1. Nội dung tư tưởng cơ bản của nho giáo
Nho giáo được ra đời từ cuối thời Xuân Thu - Trung Quốc, do Khổng Tử (tên Khâu, tự Trọng Ni, người ấp Tưu nay thuộc Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc) sáng lập. Sau khi ông mất, tư tưởng của ông đã được các thế hệ học trò kế thừa. Sách kinh điển của Nho giáo gồm lục kinh và tứ thư. Về Lục kinh, gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu. Tuy nhiên, do cuốn Kinh Nhạc bị thất lạc và chỉ còn lại một ít làm thành một thiên ghép chung vào cuốn Kinh Lễ gọi là Nhạc ký, vì vậy, lục kinh thành ngũ kinh. Về tứ thư, gồm các cuốn Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử. Nho giáo không phải là một thứ chủ nghĩa, một ý thức hệ, bởi Khổng Tử không phải là người phát kiến ra thứ tư duy đó. Nho giáo cũng không phải một thứ tôn giáo do Khổng Tử làm đạo trưởng, kiểu như Thiên chúa giáo của Chúa Giê-su. Nho giáo là một cách sống, một triết lý sống mà theo nó thì con người cảm thấy thoải mái, thái bình: Từ chuyện nhỏ trong gia đình, trong dòng họ, chuyện ngoài làng cho tới quốc gia đại sự.
Trong quá trình phát triển, mỗi thời đại có cách hiểu riêng về Nho giáo, có nhiều trường phái Nho giáo khác nhau như Nho giáo Nguyên thủy, Hán nho, Đường nho, Tống nho, Tân nho, Cựu nho, Hàn Nho (Nho giáo hàn lâm) và Nho giáo dân gian… Khi du nhập vào Việt Nam, Nho giáo đã có sự biến đổi, theo đó, Nho giáo Việt Nam không phải là thuần Nho mà đã pha trộn với tư tưởng của Phật giáo, Lão giáo và các tín ngưỡng dân gian khác. Điều này có thể thấy qua các thành tố cấu tạo nên tư tưởng của các nhà Nho dân tộc trong lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định điều này qua câu “tam giáo đồng nguyên”, “các tư tưởng vừa có yếu tố của Nho giáo, vừa có yếu tố của Phật giáo và các yếu tố của Lão giáo. Điều này còn thấy trong các quan niệm của các nhà Nho”[1]. Tư tưởng, nội dung Nho giáo Việt Nam có thể tóm lược thành: Ngũ thường (nhân - nghĩa - lễ - trí - tín) và tam cương (ba quan hệ chủ chốt trong xã hội theo quan điểm phong kiến là: Quân - thần, phu - tử, phu - phụ).
Có thể hiểu sơ lược về ngũ thường như sau: (i) Nhân là trọng tình người, nói cách khác, điều tiết ham muốn, giữ mình theo lễ là gọi là nhân (khắc kỉ phục lễ vi nhân) và điều gì không muốn ai làm cho mình thì không nên làm cho ai (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Chữ nhân trong mỗi người không chỉ là một tấm lòng, tấm lòng yêu thương con người, quê hương đất nước mà còn biết gắn cái riêng của mình vào cái chung của xã hội, với sự ràng buộc giữa người với người bằng những mối liên quan gắn kết; (ii) Nghĩa là điều đáng làm giữa cá nhân và cộng đồng, là biết sống thành tâm, biết tiết độ dục vọng cá nhân mà giữ khuôn phép, biết xấu hổ, biết sám hối để kìm chế thói xấu. Nói cách khác, mỗi cá nhân cần có trách nhiệm với đời, cũng chính vì vậy mà cần sống có trách nhiệm với quê hương đất nước, với gia đình, dòng họ; (iii) Lễ không chỉ là lễ phép, đức độ kính trên nhường dưới trong quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng mà còn thể hiện qua những hình thức lễ nghi truyền thống. Lễ là đối với kẻ quý thì kính, đối với người già thì hiếu thảo, đối với kẻ lớn thì thuận, đối với người trẻ thì tử, đối với kẻ hèn thì có ân huệ. Lễ là cẩn thận trong mọi hành vi, từ ăn mặc đến lời nói. Theo Tuân Tử, trọng lễ quý nghĩa thì nước trị, giản lễ rẻ nghĩa thì nước loạn; (iv) Trí là trí tuệ, kiến thức, Nho giáo đề cao kẻ sĩ. Quan điểm muốn giúp đỡ người khác, có ích trong xã hội thì cần có hiểu biết, có tài; (v) Tín được hiểu là mỗi cá nhân trong xã hội cần có uy tín với cộng đồng, uy tín sẽ tạo được lòng tin của cá nhân với các cá nhân, cộng đồng xã hội.
