASEAN hoạt động dựa trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào nội bộ của nhau, tiến tới tuân thủ các quy định trong Hiến chương ASEAN. Hiến chương này được xem là Hiến pháp của ASEAN.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Chương VII Hiến chương ASEAN, việc ra quyết định dựa trên tham vấn và đồng thuận là một nguyên tắc cơ bản của ASEAN[2]. Mọi vấn đề của ASEAN đều phải tham vấn tất cả các nước thành viên và quyết định chỉ được thông qua khi tất cả các nước thành viên nhất trí hoặc không phản đối. Quyết định sẽ không được thông qua nếu có một quốc gia phản đối, nguyên tắc này nhằm bảo đảm quyền lợi cho tất cả các quốc gia thành viên.
Trong luật quốc tế, đồng thuận là một thủ tục thông qua các văn bản luật, được áp dụng thường xuyên trong hoạt động của các tổ chức quốc tế. Đồng thuận cho phép có được một thỏa thuận mà không cần thông qua biểu quyết nếu không có phản đối. Nguyên tắc này đòi hỏi phải có quá trình đàm phán lâu dài nhưng bảo đảm được việc tính đến lợi ích quốc gia của tất cả các nước thành viên, nó là kết quả của sự tự giác, sự tự nguyện đồng ý của các quốc gia với nhau. Để đạt được đồng thuận, các quốc gia thành viên phải tiến hành thảo luận, thương lượng, đồng thời sử dụng các kỹ thuật nhằm dung hòa giữa các bên.
Các quyết định sẽ được thông qua trên cơ sở trao đổi ý kiến và đi đến nhất trí. Đây là nguyên tắc cơ bản trong việc quyết định các chính sách hợp tác, các lĩnh vực quan trọng của ASEAN, đồng thời cũng là nguyên tắc bao trùm trong các cuộc họp và hoạt động của ASEAN. Quy định này áp dụng cho tất cả các cơ quan của ASEAN từ Hội nghị cấp cao, Hội đồng Điều phối, 03 Hội đồng Cộng đồng cho đến các cơ chế trực thuộc thấp hơn.
Các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực khác cũng có quy định về việc thông qua các quyết định bằng phương thức đồng thuận. Hiến chương ASEAN quy định, nếu không đạt được đồng thuận thì vấn đề sẽ được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN quyết định. Mặt khác, các văn bản pháp lý của các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực khác quy định, đối với một số vấn đề nhất định, các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực sẽ tiến hành bỏ phiếu nếu không đạt được đồng thuận.
2. Những kết quả đạt được từ nguyên tắc tham vấn và đồng thuận
Một là, nguyên tắc tham vấn và đồng thuận đã góp phần tạo nên một ASEAN đoàn kết trong nhiều thập kỷ.
Tuyên bố Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 1967 (Tuyên bố Bangkok) đã nhận định, thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, cách tốt nhất để thực hiện các lý tưởng về hòa bình, tự do, công bằng xã hội và phúc lợi kinh tế là tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường quan hệ láng giềng tốt và sự hợp tác có ý nghĩa giữa các nước trong khu vực vốn đã gắn bó với nhau bởi các quan hệ lịch sử và văn hóa. Các nước Đông Nam Á có trách nhiệm chính trong việc tăng cường ổn định kinh tế và xã hội của khu vực, bảo đảm sự phát triển đất nước một cách hòa bình và tiến bộ, các nước quyết tâm bảo đảm sự ổn định và an ninh của mình không có sự can thiệp từ bên ngoài dưới bất cứ hình thức hoặc biểu hiện nào nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc phù hợp với những lý tưởng và nguyện vọng của nhân dân. Chính vì vậy, việc các quyết định được thông qua bằng hình thức đồng thuận của các quốc gia thành viên sau khi đã trải qua quá trình tham vấn sẽ xây dựng được lòng tin vững chắc cũng như sự tự nguyện và nhất trí tuyệt đối của tất cả các quốc gia ASEAN.
