1. Quy định pháp luật về điều kiện vay vốn trong hợp đồng tín dụng của tổ chức tín dụng và một số vướng mắc, bất cập
Hiện nay, điều kiện cho vay vốn trong hợp đồng tín dụng của tổ chức tín dụng áp dụng đối với khách hàng vay được quy định tại Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN), cụ thể: “Điều 7. Điều kiện vay vốn: Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây: 1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. 2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp. 3. Có phương án sử dụng vốn khả thi. 4. Có khả năng tài chính để trả nợ. 5. Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh”. Theo đó, điều kiện cho vay vốn của tổ chức tín dụng đối với khách hàng gồm có đủ 05 điều kiện.
1.1. Điều kiện về chủ thể vay vốn
Chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân hoặc cá nhân (hay còn gọi khách hàng đi vay vốn), trong đó:
- Đối với khách hàng vay vốn là pháp nhân thì cần phải có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.
- Đối với khách hàng vay vốn là cá nhân thì phải bảo đảm 02 điều kiện sau đây: (i) Điều kiện về độ tuổi rơi vào 01 trong 02 nhóm tuổi sau: Nhóm tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và nhóm tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên. (ii) Điều kiện về khả năng nhận thức, tương ứng với 02 nhóm tuổi: Đối với nhóm tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đối với nhóm tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên, phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Với điều kiện này, tác giả nhận thấy có một số vấn đề như sau:
Một là, về độ tuổi vay vốn đối với khách hàng là cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: Theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 15 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có quy định: “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận”.
Như vậy, nếu trường hợp nhóm đối tượng này đi vay vốn tại các tổ chức tín dụng mà giữa các tổ chức tín dụng và nhóm đối tượng từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với khoản vay vốn tại tổ chức tín dụng mà liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký thì lúc này cần phải được người đại diện theo pháp luật của họ đồng ý (tức là cha, mẹ của người này). Do vậy, nếu quy định này đưa ra khi “cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi” thì được đáp ứng điều kiện vay vốn là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, vì cần phải đặt trong trường hợp họ đi vay có biện pháp bảo đảm trong hợp đồng tín dụng. Do đó, nếu chỉ quy định cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ nếu họ có biện pháp bảo đảm tại tổ chức tín dụng mà liên quan đến động sản, bất động sản thì cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của họ. Còn ngược lại, với quy định như trên vẫn đồng nghĩa với việc “cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi” thì được vay vốn, vậy khi họ thực hiện biện pháp bảo đảm nghĩa vụ vay thì vẫn do chính bản thân họ tự thực hiện? Nếu chính bản thân họ tự thực hiện thì sẽ vi phạm quy định trong giao dịch dân sự tại khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015. Mặc dù giữa hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm là 02 hợp đồng khác nhau, tuy nhiên, hợp đồng bảo đảm là cơ sở để phía tổ chức tín dụng cho vay (có cơ sở để thu hồi vốn sau này), nếu không bảo đảm về hợp đồng bảo đảm thì dù đủ điều kiện vay nhưng phía các tổ chức tín dụng cũng sẽ cân nhắc và có thể không cho vay bởi mang tính rủi ro và tính chịu trách nhiệm về mặt tài sản khi khách hàng là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Hai là, về xác định khả năng nhận thức: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về xác định về khả năng nhận thức của 02 nhóm tuổi: (i) Đối với nhóm tuổi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. (ii) Đối với nhóm tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cả 02 nhóm tuổi nêu trên tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đều sử dụng thuật ngữ “theo quy định của pháp luật”. Theo tác giả, việc quy định như vậy còn “mơ hồ” và mang tính bao trùm ở cả hệ thống văn bản pháp luật. Bởi lẽ, không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đã được quy định cụ thể tại Điều 22 và Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, về việc xác định năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên và là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chỉ trừ 03 trường hợp quy định tại Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: (i) Mất năng lực hành vi dân sự; (ii) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; (iii) Hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tóm lại, những vấn đề xác định cụ thể về khả năng nhận thức đối với chủ thể là cá nhân khi vay vốn thì chỉ có Bộ luật Dân sự năm 2015 mới là văn bản luật duy nhất quy định cụ thể và rõ ràng về vấn đề nêu trên, do đó, việc Thông tư số 39/2016/TT-NHNN khi xác định về khả năng nhận thức của 02 nhóm tuổi đều sử dụng thuật ngữ “theo quy định của pháp luật” là chưa phù hợp với thuộc tính của pháp luật về hình thức. Nếu quy định như trên, có thể hiểu rằng, sẽ có nhiều văn bản pháp luật khác quy định về vấn đề này, như vậy là chưa phù hợp, vì cách thức xác định năng lực hành vi dân sự đầy đủ, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ có quy định cụ thể và chi tiết trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
1.2. Điều kiện về mục đích vay vốn
Theo quy định thì mục đích vay vốn của khách hàng phải phục vụ vào mục đích hợp pháp. Như vậy, nếu khách hàng vay vốn sử dụng vào mục đích bất hợp pháp thì tổ chức tín dụng sẽ không cho vay. Vấn đề này hiện nay tại Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có đề cập những nhu cầu vốn không được cho vay, theo đó, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn sau đây: (i) Để thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh. (ii) Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm. (iii) Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh. (iv) Để mua vàng miếng. (v) Để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. (vi) Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh; thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Thông qua quy định nêu trên, tác giả nhận thấy, quy định tại khoản 5 Điều này có sử dụng cụm từ “trả nợ khoản nợ vay”, “dự toán xây dựng công trình” và tại khoản 6 Điều này cũng sử dụng cụm từ “trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác”. Đây là các thuật ngữ chưa thực sự phù hợp với tính chất quy định của pháp luật. Chính vì vậy, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định số 312/QĐ-NHNN ngày 14/3/2017 để đính chính lại các cụm từ như sau: (i) Cụm từ “trả nợ khoản nợ vay” được đính chính thành “trả nợ khoản cấp tín dụng”. (ii) Cụm từ “dự toán xây dựng công trình” được đính chính thành “tổng mức đầu tư xây dựng”. (iii) Cụm từ “trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác” được đính chính thành “trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác”.
