Dự thảo Luật có bố cục gồm 04 điều, trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 23 điều, 01 tên mục; bổ sung mới 01 điều; bãi bỏ 09 điều, 02 khoản của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; Điều 2 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của 14 luật liên quan; Điều 3 về quy định chuyển tiếp; Điều 4 về hiệu lực thi hành. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nội dung sau: (i) sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của các Tòa án nhân dân; (ii) sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; (iii) sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Thẩm phán Tòa án nhân dân; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.
Theo đó, dự thảo Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Đề xuất bỏ Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện; thành lập Tòa án nhân dân khu vực
Về mô hình tổ chức Tòa án, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Tòa án nhân dân cấp huyện); thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Tòa án nhân dân cấp tỉnh); Tòa án nhân dân khu vực (sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
Đối với Tòa án quân sự giữ nguyên như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 gồm: Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân tối cao
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, dự thảo Luật bổ sung khoản 3a Điều 46 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 “phúc thẩm vụ án hình sự mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật”.
Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao có các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (sửa đổi, bổ sung Điều 47 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao được dự thảo Luật bổ sung thành một điều luật (Điều 49a), theo đó, Tòa này có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:
“Điều 49a. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao
1. Phúc thẩm vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật.
2. Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật.
3. Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ.
4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 3 của Luật này.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”.
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng Tòa án nhân dân cấp tỉnh “sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của luật” (sửa đổi, bổ sung Điều 55 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024). Trong khi đó, khoản 1 Điều 55 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh “sơ thẩm vụ án, vụ việc theo quy định của luật”. Điều này có thể được hiểu dự thảo Luật thu hẹp thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Đặc biệt, đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật. Nội dung này được bổ sung bởi khoản 3a Điều 55 và điểm a1 khoản 2 Điều 57 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Cơ cấu lại Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân khu vực
Dự thảo Luật cơ cấu lại các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thành Tòa án nhân dân khu vực. Với việc cơ cấu như vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân khu vực gồm: (i) sơ thẩm vụ án, vụ việc theo quy định của luật; (ii) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, d, đ, g khoản 2 Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; (iii) thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ; (iv) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật (Điều 59 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực theo hướng bổ sung quy định tại một số Tòa án nhân dân khu vực thành lập các Tòa chuyên trách gồm Tòa phá sản, Tòa sở hữu trí tuệ và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Lý giải cho việc sửa đổi, bổ sung trên, cơ quan soạn thảo cho biết, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định trong hệ thống Tòa án có các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, phá sản, hành chính. Theo mô hình tổ chức Tòa án mới, do khối lượng vụ việc về sở hữu trí tuệ, phá sản chưa nhiều nên trước mắt không tổ chức các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt như một cấp Tòa án. Tuy nhiên, đây là loại việc khó, phức tạp và ngày càng tăng theo tốc độ phát triển kinh tế của đất nước; cần có nhân lực chuyên trách là người không chỉ chuyên sâu về pháp luật mà cần được đào tạo, kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, kinh tế, tài chính... Đối với vụ việc phá sản, cần phải giải quyết các mối quan hệ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu tuyên bố phá sản gồm quan hệ hành chính, lao động, hình sự, dân sự, kinh tế, sở hữu trí tuệ,... Việc giải quyết những loại vụ việc này đòi hỏi phải được tổ chức chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cả về bộ máy và con người. Vì vậy, cần thành lập các Tòa chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước. Việc thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, phá sản là việc làm cần thiết để hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế.
Ngoài những sửa đổi, bổ sung nêu trên, dự thảo Luật còn gồm những nội dung cơ bản như: sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Thẩm phán Tòa án nhân dân; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của 14 luật có liên quan để phù hợp với thẩm quyền mới của các Tòa án nhân dân; quy định chuyển tiếp về việc chuyển giao các vụ việc đang do các Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết trước ngày Luật này có hiệu lực.
Theo Tòa án nhân dân tối cao, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân. Căn cứ điểm b khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Hiện dự thảo Luật đang được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ được thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp này diễn ra từ ngày 11/6/2025 - 28/6/2025.
Uyên Nhi
Ảnh: Internet