Với 416/443 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Nghị quyết số 197/2025/QH15 gồm 12 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Nghị quyết không chỉ đề cập đến quy trình lập pháp, mà còn nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật từ cơ sở đến Trung ương, góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, tăng tính khả thi và hiệu quả khi đi vào cuộc sống.
Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định 08 nhiệm vụ, hoạt động được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, gồm: (i) nghiên cứu chiến lược, chính sách để xây dựng quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng về xây dựng pháp luật tại cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; (ii) xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật quốc tế; (iii) giải quyết tranh chấp quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý khác phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; (iv) theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; (v) đối thoại, giải quyết kiến nghị, phản ánh khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương; (vi) đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành và nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; (vii) tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; thu hút, trọng dụng nhân tài, sử dụng chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật; (viii) phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật
Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định (Điều 7), người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp). Bao gồm: đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách; lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết.
Trường hợp cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định; Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định; Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Quy định đối tượng khác được hỗ trợ hàng tháng tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị quyết.
Quy định tại khoản 1 Điều 7 không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 7. Khoản hỗ trợ hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 7 được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Nghị quyết được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều 7 thuộc đối tượng được hưởng đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ hằng tháng thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.
Nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng
Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên hơn khi xét tuyển vào cơ quan, đơn vị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết. Chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, người thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết được ưu tiên cử tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài phù hợp với yêu cầu công tác.
Thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.
Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, nghiên cứu viên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết được ưu tiên quy hoạch, biệt phái, điều động, luân chuyển giữa các Bộ, ngành, địa phương; được rút ngắn thời gian xét nâng lương, nâng ngạch cao hơn, nâng ngạch vượt cấp hoặc bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết quả đánh giá năng lực, thành tích làm việc.
Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế; đưa chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế.
Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang được lựa chọn tham gia, làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế được hưởng chế độ, chính sách tham gia, làm việc tại các tổ chức quốc tế này và giữ nguyên chế độ, chính sách trong nước.
Người đứng đầu cơ quan quản lý người được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc để bảo đảm yêu cầu, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.
Thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp
Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Việc thành lập Quỹ chủ yếu để hỗ trợ nghiên cứu chính sách từ sớm, nhằm chủ động đánh giá, lựa chọn chính sách làm cơ sở xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị; không tập trung hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể (trừ trường hợp một số ít dự án, nhiệm vụ, hoạt động cần bổ sung kinh phí)...
Quỹ có mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho dự án, nhiệm vụ, hoạt động không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí nhằm tạo thay đổi đột phá, tích cực, hiệu quả, bền vững về xây dựng pháp luật, bao gồm: (i) nhiệm vụ, hoạt động nghiên cứu, hoạch định chiến lược về xây dựng pháp luật; (ii) nhiệm vụ, hoạt động nghiên cứu chính sách, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tham gia xây dựng pháp luật quốc tế; (iii) nhiệm vụ, hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn tham gia nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật; (iv) tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn pháp lý trong nước, quốc tế; (v) hỗ trợ nghiên cứu xây dựng Đề án soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, chuyên nghiệp; (vi) hỗ trợ một số hoạt động giám sát thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; (vii) hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật; (viii) hỗ trợ nhiệm vụ, hoạt động khác trong xây dựng pháp luật theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền hoặc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.
Quỹ được Nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết; được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý Quỹ được quyền khoán chi, điều chỉnh nội dung chi theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị quyết; phù hợp với nhu cầu phát sinh và chi phí thực tế theo thị trường hoặc theo loại hình dịch vụ, công việc tại thời điểm thực hiện nhiệm vụ, hoạt động.
Trường hợp có hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ tổ chức, cá nhân gắn với mục tiêu chuyên đề thì cơ quan quản lý Quỹ phải sử dụng đúng nguồn kinh phí hỗ trợ đáp ứng mục tiêu chuyên đề đó. Việc nhận nguồn hỗ trợ hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước từ các tổ chức, cá nhân trong nước và việc sử dụng Quỹ phải bảo đảm minh bạch, công khai, gắn với thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, quản lý hoạt động đối ngoại. Các khoản hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cho công tác xây dựng pháp luật vào Quỹ được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Tổ chức và hoạt động của Quỹ thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Minh Trí
Ảnh: internet