1. Thực trạng quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính
Tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định về việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính như sau:
“1. Đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này chuyển đến. Trường hợp cần thiết phải xác minh thêm tình tiết để có căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
3. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trong trường hợp cần xác minh thêm quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày”.
Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định nêu trên là khá nhiều. Tuy nhiên, quá trình áp dụng quy định pháp luật, đặc biệt là những quy định về trình tự, thủ tục đối với những trường hợp này đang có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Một tình huống cụ thể như sau: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V tiến hành điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Văn A - Chủ quán Karaoke X do có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, cụ thể: Ông Nguyễn Văn A đã thỏa thuận để mua ba thiếu nữ có độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi để làm nhân viên phục vụ quán hát. Hành vi của Nguyễn Văn A đã cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi được pháp luật quy định. Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V còn làm rõ ông Nguyễn Văn A đã thực hiện một số hành vi vi phạm hành chính (thể hiện tại các biên bản ghi lời khai và biên bản ghi nhận sự việc) như sau:
- Sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Bộ luật Lao động và điểm a khoản 3 Điều 29 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
- Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm quy định tại Điều 147 Bộ luật Lao động và điểm c khoản 3 Điều 29 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ.
- Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú cho các nhân viên được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V đã củng cố, hoàn thiện hồ sơ và chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh V để tiến hành truy tố đối với hành vi mua bán người dưới 16 tuổi đối với ông Nguyễn Văn A theo quy định pháp luật. Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn A về các hành vi vi phạm hành chính nêu trên. Căn cứ vào Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V có văn bản gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V kèm theo hồ sơ vi phạm hành chính đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn A về bốn hành vi vi phạm hành chính nêu trên. Sau khi xem xét hồ sơ vụ việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V nhận thấy hồ sơ không có các tài liệu gửi kèm theo như được quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính như: Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính. Trong khi đó, biên bản vi phạm hành chính được lập đối với bốn hành vi vi phạm hành chính của ông Nguyễn Văn A được tiến hành sau khi kết thúc quá trình điều tra (được lập đồng thời với việc ban hành kết luận điều tra vụ án) nên vi phạm thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính được quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V cho rằng hồ sơ không đủ cơ sở để xác định thời hạn và các trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V có văn bản báo cáo giải trình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh V, cho rằng hồ sơ đã đủ điều kiện để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, ông Nguyễn Văn A thực hiện đồng thời nhiều hành vi vi phạm, trong đó có hành vi cấu thành tội phạm và có hành vi vi phạm hành chính. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V đã ban hành quyết định khởi tố vụ án đối với hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Do vậy, trong trường hợp này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V không thể ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.
Thứ hai, vụ việc của ông Nguyễn Văn A được tiến hành điều tra, xác minh theo thủ tục tố tụng hình sự được pháp luật quy định. Trong quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V đã xác định được ngoài hành vi phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, ông Nguyễn Văn A còn thực hiện bốn hành vi vi phạm hành chính. Do đó, kết thúc quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với bốn hành vi của ông Nguyễn Văn A là hoàn toàn đúng và bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng hình sự được pháp luật quy định.
Xem xét các lý do của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh V như trình bày ở trên và đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan có thể nhận thấy một số vấn đề như sau:
Một là, theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Tuy nhiên, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định trong trường hợp vụ việc vừa có hành vi phạm tội, vừa có hành vi vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có ban hành một trong các quyết định nêu trên đối với các hành vi vi phạm hành chính hay không.
Hai là, theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại phát hiện các hành vi vi phạm hành chính thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng không quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp này.
Để giải quyết vướng mắc trong trường hợp nêu trên, đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, trong quá trình điều tra, xác minh cho thấy người vi phạm vừa có hành vi phạm tội, vừa có hành vi vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cần tách các hành vi vi phạm để xử lý cho phù hợp. Theo đó, đối với hành vi phạm tội, cần giữ nguyên quyết định khởi tố vụ án để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ. Đối với hành vi vi phạm hành chính thì không ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cần lập biên bản vi phạm hành chính để làm cơ sở cho việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, việc lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành chính được thực hiện theo trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được pháp luật quy định.
2. Đề xuất hoàn thiện Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính
Thứ nhất, cần bổ sung quy định đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, trong quá trình điều tra, xác minh cho thấy người vi phạm vừa có hành vi phạm tội, vừa có hành vi vi phạm hành chính thì giữ nguyên quyết định khởi tố vụ án đối với hành vi phạm tội, không ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án đối với hành vi vi phạm hành chính.
Thứ hai, bổ sung quy định trong quá trình điều tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện có hành vi vi phạm hành chính thì cần kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính để làm cơ sở cho việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thứ ba, bổ sung quy định trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xác định được vi phạm hành chính thì phải chuyển biên bản vi phạm hành chính kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để tiến hành ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Như vậy, từ thực tiễn áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã cho thấy có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Điều này đang đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn đối với quy định pháp luật cụ thể nêu trên là cơ sở để việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính được thực hiện thống nhất, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đồng thời, góp phần hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay./.
TS. Nguyễn Tuấn An
Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc