Trong tiết trời tháng ba dịu nhẹ, chị em công đoàn Tạp chí chúng tôi được theo chân lãnh đạo và công đoàn Bộ Tư pháp về với Thành phố hoa phượng đỏ để thăm đền thờ, tượng đài Nữ tướng Lê Chân - Thánh Chân công chúa. Tại đây, chúng tôi đã được nghe và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của bà - người con gái xinh đẹp, tài giỏi, có tấm lòng nhân hậu, nhân văn, giàu lòng yêu nước, dũng cảm, dám đứng lên đương đầu với quân xâm lược.
Tương truyền, Nữ tướng Lê Chân quê ở trang An Biên, thuộc huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Ngày nay nơi đây đã trở thành xã An Thủy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, được sự ảnh hưởng từ người cha là Lê Đạo - một lương y đức độ, giàu lòng yêu nước, thương dân nghèo có tiếng trong vùng nên từ tấm bé, Lê Chân đã thể hiện là một người con gái hiền thục, hiếu thảo, có lòng thương người và thích làm việc nghĩa. Điều khá đặc biệt ở cô thôn nữ xinh đẹp này là không chỉ chăm ngoan, có lòng nhân nghĩa, mà còn say mê luyện tập binh đao. Mười tám tuổi, Lê Chân đã nổi danh khắp vùng về nhan sắc, đức hạnh và tài võ nghệ.
Thái thú Tô Định nghe danh tài sắc của bà thì đòi lấy làm tỳ thiếp. Thế nhưng, ông bà Lê Đạo một mực từ chối, sau đó cả nhà đã lánh về vùng ven biển thuộc huyện An Dương. Thái thú Tô Định tức giận vì không lấy được Lê Chân đã ra tay hãm hại cha bà. Nợ nước, thù nhà, quyết chí phục thù, Bà đã cùng thân quyến đến vùng An Dương, cửa sông Cấm để khai hoang, lập ấp mới. Vùng đất An Dương bấy giờ là một bãi phù sa mới bồi, cây cối lưa thưa với mấy túp lều tranh dựng tạm của dân chài. Nhớ về cội nguồn, Bà đã lấy tên làng quê cũ mình từng sinh sống là An Biên đặt cho quê hương mới. Tại đây, Lê Chân đã lập ra đội dân binh gồm đủ cả nam lẫn nữ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho dân làng, đội dân binh An Biên còn chủ động tổ chức những trận tấn công rất bất ngờ vào lực lượng quân đô hộ khiến Tô Định rất tức tối và lúng túng trong kế sách đối phó.
Với lòng căm thù giặc, bà lập trại ấp, chiêu mộ dân xây dựng vùng biển có vị trí quan trọng này làm căn cứ và cũng là nơi sản xuất lúa gạo, cá, mắm, muối làm hậu cần sau này. Vì thế, khi cư dân đông đúc bà đã luyện quân, đóng thuyền, sản xuất vũ khí. Trại An Biên có nhiều ngòi lạch, sú vẹt mọc thành rừng là cửa ngõ qua Biển Đông nên bà quan tâm luyện thủy binh. Những thuyền do bà cho thợ đóng, thời bình thì đánh bắt cá, thời chiến thì trở thành thuyền chiến. Dưới sự chỉ huy của bà, "quân sĩ thường xuyên luyện tập cách hành quân gọn nhẹ, nhanh nhạy; cách đánh thành chớp nhoáng, táo bạo; đặc biệt là thuần thục cách đánh địch dưới nước vốn là sở trường của dân vùng biển". Lực lượng của Lê Chân không ngừng lớn mạnh nhanh chóng và trở thành một trong những đội nghĩa binh hùng mạnh của cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra sau đó không lâu.
Mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, Lê Chân nhận được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh, bà tung toàn bộ lực lượng quân sự đánh vào các trại giặc, giải phóng vùng ven biển rộng lớn, rồi đưa quân về hội quân với Hai Bà Trưng hạ thành Luy Lâu, đầu não của Thái thú Tô Định. Sau khi đánh đuổi Tô Định, bà Trưng Trắc lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh, phong thưởng cho các tướng sĩ, Lê Chân được phong làm “Thánh Chân công chúa” giữ chức “Chưởng quản binh quyền nội bộ”. Đề phòng giặc Hán sang xâm lược, vua Trưng giao cho bà về đóng quân ở An Biên với chức “Trấn thủ hải tần” để ngăn chặn quân giặc xâm lược từ phía Biển Đông.
Vua Hán sai “Phục Ba tướng quân Mã Viện” sang đánh Hai Bà Trưng. Nữ tướng Lê Chân đưa một đạo quân lên Lạng Sơn tiến đánh cánh quân bộ của giặc. Song Mã Viện gian ngoan theo đường biển đánh vào sông Lục Đầu, chiếm vùng Lãng Bạc. Quân ta thua ở Lãng Bạc phải rút về phòng tuyến ở Cấm Khê. Bà Lê Chân rút quân về hoạt động ở vùng Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam. Cuối cùng bà rút quân về Lạt Sơn, thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Đây là vùng núi non hiểm trở, bà lấp suối ngăn sông, chặn đánh thủy quân Hán. Sau khi đánh bại các tướng quân khác, Mã Viện, Lưu Long tập trung quân đánh phá căn cứ Lạt Sơn. Trong một trận huyết chiến ngày 25 tháng chạp năm 43, bà Lê Chân đã hy sinh.
Nữ tướng Lê Chân - người con của vùng ven biển Đông Bắc là một phụ nữ hiền thục, có tấm lòng nhân hậu, nhân văn, giàu lòng yêu nước, dũng cảm, dám đứng lên đương đầu với quân xâm lược đến từ phương Bắc. Bà là nữ tướng mưu lược có nhiều đóng góp trong cuộc vùng lên lật đổ ách thống trị của chính quyền đô hộ Đông Hán những năm đầu thế kỷ thứ nhất, mở đầu cho truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam.
Ghi công đức và tưởng nhớ bà, dân làng An Biên đã lập đền thờ bà (đền Nghè) để tưởng niệm. Sau này, tên của Nữ tướng Lê Chân được đặt cho một đường phố đẹp ở trung tâm Thành phố Hải Phòng. Khu vực nơi đền Nghè tọa lạc ngày nay cũng vinh dự được mang tên nữ tướng anh hùng: Quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Tượng đài của bà được tọa lạc ở trung tâm thành phố và trở thành biểu tượng đẹp của Thành phố cảng Hài Phòng.
Năm 2011, Thành phố Hải Phòng đã phục dựng lại Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016. Với tinh thần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức của Nữ tướng Lê Chân đối với Thành phố cảng, Lễ hội là một phần giá trị không thể tách rời các giá trị văn hóa của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.
Quỳnh Vũ (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
1. Nữ tường Lê Chân đăng tải trên trang web: http:// https://sknc.qdnd.vn/chuyen-xua-nay/nu-tuong-le-chan-502027;
2. Lê Chân công chúa – Nữ tướng của Hai Bà Trưng đăng tải trên trang web: http:// https://baotangphunu.com/le-chan-cong-chua-nu-tuong-cua-hai-ba-trung.