Hành vi bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật (tin giả) là vi phạm pháp luật, tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật dân sự, pháp luật hình sự và chế tài hành chính đã khá đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thông tin sai sự thật vẫn xuất hiện “tràn lan” trên không gian mạng. Đã có nhiều vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề “nhức nhối”, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
1. Sức hút của mạng xã hội
Sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã làm thay đổi cuộc sống con người hàng ngày, hàng giờ. Các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram… có vai trò rất quan trọng, thu hút đông đảo công chúng tham gia. Chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet là người dùng có thể thoải mái bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân của mình lên trên mạng xã hội ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào mà không bị kiểm soát hoặc hạn chế. Việc đăng ký tài khoản mạng xã hội cũng tối giản nhất có thể, chỉ cần người dùng có số điện thoại chính chủ, địa chỉ email, chấp nhận chính sách cộng đồng do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra là đã có được tài khoản mạng xã hội. Mạng xã hội với tính tương tác cao, không giới hạn khoảng cách địa lý, môi trường sống, tin tức cập nhật liên tục theo thời gian thực với nguồn mở, phong phú, đa dạng trên mọi lĩnh vực. Mạng xã hội đã trở thành môi trường sáng tạo nội dung cho nhiều người. Ngoài ra, mạng xã hội cũng có vai trò quan trọng giúp quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Chính những lợi thế như vậy khiến mạng xã hội có sức hút lớn, tăng trưởng số lượng người dùng mạng xã hội luôn ở mức cao.
Theo báo cáo của Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam, tính đến tháng 01/2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet, tỷ lệ kết nối internet của Việt Nam ở mức 79,1% tổng dân số vào đầu năm 2024. Số người Việt Nam dùng mạng xã hội là 72,70 triệu người, tương đương với 73,3% tổng dân số. Phân tích của Kepios cho thấy người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã tăng thêm 6,5 triệu (tăng 9,8%) từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024. Về nhu cầu của người dùng mạng xã hội từ 16 - 64 tuổi rất đa dạng như: Để liên lạc với bạn bè, gia đình (55%), cập nhật tin tức (48,5), xem live stream (31,1%), tìm kiếm sản phẩm và mua bán trao đổi (29,6%) … Trong khi đó, dữ liệu được công bố trong các công cụ lập kế hoạch quảng cáo của các nền tảng mạng xã hội hàng đầu chỉ ra rằng có 72,55 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam vào đầu năm 2024, tương đương với 99,2% tổng dân số từ 18 tuổi trở lên. Các nền tảng mạng xã hội được dùng nhiều nhất là Facebook (89,7%), Zalo (88,5%), Tiktok (77,8%). Mạng xã hội còn là môi trường sáng tạo nội dung, phục vụ mục đích kinh doanh, thu hút quảng cáo. Doanh thu quảng cáo trên mạng xã hội ở Việt Nam liên tục tăng, trong năm 2022 là 2.192 tỷ USD tăng 12,7%[1].
2. Tin giả, tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội
Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có những mặt trái của nó. Tình trạng tin giả, tin sai sự thật được tạo ra, phát tán tràn lan, lan truyền rất khó kiểm soát, gây nên nhiều hệ lụy cho các cá nhân, tổ chức. Nhu cầu dùng mạng xã hội của các cá nhân là chính đáng, cần được tiếp cận các thông tin bổ ích, lành mạnh. Họ có quyền được bảo vệ, khuyến cáo hoặc cảnh báo khi tiếp xúc với các tin giả, tin sai sự thật, thậm chí có nội dung xấu độc. Tuy nhiên, vấn đề này đang có nhiều khó khăn, bởi còn có những rào cản về quy định pháp lý và các nền tảng kỹ thuật. Nhiều đối tượng đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ, mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tin giả, tin sai sự thật có tác động tiêu cực, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận quần chúng nhân dân; ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Một số vi phạm điển hình như:
- Đưa thông tin sai sự thật để câu view, like tăng lượng tương tác, hoặc thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiểm chứng nguồn tin, bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính.