Việc sử dụng nguyên tắc đồng thuận sẽ giúp các quốc gia, dù nhỏ hay lớn đều có thể “lên tiếng” và thể hiện quan điểm của mình ở các cấp độ khác nhau đối với các hoạt động, đều có quyền quyết định như nhau trong mọi vấn đề của ASEAN. Đồng thuận đã giúp các nước ASEAN tìm được “tiếng nói” chung, thúc đẩy sự đoàn kết và liên kết trong khu vực ngày càng bền chặt, từ đó, vị thế và “tiếng nói” của ASEAN ngày một gia tăng.
Hai là, nguyên tắc tham vấn và đồng thuận giúp giữ gìn hòa bình, an ninh chính trị trong khu vực.
Trong ASEAN, với nguyên tắc dân chủ, ngang bằng và không can thiệp, các quốc gia thành viên ngang nhau trong mọi vấn đề, chủ quyết, dù là nước lớn hay nước bé. Trong quá trình thực hiện, trường hợp một trong số các quốc gia chưa thông suốt về ý tưởng hợp tác hoặc có ý kiến khác… là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, việc sử dụng nguyên tắc tham vấn và đồng thuận làm cho các quốc gia “thỏa mãn” khi được bày tỏ thái độ phản đối hay đồng ý, thậm chí im lặng nhưng cũng sẽ được cân nhắc khi ra quyết định, mà không bị phủ quyết như phương pháp biểu quyết theo đa số. Việc có thể im lặng sẽ cho phép các quốc gia tránh được gánh nặng về chính trị mỗi khi phải đưa ra câu trả lời công khai, không bị phủ quyết, tránh được những căng thẳng về tình hình chính trị của quốc gia đó, điều này góp phần giữ gìn sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia và thông qua đó, giữ gìn sự ổn định của khu vực.
Ba là, vai trò và uy tín của ASEAN được nâng cao, có nhiều bước tiến mới trong sự hợp tác và phát triển.
Hiện nay, nhiều nền kinh tế lớn thế giới đang chuyển sang các chính sách bảo hộ nhằm ứng phó với khủng hoảng. Trong khi đó, ASEAN vẫn duy trì cam kết hội nhập kinh tế khu vực và tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của hệ thống thương mại mở, minh bạch và dựa trên quy tắc. Theo chia sẻ của Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên VOV thường trú tại Indonesia trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan, diễn ra từ ngày 05 đến ngày 07/9/2023 tại Jakarta (Indonesia), có thể nói, trong năm qua, ASEAN đã đạt được những thành quả quan trọng nhằm duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của mình để dần trở thành động lực tăng trưởng và lực lượng chủ đạo trong các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực. Cộng đồng ASEAN tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thông qua định hình phát triển đến năm 2045, được thể hiện cụ thể qua nhiều tuyên bố đã được thông qua trong năm như Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về (i) phát triển Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025, (ii) tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế ASEAN… Đây là các văn kiện mang tính tiếp nối từ Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, khẳng định tinh thần đoàn kết của ASEAN trong việc chung tay xây dựng Cộng đồng thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm. Bên cạnh đó, ASEAN đang dần khẳng định vai trò là trung tâm, tâm điểm tăng trưởng của khu vực3.
Trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đạt nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, là một tổ chức có uy tín và vị thế ngày càng cao, có quan hệ đối ngoại rộng mở, đóng vai trò trung tâm trong khu vực, được các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn coi trọng, tăng cường hợp tác. ASEAN hiện nay là một cộng đồng với mức độ hợp tác, liên kết ngày càng sâu rộng trên cả 03 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới với GDP khoảng 3.300 tỷ USD (năm 2021) và là nền kinh tế đứng thứ 05 thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho khoảng 680 triệu dân[4].