Về tam cương, có thể hiểu là nội dung cơ bản trong đạo làm người của Nho giáo, là nguyên tắc chi phối mọi suy nghĩ, hành động và là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá phẩm hạnh của con người. Một mặt, đạo cương - thường góp phần điều chỉnh hành vi của con người, đưa con người vào khuôn phép theo chế độ lễ pháp của nhà Chu trước đây và các triều đại phong kiến sau này đặt ra. Cương - thường là nhân tố quan trọng làm cho xã hội ổn định theo thứ bậc, là cơ sở đảm bảo quyền thống trị của thiên tử.
Tóm lại, Nho giáo là một nền tảng cho sự tự tu tỉnh, tự tiết độ và giữ gìn liêm sỉ, tư duy trị nước truyền thống. Nho giáo xem đạo đức là nền tảng cho chính trị. Không phủ nhận vai trò của pháp luật trong giữ gìn trật tự xã hội, song Nho giáo hướng tới nguồn gốc của sự bình an hơn là dùng hình luật để đe dọa hoặc trừng phạt điều ác khi nó xảy ra. Khổng tử nói: “Lấy chính sự để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để thực hiện sự bình đẳng thì dân sẽ tránh hình phạt nhưng không cảm thấy xấu hổ. Lấy đức để dẫn dắt dân, lấy lễ để thực hiện sự bình đẳng thì dân biết xấu hổ và sẽ tốt”.
2. Quyền con người ở Việt Nam
Ở Việt Nam, quyền con người được hiểu là “những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế”[2]. Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người. Theo nhận định nêu trên thì để thực thi quyền con người, về phía Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thực hiện hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất là tham gia các công ước quốc tế có liên quan đến việc bảo đảm thực thi quyền con người, hiện nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế[3]; thứ hai, để áp dụng các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì pháp luật của Việt Nam cũng đã nội luật hóa các quy định nêu trên, cụ thể, thông qua Hiến pháp năm 2013 và từ đó đến nay, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới rất nhiều văn bản luật, pháp lệnh để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013[4].
3. Ảnh hưởng của Nho giáo đến vấn đề thực thi quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Tại Hội nghị khoa học quốc tế nghiên cứu về Khổng Tử và Đại hội thành lập Hội liên hiệp Nho giáo học quốc tế nhân dịp kỷ niệm 2.545 năm sinh Khổng Tử diễn ra ở Bắc Kinh tháng 10/1994, nhiều đại biểu đã thừa nhận ý nghĩa tích cực của Nho giáo[5]. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh những quy tắc đạo đức hàm chứa ý tưởng về quyền con người sau đó được đúc kết, khái quát, bổ sung và phát triển trong giáo lý các tôn giáo, trong đó có Nho giáo. Nhìn tổng thể, trong suốt quá trình phát triển quyền con người, kể cả khi quyền con người đã được pháp điển hóa trong pháp luật quốc gia và quốc tế, nó vẫn bị các phạm trù tôn giáo chi phối. Sự chi phối đó không phải lúc nào cũng bộc lộ rõ ràng mà nhiều khi lặng lẽ, ẩn tàng nhưng rất sâu sắc. Nói cách khác, trong suốt quá trình phát triển của nó, quyền con người luôn phản ánh và mang dấu ấn của các giá trị và quy tắc đạo đức, tôn giáo. Sự ảnh hưởng của Nho giáo đến vấn đề thực thi quyền con người ở Việt Nam được thể hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc và trong nhiều lĩnh vực, có thể nêu một số ví dụ như sau:
Thứ nhất, trong lĩnh vực chính trị, học thuyết của Nho giáo đề cao đường lối trị quốc thông qua đức trị (nhân trị, lễ trị). Nội dung chủ yếu của học thuyết này là quan tâm đến đời sống của dân thì dân mới theo, đối với dân thì bớt hình phạt, nhẹ tô thuế, phải có trách nhiệm với dân… Ngoài ra, Theo Nho giáo, đạo đức người cầm quyền có ảnh hưởng lớn đến sự hưng vong của một triều đại. Vì vậy, Khổng Tử khuyên người cầm quyền phải “tu thân” để làm tấm gương cho người dưới. Hiện nay, giá trị này vẫn còn nguyên, GS. Vũ Khiêu đã nhận xét: Nho giáo đã nhận thức được một thực tế là những người trong bộ máy nhà nước mà mất đạo đức thì không thể cai trị được nhân dân. Cho nên đạo đức là một phương tiện để tranh thủ được lòng dân. Chính sách đức trị đến nay cũng vẫn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện, biểu hiện rõ nhất là năm 2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, trong đó có nhiều quy định mới ghi nhận cụ thể về quyền của con người, sau đó các luật, pháp lệnh cũng đã được sửa đổi như Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 theo hướng giảm các hình phạt tử hình, cho phép tự sửa chữa, bồi thường thiệt hại, hòa giải để được miễn trách nhiệm hình sự[6], đây là các nội dung mới, góp phần bảo đảm hơn về quyền con người.