Mới đây, ngày 25/5/2024, Công an quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội đã xử phạt chị N.T.H.N, (sinh năm 1996, trú tại quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội) là chủ tài khoản Facebook có tên “H.N” và chị N.T.A (sinh năm 1986, trú tại quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) là chủ tài khoản Facebook có tên “M.A.O.W” về hành vi đăng tải thông tin không chính xác đến vụ cháy xảy ra tại số 01 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội ngày 25/5/2024. Tại Công an quận Cầu Giấy, chị N và chị A đã thừa nhận hành vi vi phạm của bản thân vì muốn tăng tương tác cho tài khoản Facebook cá nhân và thiếu hiểu biết, chưa kiểm chứng nguồn thông tin trên mạng xã hội nên đã chia sẻ bài viết và thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến vụ hỏa hoạn trên. Chị N.T.H.N và chị N.T.A tự giác gỡ bỏ bài viết và cam kết không tái phạm.
Thông tin sai sự thật được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Công an TP. Hà Nội
Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 trường hợp trên về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử, với mỗi trường hợp bị xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng[2].
- Có dấu hiệu tội phạm cố ý tạo ra, lan truyền các tin giả, thông tin sai sự thật xâm phạm an ninh quốc gia, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bị khởi tố hình sự.
Ngày 4/7/2024, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với bị can Mai Diệp Thảo (sinh năm 1981, trú tại thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Lực lượng Công an đang tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Mai Diệp Thảo.
Theo kết quả điều tra ban đầu, bị can Thảo có hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo, nhiều lần đến Công an xã Đức Minh và Công an huyện Đắk Mil để chửi bới làm mất trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động của Công an huyện Đắk Mil và Công an xã Đức Minh. Thảo dùng lời nói lăng mạ, xúc phạm các cán bộ lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil và sử dụng điện thoại, camera giấu kín quay video, cắt ghép nội dung rồi đăng tải, chia sẻ lên mạng xã hội nhiều bài viết có nội dụng vu khống, sai sự thật về Công an huyện Đắk Mil… Mặc dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng bị can Thảo vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm[3].
Những trường hợp được dẫn chứng ở trên chỉ là một phần nhỏ trong những vụ việc được các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian vừa qua. Thực trạng tin giả, tin sai sự thật đang trở thành vấn nạn trên mạng xã hội hiện nay. Điều này đặt ra nhiều trọng trách lên các nhà hoạch định chính sách, pháp luật, nhà quản lý, cơ quan chức năng. Bởi tính tự do, thoải mái sáng tạo nội dung và khó phát hiện, kiểm soát của mạng xã hội. Hơn nữa, do không có cơ chế ngăn chặn từ đầu mà chỉ giải quyết khâu phát hiện, xử lý nên chưa loại bỏ được thông tin giả, sai sự thật ra khỏi môi trường mạng xã hội.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý hành vi liên quan đến tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng
Pháp luật Việt Nam quy định cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội của cá nhân, tổ chức đều chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật như Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng[4] (Nghị định số 72/2015/NĐ-CP). Hành vi tạo ra, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi bị nghiêm cấm. Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của việc tung tin thất thiệt, các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại về danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Hiện nay, trách nhiệm dân sự, chế tài pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để tạo ra, cố ý lan truyền, bịa đặt thông tin sai sự thật đã khá đầy đủ.
3.1. Về trách nhiệm dân sự của người cố tình bịa đặt thông tin sai sự thật
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; quyền cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân, bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư cá nhân gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3.2. Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính
Đối với cá nhân có hành vi sử dụng mạng xã hội để tạo ra, cố ý lan truyền, bịa đặt thông tin sai sự thật thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử[5] (Nghị định số 15/2020/NĐ-CP), mức xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Đối với các trang tin điện tử, hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
Đối với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội. Hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 100 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP).
3.3. Về chế tài hình sự
Hiện nay pháp luật hình sự quy định trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cấu thành tội phạm cụ thể như sau:
- Đối với người có hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015), người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
- Người có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội có thể đến 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định…
- Nếu có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
4. Đề xuất một số giải pháp khắc phục
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống tin giả, thông tin sai sự thật.
