Toàn cảnh Hội thảo.
Ba nhóm vấn đề cần tập trung sửa đổi
Đồng chủ trì Hội nghị, đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính trình bày sự cần thiết, quá trình và định hướng xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tập trung quy định những vấn đề nguyên tắc mang tính nền tảng, có tính khái quát cao, làm cơ sở pháp lý để Chính phủ chủ động cụ thể hóa, điều chỉnh linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở rà soát toàn diện thực tiễn thi hành, tập trung tháo gỡ ba điểm nghẽn về (i) thẩm quyền xử lý; (2) trình tự, thủ tục xử phạt hành chính và (iii) mức xử phạt không lập biên bản.
Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền quyết định cưỡng chế, thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính của các chức danh và các quy định về quy trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, tổ chức thi hành các quyết định trong xử lý vi phạm hành chính không còn phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp và chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính;
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính phát biểu tại Hội thảo.
Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính cần được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, cần được áp dụng mạnh mẽ hơn việc ứng dụng khoa học, công nghệ theo yêu cầu chuyển đổi số;
Thứ ba: Về mức xử phạt không lập biên bản trong Luật Xử lý vi phạm hành chính không còn phù hợp trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, mức phạt tiền của các chức danh ở cơ sở hiện nay còn thấp, chưa tương xứng dẫn đến số lượng vụ việc vi phạm hành chính phải chuyển lên cấp trên tương đối lớn, gây khó khăn cho công tác xử phạt.
Dự thảo luật gồm 03 điều: Điều 1 quy định các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2 là hiệu lực thi hành; Điều 3 là điều khoản chuyển tiếp. Trong đó, nội dung sửa đổi ảnh hưởng tới 63/143 điều của Luật hiện hành, một con số cho thấy mức độ can thiệp sâu rộng, dù nhiều sửa đổi là gián tiếp do hệ quả từ những thay đổi trọng tâm như cơ cấu thẩm quyền xử phạt, biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế...
Thẩm quyền xử phạt trong bối cảnh sáp nhập, giải thể, thay đổi tổ chức bộ máy
Một trong những nội dung trọng tâm sửa đổi là xác định các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong trường hợp các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách (khoản 2 Điều 53). Trong bối cảnh sáp nhập, giải thể, thay đổi tổ chức bộ máy diễn ra mạnh mẽ, quy định hiện hành gây vướng mắc khi phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo luật điều chỉnh theo hướng cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước thay vì phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Về thẩm quyền lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, dự thảo cũng có điều chỉnh nhằm phù hợp với thay đổi tổ chức bộ máy hiện nay khi hệ thống Công an nhân dân được tổ chức theo mô hình 03 cấp, không còn cấp huyện; chính quyền địa phương cũng dự kiến tổ chức theo mô hình 02 cấp, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, đồng thời, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy đã được chuyển giao từ cơ quan lao động, thương binh và xã hội sang cơ quan công an.
Tăng mức phạt tiền tối đa khi xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
Dự thảo tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức) để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt.
Đối với thẩm quyền xác minh cũng được mở rộng theo hướng quy định xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính không chỉ được thực hiện bởi người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay, mà có thể được tiến hành bởi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc. Đồng thời, bổ sung quy định cho người có thẩm quyền xác minh được tổ chức, phân công người thực hiện xác minh; người có thẩm quyền xác minh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác minh.
Một số đại biểu phát biểu trực tuyến.
Về xử lý tài sản là vật bảo đảm được bổ sung quy định theo hướng trong trường hợp chấm dứt việc tạm giữ đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo hướng “trả lại theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ” để bảo đảm quyền lợi chính đáng của bên nhận bảo đảm, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về các tổ chức tín dụng.
Giới hạn tối đa thời hiệu xử phạt hành chính
Thời hiệu xử phạt là điểm thay đổi quan trọng, được thực hiện theo kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Dự thảo Luật bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến, theo hướng quy định thời hiệu cụ thể là 06 tháng, kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm, đồng thời, giới hạn tối đa không quá 03 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Một số đại biểu phát biểu trực tuyến.
Bên cạnh đó, dự thảo Luất sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định bổ sung một loạt lĩnh vực mới vào phạm vi điều chỉnh của Luật như giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; dữ liệu; công nghiệp công nghệ số; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là những lĩnh vực đang phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới, có xu hướng gia tăng, cần có công cụ pháp lý rõ ràng để xử lý hiệu quả.
Hoàng Trung