Bên cạnh đó, tư tưởng Nho giáo cũng ảnh hưởng phần nào đến việc tổ chức mô hình “phòng hạnh phúc” tại các trại giam. Trên thế giới, không có nhiều quốc gia cho phép phạm nhân được gặp vợ/chồng trong phòng riêng như vậy. Hiện nay, một số nước có quy định này như Hoa Kỳ (một số bang), Australia (một số bang), Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ireland, Israel, Mexico, New Zealand, Pakistan, Nga, Arab Saudi, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh... Tại Việt Nam, Nhà 24 giờ đầu tiên được ra đời tại trại giam Bất Bạt, Sơn Tây với 5 - 6 phòng hạnh phúc. Do thấy được mặt tích cực của mô hình này thông qua sự tiến bộ của phạm nhân, Nhà 24 giờ đã được khuyến khích áp dụng cho tất cả các trại giam. Ngày 30/6/2011, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 46/2011/TT-BCA quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân đã quy định chế độ thăm gặp phạm nhân. Theo đó, phạm nhân chấp hành tốt nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng trong nhà thăm gặp không quá 24 giờ. Như vậy, trên cơ sở học tập kinh nghiệm nước ngoài và ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo về nghĩa vụ sinh con nối dõi tông đường, Nhà nước đã cho phép phạm nhân gặp vợ, chồng trong phòng hạnh phúc khi phạm nhân cố gắng cải tạo thật tốt và được ghi nhận bởi lãnh đạo trại giam. Quy định này mang tính nhân văn cao cả, có dấu tích của tôn giáo trong việc hình thành quy phạm này.
Thứ hai, trong lĩnh vực giáo dục, tuyển chọn nhân tài, nhà quản lý, lãnh đạo, Khổng Tử xem các bậc hiền tài lương đống của quốc gia là trụ cột của chính quyền đạo đức, muốn có hiền tài, phải có giáo dục[7]. Sách Lễ ký cho rằng, quốc gia là tài sản chung của tất cả mọi người, mọi người đều bình đẳng trên lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Đồng thời, ông chủ trương chính phủ trọng dụng người tài đức nhưng không đề cập đến những nhà giàu sang, quyền quý trong công việc chung, nói cách khác, mọi người có quyền tham gia Chính phủ. Ảnh hưởng của các tư tưởng nêu trên có thể thấy trong cuộc sống xã hội. Tại các nhà trường đều có khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”, học lễ nghĩa là học đạo đức, học làm người (theo quan điểm trọng lễ của Nho giáo). Nho giáo đã có đầy đủ lý thuyết và quy chế về giáo dục, khoa cử tất nhiên phải đảm đương nhiệm vụ lịch sử ấy. Những năm gần đây, việc lựa chọn nhân tài được dựa trên cơ sở đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng trên cơ sở Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” của Bộ Chính trị. Việc tuyển chọn này sẽ phát hiện, thu hút và trọng dụng được những người có đức, có tài, phát huy phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước; mặt khác tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là một trong những tác động tích cực của Nho giáo đến lĩnh vực giáo dục.