3. Thách thức của nguyên tắc tham vấn và đồng thuận trong bối cảnh hiện nay
Có thể nói, nguyên tắc đồng thuận là một trong những giá trị cốt lõi của ASEAN, đã trở thành một phần quan trọng trong bản sắc của ASEAN. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc tham vấn và đồng thuận có nhiều ưu điểm, nhưng cũng tồn tại những hạn chế trong bối cảnh hiện nay (ví dụ như: Thủ tục thông qua quyết định của ASEAN thường nặng nề và chậm chạp, bởi vì nó luôn đòi hỏi những cuộc thảo luận và tham vấn lâu dài giữa các bên, do đó, mất nhiều thời gian tiến tới thống nhất thỏa thuận). Điều này sẽ bất lợi trong trường hợp cần đưa ra các quyết định khẩn cấp. Về mặt hiệu quả, để đạt được đồng thuận, đặc biệt là trong các trường hợp cấp bách, các nước ASEAN thường chọn cách thể hiện trung dung hoặc thỏa hiệp, như vậy, giúp ASEAN giữ được hình ảnh là một tổ chức năng động, biết can dự và có “tiếng nói”, nhưng lại không thể hành động quả quyết, nhất quán[5].
Có thể so sánh với “nguyên tắc đa số phiếu kép” (qualified majority voting) của Liên minh châu Âu (EU). Một quyết định của ASEAN sẽ được thông qua chỉ khi tất cả các nước nhất trí thông qua, bảo đảm quyền lợi cho tất cả các quốc gia thành viên. Còn với nguyên tắc đa số phiếu kép của EU chỉ cần 55% số nước thành viên và 65% dân số EU ủng hộ thì sẽ được thông qua, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm lợi ích của đa số quốc gia và bảo đảm lợi ích của đa số dân chúng Liên minh[6]. Điều này giúp cho các quyết định của EU được thông qua nhanh chóng và kịp thời hơn, tuy nhiên, có thể sẽ không bảo đảm được quyền lợi, mong muốn của tất cả các bên.
Trên thực tế, bất kỳ một nguyên tắc nào đưa ra cũng sẽ có những ưu điểm và hạn chế, có sự thay đổi theo thời gian và từng bối cảnh cụ thể. Trong thế giới hiện đại ngày nay, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Hội nhập quốc tế cũng như các hình thức hợp tác quốc tế khác đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các quốc gia tham gia quá trình này cơ bản vì lợi ích cho đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc. Sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Các quốc gia ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, khiến các nước trong khu vực băn khoăn lựa chọn hướng đi cho chính mình. Hơn nữa, những vấn đề nội bộ, như các tranh chấp ở biên giới, bất ổn chính trị… cũng khiến các quốc gia ASEAN khó đạt được sự đồng thuận về quan điểm, cũng như “tiếng nói” chung để thể hiện được vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực[7].
Để phát huy được những ưu điểm, khắc phục được hạn chế của nguyên tắc tham vấn và đồng thuận trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia của ASEAN cần sớm trao đổi thẳng thắn, thống nhất lại trong việc thực hiện nguyên tắc này để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế của các nước thành viên, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của khu vực. Bên cạnh đó, các quốc gia ASEAN cũng có thể tiến tới việc xem xét, thiết lập các cơ chế bổ sung để cho phép một mức độ linh hoạt nhất định đối với nguyên tắc này.
Bùi Văn Nguyên
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/to-chuc-quoc-te/hiep-hoi-cac-quoc-gia-dong-nam-a-asean-association-of-southeast-asian-nations-asean-3270.
[2]. Xem: Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nguồn: https://www.asean.org/wp-content/uploads/images/archive/AC-Vietnam.pdf, truy cập ngày 10/12/2023.
[3]. Https://vov.vn/chinh-tri/hoi-nghi-cap-cao-asean-lan-thu-43-nhieu-trai-ngot-va-dau-an-viet-nam-post1043306.vov, truy cập ngày 06/12/2023.
[4].Https://baochinhphu.vn/asean-mot-trong-nhung-to-chuc-khu-vuc-thanh-cong-nhat-the-gioi-10222080818130325.htm, truy cập ngày 06/12/2023.
[5].Https://ttdn.vn/nghien-cuu-trao-doi/su-kien-binh-luan/dong-thuan-va-phuong-cach-asean-55332, truy cập ngày 06/12/2023.
[6]. Https://prezi.com/lt39m6o109sv/phap-luat-lien-minh-chau-au/, truy cập ngày 06/12/2023.
[7]. Https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/ nguyen-tac-dong-thuan-va-su-doan-ket-cua-asean-trong-boi-canh-moi, truy cập ngày 06/12/2023.