Mặc dù đã được đính chính trong Quyết định số 312/QĐ-NHNN, tuy nhiên, khi đối chiếu với Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì đây không thuộc hệ thống của văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, cùng một quy định pháp luật mà được tách ra một nửa là thuộc văn bản quy phạm pháp luật và một nửa lại không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, như vậy là chưa hợp lý và chưa mang tính đồng bộ trong quá trình áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, thông qua điều kiện về mục đích vay vốn, tác giả nhận thấy, trên thực tiễn, rất khó chứng minh rằng khách hàng đó vay vốn sử dụng vào mục đích như thế nào? Bởi lẽ, có thể hợp thức hóa trong hợp đồng tín dụng ghi là sử dụng vào vào mục đích hợp pháp nhưng khi khách hàng mang tiền về sử dụng lại sử dụng vào mục đích bất hợp pháp khác, vấn đề này rất khó kiểm soát về nguồn tiền mà khách hàng sử dụng. Do vậy, việc đặt ra quy định này cũng chỉ là một điều kiện mang tính hợp thức để bảo đảm điều kiện về mặt hình thức trong hợp đồng, mà không có nghĩa rằng sẽ giải quyết triệt để về góc độ thực tiễn.
1.3. Điều kiện về phương án sử dụng vốn
Về phương án sử dụng vốn, tại khoản 3 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN chỉ đưa ra một quy định khá ngắn gọn là có phương án sử dụng vốn mang tính khả thi. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng, như thế nào mang tính khả thi? Vấn đề này còn trừu tượng, do vậy, cần phải quy định cụ thể, rõ ràng về phương án mang tính khả thi.
1.4. Điều kiện về khả năng tài chính
Khả năng tài chính ở đây chính là khả năng để trả nợ của khách hàng khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Như vậy, việc minh chứng một khách hàng có khả năng để trả nợ khi vay vốn hiện nay chưa được thể hiện và hướng dẫn cụ thể ở một văn bản pháp luật nào, bởi lẽ, thuật ngữ “có khả năng” cũng còn mang tính “mơ hồ”, “có khả năng” sẽ khác với “có đủ khả năng”. Như vậy, thuật ngữ “có khả năng” vẫn còn mang tính chưa chắc chắn. Vậy, một người bình thường thì họ vẫn có khả năng tài chính, bởi lẽ nếu sử dụng thuật ngữ “có khả năng” thì ai cũng có thể có khả năng tạo ra nguồn thu nhập trong thời gian gần.
1.5. Điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh
Điều kiện này được đặt ra trong trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn: (i) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; (ii) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; (iii) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iv) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; (v) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao.
Như vậy, điều kiện này chỉ được đặt ra trong trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay khi rơi vào 05 trường hợp tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, khi đó, khách hàng mới được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Do vậy, đây không phải là điều kiện bắt buộc phải có để áp dụng đối với khách hàng đi vay vốn tại tổ chức tín dụng, chỉ khi nào khách hàng vay vốn theo mức lãi suất mà rơi vào 05 trường hợp trên thì mới đặt ra điều kiện này để xem xét. Tuy nhiên, ngay tại đoạn đầu tiên của Điều 7 Thông tư này có đề cập quy định: “Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:..” cho thấy, việc sử dụng thuật ngữ “đủ” được hiểu là bắt buộc phải đủ 05 điều kiện như tác giả đã phân tích phía trên, điều này là chưa chính xác và chưa logic, bởi lẽ, tại khoản 5 Điều 7 của Thông tư này thì điều kiện này không phải là điều kiện bắt buộc. Do đó, việc Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đề cập thuật ngữ “đủ” khi viện dẫn 05 khoản trong điều luật là chưa phù hợp với tính chất, nội dung và với cách hiểu về quy định pháp luật.
2. Một số kiến nghị
Từ những vấn đề đã phân tích ở trên, tác giả kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện vay vốn trong hợp đồng tín dụng theo hướng: (i) Tại Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cần chia làm 02 khoản, trong đó, khoản 1 quy định về điều kiện cho vay, còn khoản 2 quy định về điều kiện khác ngoài điều kiện tại khoản 1; (ii) Sửa đổi cụm từ “theo quy định của pháp luật” tại khoản 1 thành “theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Cụ thể:
“Điều 7. Điều kiện vay vốn
1. Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
a. Đối với pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Đối với trường hợp khách hàng là cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nếu trong trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay liên quan đến động sản hoặc bất động sản phải đăng ký thì cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.
b. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
c. Có phương án sử dụng vốn khả thi.
d. Có đủ khả năng tài chính để trả nợ thông qua những minh chứng về nguồn thu nhập thực tế trong thời gian 02 năm trở lại, kể từ thời điểm vay vốn.
2. Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, ngoài những điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, thì khách hàng phải được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh”.
ThS. Trần Văn Từ
Đại học Luật, Đại học Huế