Thứ ba, trong xã hội xưa và nay, nhiều lĩnh vực của đời sống, nhiều mối quan hệ pháp luật không thể điều chỉnh hết và kịp thời, do đó, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, duy trì trật tự trong xã hội và qua đó bảo vệ tốt hơn quyền của con người. Tư tưởng trọng “nhân”, “nghĩa” và “lễ” của Nho giáo giúp cá nhân nhận thức tốt hơn về quyền của bản thân, yêu thương bản thân hơn, qua đó cũng tôn trọng, bảo vệ quyền của cá nhân khác trong cộng đồng. Ví dụ, trong quan hệ giữa cha - con, tam cương của Nho giáo giúp người cha dạy bảo, định hướng và uốn nắn con của mình, về phía con, trên cơ sở văn hóa đạo đức trong tôn giáo nói chung và Nho giáo nói riêng, sẽ tôn trọng và hiếu nghĩa với cha mình, được biểu hiện qua các hành vi chào hỏi khi đi và đến. Một ví dụ khác, thể hiện rõ ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo, góp phần giúp cá nhân nhận thức tốt hơn về quyền của bản thân, yêu thương bản thân hơn; đồng thời, tôn trọng, bảo vệ quyền của cá nhân khác trong cộng đồng. Có thể lấy ví dụ, ngày 05/4/2016, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Báo chí, trong đó có quy định về các hành vi vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, có một số báo chí, phóng viên đưa tin, đăng bài không đúng sự thực khách quan của vấn đề, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân[8]. Pháp luật đã có những quy định nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, tuy nhiên không thể điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm. Vì vậy, các phạm trù khác, trong đó có tôn giáo - Nho giáo có chức năng giáo dục, cảnh tỉnh không chỉ các phóng viên, cơ quan báo chí trong việc nâng cao nhận thức, có tính phê bình, khách quan không vụ lợi trong việc đưa tin, đăng bài mà qua đó có thể ảnh hưởng đến quyền tiêu dùng của cá nhân, doanh thu, uy tín của doanh nghiệp.
4. Đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền con người tại Việt Nam
Để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và các quy định của pháp luật nói chung và quyền con người nói riêng thì cần thiết phải có nhiều công cụ, phương tiện để thực hiện. Trong đó, tôn giáo - Nho giáo là một loại phương tiện điều chỉnh không thể thiếu để góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục và thực hiện có hiệu quả hơn các vấn đề về quyền con người. Nói cách khác, Nho giáo có ảnh hưởng tích cực trong việc trị quốc, đời sống xã hội và “trên chừng mực nào đó đã được cấu trí lại cho phù hợp với nội tâm thế Việt Nam”[9]. Trong năm 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo “Năm APEC Việt Nam 2017: Hướng tới Cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết”, đã được cộng đồng thế giới đánh giá cao. Để tiếp tục phát huy vai trò là thành viên của Cộng đồng APEC nói riêng và thành viên của các công ước quốc tế nói chung, đặc biệt các công ước về quyền con người, tác giả cho rằng cần thiết phải quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, ngày 18/11/2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động tôn giáo trên thế giới rất đa dạng, có nhiều biến động phức tạp cũng như sức ép về các vấn đề nhân quyền, dân chủ từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia lớn đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tôn giáo cũng như công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở Việt Nam. Do đó, việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, để bảo đảm việc đưa Luật này vào cuộc sống, cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức cũng như của toàn thể nhân dân. Một số nội dung cần tập trung thực hiện như: Tổ chức quán triệt, tập huấn chuyên sâu những nội dung cơ bản của Luật; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; rà soát kiện toàn tổ chức, bộ máy để thực hiện...
Hai là, hoàn thiện thể chế, bảo đảm khuôn khổ pháp lý để bảo đảm, tôn trọng các quyền của con người. Bên cạnh việc triển khai thi hành có hiệu quả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như đã đề xuất ở trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm nguyên tắc có cùng hiệu lực thi hành khi Luật có hiệu lực theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Ba là, tôn giáo, trong đó có Nho giáo đóng vai trò quan trọng trong việc đưa pháp luật vào đời sống cũng như góp phần bảo đảm sự ổn định và điều chỉnh các hành vi của cá nhân mà pháp luật chưa điều chỉnh. Do đó, đối với các tổ chức tôn giáo, nhà tu hành, chức sắc, chức việc, cần phát huy vai trò quyền của mình trong việc tổ chức hoạt động tôn giáo, theo hướng tổ chức sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, trong khuôn khổ và tuân thủ Hiến pháp, quy định của pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia; trật tự, an toàn xã hội, môi trường, đạo đức xã hội; thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản xúc phạm danh dự…
Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp
Ông Cốc Mục, Hội trưởng Hội nghiên cứu Khổng học Trung Quốc khẳng định, “Nho học, văn hóa truyền thống cổ xưa phương Đông nay có khả năng thu được giá trị mới, gây được ảnh hưởng tích cực trong sự phát triển mới của xã hội loài người trên thế giới ở trong khu vực rộng rãi”.