Trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới về việc “Thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật. Có cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật. Thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công. Hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị”; đường lối, chủ trương của Đảng về nguồn nhân lực tại văn bản khác có liên quan; yêu cầu về thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, Nghị quyết số 197/2025/QH15 có nhiều quy định về chính sách về đảm bảo thu hút, đãi ngộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng cho nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật
Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định về chế độ hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ, công chức tại một số cơ quan Trung ương và địa phương theo danh mục được Quốc hội quy định tại Phụ lục I kèm theo, theo hướng có sự phân hóa các nhóm:
- Cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang tại cơ quan, đơn vị ở Trung ương trực tiếp, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, pháp chế (theo Mục I Phụ lục I của Nghị quyết); cán bộ, công chức trực tiếp, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu viên của tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách trong lĩnh vực pháp luật; cán bộ, công chức trực tiếp, thường xuyên tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế được hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng. Khoản hỗ trợ được trả cùng kỳ lương và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
- Cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị ở địa phương trực tiếp, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, pháp chế (theo Mục II Phụ lục I của Nghị quyết) được hưởng hỗ trợ hàng tháng theo mức do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và bố trí từ ngân sách của địa phương.
Ngoài ra, Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định thu nhập có được từ hoạt động xây dựng pháp luật được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước. Cá nhân thuộc đối tượng được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt mà không có nhà ở tại địa phương nơi công tác thì được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà không phải đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Nhà ở và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Nghị quyết số 197/2025/QH15 khẳng định rõ chế độ, chính sách nêu trên “không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên”.
Quy định như trên tại Nghị quyết số 197/2025/QH15 xuất phát từ cơ sở thực tiễn, công tác xây dựng pháp luật được xem là hoạt động đóng góp vào việc xây dựng thượng tầng kiến trúc của xã hội với tính chất khó khăn, phức tạp, kéo dài, áp lực, chịu trách nhiệm lớn, mang tính trí tuệ cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật phải có trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm, dành thời gian tập trung cho công việc và cần có chế độ đãi ngộ tương xứng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hiện chưa có cơ chế đặc biệt về đãi ngộ, động viên về nguồn lực để thu hút, “giữ chân” nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật; chưa có cơ chế để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm, tập trung làm việc, phát huy khả năng trong công tác xây dựng pháp luật. Theo quy định, cán bộ, công chức làm công tác xây dựng chính sách, pháp luật hưởng thu nhập cơ bản là tiền lương (01 lần lương); nhóm cán bộ, cồng chức ở Trung ương nói chung được chế độ phụ cấp công vụ (25%); nhóm cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được hưởng mức hỗ trợ là 60.000 đồng/ngày làm việc, ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được hưởng mức hỗ trợ là 40.000 đồng/ngày làm việc. Thực trạng này góp phần dẫn đến việc tỷ lệ cán bộ, công chức có kinh nghiệm, năng lực xây dựng pháp luật không gắn bó lâu dài với công việc, có xu hướng tìm kiếm công việc khác có thu nhập cao hơn. Ở khía cạnh khác, đã có một số quy định tại văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận chế độ đặc thù cho cán bộ, công chức theo ngành, địa phương (theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 37 loại vị trí việc làm hoặc cơ quan đã có cơ ché đặc biệt về tiền lương; có đơn vị được chi bổ sung thu nhập 03 lần tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ theo quy định). Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật vì thu nhập còn thấp nên gặp khó khăn về chỗ ở, tuy nhiên, việc tiếp cận nhà ở xã hội còn khó do tiêu chí, điều kiện để được mua, thuê mua, thuê.
Bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dụng pháp luật
Trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66-NQ/TW về việc “thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thỉ hành pháp luật”; đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng pháp luật tại văn bản khác có liên quan; yêu cầu bảo đảm hơn cơ chế khả thi, linh hoạt, hiệu quả trong thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhận lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và thực trạng nguồn nhân lực hiện tại, Nghị quyết số 197/2025/QH15 quy định Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật, bao gồm:
- Người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên hơn khi xét tuyển vào cơ quan, đơn vị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết này. Chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Người thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 197/2025/QH15 được ưu tiên cử tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài phù hợp với yêu cầu công tác.
- Thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.
- Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, nghiên cứu viên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 197/2025/QH15 được ưu tiên quy hoạch, biệt phái, điều động, luân chuyển giữa các Bộ, ngành, địa phương; được rút ngắn thời gian xét nâng lương, nâng ngạch cao hơn, nâng ngạch vượt cấp hoặc bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết quả đánh giá năng lực, thành tích làm việc.
- Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế; đưa chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế.
- Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang được lựa chọn tham gia, làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế được hưởng chế độ, chính sách tham gia, làm việc tại các tổ chức quốc tế này và giữ nguyên chế độ, chính sách trong nước.
- Người đứng đầu cơ quan quản lý người được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc để bảo đảm yêu cầu, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.
Quy định này nhằm khắc phục bất cập về việc chế độ tuyển dụng, sử dụng cán bộ thực hiện theo quy định chung và không có quy định riêng để thu hút được người tài vào làm công tác xây đựng pháp luật; việc xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải do cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện, chỉ được thuê, mời chuyên gia với tư cách cá nhân tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập của dự án luật; cơ chế hiện hành cho thấy cũng khó có thể huy động chuyên gia, nhà khoa học đóng góp vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chưa có cơ chế cho phép thành lập Tổ xây dựng/nghiên cứu dự án luật độc lập hay thuê các đơn vị, tố chức xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật; chưa có chính sách đủ mạnh để sử dụng chuyên gia giỏi (người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài) tham gia vào các nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Việt Nam.
Minh Trí
Ảnh: internet