Rút ngắn thời gian đăng tải dự thảo lệnh, quyết định của Chủ tịch nước chỉ còn 20 ngày
Điều 12 và Điều 44 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định về việc ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Theo đó, đã rút ngắn thời gian đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ còn 20 ngày (so với 60 ngày ở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), trừ trường hợp điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác để phù hợp với thực tiễn, rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành văn bản nhằm đảm bảo tính kịp thời.
Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm từ 02 tháng đến 06 tháng
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có một số điểm mới đáng chú ý sau:
Thứ nhất, Nghị định của Chính phủ được xây dựng gồm 04 bước (Điều 27, 28, 29, 30, 31 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP): (i) đề xuất, (ii) tổ chức soạn thảo, (iii) thẩm định và (iv) trình xem xét, thông qua, riêng nghị định quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (nghị định “không đầu”) vẫn quy định như hiện nay. Với quy trình trong dự thảo thì tổng thời gian xây dựng, ban hành nghị định từ 1,5 tháng đến 03 tháng, trường hợp rút gọn còn nhanh hơn nữa. So với hiện hành, đã giảm từ 02 tháng đến 06 tháng.
Thứ hai, bổ sung quy trình xây dựng nghị quyết của Chính phủ đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, kịp thời, xử lý ngay vấn đề thực tiễn phát sinh (Điều 32, 33, 34 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP). Cụ thể, nghị quyết quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và thực hiện thí điểm một số chính sách khác với nghị định, nghị quyết của Chính phủ gồm 02 bước (i) soạn thảo, (ii) trình xem xét, thông qua, trong đó thời gian mỗi bước sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thay vì quy định “cứng” thời gian, quá trình xây dựng, ban hành có thể chỉ vài ngày. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng văn bản, nghị định quy định cơ quan chủ trì soạn thảo phải tổ chức họp thống nhất nội dung với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ.
Đối với nghị quyết thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ gồm 04 bước được thực hiện theo quy trình xây dựng nghị định.
Thứ ba, Nghị định số 78/2025/NĐ-CP sửa đổi, hoàn thiện trình tự, thủ tục trước khi trình Chính phủ thì dự thảo văn bản được các bộ, cơ quan ngang bộ trao đổi kỹ lưỡng và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách có ý kiến (Điều 29), từ đó bảo đảm dự thảo nghị định khi trình Chính phủ được thống nhất cao hoặc chỉ còn những vấn đề thực sự quan trọng, thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Quy định này nhằm phát huy vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo bộ, ngành trong việc thống nhất nội dung chính sách, dự án, dự thảo trước khi trình Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022, Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị, tuân thủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 25/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc trình Chính phủ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Thứ tư, Nghị định số 78/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về thành phần hồ sơ nghị định, nghị quyết (Điều 29, Điều 34), trong đó sửa đổi mẫu tờ trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 25/02/2025; bổ sung 01 tài liệu là bản so sánh, thuyết minh về nội dung của dự thảo.
Ngoài ra, Nghị định số 78/2025/NĐ-CP sửa đổi thủ tục đề xuất xây dựng nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện đơn giản và theo Chương trình công tác của Chính phủ (Điều 26); bổ sung quy định Chính phủ ban hành quy trình xây dựng nghị định, nghị quyết trong trường hợp đặc biệt mà không bắt buộc thực hiện đầy đủ quy trình (Điều 35).
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo xây dựng, ban hành và chịu trách nhiệm đối với việc xây dựng, ban hành thông tư
Việc xây dựng thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được quy định cụ thể từ Điều 39 đến Điều 41 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP, trong đó quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc chỉ đạo xây dựng, ban hành và chịu trách nhiệm đối với việc xây dựng, ban hành thông tư.
Ngoài ra, tương ứng với các quy định khác tại Nghị định số 78/2025/NĐ-CP, quy trình soạn thảo, thẩm định, xem xét, ký ban hành thông tư cũng được quy định đơn giản một số thủ tục, thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian tổng thể, bảo đảm việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng, chất lượng, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Việc phân công đơn vị thẩm định dự thảo thông tư cũng được quy định cho rõ ràng, cụ thể từng trường hợp do tổ chức pháp chế chủ trì soạn thảo hoặc không phải do tổ chức pháp chế chủ trì soạn thảo.
Rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước
Từ Điều 46 đến Điều 48 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước. Theo đó quy trình xây dựng và ban hành các văn bản này cũng được điều chỉnh theo hướng đơn giản hơn về hồ sơ, rút ngắn thời gian xây dựng.
Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch được quy định tại Điều 49 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Trong đó các quy định liên quan tới việc ban hành văn bản liên tịch giữa các cơ quan được nhóm lại tại một điều cho dễ theo dõi, quy trình và hồ sơ xây dựng, ban hành các văn bản này được đơn giản hóa và rút ngắn, dẫn chiếu tới các quy định khác của Luật như việc thẩm định và đăng tải dự thảo văn bản.
Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, Chương IV Nghị định số 78/2025/NĐ-CP cũng đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, theo đó, quy trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cũng được xây dựng theo hướng linh hoạt, hồ sơ đơn giản, rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành; trường hợp ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm thì bổ sung đánh giá tác động của quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định số 78/2025/NĐ-CP bổ sung cơ quan công an, quân sự cấp tỉnh, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền đề xuất xây dựng quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; sửa đổi, bổ sung việc thẩm định của Sở Tư pháp có tính linh hoạt, xác định trách nhiệm của thành viên hội đồng thẩm định hoặc người tham gia cuộc họp thẩm định tương tự như thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tự quyết định việc ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 50, Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 53 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Việc xây dựng, ban hành nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo thủ tục rút gọn và trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 35 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP, trong đó, việc ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có những điểm mới đáng chú ý sau:
Thứ nhất, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 kế thừa quy định hiện hành và sửa đổi, bổ sung một số quy định sau: (i) quy định rõ thời điểm đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là trước hoặc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính linh hoạt, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn ở bất kỳ thời điểm nào, khi phát sinh yêu cầu cần áp dụng; (ii) cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để xây dựng thông tư trong tất cả các trường hợp, tương tự như các loại văn bản quy phạm pháp luật khác; giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ tự quyết định việc ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn mà không cần phải xin ý kiến Bộ Tư pháp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; (iii) quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn với mục tiêu vừa đơn giản, hợp lý hoá quy trình nhưng vừa phải bảo đảm chất lượng của văn bản.
Thứ hai, đối với xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 bổ sung quy định về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt, trong đó quy định: (i) khi được Bộ Chính trị đồng ý và trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự hoặc sự kiện bất khả kháng hoặc các vấn đề cấp bách, quan trọng của đất nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt; (ii) Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan soạn thảo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, thông qua.
Minh Trí
Ảnh: internet