Hiện nay, trong hệ thống pháp luật, chế tài xử lý tin giả, thông tin sai sự thật đang nằm rải rác ở trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mạng. Điều đó cho thấy hành lang pháp lý về quản lý thông tin trên mạng xã hội đã được xây dựng, chú trọng, thể hiện sự quyết tâm của cơ quan chức năng nhằm làm trong sạch, tạo môi trường an ninh thông tin, an toàn mạng ở nước ta. Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có luật về chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Theo tác giả, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành Luật Chống tin giả, thông tin sai sự thật để nhận diện các loại tin giả, tin sai sự thật và áp dụng các biện pháp, chế tài đủ mạnh, đảm bảo tính phòng ngừa và răn đe.
Về chế tài hành chính xử lý, hiện nay, mức xử phạt chưa tương xứng, còn áp dụng chung, chưa phân hóa xử lý mạnh tay đối với những hành vi cố tình bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật, vì lợi ích kinh tế, tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự - an toàn xã hội, gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức (tạo scandal, câu view, câu like) để bán hàng, thu lợi bất chính. Do đó, chưa đủ mạnh để răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, tình trạng phát hiện, xử phạt chưa kịp thời cũng là vấn đề cần xem xét, vì nếu không quyết liệt xử lý sẽ dẫn đến các đối tượng vi phạm coi thường luật pháp, bất chấp vì lợi ích nào đó mà vẫn vi phạm.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện chống tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Với lượng thông tin khổng lồ trên mạng xã hội thì việc quản lý, phát hiện để kịp thời xử lý các thông tin sai sự thật không đơn giản. Đây là nguyên nhân số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý trong thời gian qua còn khá khiêm tốn. Chúng ta chưa đủ nguồn lực để đấu tranh triệt để, bóc gỡ, ngăn chặn, phòng ngừa hữu hiệu mà chủ yếu là phát hiện và xử lý, bởi các rào cản về nền tảng, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống dữ liệu. Do đó, để làm trong sạch, lành mạnh môi trường thông tin mạng vẫn còn nhiều điều cần phải xử lý. Hiện nay, lực lượng chức năng thực thi công tác an ninh, an toàn an ninh mạng, xử lý vi phạm trên không gian mạng có Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an. Việc nghiên cứu xây dựng cơ quan điều phối, chuyên trách thực hiện phòng chống tin giả, tin sai sự thật là một giải pháp tính đến khi ban hành luật về chống tin giả, thông tin sai sự thật.
Thứ ba, quan tâm công tác tuyên truyền pháp luật, ý thức trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội.
Người tham gia mạng xã hội vẫn còn thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội, thiếu kiến thức nền tảng về sử dụng mạng xã hội, cung cấp thông tin nên dẫn đến việc họ cố tình hoặc vô ý tạo hoặc tiếp sức cho việc tạo ra, lan truyền và phát tán tin giả, thông tin sai sự thật. Vì vậy, cần có nhiều chương trình truyền thông, tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng, quy định xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, kỹ năng nhận biết tin giả, tin sai sự thật và cách phòng tránh, không chia sẻ, tương tác để người tham gia mạng xã hội nắm được, xây dựng lối sống văn minh, ứng xử văn hóa, có trách nhiệm, nêu gương sáng, việc tốt để lan tỏa các nội dung lành mạng trên môi trường mạng xã hội./.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên
Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội
Ảnh đại diện: internet
[1]https://dcca.org.vn/bao-cao-ve-ky-thuat-so-viet-nam-2024;https://thanhnien.vn/the-gioi-co-5-ti-nguoi-dung-mang-xa-hoi-185240202182423976.htm; https://vneconomy.vn/tang-truong-doanh-thu-quang-cao-viet-nam-nam-2022-dung-thu-2-khu-vuc-asean.htm.
[2] https://baophapluat.vn/xu-phat-2-nguoi-phu-nu-dua-tin-sai-su-that-ve-vu-chay-o-pho-trung-kinh-ha-noi-post514180.html.
[3] https://daidoanket.vn/dak-nong-bat-tam-giam-doi-tuong-dung-mang-xa-hoi-dang-tin-sai-su-that-10284826.html.
[4] Được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ.
[5] Được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ.