Tăng cường ứng dụng AI trong xử lý vi phạm hành chính
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý là các quy định liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 18a dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là một điều mới được quy định để tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính, cụ thể hóa tinh thần chuyển đổi số theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về nội dung này, các đại biểu cho rằng Điều 18a quy định Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính: “Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện trên môi trường điện tử theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về giao dịch điện tử trong trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử lý, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin” mới chỉ dừng ở mức “khuyến khích” không có tính chất bắt buộc dẫn đến việc áp dụng không đồng đều giữa các địa phương, các bộ, ngành, đặc biệt là đối việc sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong thời gian sắp tới. Việc quy định về “đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin” khiến nhiều cơ quan có thể né tránh trách nhiệm với lý do về năng lực, hạ tầng chưa bảo đảm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa đề cập đến ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác xử lý vi phạm hành chính. Việc bỏ qua yếu tố ứng dụng AI sẽ là một khoảng trống lớn trong bối cảnh cả nước đang thúc đẩy chuyển đổi số theo tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Vì vậy, cần cụ thể hóa Mục 6 Phần 3 Nghị quyết số 66-NQ/TW về tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật vào dự thảo Luật.
Xác định các chức danh có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính
Để vừa bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến bổ sung 01 điều (Điều 37a) về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Luật quy định chức danh, hệ thống lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và giao Chính phủ quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh. Đồng thời, quy định rõ đối với trường hợp thành lập cơ quan mới (không do tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chia tách) dẫn đến phát sinh các chức danh mới chưa được quy định thì thẩm quyền xử phạt của chức danh mới do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Ngoài ra, dự thảo Luật đã có những quy định xử lý các vấn đề về chuyển tiếp hiệu lực thi hành, để bảo đảm hoạt động thông suốt, liên tục trong thực hiện quản lý nhà nước, không có “khoảng trống” pháp lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật lược bỏ các điều từ 38 đến 51 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh.
Liên quan đến thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của Thanh tra viên, Trưởng đoàn Thanh tra từ khi công bố quyết thanh tra đến trước khi ban hành kết luận thanh tra và đề nghị sửa lại cụm từ “… Thanh tra viên, Trưởng đoàn Thanh tra…” thành “… Trưởng đoàn Thanh tra, Thanh tra viên…” để đảm bảo thứ tự và cách hiểu thống nhất. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm chức danh có thẩm quyền xử phạt là người đứng đầu các Phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã vì các Phòng chuyên môn cấp xã cũng có vai trò tham mưu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tương tự như ở cấp sở. Việc bổ sung này cũng phù hợp với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền về cơ sở, giúp giảm áp lực cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và nâng cao tính chủ động, tính kịp thời trong xử lý vi phạm trong những lĩnh vực cơ quan chuyên môn phụ trách.
Bảo đảm linh hoạt trong việc xác định thời hiệu xử phạt hành chính
Về việc sửa đổi thời hiệu xử phạt là 06 tháng, kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vi phạm tại điểm c khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật, theo các đại biểu là chưa phù hợp, vì khi cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vi phạm của cơ quan tố tụng thì các hành vi vi phạm cơ bản đã được cơ quan chức năng phát hiện, xác lập rõ ràng, đủ cơ sở để xử lý vi phạm hành chính. Do đó, quy định này không cần thiết và không có ý nghĩa. Mặt khác, quy định thời hiệu không quá 03 năm trong trường hợp này cũng chưa thật sự hợp lý, vì có những vụ việc hình sự có thể kéo dài hơn thời gian 03 năm do nhiều nguyên nhân như phải phúc thẩm, giám đốc thấm, tái thẩm, điều tra, xét xử lại… Do đó, nếu áp dụng quy định thì nhiều vụ việc vi phạm hành chính sẽ không xử phạt được mà đáng lẽ phải xử phạt để đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe và công bằng của pháp luật. Bên cạnh đó, quy định này cũng mâu thuẫn với quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt theo khoản 3 Điều 63 dự thảo Luật đối với vụ việc vi phạm hành chính do cơ quan tố tụng hình sự chuyển đến. Vì vậy, đề xuất sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật theo hướng “Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý không tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản tại Điều 56 dự thảo Luật cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Theo đó, trường hợp hành vi vi phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật xử lý vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản. Về vấn đề này, các đại biểu đề nghị xem xét theo hướng nên giao Chính phủ quy định chi tiết áp dụng đối với một số lĩnh vực phù hợp, tránh gây khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Vì, trong thực tiễn, có nhiều dạng hành vi vi phạm thuộc trường hợp này nhưng không thể không lập biên bản vi phạm hành chính, như các hành vi mà việc phát hiện, xác lập hành vi vi phạm phải thông qua quá trình kiểm tra, xác minh, làm việc… hoặc vụ việc có nhiều hành vi khác thuộc trường hợp phải lập biên bản vi phạm hành chính.
Hoàng Trung